Hôm nay,  

Những Hạt Ngọc Bày Ra Ánh Sáng

22/11/200300:00:00(Xem: 5084)
Sách "Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản", do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành, sắp ra mắt bạn đọc. Đây là một sự kiện lớn đối với nền Văn học Nghệ thuật nước nhà. Người viết không nói ngoa khi dùng chữ "lớn" để định tính cho sự kiện này. Vì, trong số tác phẩm chưa hề xuất bản của Phùng Cung sắp ra mắt bạn đọc, có lắm "hạt ngọc" hiếm thấy trong văn chương đương đại của nước ta. Cho nên việc đưa chúng ra ánh sáng, trả chúng lại cho dân tộc để dân tộc xét đoán, tuyển chọn và trân trọng đặt chúng vào vị trí xứng đáng trong kho báu Văn học Nghệ thuật nước nhà - quả là một sự việc trọng đại đầy hứng khởi.
Các bạn cứ tưởng tượng xem, những sáng tác quý báu này mà rơi vào bàn tay tàn bạo của kẻ cầm quyền độc tài hiện nay, những kẻ đang theo vết chân bạo chúa họ Tần trên hai ngàn năm trước, thì chắc chắn là chúng đã bị biến thành tro bụi hàng mấy thập niên trước rồi! Còn đâu cho chúng ta và hậu thế được thưởng thức"! Thế mà người sáng tạo nên chúng - sáng tạo trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bị tước hết tự do, thậm chí trong xà lim biệt giam - đã cố ghi sâu, giữ kỹ trong "kho nhớ" của mình, rồi lén lút biên chép, cất giấu, lại được những người thân yêu coi là của gia bảo, giữ gìn, nâng niu, trân trọng ... rồi do một cơ duyên kỳ lạ mà chúng được đến tay bạn đọc thì thật là diệu kỳ biết bao! Đúng là "phép lạ" của Công Lýù!
Người viết những dòng này - cách đây chín năm, 21.08.1994, - đã kể lại trong tiểu phẩm của mình "Nhân Văn - Giai Phẩm" - một tư trào, một vụ án, một tội ác" (1) về một trào lưu tư tưởng trong giới trí thức miền Bắc hồi nửa cuối thập niên 50, trào lưu đòi tự do, đòi sáng tạo không bị gò bó. Trào lưu đó đã bị nhà cầm quyền cộng sản "dàn dựng" thành một "vụ án gián điệp" để bắt bớ, tù đày biết bao trí thức văn nghệ sĩ vô tội. Vụ án đó, tội ác đó đã ghi lại vết nhơ không thể nào tẩy sạch trên trán Đảng cộng sản Việt Nam. Trong cái trào lưu hồi đó, Phùng Cung đã đóng một vai thật khiêm tốn: anh chỉ góp vẻn vẹn một truyện ngắn "Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh" đăng trên báo Nhân Văn số 4, tháng 10 năm 1956. Nhưng kẻ cầm quyền đã trừng trị anh tàn bạo hết nước. Vì họ suy đoán "Con ngựa già Kim Bông" và "Chúa Trịnh" là những "biểu tượng hai mặt" ám chỉ "đám văn nô-bồi bút" và "Đảng lãnh đạo tối cao" tiếm quyền! Do đó, chỉ vì một truyện ngắn mà Phùng Cung bị "đấu tố" nặng nề và "được" Đảng "đặc biệt chiếu cố" giam giữ tại trại tù đến bốn "lệnh" (2), tức là mười hai năm ròng rã, từ năm 1960 đến mãi năm 1972! Ở các trại tù, anh lại thường "được" Đảng "biệt đãi" - cho "biệt giam" tại những xà lim đơn độc. Chính trong cảnh gông cùm khắc nghiệt, anh đã sáng tác những vần thơ tuyệt diệu, như Trăng Ngục, Biển Cả, Tổ Quốc, Quê Hương, Nước Mắt, Cung Trời, Thu Xa, Dòng Sông, Quê Xa, Mỏi Xanh, Mẹ, Sông Thương - Sao Thương, Em Quỳnh, +-Sống Chết, Bước Vô Định, Tội Nghiệp... Đến khi ra tù, anh cũng "được" Đảng "đặc biệt săn sóc" - như lời kể của người con ruột của anh, Phùng Hà Phủ: " ...Thế mà không tuần nào, tháng nào là không có cán bộ của công an đến nhà thẩm vấn: hôm nay đi những đâu " gặp những ai"... đến mức nhiều khi mẹ tôi nói với bố tôi: "Thà họ cứ bắt quách anh trở lại còn hơn, chứ thế này em thấy căng thẳng quá, không sống nổi". Đảng đối xử với anh như vậy vì anh là người trực tính, không chịu luỵ mình, dối trá, mà chỉ muốn sống với lương tâm trong sạch. Cho đến nay, có thể nói một cách chắc chắn rằng trong hàng ngũ những người gọi là "Nhân Văn - Giai Phẩm", Phùng Cung, cũng như Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang... là những người trong sáng, kiên định nhất, nhận thức rõ bản chất của chế độ đương quyền, những người không hề uốn cong tấc lưỡi và ngòi bút để nói, viết những điều trái với lương tâm.
