Tiến sĩ Lê T. Phụng |
Bên cạnh hàng trăm khách tham dự, với sự kiểm soát an ninh chặt chẽ, còn có gần 100 cựu chiến hữu hải quân, từng phục vụ trên 3 chiến hạm cùng tên, xuyên qua đệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến và chiến tranh Việt Nam.
Trong vai trò một khách danh dự, tiến sĩ Lê T. Phụng, lên tiếng: "Nếu không có chiến hạm STERETT cứu vớt chúng tôi, tôi đã không thể là mình như ngày hôm nay". Trong phần ghi ơn thuỷ thủ đoàn của con tàu mang tên Sterett, gần 25 năm trước, đã cứu vớt 125 thuyền nhân VN, trong lòng con tàu mong manh, trên một hải trình gần như tuyệt vọng. Tiến sĩ Lê T. Phụng nói tiếp, "Chiến hạm USS STERETT đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Được con tàu này cứu vớt là quả một khúc quanh cho đời mình!".
Tiến sĩ Lê T. Phụng lên tiếng mang ơn thuỷ thủ đoàn con tàu này, đã cứu sống cô và 124 người khác, vào ngày 22 tháng 7 năm 1982, sau nhiều ngày đêm trôi dạt trên biển Nam Hải, trên một con tàu vượt thoát mong manh. Theo cô, sau khi lên bong tàu chiến hạm USS STERETT, mọi người mới vỡ lẽ là không biết mình từng trực chỉ hướng nào, máy dầu tàu đã cạn kiệt, con tàu tiếp tục trôi dạt trên biển khơi vô định, và trên tàu không còn thực phẩm.Trong hoàn cảnh phiêu lưu đó, bỗng có người nghe tiếng động cơ máy bay ở trên cao, rồi cuối chân trời là bóng đen của một chiến hạm cứu tinh. Và chỉ vài giờ sau đó, 125 thuyền nhân VN leo lên lưới an toàn để lên con tàu cứu mạng. Chiến hạm USS STERETT này là tên con tàu thứ ba trong gia phả cùng tên, một loại tuần dương hạm diệt lôi hạng nhẹ mang số sườn DLG-31 (hạ thuỷ năm 1967 và giải nhiệm năm 1994).
Ba năm sau khi chiến hạm USS STERETT (DLG-31) giải nhiệm, cô Lê T. Phụng tốt nghiệp học trình tiến sĩ tại đại học Chicago (University of Chicago) và hiện nay đang đảm trách vai trò chuyên gia nghiên cứu về khoa sinh học phân tử tại viện đại học này.
Tuần dương hạm diệt lôi USS STERETT (DLG-31), từng tham chiến tại Việt Nam qua nhiều hải vụ tuần tiễu, truy kích, phong toả và cứu vớt trên dọc hải trình từ Vịnh Bắc Việt (Gulf of Tonkin) xuôi ngược chiều dài duyên hải Việt Nam trên vùng hải phận Biển Nam Hải.
Trong một hải vụ tại Vịnh Bắc Việt trong Muà Hè Đỏ Lửa 1972, chiến hạm USS STERETT (DLG-31) từng góp mặt trong trận đánh ngoài khơi Đồng Hới.
Tuần lễ cuối tháng 3/1972, trong hải đoàn đặc nhiệm tuần tiễu, phi yểm và hải pháo từ ngoài khơi Đồng Hới, gồm có soái hạm USS OKLAHOMA CITY và 2 diệt lôi hạm bạn, USS LLOYD THOMAS (Đ-764), USS HIGBEE (Đ-806), chiến hạm USS STERETT (DLG-31) đã anh dũng đóng góp phần mình trong những công tác phá huỷ các mục tiêu địch, gồm nhiều địa điểm duyên phòng, kho chứa nhiên liệu, dàn phóng hoả tiễn SAM, và các đài kiểm báo cận duyên, dọc theo vịnh Bắc Việt.
Nhờ ở trang bị kỹ thuật tối tân và khả năng hành thuỷ cao, cũng như tinh thần chiến đấu của thuỷ thủ đoàn, chiến hạm USS STERETT (DLG-31) đã thoát nạn phi tiễn từ 4 chiếc phi cơ MIG-17's của địch quân bay ra từ lòng núi, cũng như yểm trợ cho chiến hạm bạn USS HIGBEE (Đ-806) thoát thân trong lúc gặp nạn từ một quả bom 250 cân rơi xuống ổ đại pháo ở sân sau, gây ra đám cháy lớn và làm bị thương 4 nhân viên trọng pháo.
