Hôm nay,  

Những Truyện Buồn Vui Của Cuộc Đời Hành Chánh

20/08/200300:00:00(Xem: 4013)
(Trích từ quyển Hồi ký "ĐẤT NƯỚC TÔI" của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn)
Lời Tòa soạn: "Sau khi tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, ông Nguyễn Bá Cẩn được bổ đến tỉnh Định Tường và sau đó được giao phó chức vụ Quận Trưởng quận Cái Bè. Đoạn này của quyển Hồi ký tường thuật đường lối ông Cẩn áp dụng để đương đầu với chiến tranh nhân dân của Cộng sản ở địa bàn xã ấp. VB chân thành cảm tạ ông Nguyễn Bá Cẩn đã gửi và cho phép trích đăng. Được biết quyển hồi ký ĐẤT NƯỚC TÔI sẽ ra mắt hồi 1 giờ trưa ngày 7/9/03 tại San Jose (Saigon Business Center, 1654 Burdette Drive, đối diện Bảy Pharmacy) và ngày 14/9/03 tại Westminster (Westminster Civic Center, 8200 Westminster Blvd, tại góc đường Beach và Westminster).
1. Địa bàn Xã Ấp
Tỉnh Định Tường gồm 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công sát nhập lại, lúc bấy giờ có 7 Quận. Năm quận thuộc tỉnh Mỹ Tho cũ và hai quận thuộc tỉnh Gò Công cũ. Phía Nam tỉnh lỵ có 3 quận Gò Công, Hòa Đồng và Chợ Gạo, còn 4 quận kia nằm phía Bắc tỉnh lỵ, dọc theo Quốc lộ 4 từ ranh tỉnh Long An đến phà Mỹ Thuận. Phía Bắc quốc lộ 4, đồng ruộng chỗ tốt chỗ xấu tùy ở xa hay gần ảnh hưởng nước phèn của Đồng Tháp. Phía Nam thì toàn ruộng thượng đẳng điền, phì nhiêu, trù phú, đông dân cư. Hai Quận to giàu nhất và cũng chiếm một địa lý chiến lược lợi hại là Cai Lậy và Cái Bè. Hồi đời thực dân Pháp, Quận Trưởng hai quận này ít lắm cũng phải ở trật Phủ hoặc Đốc phủ.
Thời Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, thực dân Pháp đã bổ nhiệm Ô. Nguyễn Văn Tâm làm Quận trưởng Cai Lậy để đàn áp Cộng sản. Viên chức này về sau thăng đến chức Thủ Tướng dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại. Riêng Quận Cái Bè đã từng có một Quận Trưởng nổi tiếng là Ông Lê Tấn Nẫm về sau làm Đô Trưởng và là người duy nhất được bổ Chánh Tham vụ Chuyên môn hạng nhứt dưới thời cụ Diệm. Hai quận này cũng là hai quận bất an nhất. Cai Lậy giáp ranh với Kiến Tường. Riêng Cái Bè giáp ranh với cả hai tỉnh Kiến Tường và Kiến Phong chằng chịt đường giao liên của Xứ Ủy Nam bộ đóng phía bên kia biên giới Cam Bu Chia. Cái Bè cũng là nơi được chọn làm trụ sở bí mật và di động của Tỉnh Ủy cũng như vùng đóng quân của Đại đội Cơ động Tỉnh Định Tường (về sau được tăng lên cấp số Tiểu đoàn). Các quận còn lại chỉ bị du kích xã quấy phá.
Cuối thập niên 50, tình hình an ninh tại Cái Bè bắt đầu bê bết với hoạt động leo thang của Cộng sản nói chung, từ giai đoạn rèn cán chỉnh cơ bước sang giai đoạn võ trang tuyên truyền và khủng bố. Khủng bố nhắm vào hàng ngũ cán bộ ta để cho cán bộ ta co đầu rút cổ trong văn phòng quận và xã, bỏ ngỏ nông thôn cho bọn chúng tung hoành. Quận Trưởng Châu thành Định Tường cùng với gia đình vừa bị ám sát chết tập thể trong một chuyến viếng thăm xã Long Định, sát quốc lộ 4. Đây là vụ khủng bố đầu tiên trong toàn quốc mở màn cho hoạt động của Hà Nội xâm chiếm miền Nam.
Khủng bố cũng là vũ khí hữu hiệu bậc nhất khi đặc biệt nhằm vào cá nhân quần chúng thân chánh quyền hoặc cứng đầu hay sợ sệt không hưởng ứng lời kêu gọi cộng tác ủng hộ của "cách mạng". Chỉ cần giết chết một hai người trong xã để toàn dân trong xã riu ríu vâng lệnh cán bộ Cộng Sản địa phương. Chỉ có Đại đội cơ động Tỉnh được võ trang vũ khí cũ được chôn giấu lúc Việt cộng đi tập kết hồi 1954. Còn du kích xã được võ trang bằng vũ khí thô sơ làm bằng ống nước còn đạn thì nhồi thuốc súng với đinh và miểng ve chai, gọi là "súng ngựa trời" vì súng không có bá súng, muốn bắn thì đặt trên hai chân được hàn vào một đầu của ống nước, nên hình thù giống con ngựa trời.