Tôi được Bác sĩ Lâm Thu Vân ngay từ đầu trao đổi ý kiến về việc xuất bản di cảo quý báu này, nên tôi xin trình bày rõ do cái cơ duyên nào mà những sáng tác này của Phùng Cung đến được tay bạn đọc. Hồi năm 1999, nhờ một sự tình cờ trời xui đất khiến mà người con ruột của anh chị Phùng Cung-Kim Thoa, tên là Phùng Hà Phủ, đã gặp được chị Lâm Thu Vân ở Canada. Một điều kỳ lạ - kẻ Bắc người Nam gặp nhau mà nhanh chóng đồâng cảm trong tình ruột thịt đến nỗi cháu Phủ đem hết tâm tình thổ lộ với cô Vân, cháu kể lại cuộc đời đau thương của bố mẹ, sáng tác của bố và ước nguyện cuối cùng của bố là tác phẩm của mình được đến tay bạn đọc. Thế là hai cô cháu bàn nhau để thực hiện ước nguyện thầm kín đó của nhà thơ. Sau đó bản thảo đã vượt qua được "bức màn...tre" của chế độ... nhưng hành trình của nó lại theo con đường vòng vèo, qua tay người này đến tay người khác, thậm chí có người giữ lại trên mấy năm trời. Sau, phải nhờ anh Nguyễn Chí Thiện ra công thuyết phục, thì cuối cùng bản thảo đến được tay Bác sĩ Lâm Thu Vân là người được uỷ quyền chính thức. Khi đến tay chị Vân, bản thảo có 10 truyện ngắn và tập thơ "Trăng Ngục" gồm 35 bài. Đến nay, chị Vân cũng không biết tập bản thảo nhận được đã gồm đủ tất cả những gì được gởi gắm ra chưa, mà chẳng biết hỏi ai được nữa: cháu Phùng Hà Phủ không may đã qua đời ít lâu sau ngày về nước! (Theo tôi được biết, còn thiếu ít nhất hai truyện ngắn "Quản Thổi" và "Kép Nghế" - những truyện bị tố là "để viser lãnh tụ và Đảng cộng sản") Chúng tôi bàn nhau dù ít dù nhiều cũng cứ nên xuất bản. Anh Trương Minh Tiên và các bạn trẻ Trần Thị Bạch Vân, Khiếu Danh Sơn, Vũ Công Bằng trong Trung Tâm Dân Chủ Cho Việt Nam/Montreal ngày đêm đánh máy, dò soát bản thảo. Các bạn ở Montreal chọn Nhà xuất bản Văn Nghệ để ấn hành cuốn sách này, thế nhưng anh Võ Thắng Tiết vì sức yếu mắt kém đã quyết định không làm sách nữa. Chúng tôi đã khẩn khoản xin anh cố giúp một tay, cuối cùng thì anh Tiết cũng nhận lời và tuyên bố đây là cuốn sách cuối cùng trong đời làm sách. Tôi trộm nghĩ: nếu anh Võ Thắng Tiết quyết định như thế thì cuốn sách này thật xứng đáng làm điểm son cuối tô điểm cho cái "nghiệp" xuất bản của anh.
