Hôm nay,  

Ra Mắt Sách ‘Nhìn Lại Sử Việt’ Của Tiến-Sĩ Lê Mạnh Hùng

15/11/200700:00:00(Xem: 10319)

Dù được thông-báo và tổ-chức trong một thời-gian kỷ-lục, buổi ra mắt sách Nhìn Lại Sử Việt của Tiến-sĩ Sử-học Lê Mạnh Hùng hôm Chủ-nhật vừa qua, 11 tháng 11, tại Mason District Government Center trên đường Columbia Pike cũng đã thu hút được gần 100 người đến dự, hầu hết là những thức-giả hằng quan-tâm đến đời sống văn-hoá của người Việt hải-ngoại ở trong vùng.

 Sở dĩ ta có thể nói được là kỷ-lục bởi Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, theo nữ-sĩ Trương Anh Thuỵ, một nhân-vật chủ chốt trong nhà xuất bản, “chúng tôi được biết quyết-định của tác-giả Lê Mạnh Hùng gần như trong chớp nhoáng khi ông có một cơ-hội sang Mỹ từ Luân-đôn.”

Mở đầu buổi ra mắt, ông Nguyễn Ngọc Bích đã trình bày đây chỉ là một cuộc trao đổi thân-tình giữa một số bạn độc-giả và tác-giả nhân dịp ông đi qua vùng Thủ-đô trên đường đi Cali.  Dù sách mới chỉ in xong gần đây song không ít bạn đọc đã có dịp xem qua một số bài trong loạt bài “Tản mạn lịch sử” của Tiến-sĩ Lê Mạnh Hùng trên mặt báo Việt Tide trong mấy năm qua, giờ đây được gom lại và đúc lại để cho liền lạc và thành một tác-phẩm thống nhất.  Cuốn sách mới, Nhìn Lại Sử Việt, còn có tiểu-tựa là “Từ tiền-sử đến tự-chủ,” còn cho ta thấy đây mới chỉ là tập đầu trong một bộ sử nhiều tập do Tổ Hợp XBMDD nhằm tung ra để khi hoàn-tất có thể thành một bộ thông-sử tiêu-chuẩn cho thế-hệ ngày nay.

Quan-điểm Tổ Hợp

Sau khi giới-thiệu tiểu-sử tác-giả ông Bích đã trình bầy những lý-do vì sao Tổ Hợp XBMDD, một nhà xuất bản nhỏ đã hoạt-động từ năm 1985, đã chọn in bộ sử này.  Ông cũng nhân cơ-hội này hé cho ta thấy vai trò của một nhà xuất bản là có thể nâng giá-trị của tác-phẩm bằng cách trình bầy, sắp xếp các “headers” (dòng lược-dẫn nội-dung nơi đầu trang) hoặc thêm vào những phụ-trương có ý nghĩa (như bản-đồ, phụ-trương hình ảnh, v.v.).

“Viết sử là một công-trình không dễ thực-hiện,” ông nói. “Viết sử về một quốc gia có lịch-sử lâu đời trải dài trên nhiều nghìn năm lại càng khó khăn hơn nữa.  Vì sao"  Vì nhiều lý-do: Tài-liệu, sử-liệu thiếu sót hoặc mâu thuẫn; người xưa có những lối sống, tập-tục, quan-niệm rất khác chúng ta ngày nay; các triều-đại lên xuống thường đưa ra những cách nhìn, cách đọc lịch-sử lợi cho chính mình khi thắng thế (‘ddược làm vua, thua làm giặc’); rồi những tranh-chấp mà ngày nay ta không nhất thiết đã chia xẻ với người xưa (tỷ như giữa nhà Lê và nhà Mạc, giữa nhà Trịnh với nhà Nguyễn, giữa nhà Nguyễn Tây-sơn và nhà Nguyễn Gia Miêu, giữa cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh, chẳng hạn) chứ nói gì đến những tranh-chấp thời cận-hiện-đại.  Thành thử viết sử có thể là một bãi mìn mà ít người dám có can đảm bước vào.

