Hôm nay,  

Bồ Tát Năm Hợi & Vận Mệnh Năm Hợi

21/02/200700:00:00(Xem: 4729)

(Trích báo xuân Việt Báo Tết Đinh Hợi 2007)

Theo đức tin Phật giáo Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, một vị Bồ Tát thể hiện lòng từ bi.

Ngày nay, lòng từ bi ấy bị thách thức đến tận cùng cho vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. 

Sinh ngày 5 năm tháng 5, năm Ất Hợi (mùng sáu Tháng Bảy năm 1935), tại làng Takster trong vùng Amdo ở miền Đông Bắc Tây Tạng, chú bé Lahmo Dhondup cảm thấy gì khi mới lên hai thì gia đình đã ngỡ ngàng đón tiếp một phái đoàn long trọng tìm đến từ điện Potala của kinh đô Lhasa" Cái tâm của chú là của một đứa trẻ, nhưng cái thần tất nhiên cảm nhận thấy nhiều điều khác.

Phái đoàn Lhasa yêu cầu chú làm một số thử nghiệm và cuối cùng xác nhận điều mà họ đã cảm biết được từ những chỉ dạy bí hiểm của đức Đại Lai Lạt Ma đời thứ 13 trước khi ngài viên tịch: Lahmo Dhondup là hoá thân đời thứ 14.

Hai năm sau, chú bé Lahmo Dhondup được long trọng rước về Lhasa làm lễ tấn phong là đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, với pháp danh là Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso. Vào mùa Xuân đó, dọc đường, cả ngàn vị tăng và dân chúng Tây Tạng đứng hai bên chào mừng với quần áo đẹp nhất dưới hàng cờ phướn rực rỡ. Họ mừng như tìm được cha mẹ, còn chú bé thì bàng hoàng vì đời mình từ nay sẽ đổi khác.

* Lên ngai Đạt Lai Lạt Ma

Là cậu bé trong một gia đình nông gia hiền hoà, Lhamo Dhondup bước vào ngôi chùa tại kinh đô và khởi sự cuộc sống của một nhà tu, để sẽ lên lãnh đạo cả Phật giáo lẫn quốc gia của người Tây Tạng. Tại Lhasa, chú bé có hai nơi cư ngụ là điện Potala vào mùa lạnh và điện Norbulingka vào mùa Hè, nhưng mùa nào cũng là một hành trình của trí tuệ và trí huệ để tiến về cội nguồn: về chân tâm của mình.

Và về nhiệm vụ phải hoàn thành viên mãn cho chúng sinh trong kiếp này.

Dù phải sống giữa một thế giới khắc khổ nghiêm trang toàn những người lớn, bên các vị cao tăng và đại trí, cậu bé Lhamo Dhondup là một đứa trẻ nghịch ngợm, có năng khiếu về khoa cơ khí, tự mình tháo tung đồng hồ hay máy móc và cả xe hơi ở trong điện để tìm hiểu, sửa chữa và... ráp lại như người lớn.

Vào một hoàn cảnh khác, cậu bé có thể trở thành một kỹ sư đại tài.

Nhưng nay cậu đã thành một tiểu sa di, chú tiểu hiếu học Tenzin Gyatso. Trong quãng đời tu tập ấy, chú tiểu này thường quyến luyến bà mẹ. Nỗi quan hoài của chú với bà mẹ hiền hậu là một đặc điểm trong cuộc đời của nhân vật này. Mãi về sau, cho tới giờ đây, người ta vẫn còn thấy nhân cách của vị từ mẫu tỏa sáng trong ký ức và cả những lời luận giải của vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 về tính từ bi.

Thế rồi tuổi thiếu niên yên bình tầm đạo ấy của vị Đạt Lai Lạt Ma đã sớm chấm dứt vào mùa Thu năm Kỷ Sửu 1949: ở bên kia, bên dưới đỉnh tuyết, Trung Hoa đã đổi chủ, trở thành Trung Cộng, vào tháng 10. Chỉ một năm sau, tháng 10 năm 1950, Giải phóng quân của Mao Trạch Đông đã lên nhấc súng đập vào cửa ngõ Tây Tạng. Năm ấy, vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 mới còn là một thiếu niên 15 tuổi và chưa hoàn tất hành trình tu chứng để thực sự trở thành một vị sư. Mà càng chưa hiểu gì về thế giới ở bên ngoài nhà chùa hay cung điện, ở bên ngoài Tây Tạng.