Văn thơ của Phùng Cung là tiếng nói của một nghệ sĩ chân chính, đệ tử trung thành của Chân, Thiện, Mỹ. Vì chuộng cái Chân, Phùng Cung không hề quay mặt trước sự thật, anh dám nói lên sự thật về số phận đầy đau thương của những người dân bình thường dưới chế độ "phong kiến mới" với những bạo hành, sắt máu và chính anh thật tình đau nỗi đau của họ. Trong văn thơ của mình, anh vạch mặt bọn thống trị và bè lũ tay sai gây ra đau khổ cho người dân. Vì trọng cái Thiện, Phùng Cung đã bộc lộ rõ ràng cái tâm trong sáng của anh, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê, thương dân da diết, lòng nhân ái, tinh thần nhân bản sâu đậm của anh. Vì quý cái Mỹ, tác giả xót xa trước tình trạng Nghệ thuật Chân chính bị chà đạp khi sự dối trá và ngu dốt lên ngôi, tác giả đau buồn trước sự vùi dập thô bạo đối với truyền thống Nghệ thuật của dân tộc. Và ngay trong văn thơ của mình, tác giả cũng luôn luôn cố gắng tối đa để làm nổi lên cái Đẹp. Có truyện ngắn ẩn dụ cho thấy Nghệ thuật Chân chính không thể nào chung sống được với một chế độ đã không có tự do, mà lại tôn thờ giả dối.
Đọc Phùng Cung, ta thấy rõ anh là một cây bút có trách nhiệm. Bút pháp của anh nhẹ nhàng, trôi chảy, nhưng nghiêm túc, giàu hình tượng, với những ngôn từ sắc cạnh, chắt lọc, cân đo, đặt đúng nơi đúng chỗ, "rất đạt". Trong văn thơ của anh, hoàn toàn vắng bóng cái "đao to búa lớn", "huênh hoang rỗng tuếch", "phấn khởi giả tạo" của lối viết mướn "theo đơn đặt hàng" thịnh hành trong "văn học, nghệ thuật cung đình".
Vì không dám "lấn sân" của các nhà phê bình, tôi chỉ xin giới thiệu sơ qua vài tác phẩm của Phùng Cung. Truyện ngắn "Mộ Phách" là một trong những truyện hay. Chuyện kể về hai vợ chồng kép Chản, đào Khuê người làng Vân Cốc làm nghề ca trù, nhưng từ ngày Vân Cốc đổi thành Toàn Thắng thì cả hai vợ chồng bị gãy nghề, trở thành "đối tượng" cho sự phê phán, chì chiết, truy bức, đến nỗi cây đàn đáy, bảo vật gia truyền mà kép Chản đã được cụ kép Điều để lại trước khi thành người thiên cổ, giờ đây được giấu kín trên bàn thờ... cũng bị coi là "vật cản" của cách mạng. Thế là người ta tìm mọi thủ đoạn để huỷ diệt cây đàn mà Tư Chản thiết tha giữ gìn, trìu mến "như nâng giấc người cha ốm". Trong "Mộ Phách", tác giả khắc hoạ rõ nét từng nhân vật, từ kép Chản, đào Khuê, đến anh Đáng, cháu họ của ông Khản, cán bộ Đảng, uỷ viên văn hoá, là cốt cán được đề bạt lên từ sau cải cách ruộng đất, đến Thuyên, người con trai yêu quý của ông bà Chản, đi bộ đội được coi là "cảm tình" Đảng nhưng chưa được kết nạp Đảng chỉ vì gia đình còn "chưa tiến bộ". Tác giả vạch rõ được cả một hệ thống, hay chính xác hơn cả một cơ chế "thiên la địa võng", nó lôi cuốn, mê hoặc, chằng chịt, kiểm soát, trói buộc, bức bách con người phải hành động theo ý muốn của Đảng, lắm khi trái hẳn với tính người và tình người. Chính Thuyên, người con trai yêu quý của ông bà Chản, thì lại cùng Đáng bày mưu đặt kế huỷ diệt cây đàn, và cuối cùng, cũng chính Thuyên đã đập và giẫm nát chiếc đàn quý báu mà bố coi như người bạn trong đời mình. Bản thân Thuyên cũng có những giây phút đấu tranh, dằn vặt, đã từng đặt chữ Hiếu cùng với lập trường "đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp" lên bàn cân của con tim, nhưng "nhớ lời vàng ngọc của bác Hồ: "Hiếu với ai" - với dân. Trung với ai" - với Đảng" thì anh lại "tự mình ốp đồng", tự mình hạ "quyết tâm thư " "phải đánh gục mọi cản trở của cách mạng". Thuyên "đã trở thành một kẻ nhẫn tâm, một tên lừa dối, một tên bất hiếu ".