Tại Cái Bè, tình hình bê bết đến trình độ cán bộ cơ sở Cộng sản hầu như làm chủ tình hình trong Quận, thậm chí tên Bí thư Huyện ủy đã rượt đuổi Quận trưởng của ta để ám sát ngay tại chợ quận lỵ. Lúc bấy giờ có 3 quận cần được bổ nhiệm tân Quận trưởng. Đó là Hòa Đồng, Bến Tranh và Cái Bè. Ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Trân giao cho tôi cái quận nặng nhất là Quận Cái Bè! ÔÂng Trân nay đã là người quá cố. Tôi muốn dâng lên hương hồn Ông lòng nhớ ơn thành thật của tôi đã được ông chiếu cố bổ tôi đến một quận như vậy để thứ nhất là học tập, học tập địch thủ để "Tri bỉ tri kỷ", học tập nơi đồng bào những bài học vô giá, và thứ hai là rèn luyện cho tôi vô số kinh nghiệm sống đúc thành một căn bản vững chắc rất cần thiết trên bước đường phục vụ đất nước về sau của tôi.
Sở dĩ tên Bí thư Huyện ủy lộng hành là vì y là Tỉnh Ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy, là Huyện ủy duy nhất trong Tỉnh được Đại đội cơ động Tỉnh yểm trợ. Ngoài ra Huyện ủy Cái Bè cũng đã tổ chức được 151 cán bộ nội tuyến hoạt động cho bọn chúng, gồm có cán bộ văn phòng Tổng và xã, Hội đồng xã, Bảo an và Dân vệ!! Đã tổ chức đến mức này thì tên Huyện ủy này kể ra cũng như đang làm Phó Quận trưởng, đi tới đâu cũng gặp cán bộ nội tuyến của y thì còn e dè sợ sệt chi nữa.
Quận Cái Bè có 2 đại đội địa phương quân (1 cơ hữu của Quận và 1 trừ bị của Tỉnh biệt phái cho quận), 2 Tổng đoàn Dân vệ, 16 Hội đồng xã và 16 xã đoàn Dân vệ, tổng cộng khoảng 550 cán bộ mà gần 30 phần trăm nội tuyến cho địch rải rác khắp quận thì mạng sống của Quận trưởng như chỉ mành treo chuông, trừ phi đừng bước chân ra khỏi Văn phòng Quận. Và nếu cán bộ xã cũng noi theo gương ông quận, ngồi lì trong văn phòng xã thì Việt cộng sẽ kiểm soát trọn quận.
Ngày tôi được tống đạt nghị định của Bộ Nội vụ bổ nhiệm tôi Quận Trưởng Cái Bè cũng là ngày tôi nhận được tin từ Sài Gòn vợ tôi vừa hạ sanh cháu gái thứ nữ đặt tên Nguyễn Mai Chi. Trước ngày tôi đáo nhậm, Tỉnh đã phát giác vụ nội tuyến tập thể này, một vụ nội tuyến đã gây chấn động trên Trung ương đến nổi Tổng Thống Diệm đã gọi Ông Trân về để đích thân phúc trình chi tiết. Theo lời đề nghị của tôi, tất cả cán bộ nội tuyến được Ty Công an Định Tường bắt giữ không sót một tên vài ngày trước ngày tôi nhận việc. Tất cả đều thú nhận và nạp trình chứng minh thư có hình Hồ Chí Minh do Cộng sản cấp cho. Sở dĩ tôi không muốn đích thân càn quét đám nội tuyến này là vì dù rằng họ là Cộng sản nội tuyến, nhưng một tân quận trưởng vừa nhận việc đã bắt nhốt 151 cán bộ của mình cũng sẽ gây khiếp đảm và khó lòng bắt nhịp cầu thông cảm để hợp tác với hàng trăm cán bộ trung kiên còn lại.
Tôi chính thức lãnh trách nhiệm Quận Trưởng đầu tháng 7 năm 1958, năm tôi 28 tuổi. Liền sau lễ bàn giao, tôi cải tổ cơ cấu Quận và Tổng để bắt tay thực hiện kế hoạch của tôi gồm có 2 mục tiêu chánh:
1. Trong hạn 6 tháng, phải tận diệt Huyện Ủy và 16 Xã ủy của Việt Cộng trong quận.
2. Sau 3 tháng đánh phá, bắt đầu tổ chức đoàn ngũ nhân dân song hành với công tác đánh phá các mục tiêu còn lại cho đến khi không còn cán bộ cơ sở Việt Cộng trong quận.