“Có lẽ cũng vì thế mà chuyện viết sử trong thời vua chúa ngày xưa phần lớn là một việc làm tập-thể.  Các triều-đại phong kiến ở nước ta thường có Quốc-sử-quán để: thứ nhất, dùng được tài-năng và hiểu biết của nhiều người, phần lớn là những bộ óc lớn đương-thời, vào công việc khó khăn này; phần nữa là để cuối cùng Nhà nước có thể kiểm-soát được sản-phẩm mà Quốc-sử-quán đưa ra.  Ta biết Lê Văn Hưu dưới đời nhà Trần có bộ Đại Việt Sử Ký, bộ sử 30 quyển, bộ sử đầu tiên của nước ta nhưng nay đã mất, chỉ còn tồn tại trong những phần nào mà sử về sau chép lại của ông.  Sang đến đời Lê, kéo dài hơn 350 năm, chúng ta có độc-nhất một bộ chính-sử, bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, do Ngô Sĩ Liên khởi thảo và hoàn-tất dựa vào Lê Văn Hưu và Phan Phù Tiên (tác-giả bộ Đại Việt Sử Ký tục biên), sau được nhiều người viết tiếp và tăng bổ, và phải sang đến đời nhà Nguyễn chúng ta mới lại có một bộ sử để đời, bộ Khâm định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, mà người tổng-tài là Phan Thanh Giản, 47 quyển.  Công việc viết sử dưới đời nhà Nguyễn được tiếp-tục sang đến đầu thế-kỷ XX với những vị tổng-tài uyên bác như Trương Đăng Quế, Trương Quốc Dụng và Cao Xuân Dục, ngay cả sau khi Pháp đã chiếm nước ta.

“Song chính-sử cũng sẽ rất khô khan và thiếu sót nếu không có những tác-phẩm, tuy không phải là của Quốc-sử-quán song cũng rất cần để bổ túc vào đó.  Thử tưởng tượng nếu bàn về nguồn gốc dân-tộc hay thời tiền-sử mà lại không có Lĩnh Nam chích quái hoặc về giai-đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh mà lại không có Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, thời Tây-sơn mà không có tiểu-thuyết lịch-sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô-gia văn-phái, hoặc ngay lịch-sử nhà Nguyễn mà lại thiếu Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên (560 quyển) hay Đại Nam liệt truyện (85 quyển) thì câu chuyện đất nước ta sẽ tẻ nhạt như thế nào!  Rồi một bộ như Lịch triều hiến chương loại chí (1821) của Phan Huy Chú thì phải coi là một bộ bách khoa từ điển về đất nước chúng ta trước thời nhà Nguyễn.  Đó là chưa nói đến những hợp-tuyển văn-học của Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, hay những sách về địa-lý, pháp-luật, xã-hội, tín ngưỡng v.v.

“Nêu ra một cách rất sơ sài những sách trên, tôi chỉ có ý cho ta thấy phải liều lĩnh lắm mới dám ngồi xuống viết một bộ thông-sử VN như tác-giả Lê Mạnh Hùng đã và đang cố gắng làm qua bộ Nhìn Lại Sử Việt mà Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ vừa in ra tập đầu, ‘Từ Tiền sử đến Tự chủ.’

*   *

“Nhưng can đảm hay ‘liều lĩnh’ thì ông Lê Mạnh Hùng, bạn của tôi, có thừa.  Sản-phẩm của những trường như Chu Văn An Sài Gòn và MIT ở Mỹ, ông lại còn có nhiều kinh-nghiệm trong ngành kinh tế, tài-chánh, kế-hoạch của VNCH trong thời-gian ông về phục-vụ ở trong nước (1965-1975) trước khi ‘ddược’ Việt Cộng ‘rước’ đi học tập cải tạo nhiều năm ở Hàm Tân.  Một con người luôn luôn tích-cực, theo nghĩa là không bao giờ bỏ cuộc, ông đã lợi-dụng ngay thời-gian trong lao tù để học chữ Hán, không khác gì cha ông của chúng ta ngày xưa, khi đi Côn-đảo thì quay ra học nguyên quyển từ-điển Larousse, cho nên giờ đây ông rất giỏi chữ Hán đọc được báo và sách Tàu như chúng ta đọc chữ quốc-ngữ vậy. 

Riêng khả-năng này đã mở rộng cho ông tất cả kho tàng thư-tịch Trung-hoa và của Việt-nam xưa để thành một trong những sử-gia hiếm hoi ngày nay rất ung dung khi cần phải tham-khảo sách cũ.  Ông còn có cái may mắn là ở gần British Library, một trong những kho chứa sách Trung-hoa đầy đủ nhất của nhân-loại, để có thể vào tìm đọc bất cứ lúc nào.

 Cá-nhân tôi đã có dịp đi tìm bộ tuồng cổ của VN (trong sưu-tập Landes) ở British Library, vào xin xem một cách rất dễ dàng (khác hẳn những thủ-tục rườm rà và khó khăn của Bibliothèque Nationale ở Pháp) và người ta đẩy ra cho tôi một cái tựa như ‘shopping cart’ chất đầy khoảng 30 văn-bản tuồng Nôm chép từ thế-kỷ XIX.