Đoạn miêu tả tâm trạng vợ chồng ông Chản khi chiếc đàn đáy bị bức tử thật cảm động: "Biết mình vô hiệu, ông Chản đi thoắt ra ngoài, không dám nhìn lại, mà có nhìn cũng chẳng thấy gì nữa - "Choác!" một tiếng trước cửa bếp - Thuyên mắm môi, quắc mắt, tay đập, chân đạp vào cần vào đáy đàn khiến cây đàn biến thành củi. Ngoài sân, ông Chản bưng tai như nghe sét đánh, liêu xiêu bước ra ngõ - Bà Chản thoái dạ, mắt hoa lên, mọi vật trước mắt quay cuồng, bà Chản phải chống hai tay xuống đất để giữ được thế ngồi "cóc vái giời". Bà cố định thần để nhận biết việc xẩy ra đã xẩy ra. Bà cúi mặt khóc rấm rứt. Nước mắt đứt, nối, kéo dài cả một quá khứ tiêu tan trong giây lát.
Lửa cháy vù vù dưới thùng nước tắm. Ông Chản đang loạn bước ngoài ngõ, ngoài vườn, xéo nát cả luống rau mới cấy. Tai ông nghe lửa réo; và ngửi thấy mùi đàn cháy khen khét như một vật có xương, có thịt. Ông thảng thốt nghe rõ tiếng đàn từ trong cháy phi ra. Phải chăng tiếng đàn chỉ đến với tai ông. Ông Chản đờ ra như người mất vía. Trên đầu ông lất phất mưa bay.
Trong lúc Thuyên đang tắm phía đầu hồi; ông Chản lững thững vào bếp, cứ trố mắt nhìn hết cái này cái khác. Bà Chản đang dọn bữa, bà nhắc chồng ngồi sưởi cho đỡ lạnh. Ông Chản kéo ghế con ngồi ôm lấy bếp than đã vạc, tay cầm que dời đi, dời lại trong đống tro than. Ông hỏi vợ có nghe tiếng gì không" Bỗng bà Chản ngạc nhiên hỏi lại chồng xem tiếng gì; ông Chản nói trong tiếng thở dài :
- Thôi đừng hỏi nữa!
Thấy chồng vẫn bới bới, gảy gảy, bà Chản nghĩ được hay có cái gì bỏ quên trong đáy đàn: gặng hỏi chồng; bỗng nghe tiếng trầm trầm như rên "tìm mấy tiếng đàn". Bà Chản nhìn chồng giật mình thấy vẻ mặt chồng khác hẳn trước đây, cười cười, mếu mếu đứng dậy, miệng lảm nhảm, đi lên nhà; bà không nghe rõ gì cả. Bước ra khỏi cửa bếp, ông Chản còn ngoái đầu lại nhìn, chẳng biết nhìn cái gì" Tâm hồn đồng cảm không qua lời nói; bà Chản thấy hết. - Một con người mau nước mắt là thế mà giây phút này chỉ nhìn sau lưng chồng: chắc là nước mắt đang xối xả bên trong!... "
Sau khi cây đàn không còn nữa, ông Chản ngày một xọm người và cuối cùng ông qua đời trong dịp đến thăm con gái. Còn bà Chản, tức là đào Khuê năm xưa, cũng mỗi ngày một suy sụp. Đến "ngày bốn chín" của ông, bà Chản muốn cúng chồng bằng lời ca tiếng phách, hy vọng vợ chồng được gần gụi trong khoảng cách âm dương. Đợi đến đêm khuya, bà lấy cỗ phách quý truyền tay đến ba đời trong hòm ra. Và sau khi cất lời ca, bà gõ phách cắt nhịp thì lạ thay, phách bỗng câm đột ngột không còn âm vang nữa. Bà nhận biết là: "Bạn cũng ra đi" và làm lễ mai táng cho phách, vun thành nấm mộ trong vườn...