Tất cả thời giờ và phương tiện tuyệt đối được dành cho 2 mục công tác trọng yếu này. Mọi công việc khác như hành chánh, tài chánh, thuế vụ, v.v... đều là thứ yếu. Ngoài ra, một vài cải tổ về tổ chức và cơ cấu phải được tiến hành ngay để thích nghi với nhu cầu công tác. Thời điểm năm 1958. Hành chánh Quận chưa có qui chế Phụ Tá Quận trưởng, mãi đến 5, 7 năm sau, sau khi bổ nhiệm sĩ quan Quân lực đảm nhận chức vụ Quận Trưởng, Trung ương mới bổ nhiệm cán bộ tốt nghiệp HVQGHC làm Phó Quận Trưởng. Quận Cái Bè gồm 16 xã đặt dưới sự đôn đốc của 2 Tổng Phong Hòa và Phong Phú.
Ranh Tổng là một lằn dọc từ phía Bắc là ven biên Đồng Tháp chạy thẳng xuống sông Cửu Long, bên mặt là Tổng Phong Hòa giáp ranh với Quận Cai Lậy về phía Đông với nền an ninh rất phức tạp. Bên trái là Tổng Phong Phú đất đai màu mỡ, ruộng lúa và vườn cây ăn trái giúp cho dân giàu, tổng giàu, và được tương đối an ninh hơn Tổng Phong Hòa. Trớ trêu thay, Chánh Tổng Phong Hòa gồm các xã bất an lại là một nhân sĩ nho nhã hiền lành, thích hợp với công việc văn phòng hơn là công tác bình định lãnh thổ. Còn Chánh Tổng Phong Phú an ninh giàu có lại ưa thích hoạt động bình định vì là hậu duệ của Đốc Binh Cẩn, một chiến sĩ đã cùng với Đốc Binh Kiều và Thiên Hộ Dương kháng chiến chống Pháp được nhân dân Cái Bè lập miếu tôn thờ.
Tôi mời hai vị Chánh Tổng vào Văn phòng tôi để tống đạt và giải thích sự vụ lệnh bổ nhiệm Chánh Tổng Phong Hòa làm Phụ tá Hành chánh và Chánh tổng Phong Phú làm Phụ tá An ninh. Hai vị này lập tức nhận việc ngay tại Văn Phòng Quận của tôi và không dấu nổi niềm hân hoan và hãnh diện hiện trên gương mặt. Công việc và công văn liên hệ đến Tỉnh Trưởng do tôi đích thân đảm nhận. Số này rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Tất cả công việc còn lại liên quan đến Ty sở chuyên môn trong Tỉnh, chỉ thị xã ấp về mọi mặt được tôi ủy quyền cho Phụ tá Hành chánh, giúp tôi rảnh tay mang nền hành chánh Quận thẳng xuống xã, ấp và dân chúng, không còn trung gian Tổng trì trệ vô ích, rất thích ứng với thời kỳ tao loạn. Còn Phụ tá An ninh thì đi nằm ấp thật sự với tôi như hình với bóng kể cả ngày đêm. Ngoài các phòng hành chánh, quân vụ, tài chánh, v.v... theo tổ chức cổ điển, tôi tổ chức thêm một phòng Bình Định để theo dõi, đôn đốc cán bộ cơ sở xã ấp mà tôi đã huấn luyện tại tỉnh lỵ như đã đề cập ở các chương trước. Phòng này cũng đúc kết tài liệu an ninh của Chi Công an Quận, và tình báo nhân dân về hoạt động của Việt Cộng.
2. Khắc tinh của Chiến Tranh Giải Phóng
Đối phó với Việt cộng ở xã ấp phải mưu lược, kiên trì và liên tục ngày đêm, một năm 365 ngày, không có ngày lễ và nghỉ cuối tuần. Không cần nhân số đông mà rất cần cán bộ tài trí và trẻ trung, phản ứng nhanh lẹ như trong một trận túc cầu. Nếu ta bung ra tấn công thì địch phải rút về phòng thủ và ngược lại. Vị Quận trưởng tiền nhiệm của tôi tự đặt mình vào thế bị động nên Việt cộng mới hoành hành. Tôi lấy thế chủ động tấn công trước. Mỗi ngày, tôi đều gặp Trưởng chi Công an vào lúc 7 giờ sáng để cung cấp cho anh ta tài liệu và chỉ thị chấm điểm bắt giữ từng cán bộ cơ sở của Việt cộng. Bắt được xong cán bộ này rồi thì mới được cung cấp tài liệu về cán bộ khác, để bảo mật và tránh nội tuyến tiết lộ cho phía bên kia. Sau đó tôi gặp Phụ tá Hành chánh độ một tiếng đồng hồ để hội ý công việc, xong đâu đấy vào khoảng 9 giờ sáng là tôi xuống xã ấp làm việc.