Nhưng trách nhiệm với đạo và đời thì đã nặng trỉu trên vai và tràn đầy trong trí.

Đức Đạt Lai Lạt Ma như chúng ta gọi ngày nay đã từ tuổi thanh xuân bước thẳng vào lịch sử - một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương   khi cục diện Á châu chuyển động suốt 10 năm liền. Năm 1950 đó, khi Ngài đăng quang là Quốc trưởng, là người lãnh đạo đất nước Tây Tạng thì cũng là năm Tây Tạng đã bị cuốn vào trận cuồng phong Cộng sản Trung Hoa.

Rồi từ đấy, Tây Tạng bị chìm dưới hai làn sóng dữ. Chủ nghĩa Cộng Sản không dung thứ được vai trò tinh thần của tôn giáo, của Phật giáo. Còn Chủ nghĩa Đại Hán thì muốn đồng hóa Tây Tạng vào cộng đồng Trung Hoa: giống "Di Tạng" sẽ chỉ được tồn tại như một nhánh nhỏ của ngôi vườn lớn, do đảng Cộng sản Trung Hoa vun trồng, cải tạo, uốn nắn....

Với thế giới bên ngoài, Tây Tạng là một vùng đất kỳ bí ít ai biết và người được dân Tây Tạng tôn sùng là Đạt Lai Lạt Ma còn kỳ bí hơn, một nhân vật nửa người nửa Phật, có khi lại còn biết phép thần thông như một vị Thiên tướng nhà Trời. Thế giới mơ hồ nghĩ vậy. Và thực ra thế giới cũng còn mơ hồ không kém khi nghe nói đến Trung Quốc, đến người lãnh tụ nông dân xuất phát từ Hồ Nam là Mao Trạch Đông.

Ngược lại, đức Đạt Lai Lạt Ma và cả xã hội Tây Tạng cũng mơ hồ hiểu ra rằng thế giới từ nay đã đổi thay và sự đổi thay ấy đang dội vào xứ Tây Tạng. Biến động lịch sử mà người ta gọi là "Giải phóng Trung Hoa" do Mao Trạch Đông đề xướng đang dẫn tới "Xâm lăng Tây Tạng" mà thế giới bên ngoài không biết và có lẽ cũng không muốn biết.

Trong 10 năm liền, từ 1950 đến 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải vừa hoàn tất việc tu tập để trở thành một nhà sư - một tiến trình gian khổ và khó khăn cho trí tuệ - lại vừa học hỏi về thế giới bên ngoài và về trách nhiệm lãnh đạo của mình.

Sự thúc giục tàn khốc của địa dư chính trị khi Trung Quốc áp đặt Hiệp ước 17 điều vào năm 1951 để chiếm một phần lãnh thổ Tây Tạng càng khiến vị Quốc sư phải sớm đảm đương trọng trách của một vị Quốc trưởng. Ngài đã qua tận Bắc Kinh gặp gỡ Mao Trạch Đông và lãnh đạo cộng sản và tìm giải pháp hòa giải hầu cứu vãn tình hình. Nhà sư Tenzin Gyatso thì bàng hoàng nghe Mao Trạch Đông tâm sự như một người sùng tín, rằng đạo Phật là một thứ độc dược cho con người. Còn vị Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo Tây Tạng thì lo sợ khi nghe Mao Trạch Đông nói đến kế hoạch phát triển Tây Tạng trong toàn cục của cuộc Cách mạng Vô sản.

Cả đạo và đời đều bị đe dọa. Mối đe dọa ấy trở thành thực tế vào mùa Xuân Kỷ Hợi 1959. Khi đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi vừa vượt qua những thử thách cuối cùng để hoàn tất bậc Tiến sĩ về Phật học thì cũng là lúc Tây Tạng bị thôn tính.

Nghĩa là năm 1950, khi Ngài lên làm Quốc trưởng thì Tây Tạng bị uy hiếp. Năm 1959, khi Ngài thực thụ là Tỳ kheo Tenzin Gyatso   Shakya Bhikshu Tenzin Gyatso   thì Tây Tạng bị mất chủ quyền.