Một truyện ngắn khác cũng rất bi đát là "Biệt Tích". Chuyện kể về bác phó cả Lâm, một "phó cả của nghề nghiệp, của mọi mặt cư xử", một người thợ mộc tài ba, làm việc có lương tâm nhà nghề, luôn luôn ghi nhớ lời dạy của thầy mình là "ăn thật thì không được làm dối". Đến thời Việt Minh, nghề mộc của phó Lâm bị đình đốn, vợ chồng sống trong cảnh nghèo đói. Bỗng một hôm được uỷ ban giao việc đóng một lô bàn và đưa cho năm yến gạo. Cả nhà sung sướng hồi sinh, bác phó ngày đêm ra công làm rất cẩn thận. Thắm thoát gần một tháng, bác làm sắp xong thì uỷ ban đến giục. Ông uỷ viên đến kiểm xét công việc, không bằng lòng, văng vào mặt: "Ông đóng kiểu bàn gì thế này"... Bàn biếc đếch gì mà như hương án thờ thần thế này" Quái quỷ!" Rồi bảo hôm sau bác phó phải lên uỷ ban. Khi gặp phó chủ tịch uỷ ban thì ông này phủ đầu cho một câu như buộc cho bác sự cố tình dây dưa. Người ta bảo bàn giấy của uỷ ban không cần vẽ vời gì hết, rồi kéo bác đến một chiếc bàn giấy bảo "Cứ mẫu ấy mà làm!" Bác thấy "bàn không có tua, mộng gì cả, chỉ ghép lại bằng đinh năm phân chặt bỏ mũi, đóng ngậm. Toàn gỗ tốt, lát da đồng, vàng tâm, chỉ bào lướt, mặt ngoài nhoáng qua một lớp si màu". Bác băn khoăn vì đã biết rõ cái kiểu "ăn thật làm dối", một điều cấm kị trong nghề, một điều sỉ nhục trong nghề, nên chưa biết nói như thế nào, thì người ta bảo "Cứ mẫu ấy mà đóng". Bác ngần ngừ và cuối cùng nói: "Dạ! Thưa không làm được thế này ạ". Phó chủ tịch uỷ ban bực bội hỏi: "Không muốn làm à"" Bác cũng chỉ ấp úng trả lời: "Thưa khó quá ạ!" Khi bác ra về, bác còn nghe được câu nói sau lưng: "Chắc phải có âm mưu gì đây"" Mà thật ra, bác chẳng có âm mưu gì hết. Chẳng qua, chỉ vì ... "Trong bụng phó Lâm cứ bồn chồn, dằn vặt, bao nhiêu năm ăn cơm thiên hạ, đáp lại bằng sức lực, bằng lương tâm, thấy sự dối trá của nghề nghiệp bày ra trước mắt mà lại lấy đó làm mẫu mực, thì thật là đứt ruột! "... nên thấy khó mà bắt mình theo được cái mẫu mực "ăn thật làm dối" đó. Thế là người ta thu hồi lại gỗ. Cảnh nhà lại rơi vào túng bấn, lo lắng. Bác lại bị nghi ngờ, theo dõi...Và cuối cùng là trong một dịp bà Lâm đi chợ vắng nhà thì... khi về đến nhà không thấy chồng đâu nữa. Bà chờ chồng ba năm, rồi sáu năm, rồi chín năm, mà chồng vẫn biệt tích.
Cái kết thúc bi thảm của cuộc đời bác phó Lâm hé cho người đọc thấy điều tác giả gởi gắm trong truyện là cái Tuyệt Mỹ, Lương tâm Nghề nghiệp, Nghệ thuật Chân chính khó mà tồn tại trong một xã hội vừa độc tài vừa gian dối.
Cả trong văn chương trào lộng, Phùng Cung cũng tỏ rõ tài nghệ của anh. Mũi nhọn châm biếm đâm thẳng vào bộ mặt giả dối của kẻ cầm quyền vàlũ nịnh thần, lũ "trọn kiếp bút nô" chuyên nghề "múa lưỡi", "cưỡng bức ngữ ngôn ngợi ca tội ác"...
Khác với 10 truyện ngắn viết trước ngày vào tù, trong thời kỳ bị đấu tố cực kỳ căng thẳng, 35 bài thơ được sáng tác trong thời gian tù ngïục, ngay tại xà lim biệt giam ở những nhà tù khét tiếng độc ác (chỉ có một bài - Đêm Vó Ngựa - làm khi mới ra tù).
