Thân tặng các bạn sinh viên UTA<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
30-4, tôi trở lại trường cũ, ngôi trường vẫn như xưa, không khác lắm so với hai mươi năm trước. Vẫn chiếc cầu bắc qua con lạch nước. Vẫn những cây sồi già và những ghế đá. Vẫn những thảm cỏ xanh được cắt tỉa gọn gàng. Vẫn toà nhà thư viện của những ngày miệt mài sách vở. Tôi lần theo lối cũ, đếm lại những kỷ niệm xưa, tìm lại hình ảnh của chính mình, tuổi trẻ của tôi hai mươi năm trước. Tôi khoan thai đếm từng mỗi bước chân để cho thời gian chảy chậm lại. Tôi thả hồn mình cho bay bổng về quá khứ. Những ký ức cũ ùa về. Tôi nhớ lại những buổi Đại hội Văn nghệ Cứu Người Vượt Biển, những trại hè, những tập đặc san hằng năm in vào cuối thu, một tập thơ sinh viên … Tôi lần giở lại từng trang kỷ niệm. Tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của tôi, của bạn bè tôi qua ánh mắt, nụ cười và những việc làm đầy ý nghĩa của tuổi trẻ hôm nay.
30-4, trời còn đang xuân và ấm áp. Những mảng nắng vàng trong rải khắp các lối đi quanh khuôn viên đại học, trên những vòm cây, trên những bờ tường và ở ngay nơi tôi đang đứng để thấy lòng mình nôn nao, bồi hồi. Một cảm giác nôn nao, bồi hồi khó tả mà đã lâu tôi không có được. Nhưng tôi biết lòng mình không chỉ nôn nao vì những giọt nắng xuân ấm áp, không chỉ bồi hồi vì ngọn gió hây hây vờn trên má, môi mà còn vì một điều gì khác tha thiết hơn, hệ trọng hơn. Hôm nay, tôi đứng nhìn lá cờ vàng bay phất phới trong một buổi trưa có nắng rực rỡ và tôi thấy lòng ngợp gió. Tôi thấy màu cờ sao hiền hoà quá đỗi. Màu cờ như màu da của dân tộc tôi. Và cũng vì màu cờ vàng đó, bao nhiêu thế hệ người trẻ đã phải bỏ mình, đã nằm xuống, đã về với đất để bảo vệ nó cũng như để bảo vệ một phần đất quê hương.
Thế mà mới đây, bỗng dưng nó đã bị đối xử bất công. Người ta bắt phải triệt hạ nó trong tuần lễ International Week tại đại học UTA. Những ai đã từng học qua ở đây thì đều biết mỗi năm trường vẫn dành một tuần lễ được gọi là International Week cho tất cả sinh viên ngoại quốc và Hội sinh viên Việt nam (VSA) tại đây tuy không phải là sinh viên ngoại quốc nhưng cũng là một thành viên và được tham dự. Và hằng năm cứ vào tuần lễ International Week, lá cờ vàng đã được thắp lên; ngoài nó, không một lá cờ nào khác được dùng để đại diện cho sinh viên Việt nam ở đại học này. Nó chưa hề có vấn đề trong hai mươi mấy năm qua. Tại sao bây giờ nó lại có vấn đề" Câu hỏi được đặt ra là có động lực mờ ám nào đàng sau những việc làm đó của ban giám đốc trường"
Nhưng, tuổi trẻ hôm nay đã ý thức được điều hệ trọng đó và họ đã lên tiếng phản đối, đòi hỏi một sự công bằng. Họ kêu gọi sự yểm trợ từ phía cộng đồng người Việt, quý vị phụ huynh và họ đã nhận được sự yểm trợ tối đa. Tuổi trẻ như chất keo nối lại tình đoàn kết người Việt tị nạn hôm nay. Tuổi trẻ và tuổi già chung vai nhau làm việc, không câu nệ tuổi tác, không câu nệ quá khứ. Tuổi trẻ thường phải học hỏi kinh nghiệm từ tuổi già nhưng hôm nay, tuổi già cần học hỏi cách thức làm việc của tuổi trẻ. Tuổi trẻ chỉ biết có làm việc và làm việc cho một mục đích chung, không màng vọng lợi. Và mục đích đấu tranh chung hôm nay là dương cao màu cờ vàng và chỉ màu cờ này thôi được đại diện cho người Việt tị nạn nơi đây, sinh viên Việt tại trường đại học này. Tiếng nói đấu tranh của tuổi trẻ đã làm cho người ta phải nhượng bộ tạm thời, có tính cách giai đoạn. Cuộc đấu tranh nơi đây vẫn còn tiếp diễn và quyết liệt hơn bao giờ hết. Nếu không, có ai dám chắc nay mai lá cờ đỏ sẽ không treo cao ở những trường đại học khác hay ở ngay miền nam California, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn. Vụ Trần Trường vẫn còn là bằng chứng mới nguyên.