* Lãnh đạo Lưu vong

Ngày mùng 10 tháng Ba năm 1959, dân chúng tại Kinh đô Lhasa nổi dậy chống lại sự đàn áp của Hồng quân Trung Quốc và bị tàn sát. Một tuần sau, nửa đêm 17 tháng Ba, đức Đạt Lai Lạt Ma phải cải trang thành thường dân cùng một số nhỏ trong triều đình trốn khỏi Lhasa và băng rừng vượt núi tìm đường thoát ra ngoài.

Kể từ đấy, y như cả lục địa Trung Hoa, Tây Tạng cũng lần lượt trải qua ngần ấy cơn động đất nhân tạo do Mao Trạch Đông phát động: Bước nhảy vọt Vĩ đại, Cải cách ruộng đất, Chiến dịch tiêu diệt bọn hữu khuynh, Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại, v.v... Tính ra thì trong số từ 20 đến 70 triệu người đã chết vì loạt động đất chính trị kéo dài hơn một phần tư thế kỷ đó, có hơn một triệu người Tây Tạng - chừng 15% dân số.

Và trong hơn phần tư thế kỷ, từ 1959 đến 1985, Tây Tạng chỉ là vùng khai thác tự do mà không có một công trình xây dựng nào là đáng kể, từ đường xá tới học đường, nhà thương, v.v...

Ở bên ngoài, với vỏn vẹn chừng 100 ngàn người Tây Tạng lưu vong bị vứt ra năm châu bốn biển, đức Đạt Lai Lạt Ma phải xây dựng lại một chính quyền cho hai thực thể: cho cộng đồng lưu vong trong hiện tại và cho dân tộc Tây Tạng cho tương lai.

Tại đất Dharamsala của Ấn Độ, Chính phủ Lưu vong Tây Tạng (Central Tibetan Authority) đã lặng lẽ làm một cuộc cách mạng dưới sự hướng dẫn của đức Đạt Lai Lạt Ma: dân chủ hóa hệ thống chính trị với việc soạn thảo Hiến pháp, bầu ra Quốc hội, thiết lập nền giáo dục cho cộng đồng lưu vong. Nhờ Ngài mà cộng đồng ấy đã mở ra một kỷ nguyên vận động quốc tế chưa từng thấy trong lịch sử Tây Tạng và đạt những kết quả chưa từng thấy từ nhiều cộng đồng lưu vong khác.

Kể về lực, cộng đồng Tây Tạng lưu vong thật ra không đông mà cũng chẳng giàu, nhưng nói về thế, thì cộng đồng này có sức tác động hiếm có ở nhiều diễn đàn khác nhau chính là do vị lãnh đạo tinh thần của họ.

Về chuyện đời và tương lai Tây Tạng, thì mãi cho đến khi Mao qua đời vào năm 1976  Trung Quốc mới chuyển hướng dần ra khỏi con đường sắt máu và thế hệ lãnh đạo mới tại Bắc Kinh có vẻ cởi mở hơn chút đỉnh. Họ mời đức Đạt Lai Lạt Ma gửi phái đoàn về quan sát tình hình sinh hoạt của người dân Tây Tạng, nhờ vậy mà nhiều phái đoàn đã được đức Đạt Lai Lạt Ma phái về, lồng bên dưới là những tiếp xúc kín đáo để thảo luận về tương lai Tây Tạng. 

Cách đây đúng 20 năm, vị lãnh đạo Tây Tạng còn mở một chiến dịch tấn công ngoại giao từ diễn đàn của Quốc hội Hoa Kỳ bằng Kế hoạch Hoà bình Năm điểm nhằm kêu gọi Bắc Kinh cùng hợp tác để biến Tây Tạng thành khu vực hoà bình, tôn trọng nhân quyền của người Tây Tạng, chấm dứt việc gửi di chuyển người Hoa vào đất Tây Tạng, tôn trọng môi sinh Tây Tạng. Và quan trọng nhất, mở ra việc thương thảo về Tây Tạng.

Qua năm sau, đức Đạt Lai Lạt Ma còn tiến xa hơn trên mặt trận ngoại giao khi đề nghị trước Quốc hội Âu châu tại thành phố Strasbourg một số điểm chiến lược: Tây Tạng không đòi độc lập nhưng yêu cầu được quyền tự trị, với một chính quyền dân chủ do dân bầu lên, và sống chung hoà bình với Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc.