Trận hải phi chiến 19/4/1972 ngoài khơi Đồng Hới kéo dài chỉ vài giờ đồng hồ, mang lại sự thiệt hại nhẹ cho các chiến hạm tham trận, và thiệt hại nặng nề cho đối phương - 1 MIG-17 bị bắn hạ bởi hoả tiễn Terrier từ USS STERETT, 2 diệt lôi đỉnh bị đánh chìm bởi hải pháo của các diệt lôi hạm THOMAS và HIGBEE.
Ngày hôm sau, chiến hạm USS STERETT (DLG-31) hộ tống lôi hạm bị thương USS HIGBEE (DD-806) vào hải khu Đà Nẵng, trước khi chiến hạm ngộ nạn này đi sửa chữa tại HQCX Phi Luật Tân ở Vịnh Subic Bay.
Tươi vui trong nụ cười toàn miệng, tiến sĩ Lê T. Phụng đã cùng với quan khách tham dự đập chai xâm banh vào mạn tàu, và níu kéo những dây hoa giấy xanh trắng đỏ trong buổi lễ đặt tên cho chiến hạm mang số 104 này, vẫn nằm trong ụ nổi của HQCX Bath Iron Works, cho đến ngày hạ thuỷ, tháng 6 năm 2008.
Dòng họ 4 đời gia phả chiến hạm USS STERETT bắt đầu từ tên một diệt lôi hạm mang số sườn Đ-27 (hạ thuỷ năm 1910, giải nhiệm 1919) trong thời đệ nhất thế chiến. Sau đó, trong thế chiến thứ hai, một chiến hạm diệt lôi khác ra đời, Đ-407 (hạ thuỷ năm 1938 và giải nhiệm năm 1945). Cả hai, đều mang chiến tích hào hùng của hai lần thế chiến.
Chiến hạm thứ ba trong gia phả này, anh dũng trong thời chiến, nhân ái trong thời bình, con tàu ân nhân của 125 thuyền nhân tỵ nạn, trong đó có tiến sĩ Lê T. Phụng, USS STERETT (DLG-31) đã giải nhiệm năm 1994, sau một thời gian dài tung hoành trên biển cả từ lúc hạ thuỷ năm 1967.
Chiến hạm thứ tư, USS STERETT (ĐG-104), được mô tả là loại chiến hạm tối tân, hành thuỷ cao, kỹ thuật mới, trang bị hoả tiễn viễn khiển AEGIS, hôm thứ bảy, đã có một bà Mẹ nuôi gốc Việt, trong lễ đặt tên (Christening ceremony) đầy ý nghĩa.
Tên gia phả 4 đời chiến hạm này, STERETT, đến từ tên của nhà đi biển và là một anh hùng hải quân của Hải Lực Hoa Kỳ, hải quân đại uý ANDREW STERETT, viên sĩ quan hải pháo anh dũng của chiến thuyền CONSTELLATION đã cùng thuỷ thủ đoàn đánh bại chiến thuyền cùng loại của hải quân Pháp, L'INSURGENTE, trong trận hải chiến kỳ lạ, không tuyên chiến, nhưng bách thắng, chiến thắng đầu tiên của hải sử Hoa Kỳ, vào năm 1799.
BIW, hỗn danh của Hải Quân Công Xưởng BATH, "thuỷ xưởng xưởng tắm thép" (Bath Iron Works) của tiểu bang MAINE, con tàu ĐG-104 đang nằm nôi, và thuỷ thủ đoàn tân lập đang mong chờ ngày hạ thuỷ con tàu thứ bốn mang danh anh hùng hải chiến STERETT, vào tháng 6 năm 2008, trên dòng nước sông KENNEBEC. Nơi ngự trị, trên 100 năm nay, thuỷ xưởng đầu đời của Hải quân Hoa Kỳ, vang danh "The Yard", ý nói "từng thước thép tao luyện" trong lòng một thuỷ xưởng lừng danh "The (Ship) Yard".
Chúc mừng tiến sĩ Lê T. Phụng trong giây phút hãnh diện của người Việt tỵ nạn làm lễ đặt tên cho một chiến hạm, với hình ảnh đổi đời, một phần tư thế kỷ hiện về.
Ngày 22/7/1982
Biển Đông
Tung độ: không biết;
Hoành độ: không rõ;
Hướng đi: hải trình tìm Tự Do.
(theo AP và IHT);(VNN)