Độ 4, 5 giờ chiều thì tôi mới trở về Quận, tiếp khách nếu có, và sau đó dành độ nửa tiếng để duyệt ký những công văn quan trọng. Nghỉ ngơi cơm nước xong thì khoảng 9, 10 giờ tối, tôi cùng Phụ tá An ninh đi kiểm soát an ninh trên quốc lộ 4 và các tỉnh lộ huyết mạch -- vì lúc bấy giờ chưa có tình trạng giới nghiêm -- để bảo đảm an ninh trên các trục giao thông hai chiều từ Sài Gòn về miền Tây và ngược lại, gồm có xe đò cho hành khách và vận tải hạng nặng ngày đêm di chuyển tiếp tế hàng hóa đủ loại cho thủ đô và lục tỉnh.
Quy luật di chuyển của tôi chỉ được cho biết vào giờ chót trước khi lên xe, bí mật, bất thần, không có giờ giấc nhất định vì thói quen dễ bị phục kích. Với lề lối không báo trước cho xã ấp, không cần xã ấp tiếp rước để cho họ dành trọn thời giờ làm việc cho dân, tôi đặt Hội đồng xã và Trưởng Ấp của Quận trong tình trạng báo động khẩn trương căng thẳng, không biết Quận đến lúc nào vì ngày nào cũng đến. Cộng sản cũng điên đầu với tôi. Xã kia đang có hành quân của địa phương quân, xã nọ đang được Chi Công an chiếu cố, còn tôi và đoàn tùy tùng xuất hiện sáng ở ấp này, trưa ở ấp khác, chiều lại qua tổng khác. Khi thì đi xe thẳng xuống văn phòng hội đồng xã để cùng đi thăm ấp với họ, khi thì ngừng xe bên vệ đường, bỏ xe bỏ lộ băng ruộng vào ấp. Thăm dân trong ấp xong mới bộc hậu trở ra văn phòng xã hoặc qua xã khác.
Có một đêm nọ, tôi băng ruộng vào Cái Nứa thuộc xã Hậu Thành, cách quận lỵ khoảng 10 cây số để vô xã Hậu Mỹ. Trên đường vào Chợ Thiên Hộ giữa Đồng Tháp cách quốc lộ 4 độ 20 cây số, thì thấy ở đàng xa, có một chỗ ánh đèn chiếu sáng cả một góc trời. Chúng tôi men đến gần, gởi trinh sát đến thì phát giác một đám cưới khoản đãi độ 300 quan viên hai họ. Sau khi cho bố trí an toàn, tôi lấy quyết định vào chúc mừng cô dâu chú rể. Tôi nhận thấy sự xuất hiện của tôi gây kinh ngạc cho tất cả mọi người, vì họ chưa hề thấy chính quyền nào dám phiêu lưu giữa đêm khuya trong vùng Đồng Tháp được coi là khu an toàn của Việt cộng. Mặt khác họ cũng sợ Cộng sản kéo đến rồi sẽ xảy ra ác chiến, gây chết chóc cho quan khách. Phải 5, 7 phút sau khi tôi đi bắt tay từng người và trò chuyện thân mật, họ mới hoàn hồn. Trao đổi thêm một hai câu chuyện, chúng tôi từ giã, bỏ đường Hậu Thành, băng ruộng thẳng xuống đồn Mỹ Hội, mượn con đường khác trổ ra quốc lộ 4 gần ranh giới quận Cai Lậy để tránh bị phục kích.
Những xuất hiện tính toán như thế gây hoang mang cho cán bộ cơ sở Cộng sản vì chúng cảm thấy bất an trong lúc di chuyển hay hành sự ban đêm, phập phòng lo sợ không biết "tên Quận Trưởng ác ôn này" đã vào nằm trong xã chưa" Ngày đêm tôi có kế hoạch thay đổi vùn vụt, gây bất an cho bọn chúng, áp lực cho bọn chúng co đầu rút cổ, tinh thần luôn luôn giao động, cân não dồn ép, khẩn trương, bị động, dù chưa bị bắt cũng đã tự cô lập hóa và tách rời ra khỏi nhân dân.