"Đề nghị Strasbourg" của đức Đạt Lai Lạt Ma bị Bắc Kinh bác khước, chuyện ấy không ngạc nhiên. Điều đáng nói là một số người Tây Tạng lưu vong, nhất là thành phần trẻ đang sôi sục ý chí dân chủ, lại giận dữ nghĩ rằng vị lãnh đạo của họ đã nhượng bộ. Trong nội bộ người dân lưu vong, đề nghị hoà hoãn của Ngài trở thành đề tài tranh luận gay gắt và nếu không có uy tín của Ngài, nỗ lực mưu cầu hòa bình và xây dựng dân chủ cho Tây Tạng có thể bị đẩy lui và làm cộng đồng vỡ đôi.

Những thử thách chính trị ấy càng trở thành nguy ngập vì ở trong nước, dân Tây Tạng đã nổi dậy chống đối ách trực trị Bắc Kinh và bị đàn áp nặng nề năm 1987.

Nhưng, vụ Thiên an môn vào tháng Sáu năm 1989 tại Bắc Kinh khiến mọi người cùng giật mình. Hàng ngàn người bị thảm sát bởi một chế độ mà thế giới tưởng rằng đã cởi mở và văn minh hơn. Lúc ấy người ta mới hiểu vì sao vị lãnh đạo Tây Tạng đã kêu gọi dân chúng phải đấu tranh bất bạo động và sẵn sàng nói chuyện hoà giải.

Năm 1989 ấy, đúng 30 năm sau khi phải bôn tẩu ra khỏi quê hương, đức Đạt Lai Lạt Ma được tôn vinh với Giải Nobel Hoà bình.

Vị cao tăng Tây Tạng chẳng cần gì đến giải thưởng ấy, nhưng, là người lãnh đạo Tây Tạng, Ngài hoan hỉ đón nhận, như một phần thưởng tinh thần của thế giới gửi tới sáu triệu dân Tây Tạng. Đối với đức Đạt Lai Lạt Ma, giải Nobel hay mọi sự vinh danh khác dành cho Ngài đều có nghĩa là thế giới công nhận và ủng hộ cuộc đấu tranh có chính nghĩa của người Tây Tạng.

Nói về sự vinh danh - gần ba chục lần từ Đông sang Tây - Ngài là công dân danh dự của nhiều quốc gia, mới nhất là của Cộng hoà Ukraine. Là Tiến sĩ danh dự của nhiều Viện hàn lâm khoa học hay Đại học có uy tín. Năm ngoái, Ngài vừa được huy chương cao quý nhất của Quốc hội Hoa Kỳ (Congressional Gold Medal) và được Đại học Third University của Roma tôn vinh là Tiến sĩ về Sinh học nhờ những lý giải Phật giáo cho bộ môn khoa học này.

Trong lịch sử hơn hai ngàn năm của Tây Tạng, Ngài là người lãnh đạo đầu tiên đã tiến về phương Tây.

Từ 1967 đến nay, Ngài đã thăm viếng gần năm chục quốc gia trên thế giới.

Trải qua gần nửa thế kỷ, Ngài đã gặp gỡ hầu hết các vị lãnh đạo dân chủ. Với Bắc Kinh, việc gặp gỡ ấy là những khiêu khích không chấp nhận được vì Tây Tạng không là một quốc gia mà chỉ là một đặc khu "tự trị" của Trung Quốc! Đáng chú ý là đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã gặp Tổng thống của Đài Loan, ông Trần Thủy Biển còn dự lễ khánh thọ mừng sinh nhật của Ngài: không phải là người Trung Hoa nào cũng muốn thôn tính Tây Tạng, ngược lại!

Ngài cũng là một vị tăng thống Phật giáo đã gặp ba đức Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ (Paul VI năm 1973, năm lần với John Paul II, và vừa gặp riêng Tân Giáo hoàng Benedictine 16), đã tiếp xúc với Tổng giám mục Canterbury và hàng giáo phẩm của Anh giáo, và nói chuyện với rất nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo...

* Tương lai rồi sẽ ra sao"

Nhờ nhân cách đặc biệt của đức Đạt Lai Lạt Ma và cuộc đấu tranh bền bỉ của người Tây Tạng, ngày nay, "hồ sơ Tây Tạng" đã trở thành vấn đề của thế giới - và của Trung Quốc. Trên thế giới bây giờ, không ai có thể biết là Bắc Kinh có thể "thống hợp" Đài Loan được hay không, và bằng ngả nào, nhưng mọi người đều biết rằng việc Trung Quốc nuốt chửng Tây Tạng là điều ngang ngược. Nếu muốn bình thường hoá quan hệ với thế giới để trở thành một cường quốc văn minh và có trách nhiệm, Trung Quốc phải tìm ra một giải pháp cho Tây Tạng.