“Trong thời-gian ông ở lại quê nhà, nghĩa là cho đến năm 1990, vì được chính-quyền mới trưng dụng làm việc trong chương-trình phát triển đồng bằng sông Cửu Long và phụ-trách lập mô-hình kinh tế bán-đảo Cà-mâu và khu tứ giác Long-xuyên, ông cũng đã có dịp hiểu biết thêm rất nhiều trên thực-địa về miền này.  Rời VN sang định cư ở Úc, ông đã dạy thông-dịch và phiên-dịch tại trường đại-học Victoria College ở Melbourne cho đến năm 1992 thì ông đã cùng gia-đình sang nhận việc ở BBC, Anh-quốc.  Thời-gian ở đây, ông đã ghi danh theo học lịch-sử tại SOAS (tắt cho School of Oriental and African Studies, tức Trường Đông-phương và Phi-châu-học) thuộc VDDH Luân-đôn.  Tại đây, ông đã lấy xong bằng Tiến-sĩ Sử-học năm 2000 với luận-án ‘Kinh tế VN trong Thế-chiến II.’  Năm sau, ông sang công-tác ở Đài Á Châu Tự Do, nơi đây tôi có dịp làm việc trực-tiếp với ông trong hơn hai năm, cho đến khi tôi về hưu vào tháng 7/2003, và ông cũng rời đài ít lâu sau đó để về với gia-đình ở Luân-đôn.

“Chính nhờ nghỉ hẳn việc hàng ngày nên ông đã có thời giờ tập trung vào việc viết loạt bài ‘Tản mạn lịch-sử’ được khá nhiều người theo dõi trên báo Việt Tide hàng tuần.  Mặc dầu đây đó cũng đã có một hai dư-luận không nhất thiết đồng-ý với đôi ba nhận xét của ông, đặc-biệt khi ông viết về thời cận-hiện-đại, nhưng ông không lấy đó làm buồn mà còn coi đó là những nhận xét thẳng thắn giúp ông có thể sửa sang khi duyệt lại và cho in thành sách. 

*   *

“Cuốn sách ra mắt hôm nay, NHÌN LẠI SỬ VIỆT: Từ Tiền-sử đến Tự-chủ, là sản-phẩm của một lối làm việc khá cẩn trọng như vậy.  Công-bố những tìm tòi, khám phá, suy nghĩ của mình sau nhiều năm nghiền ngẫm nhưng không nhất thiết cho là mình độc-quyền sở-hữu sự thật.  Đây là một lối viết sử khá mở vì từ giữa những bài ‘Tản mạn’ đến khi in thành sách vẫn còn một khoảng thời-gian để nhận phản-hồi từ độc-giả và sửa chữa cho chính-xác hơn, khi cần.

“Phần đóng góp của Tổ Hợp, trong giai-đoạn duyệt bản (chúng tôi dùng chữ này thay cho chữ “biên-tập” quen thuộc hơn ở trong nước), là góp làm sao cho cuốn sách dễ dùng, dễ theo dõi, với những phụ-bản làm tăng thêm giá trị của cuốn sách.  Có tất cả ba phụ-chương trong đó:

“Một là 8 tấm bản-đồ ít thấy trong sách sử nước ta, cho người đọc nhận ra rõ ràng các vị-trị được nhắc đến trong sách, dù là bản-đồ khảo-cổ-học ở miền Bắc và miền Thanh Nghệ Quảng hay là những bản-đồ của nước ta dưới thời nhà Hán, nhà Đường, hay những ngày ta lấy lại được một phần độc-lập, như nước ta khi có tên là Vạn Xuân hoặc nước ta dưới thời Ngô Quyền.

“Hai là 18 bức tranh màu về các loại đồ dùng của cha ông chúng ta cách đây trên dưới 2000 năm, khi chúng ta chủ-yếu còn là giống Lạc, chưa thành Việt.  Những bức tranh này (người ta nói một bức tranh bằng 10.000 chữ) cho thấy một trình-độ văn-minh văn-hoá vật-chất khá tiến-bộ từ cách đây cả 20 thế-kỷ hay hơn.  Điều đó, nếu làm cho chúng ta hãnh diện, thì cũng lại buộc chúng ta phải suy nghĩ là tại sao sau đó, chúng ta lại không theo kịp được đà văn-minh tiến-hoá của nhân-loại—tóm lại, một câu hỏi rất “thời-sự.”