... Ta một con người
Nạn nhân đang vòng tù ngục
Đêm ngày chân rỉ máu cùm lim
Linh hồn bất khuất
Trên đầu là thượng đế
Dưới chân là mặt đất hiếu sinh
Bức xúc lương tri
Ta phải xuống đường...
Mười hai năm tù ngục càng làm cho Phùng Cung thấy rõ bộ mặt thật của giai cấp thống trị, "tàn bạo lên ngôi", "bản chất nó là cuồng bạo", là "lái buôn binh lửa", lại "huênh hoang lấp biển vá trời "kiến tạo địa đàng - hạnh phúc", thấy rõ những "ma thuật ngoan tay tạt độc dược vào tâm - vào não" con người. Chính vì thế trong lời thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, ý nhị, thâm trầm, sâu thẳm của anh thường xuyên bật ra những tiếng phẫn nộ phản kháng, những bản cáo trạng mạnh mẽ, thẳng thừng đối với bọn thống trị. Những vật thờ của chế độ toàn trị và những biểu tượng của quyền lực độc tôn - "thò lò muôn mặt lê-mác-mác-lê" "mạ màu mao-ít", "sừng sững dựng khải hoàn môn máu", "cờ máu rợp trời lợm gió", "máu cờ đỏ", "bóng cờ ma", "nghênh ngáo quốc huy", ..."Thề phanh thây uống máu!..." - "có quốc thiều nào man rợ thế không", v.v... - bị vạch trần không chút kiêng nể, e sợ.
Trong "Biển Cả", Phùng Cung ví biển với Đảng lãnh đạo hợm hĩnh tự khoe mình là to lớn cao cả, là đỉnh cao trí tuệ, tự cho mình quyền quyết đoán mọi việc, nhưng anh lại khinh bỉ vạch rõ "mắt phàm tục", "thiếu những giác quan cần thiết", chỉ có "mặn chát" và "ồn ào", mà lại có "cái thói hư" không bằng lòng thì "nổi sóng" dữ dội. Nhà thơ cảnh cáo: dẫu có tự cho mình là "vô cùng lớn lao gì đó" thì cũng "phải hài hoà với vô cùng bé nhỏ", tức là người thường dân, vì sẽ có ngày Lịch sử phán xét, trừng phạt ngươi.
...Biển cả khoác triều phục đại dương
Hợm mình - uy nghi đồ sộ
Song đòi phen
Nghiêng ngửa - đáng thương
Mắt phàm tục
Đăm đăm vương chút lệ
*
...Hỡi biển cả !
Mặt có rộng
Nhưng thiếu những giác quan cần thiết
Lòng tuy xanh - sâu
Xanh sâu đầy mặn chát
Bỏ mất mênh mông
Chuốc lấy ồn ào
Tự thao túng - cái thói hư
Bất bằng nổi sóng
*
...Ta khẩn cấp dặn dò
Dẫu vô cùng lớn lao gì đó
Phải hài hoà
Với vô cùng bé nhỏ mà thôi
Biển cả đừng quên
Tay trọng tài
Vẫn lăm lăm ngọn roi.
Bài "Trăng Ngục" - theo tôi - là một tác phẩm tuyệt vời! Bằng những nét chấm phá chỉ với hai mươi tám chữ, tác giả đã hoạ lại một bức tranh vô cùng xúc động: trong đêm khuya tĩnh lặng, ánh trăng lọt qua song sắt vào tận ngục thăm nhà thơ, lúc đó đang lơ mơ ngủ, bỗng anh tỉnh giấc và cảm động đến lặng người đi: anh thấy trăng thương xót cảnh tù biệt giam cô đơn, đã nhẹ nhàng "vá lụa" trên vai áo sờn rách của anh. Hình ảnh đó thật độc đáo. Hai câu kết vang lên vô cùng ai oán!
Trăng qua song sắt
Trăng thăm ngục
Bỗng ta chợt tỉnh - sững sờ
Trên vai áo tù
Trăng vá lụa
Ngày xưa ơi !
Xa mãi đến bao giờ.