Thỉnh thoảng tôi bất thần đích thân tổ chức đánh điểm ban đêm, đột kích vào sào huyệt cán bộ cơ sở trong các xã có kinh rạch, tiện việc di chuyển bằng ghe xuồng. Từ Tiền giang đến Hậu giang, xóm ấp ở dọc theo đường lộ hoặc sông ngòi. Đa số dân chúng thích ở dọc theo sông để tiện xê dịch và chuyên chở nông phẩm bằng ghe xuồng, ngoài ra sẵn có nước sông để dùng trong nhà và tiện đào mương để trồng cây ăn trái hoặc rau cải. Nhà nào cũng nuôi chó. Mọi cuộc di chuyển trên đường lộ đều bị chó phát giác từ đàng xa và cứ chó đầu xóm sủa thì chó trong xóm sủa giây chuyền cho tới cuối xóm rồi tràn lan qua xóm khác, chỉ vài phút là đã báo động cả mấy cây số. Cho nên trong các cuộc di chuyển để đánh điểm và phục kích ban đêm, hoặc phải băng ruộng hoặc phải mạo hiểm dùng ghe xuồng, tuyệt đối không được đi trên đường lộ để tránh nạn chó trong xóm vô tình báo động giúp cho Việt cộng chém vè hoặc phục kích lực lượng ta.

Khi xông vào nhà bắt thì cán bộ CS còn đang ngủ say, vừa thức dậy chưa kịp hoàn hồn đã thấy súng chĩa vào đầu. Khai thác ngay yếu tố bất thần và kinh sợ để buộc cán bộ này chỉ điểm của đồng bọn trong cùng một Chi ủy. Trong hầu hết các trường hợp, sự khai thác này thành công và chỉ trong vòng 5 hoặc 10 phút là lực lượng ta được dẫn đến giồng đậu hoặc luống khoai để được chỉ chỗ có hầm bí mật. Có nhiều hầm chứa đến hai ba cán bộ bất hợp pháp của CS. Cán bộ sống bất hợp pháp là vì lý lịch đã bị tiết lộ, nên không thể sinh sống hợp pháp như cán bộ mà lý lịch chưa bị phát giác.
Nhiều địa phương và cơ quan khi bắt được cán bộ cộng sản thường chở về Tỉnh hoặc Quận để điều tra. Bọn Cộng sản có qui luật phải cắn răng chịu đựng trong 24 tiếng đồng hồ để đồng bọn cao bay xa chạy rồi mới được cung khai tiết lộ. Do đó mà công việc bình định kéo dài vì thiệt hại gây ra cho Cộng sản rất ít và chúng cũng không mất nhiều thời giờ để bổ sung thay thế. Với phương thức dùng tại Cái Bè, không bắt được trọn ổ thì cũng bắt được một phần của Xã ủy hoặc chi ủy nội trong đêm, số còn lại không lẩn trốn qua tỉnh khác thì trước sau cũng sa lưới, làm cho bọn chúng không thể bổ sung, đành bỏ luôn tổ chức.
Điều tra bổ túc tại Quận nặng về giải thích, khuyến dụ cho đương sự thành khẩn cung khai thêm. Công việc này được dễ dãi phần nào nhờ sự giúp sức của cán bộ Cộng sản cấp tỉnh ủy hoặc huyện ủy đã hối cải và đang thụ huấn tại Trung tâm Cải huấn Mỹ Tho và Gò Công. Quận Cái Bè thường chở cán bộ tỉnh hoặc huyện ủy này xuống quận để khuyên lơn cán bộ thuộc viên cũ của họ nên kết quả nhanh chóng bội phần hơn cuộc hỏi cung của cơ quan an ninh Quận. Và sau khi họ ký tên cung khai tất cả cán bộ còn lại trong tổ chức thì vài ngày sau, không được quá một tuần, Quận cho tổ chức mết tinh tại xã để cán bộ đã hối cải lên diễn đàn kêu gọi đồng bọn trở về với hàng ngũ quốc gia.
Chiến thuật là vừa đánh vừa dụ, vừa đánh rát vừa mở lối thoát. Quận Cái Bè tiên phong mở chiến dịch "Chiêu Quân" từ năm 1958. Đợi tới bảy năm sau Trung Ương mới có chính sách Chiêu Hồi thì đã quá trễ. Từng ấy công tác, sáng kiến luôn luôn chủ động, xuất hiện bất cứ ở đâu, bất cứ giờ nào trong ngày, đánh phá liên hồi hết xã này đến xã khác, rồi trở lại xã cũ, vừa đánh vừa mở rộng cửa đón tiếp, khiến cho trong vòng 2 tháng mà đã diệt được 3/4 cơ sở cán bộ cấp Xã ủy và Chi ủy trong quận, vượt chỉ tiêu ấn định.