Đề nghị hoà giải và tự trị của đức Đạt Lai Lạt Ma là giải pháp thực tiễn nhất. Trong năm Đinh Hợi này, khi Trung Quốc chuẩn bị ra mắt thế giới như một cường quốc văn minh qua Thế vận hội Bắc Kinh 2008, thì việc thảo luận với Chính quyền Lưu vong Tây Tạng về giải pháp này là một điều hợp lý.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là người có thể thực hiện việc đó khi củng cố được quyền lực trong Đại hội đảng năm nay. Ông có khả năng mà không ngại chống đối trong nội bộ: từng là Bí thư của Khu Tự trị Tây Tạng, ông có thành tích đàn áp năm 1987. Phải là người cứng rắn như vậy mới có thể và có thế nhả ra cái gân gà Tây Tạng mà Trung Quốc đã nuốt vào năm 1959 mà cho đến nay vẫn chưa tiêu được!

Vào năm Đinh Hợi này, đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 72, Ngài có thể thấy được những chuyển động tốt đẹp hơn cho quê hương.

* Ánh từ quang của Phật giáo

Công chúng Tây phương thường lý luận rằng sở dĩ đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trương đấu tranh bất bạo động là vì ảnh hưởng tinh thần của Mahatma Ghandi. Những người chống đối Ngài, hiện tượng ấy cũng có mà không chỉ ở Bắc Kinh, thì cho rằng Ngài đành phải đấu trang theo phương pháp bất bạo động sau khi Hoa Kỳ chấm dứt yểm trợ Tây Tạng từ năm 1969.  

Thực ra, "chiến lược" đấu tranh ấy xuất phát từ một động lực hay yếu tố khác. Từ cái tâm từ bi của một nhà tu hành. Nhất là khi Ngài là một vị Phật Sống, một Hoá thân của đức Bồ Tát Avalokitesvara mà người Việt chúng ta thường gọi theo người Trung Hoa là Quán Thế Âm Bồ Tát.

Trong các vị Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa, nếu Văn Thù Sư Lợi thể hiện trí tuệ thì Quán Thế Âm thể hiện từ bi. Vì vậy, vị Tăng thống Tây Tạng, được dân chúng Tây Tạng tôn xưng là Bồ Tát Quán Thế Âm tái sinh, luôn luôn coi trọng lòng từ bi như một thuộc tính của nhà Phật. Người ta có thể thấy được điều ấy từ những năm 1950, từ khi đức Đạt Lai Lạt Ma còn ở Lhasa. Ngài luôn luôn tìm giải pháp hoà hoãn và khổ tâm không ít khi dân Tây Tạng nổi dậy vào mùa Xuân Kỷ Hợi năm 1959. Ngài thực tâm không muốn vậy và dù thông cảm với tinh thần quyết tử của những người khởi nghĩa, Ngài vẫn cố tránh đổ máu. Cái trí cho thấy rằng đấu tranh võ trang là đem trứng chọi đá và lòng từ bi thì hướng về phương pháp thuyết phục hoà bình.

Biết đâu, cái đại nghiệp của Tây Tạng thật ra lại là mối thiện duyên cho Phật giáo thế giới"

* Nhà hoằng pháp vĩ đại

Nhìn về quê hương, đức Đạt Lai Lạt Ma nói đến đấu tranh bất bạo động cho hoà bình và căn tánh Tây Tạng. Nhìn ra thế giới, Ngài là người có công trạng và khả năng hoằng pháp vĩ đại nhất cho Phật giáo. Và thông điệp về hòa bình và từ bi của đạo Phật đã như những giọt cam lồ tưới mát cho cục diện nóng bỏng ngày hôm nay của thế giới.

Khi thế giới văn minh của Tây phương ngày càng xa dần đức tin tôn giáo và tôn sùng khoa học hay lý trí như một Thượng đế mới, đồng thời một số khuynh hướng tôn giáo cực đoan của đạo Hồi lại muốn đặt để vai trò thống trị của Thượng đế của họ bằng bạo lực và khủng bố, những luận giải về Phật giáo của đức Đạt Lai Lạt Ma có thể giúp thế giới nhìn ra con đường trung đạo. Chưa khi nào Phật giáo lại có sức bành trướng mạnh mẽ như ngày nay, một phần cũng nhờ vị Tăng thống của Phật giáo Tây Tạng.