Trong 35 bài thơ, có nhiều bài cho thấy nỗi đau day dứt của tác giả trước bi kịch của những con người bình thường - những thiếu phụ khóc chồng tử trận, bà mẹ khóc con mới mười sáu tuổi bị lấy đi chiến tranh, chết bỏ xác ở Khe Sanh - Dốc Miếu, những cụ già cô đơn "gãi đất", vì "tuổi trẻ - gái trai bị lôi đi - đi hết" để ném vào chiến tranh, người dân bị "cái đói lăn kín bốn mùa", em bé gái bị cưỡng hiếp rồi bị đày đoạ trong trại giam đến chết, v.v... Giọt nước mắt đau thương của những con người bất hạnh lã chã nhỏ xuống và nhà thơ cảm thấy dường như chúng rúng động cả thiên cầu làm muôn vàn sao băng xao xuyến rơi...
...Tôi đứng trong đêm
Ngửng đầu nhìn cao xa
Vọng hỏi
Có phải nước mắt con người
Đằm đằm dội xuống
Mà trên thiên cầu
Bao vì sao xao xuyến đổi ngôi.
"Em Quỳnh" là một bài thơ rất buồn, đồng thời cũng là lời lên án mạnh mẽ chế độ giả dối, bất nhân. Bài thơ kể chuyện một em bé 12-13 tuổi, lần lượt bị "đồng chí chủ nhiệm, đảng viên cốt cán", "chú bí thư đảng uỷ mới bầu" lợi dụng thoả mãn tình dục, rồi tống vào trại tù để "giáo dưỡng", ở đây em lại bị "bác cảnh binh, chánh giám thị" giở trò cưỡng hiếp, em "dại dột khóc to", chánh giám thị sợ tai tiếng tìm cách lấp liếm, buộc tội cho em rồi đẩy em đến toán lao động cực nhọc cho em chết thảm trong tù.
...Máu cờ đỏ phấp phới hờn ghen
Vội kết tội em
Chối từ lời đảng
Phi giai cấp
Và phi đủ thứ
Lệnh cho dân quân
Lùng sục bụi bờ
Tội nghiệp thân em !
Em có biết đâu
Là bôi đen chế độ
Là mảnh gương
Soi méo mặt bác Hồ
Đường lối đảng
Kiên trì cứu vớt
Cấp tập đưa em vào giáo dưỡng
Ôi ! Cái mỹ từ dối trá đê hèn
Của nhà tù trẻ mỏ
Giữa núi đồi - cuối đất cùng trời
*
...May thay ! được bác cảnh binh
Chánh giám thị
Quê làng sen (3) trọ trẹ
Nghé mặt - xoa đầu
Nhè nhẹ vỗ vai em
Tự xưng danh chức
Đại diện bác Hồ
Đại diện đủ ba lực lượng
Đảng tiền phong - chính quyền - quốc hội
Hứa chiếu cố - ưu tiên
Rập khuôn lời bác
"Nhỏ làm việc nhỏ"
"Trước hết cứu mình"
"Góp phần nhỏ vinh quang cứu nước !"
Ngấm ngọt chưa em "
*
...Nấm đất bơ vơ
Xanh lạnh trăng ngàn
Tà khuya nấn ná
Sầm sập những mưa rừng xối xả
Mưa cũng nhẹ hơn
Quanh chỗ em nằm...
Ôi ! đài phát thanh Bắc Việt
Vẫn tối ngày bốn lần leo lẻo
"Vì chủ nghĩa xã hội tươi đẹp !"
"Vì tương lai con em chúng ta !"
Xa gần đã rõ chưa"
Ơi ! em Quỳnh xinh yêu !
Nằm dưới mồ sâu
Còn rát lắm không
Cái lưỡi giáo điều vẫn xoen xoét
Liếm tai em nhiều nhất
Bộ mặt thật của chế độ này
Em được nhìn rõ
Hơn bất kỳ ai.
"Quê Hương" và "Tổ Quốc" là những tiếng kêu đứt ruột của nhà thơ trước tình cảnh nước nhà.
Quê hương ơi !