Đến đây thì Quận có thể cắt xén một phần nhân sự từ chiến dịch đánh phá bình định để phát động phong trào tổ chức đoàn ngũ hóa nhân dân. Phải có công việc đánh phá sơ khởi trước để cơ sở của Cộng sản lớp thì bị sứt mẻ, lớp bỏ chạy tán loạn đồng thời làm cho dân chúng vững tâm tin tưởng thì đoàn ngũ hóa nhân dân mới có kết quả. Chẳng khác nào trước khi gieo mạ cấy lúa thì phải cày bừa dọn đất cho thật sạch không còn cỏ dại. Nhiều địa phương chỉ biết vâng lời Trung Ương để lấy điểm nên nhắm mắt tổ chức Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và Thanh Niên Cộng Hòa trong khi tình hình còn bất ổn, giữa lúc chưa phân biệt được bạn và địch nên cán bộ Cộng sản cũng được mời vào ngồi trong các đoàn thể trên đây làm cho dân chúng e dè sợ sệt, chọn thái độ cầu an cho yên thân.

Mỗi đoàn ngũ lão ông, lão bà, thanh niên, thanh nữ, thiếu nhi đều có sinh hoạt thích hợp riêng. Lão ông lập thành cố vấn đoàn để giúp đỡ kế hoạch sinh hoạt và phát triển. Lão ông cũng bảo trợ các đoàn thanh niên và thanh nữ, vừa bảo trợ vừa khuyên lơn và áp dụng kỹ luật đối với những lỗi lầm khuyết điểm của thanh niên, thanh nữ. Những sinh hoạt mang chứa tình thân gia đình như vậy đưa đến mối tương quan đoàn ngũ tốt đẹp. Quận xã và cán bộ ta đỡ lo, đỡ mất thời giờ và khỏi gieo tiếng oán trách. Thanh niên, thanh nữ thì sinh hoạt học tập, thể thao, văn nghệ và phát triển cộng đồng, kiến thiết và trùng tu cơ sở tiện nghi xã ấp, v.v... Thanh niên, thanh nữ được xã đoàn xếp hạng xuất sắc trong sinh hoạt và công tác mới được tổ chức vào đoàn ngũ "thanh niên, thanh nữ gương mẫu", được mặc đồng phục. Nam và nữ đều mặc sơ mi trắng, nam thì ngắn tay, nữ thì dài tay. Quần màu xanh như nhau, nhưng thanh nữ thì mặc quần dài, thanh niên quần ngắn, mang vớ cao đến gối. Tất cả đều mang giày tennis trắng và đội nón rơm vành lớn, kiểu "cow boy". Đội trưởng và đoàn trưởng mang huy hiệu cấp bực như tổ chức Hướng đạo.
Ngày trong tuần thì sắp xếp thời giờ thuận tiện cho các đoàn ngũ học tập và công tác. Mỗi cuối tuần thì tranh giải túc cầu, bóng chuyền liên xã, kèm theo tân và cổ nhạc ở nhà lồng chợ và sân vận động xã dọc theo quốc lộ 4, tạo một cảnh sinh hoạt cộng đồng vui tươi sôi nổi, cùng nâng cao tinh thần và ý thức trách nhiệm kiến thiết xây dựng xã ấp. Thưởng phạt phân minh. Kỷ luật thì do hội nghị Lão Ông quyết định. Còn phần thưởng thì gồm có thăng cấp Đội trưởng và Đoàn trưởng, bằng tưởng lệ, thưởng tiền và hiện vật cho các sinh hoạt thể thao và thi đua văn nghệ, v.v... do công nho xã đài thọ.
Lề lối sinh hoạt dân chủ, không khí vui tươi lành mạnh. Đồng phục cùng huy hiệu là hãnh diện của tuổi trẻ đã tạo một tinh thần thi đua và tin tưởng mạnh mẽ vào chính nghĩa quốc gia. Không những thi đua công tác mà còn mạnh dạn tố cáo công khai hoặc bí mật những tổ chức nằm vùng cùng nội tuyến của cộng sản cũng như vạch mặt chỉ tên cán bộ cơ sở thoát ly của bọn chúng. Giai đoạn này là giai đoạn bình định và đoàn ngũ hóa song hành bổ túc và yểm trợ liên hoàn, kết quả gấp bội chiến dịch đơn thuần.
Mỗi cuối tuần, hàng vạn hành khách từ lục tỉnh lên xuống thủ đô đều bị kẹt xe từ ngã ba Cái Bè đến phà Mỹ Thuận, lý do là vì có đến 8 xã (trong số 16 xã của quận) sinh hoạt tập thể bên lề quốc lộ, nhân dân đến tham gia rất đông đảo, chưa kể đội ngũ thanh niên, thanh nữ tập diễn hành trên quốc lộ. Quang cảnh vừa náo nhiệt vừa phản ảnh một thời an bình hiếm có. Ngoài các hình thức sinh hoạt định kỳ trên đây, mỗi tháng đều có tổ chức lễ ra mắt các đoàn ngũ nhân dân tại các xã, hết xã này đến xã khác. Tôi cho tổ chức thật linh đình và trọng thể để khai thác tối đa thắng lợi, tạo một khí thế đấu tranh thi đua hồ hởi và củng cố niềm tin của nhân dân vào chính nghĩa quốc gia.