30-4-75, tôi là một đứa trẻ thành phố đứng ngơ ngác bên lề con phố chính của thị xã ở miền tây. Con đường vắng không bóng người, hoang vu như một bãi tha ma. Lâu lâu một chiếc xe máy vụt nhanh qua rồi mất hút cuối con đường. Một sự im lặng đáng sợ, đầy những đe dọa xung quanh. Chiến tranh đã hết nhưng có ai bảo đảm không còn những bất trắc. Một trái lựu đạn có thể được ném ra từ một góc phố. Một viên đạn có thể được bắn ra sau một bức tường.
Tôi đứng đó ngơ ngác nhìn một ngày mới, ngày đầu của buổi giao thời. Một chiếc xe vận tải của quân đội trờ tới, trên xe có cắm cờ và chở đầy những người lính bộ đội miền bắc, những con người từ rừng rú vừa tràn vào thị xã. Tôi đứng nép sát người vào lề đường, trước một căn nhà cửa đóng kín mà có lẽ chủ nhân đã bỏ đi. Chiếc xe lướt qua và một lúc sau thì mất dạng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá cờ đỏ và được ngửi mùi khói cay sặc sụa. Cùng với màu cờ đó, bao nhiêu thảm họa đã đổ xuống dân tộc tôi suốt bao năm qua.
30-4, tôi trở lại trường cũ để nhìn xem tuổi trẻ hôm nay nắm tay nhau đứng dậy, những cánh tay đưa cao, biểu tỏ một thái độ, khôn ngoan và thành thật. Những tiếng nói đã cất lên, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Họ đã làm một lựa chọn, đứng cùng lá cờ vàng, biểu tượng của tự do và nhân bản. Tôi nhìn xem tuổi trẻ đang bày tỏ thái độ trong ngày biểu dương hôm nay để tìm lại tuổi trẻ của mình hôm xưa. Tuổi trẻ hôm nay yêu quê hương qua màu cờ cũng như tuổi trẻ của tôi hôm xưa đã yêu quê hương, như tuổi trẻ của những thế hệ trước đã yêu quê hương.
Nhiều thành phố và tiểu bang quanh nước Mỹ đã nhìn nhận lá cờ vàng như biểu tượng của tự do và nhân bản và màu cờ ấy sẽ tiếp tục được nhìn nhận bởi những thành phố và những tiểu bang khác nữa. Nó chứng minh một điều là lá cờ vàng ấy tự nó đã có chính nghĩa và chính nghĩa đang được khôi phục lại từ từ nhưng vững chắc. Tôi sẽ không hổ thẹn để nói rằng tôi yêu màu cờ vàng như chính thân thể tôi.
Tuổi trẻ ở thời nào cũng đều rất đẹp. Nhưng nếu tuổi trẻ còn có ý thức để đứng chung với lá cờ vàng và bảo vệ nó, một lựa chọn đúng đắn, thì tuổi trẻ đó không những đẹp mà còn có ý nghĩa, đáng nhớ và đáng để học hỏi. Tuổi trẻ hôm nay tại đại học UTA đã ý thức được điều đó và tôi cảm phục họ.
01/05/2006