Nhiều người có thể bỡ ngỡ khi Ngài được ngợi ca như một đức Giáo hoàng của Phật giáo, nhưng vị trí khách quan của đức Tăng thống Tenzin Gyatso quả là như vậy.

Ngài là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, tuần báo Time đã nhận định như thế vào năm 2005. Ảnh hưởng lớn nhất không chỉ thu hẹp trong phạm vi đại thế chính trị của Tây Tạng mà trong cách suy nghĩ và sinh sống của nhiều người qua những luận giải của Ngài về Phật giáo. Luận giải mà ai cũng ghi nhận và nhớ lại là ánh từ bi của đạo Phật trong thế giới âm u hôn ám ngày nay.

Ngoài việc nhấn mạnh đến từ tâm, như một bản sắc chói lọi của Phật giáo, đức Đạt Lai Lạt Ma còn hiện đại hoá đạo Phật cho thế kỷ 21.

Nếu John Paul II là vị Giáo hoàng kiệt xuất đã làm thay đổi cục diện thế giới và đưa Giáo hội Công giáo Hoàn vũ vào Thiên niên kỷ mới thì vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng cũng đang làm thay đổi nhận thức của loài người, và trước tiên của hàng tăng lữ Tây Tạng, về đạo Phật.

Khi đức Giáo hoàng Benedicto XVI cảnh báo các học giả và trí thức Tây phương về mối nguy đem lý trí ra chối bỏ đức tin, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói đến vấn đề tương tự, nhìn từ giác độ khác và với cách phát biểu khác. Rằng đức tin không đối lập với lý trí. Và rằng nếu thấu hiểu đạo Phật, nhà khoa học có thể tìm thấy trong đó nhiều lý giải có ích cho khoa học. Người Phật giáo phải đóng góp cho khoa học của nhân loại bằng cách hiểu rõ để quảng bá Phật pháp và nếu quy chiếu những chứng nghiệm từ tu đến tập vào khoa học thì có thể giúp ích cho khoa học.

Mà khoa học ở đây không chỉ là khoa cơ khí   chú tiểu Tenzin Gyatso năm xưa là người có năng khiếu về máy móc   mà còn là sinh học, tâm lý học hay thần kinh tâm lý học.

Ngài không hề kêu gọi mọi người nên - hay phải - tu theo Phật giáo, mà chỉ muốn thế giới nhìn đạo Phật với con mắt khác để tìm thấy trong đó những phương pháp tu tập có ích cho mình, cho tôn giáo của mình. Đồng thời, Ngài khuyến khích người Phật tử phải nhìn thế giới với từ tâm rộng mở để cùng góp phần tìm ra sự tiến bộ trong hoà bình.  

Ngoài hai đóng góp lớn về  tư tưởng   lòng từ bi và tinh thần hiện đại hoá   đức Đạt Lai Lạt Ma còn thể hiện một đức tính hiếm hoi trong thế giới ngày nay. Ngài xuất hiện trên mọi diễn đàn như một "minh tinh", một super star nói theo ngôn từ sân khấu, với cả chục ngàn người đón rước và lắng nghe. Nhưng, ở mọi nơi, với mọi người, Ngài luôn luôn là một người khiêm cung. Cung kính và khiêm nhường.

Khả năng diễn tả và ứng đối sắc bén đến phi thường của Ngài đã trở thành một huyền thoại của thế giới. Bậc nhân thần đầy hùng biện ấy có thể dễ dàng xoay trở trong mọi tình huống, với những phát biểu đơn giản, dễ hiểu mà sâu sắc. Nhưng, vào mọi hoàn cảnh, Ngài vẫn cho thấy một nét chính trong cá tánh là sự khiêm nhường.

Khi dũng cảm đương đầu với một đế quốc đang lên, khôn khoan tìm ra phương hướng đấu tranh có lợi nhất cho chúng sinh - dân Tây Tạng và các dân tộc khác - Ngài luôn luôn thể hiện lòng từ bi mà quan tâm đến những vấn đề của nhân sinh, nằm bên ngoài nỗi ưu tư về Tây Tạng. Và khiêm cung đề nghị ra giải pháp cho các vấn đề ấy.

PHẠM QUYẾN

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.