“Ba là một phần mà chúng tôi xin gọi là ‘Lịch-sử trong ký-ức đời sau’ để thấy trong tiến-trình Hán-hoá của chúng ta, từ khi đất Giao-chỉ Giao-châu chỉ là một quận của Trung-hoa dưới thời mà ta gọi là Bắc-thuộc cho đến sau này, ngay dưới thời các vua phong kiến ở nước ta, đã làm cho chúng ta hiểu lầm rất nhiều lịch-sử nước nhà.  Tỷ-dụ, trong một số sách sau này, chúng tôi thấy là các vua Hùng đều có miếu-hiệu bằng tiếng Hán.  Chuyện này thật quả là vô lý khi theo tác-giả Lê Mạnh Hùng, đây chỉ là những tên truy-phong mới có từ thế-kỷ XVIII dưới đời nhà Lê.

“Chính vì những sự hiểu lầm như thế này mà vấn-đề nguồn gốc dân-tộc Việt-nam đã rơi vào trong một tình-trạng hoả mù mà trừ phi ta nghiên cứu thật cặn kẽ và nghiêm túc, có khi ta không còn biết đâu mà mò.  Việc làm sáng tỏ những vấn-nạn này trong lịch-sử là một trong những thành-tựu lớn của tác-giả Lê Mạnh Hùng trong cuốn NHÌN LẠI SỬ VIỆT: Từ Tiền-sử đến Tự-chủ, ra mắt trong ngày hôm nay.”

Quan-niệm những “bước ngoặt” của tác-giả.

Đến phần tác-giả lên diễn-đàn, Tiến-sĩ Lê Mạnh Hùng kể về một vài người đã có công chỉ cho ông về chữ Hán và Hán-học (ngay cả trong thời-gian ông ở tù CS), rồi ông đưa ra quan-niệm của ông khi ông viết lịch-sử.

Ông cho rằng lịch-sử của mỗi dân-tộc đều có những “bước ngoặt” của nó, quyết-định cái vận mệnh cuối cùng của dân-tộc đó.  Những “bước ngoặt” này, theo ông, không thể biết trước được vì đôi khi chúng như những tai-nạn xảy ra trong đời chúng ta.  Làm sao ta biết được là đi ra đường, ta có thể bị đụng xe"  Nhưng nếu chuyện đụng xe xẩy ra thì ta có thể bị què cụt, và què cụt ta phải sinh-hoạt khác hẳn người thường.  Những chuyện như thế này sẽ ảnh-hưởng ta suốt cuộc đời mà ta không thể làm gì để đổi thay được.

Lịch-sử cũng thế.  Chính vì thế mà ông cho rằng khi hoàn-tất, bộ NHÌN LẠI SỬ VIỆT của ông sẽ có 5 tập: Từ tiền-sử đến tự-chủ (quyển đầu), rồi thời Lý-Trần (đến hết nhà Hồ), nghĩa là giai-đoạn phong kiến trong lịch-sử nước ta, rồi từ nhà Lê đến nhà Nguyễn, thời Pháp-thuộc, và cuối cùng là từ 1945 đến 1975.  Ông cho biết ông đã hoàn-tất hai tập đầu và còn đang viết những tập còn lại.

Sau phần trình bày của ông Hùng, nhiều khán-thính-giả đã đặt ra nhiều câu hỏi, đôi khi rất lý thú và sâu sắc, về vấn-đề viết sử (về vấn-đề nguồn gốc dân-tộc VN, về các ý-nghĩa của chữ “Lạc,” về tương-lai của cộng-đồng VN hải-ngoại dựa trên sự nghiên cứu của ông, v.v.) và ông Hùng đã tìm cách trả lời khá cặn kẽ, có thể nói là thoả mãn được hầu hết các vị đặt ra câu hỏi cho ông.

Tưởng cũng cần nhắc là hôm Chủ-nhật vừa rồi còn có sự hiện diện của ông Huỳnh Văn Hiệp, phó-hội-trưởng ngoại-vụ của Giáo-hội PG Hoà Hảo (hải-ngoại), đến một phần để nghe và một phần cũng để trao đổi với sử-gia Lê Mạnh Hùng về một vài điều mà các tín-đồ Hoà Hảo cho là ông Hùng đã viết ra không chính-xác về Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ.  Tuy-nhiên, vì cuốn sách ra mắt hôm đó chưa nói đến giai-đoạn cận-hiện-đại nên hai vị đã thu xếp để gặp nhau hôm sau trao đổi về vấn-đề này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.