Ngoài ra, trong lãnh vực tác động tâm lý và tuyên truyềøn chính trị, tôi cũng nghĩ ra nhiều hình thức để gây xúc động mạnh khi có dịp tốt để cho sự kiện xảy ra có tính cách tự nhiên và không gò bó hay do dàn cảnh giả tạo. Chỉ kể ra đây một trường hợp điển hình ở An Thái Trung, một xã nhỏ bé bên cạnh một xã to và giàu là xã An Hữu, cách phà Mỹ Thuận độ 4 cây số. Tôi thích xã An Thái Trung là vì tuy là một xã nhỏ nhưng là xã trung lưu, có nếp sống nề nếp dựa trên giá trị truyền thống của Nho giáo. Dân làng dưới sự điều khiển của các bô lão trưởng thượng chăm lo công việc kiến thíết xã ấp y như công việc đồng án của chính mình. Đây là một môi trường lý tưởng để áp dụng kế hoạch bình định xã ấp của tôi. Trong làng trên nói dưới nghe, thành phần trung niên có ăn học đều xung phong vào các chức vụ Hội đồng xã và Trưởng ấp. Về phần họ cũng đều nhận thấy kế hoạch bình định và dân chủ hóa xã ấp của tôi chính là giấc mơ của họ chỉ mong thái bình thịnh trị cho gia đình thân thuộc trong xã.
Do sự tương đắc này mà thỉnh thoảng, khi có một cuối tuần rảnh rang, tôi lái xe đến Văn phòng xã, mượn một chiếc xuồng chở vợ tôi và hai con. Đích thân tôi bơi xuồng vào nhà một hai bô lão gần đó để thăm viếng đàm đạo. Họ chỉ có vài mẫu đất, không phải là đại điền chủ, nhưng nhờ trồng cây ăn trái có hoa lợi hàng năm mà có được một nếp sống giản dị nhưng phong lưu. Họ có con cháu lớn khôn, lo cho họ công việc ruộng vườn. Phần họ khỏi phải lao động, để móng tay dài gần cả tấc, ngày ngày lo dạy dỗ dìu dắt con cháu giữ gìn giềng mối luân thường đạo lý, chăm nom đình miếu và phong tục tập quán trong làng.
Sau khi tôi đoàn ngũ hóa toàn dân các xã trong Quận, tình hình an ninh thay đổi có lợi hẳn cho chính quyền quốc gia. Tương quan giữa dân và chính quyền hoàn toàn thay đổi, từ xa cách nghi ngờ và bất hợp tác đổi thành thân mật, tin cậy và hợp tác chân thành. Tin tức tình báo nhân dân theo hệ thống cán bộ được báo cáo tới tấp đến Quận hàng ngày. Khi dân chúng thật sự tin tưởng vào mình rồi thì họ không dấu giếm gì hết và những tin tức họ mật báo với mình rất là chính xác, có giá trị tuyệt đối hơn cả tin tức mà Công an mua từ các cảm tình viên cật ruột nhất.
Thăm viếng và đàm đạo với người dân đem lại cho tôi một niềm vui sướng vô tận như được sống lại lối sống nông thôn của cuộc đời niên thiếu nghèo khó của tôi và thực hiện được giấc mộng khiêm nhường của đời trai thế hệ là phục vụ đồng bào ruột thịt của mình ở bậc thang chót của xã hội mình là làng xã. Đây mới là cái gì mà danh từ tổ quốc trừu tượng không thể nào diễn tả được. Đây mới là môi trường sống động nhất mà tôi phải trả nợ cho đất nước sau khi nhận lãnh ân huệ được đào tạo bởi hai quân trường Trừ bị Thủ Đức, Liên quân Đà Lạt và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Những chuyến viếng thăm của tôi cũng đem lại cho họ không những danh dự và hãnh diện mà còn một niềm vui thành thật và khích lệ mà họ rất cần, do chân tình của tôi đối với họ mặc dù họ chỉ là thường dân trong làng. Do đó, đến ngày ra mắt đoàn thể nhân dân An Thái Trung, tôi nhất quyết tổ chức buổi lễ thật trọng thể dưới sự chủ tọa của ông Tỉnh Trưởng và quan khách cấp tỉnh và các quận bạn. Tôi muốn cho nhân dân An Thái Trung nhớ mãi một ngày trọng đại của xã họ, nên ngoài nghi thức và nội dung của chương trình thường lệ, tôi nghĩ ra hai mục thật hi hữu và ngoạn mục hầu tạo xúc cảm và phấn khởi cho đại diện nhân dân toàn các xã hiện diện trong buổi lễ hôm đó.
Tôi chọn một ngày mà nước sông Tiền tràn vô phụ lưu An Thái Trung vào buổi sáng để khi cử hành lễ tại sân vận động bên cạnh bờ sông thì nước lớn dâng lên tràn bờ. Người dân miền Nam sống một nền văn minh gắn liền với mạng lưới sông ngòi chằng chịt đem lại trù phú cho thôn quê đều tin rằng nước lớn là điềm tốt đem lại may mắn cho họ. Riêng cá nhân tôi cố ý chọn ngày nước rông (lớn) là để tổ chức thuyền máy "outboard" thi đua tốc độ do một chủ vườn cam nổi tiếng ở xã Thanh Hưng phụ trách tiết mục này. Lúc bấy giờ nhờ có vài năm thanh bình sau Hiệp định Geneve nên đời sống ở nông thôn bắt đầu được cải thiện. Riêng tại Tổng Phong Phú người dân rất khá giả nhờ những vườn cây ăn trái nổi tiếng được đồng bào Thủ đô và các tỉnh yêu chuộng. Nào là xoài cát Mỹ Lương Hòa Lộc, ổi xá lị Hưng Thuận, cam mật Thanh Hưng, chưa kể ốc gạo và chim quay nước dừa, v.v... mà hành khách xe đò lục tỉnh khi dừng tạm ở phà Mỹ Thuận đều không quên thưởng thức tại chỗ và mua mang về biếu xén bà con. Nhà nào cũng có ra dô, máy may và máy đuôi tôm. Riêng ông chủ vườn cam Thanh Hưng thì có hai chiếc outboard để di chuyển.
Theo lời yêu cầu của tôi, ông chủ vườn này mời một số bạn bè ở tỉnh Vĩnh Long giáp ranh với Cái Bè đem qua An Thái Trung khoảng 10 chiếc thuyền máy cùng một số thể thao gia rất giỏi về môn trợt nước (water ski) để cống hiến nhiều mục hấp dẫn, từ thi đua tốc độ đến biểu diễn kỹ thuật trợt nước mà đồng bào xã ấp ở thập niên 50 chưa hề có dịp thưởng thức. Nếu nước cạn thì mất đi 60% ngoạn mục, chưa kể những người đứng xa thì sẽ không thấy gì hết. Nhờ nước lấp xấp bờ sông nên ghe máy và người biểu diễn phi lượn ngang mặt đất, gây vui nhộn và hứng thú cho tất cả mọi người.
Phần biểu diễn dưới nước vừa chấm dứt thì một phi tuần chiến đấu cơ của Không lực Việt Nam bay tới biểu diễn nhào lộn rà sát trên mặt sông trước sự kinh ngạc của mọi người, kể cả ông Tỉnh Trưởng và quan khách vì tôi muốn tạo một ngạc nhiên nên không có ghi vào chương trình. Số là tôi có một người em vợ tên Georges Nguyễn Thanh Tòng tốt nghiệp Khóa 1 Trường Không quân Nha Trang. Anh ta đã qua các lớp tu nghiệp ở Meknes và Marrakech tại Maroc (còn là thuộc địa của Pháp) và đậu ưu hạng về chiến đấu cơ. Năm 1958, anh ta với cấp bực Trung úy chỉ huy một phi đội "Bearcat" tại Tân Sơn Nhất. Do lời yêu cầu của tôi, anh ta mượn cớ bay "duy trì khả năng" rồi ghé tạt ngang An Thái Trung mươi phút để làm một màn biểu diễn để đời. Đồng bào trong xã thêm một lần nữa được hả hê vui thú vừa thị giác vừa thính giác, nhất là tiếng máy nổ rền trời của phi cơ lượn sát mặt nước tràn đầy gây vang dội thẳng vào lồng ngực mỗi người khiến ai nấy đều xúc động mạnh. Những màn biểu diễn như trên không những ảnh hưởng tốt cho phong trào đoàn ngũ hóa nhân dân trong quận mà còn là một niềm tin và hãnh diện của toàn dân đối với Quận, đối với chính nghĩa quốc gia, vì không phải xã nào hay quận nào trong nước cũng có thể tổ chức được như vậy.
Tuy đã đánh phá gần hết cơ sở Xã ủy và Chi ủy, nhưng bộ phận đầu não của Cộng sản trong quận còn nguyên vẹn. Đó là Huyện Ủy Cái Bè và Đại đội cơ động Tỉnh. Nếu đã đánh cho thân xác tê liệt rồi mà không đánh cho thủng đầu thì con rắn Cộng Sản sẽ cựa quậy trở lại. Tôi phải đích thân thảo kế hoạch đánh phá hai mục tiêu trên đây....

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.