Đường quan lầy nước mắt
Điệu sáo hết du dương
Mây chìm
Gió ngủ
Chiều nắng da bò
Vẫn nhằm biên giới ưu tư
Rầu rầu đổ bộ
Sông sâu bặt tiếng gọi đò
Chim hãy giùm ta
Gọi cành xanh ngóc dậy
Để một lần
Quê hương thấy lại quê hương
*
...Ôi ! Đất nước sa cơ
Già - trẻ bơ vơ nheo nhóc
Tơi nón dầm mưa lẩy bẩy đợi chờ
Còi nội chính (4)
Xả từng hơi quyền lực
Một bước ra đi
Một bước sinh ly
Phố vắng ngả bóng chiều rầu rĩ
Ngậm ngùi tìm dấu cố nhân
Lưỡi đảng lùa sau lưng
Dựng xây quê mới
Đèo heo hút gió
"Phiên-bản xi-bia" (5)
Tay nghiêng che
Nghẹn ngào nhỏ vụng
Lệ kinh kỳ !...
*
...Ơi ! quê hương
Hỡi những ngày xưa !
Thủy chung - nhân ái
Tất cả chìm-ngâm
Trong lừa dối cuồng điên
Trĩu bước lưu ly
Gót mòn - sấp ngửa - áo cơm
Trăm muôn vẻ thắm hữu hình
Chỉ còn là lưu ảnh
Chập chờn bên ải mưa sa.
Nhà thơ da diết nhớ "Mẹ", bồi hồi "nhớ người thiên cổ" mà ngay việc tảo mộ gia tiên, người dân cũng phải làm chùng vụng.
...Con làm sao quên được
Mồ hôi mẹ
Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt
Con níu giọt mồ hôi
Đứng dậy làm người.
*
...Tiếng gia tiên
Thổn thức dưới mồ
Những lúc chim về
Tím lịm chân mây
Ai liều tảo mộ chiều nay
Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn

Nghĩ đến Tổ quốc, nhà thơ đau đớn thốt lên:
Tổ quốc kính yêu ơi !
Văn hiến - thuần phong mỹ tục
Phút chốc bàn tay cộng sản dập vùi
Định nghĩa - tên người
Tôi không nói được
Nếu bị dồn hỏi
Tôi chỉ có thể trả lời
Bằng hai hàng nước mắt
Tổ quốc kính yêu ơi

Còn khi nghĩ đến thân phận mình, cũng như thân phận chung của văn nhân, trí thức, nghệ sĩ dưới chế độ cực quyền, tác giả đã bày tỏ tâm tình xót xa cay đắng.
Tội nghiệp nhà thơ !
Bơ vơ một nẻo
Hết móc ruột moi gan
Lại réo tên chỉ mặt
Bởi không biết sống
Nên không biết chết
Nửa thế kỷ bị lưu đầy
Trong cõi tung hô
*
Nhà thơ vẫn hằng tâm niệm
...Sứ mệnh thơ ơi!
Trong sáng tuyệt vời!...
Cho nên anh quyết sống vì sứ mệnh đó!
...Sống quá khó khăn
Chết chẳng dễ dàng
Ta phải sống
Vì ta còn phải chết...
Chết để giành sự sống cho dân, cho nước:
... Phải xuống đường
Tìm sinh trong tử
Nước mắt mài gươm...
Chính trong cảnh "còng sắt cùm lim ngấy máu tù", anh đã ước nguyện:
...Cầu xin các đấng linh thần
Cho ta sức mạnh phi trần
Đủ tung hoành, xông xáo
Tận cùng hang ổ
Băm xả vào đầu con rắn đỏ...
Còn có thể nói rất nhiều nữa về thơ Phùng Cung, nhưng thiết tưởng với chừng ấy cũng đủ để bạn đọc thấy rõ việc bày ra ánh sáng những "hạt ngọc" của một nhà thơ bị cường quyền vùi dập trong bốn thập niên ròng rã là một thắng lợi bước đầu của Công Lý. Cầu mong ở thế giới bên kia, hương hồn người nghệ sĩ tài ba Phùng Cung, cũng như con trai yêu quý của anh, Phùng Hà Phủ, được thoả nguyện một phần.
Hy vọng rằng cuốn sách "Phùng Cung, Truyện Và Thơ Chưa Hề Xuất Bản" sẽ được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt. Chắc chắn là dưới ánh mặt trời, những "hạt ngọc" quý mà nhà thơ chiết ra từ máu và nước mắt của mình để hiến cho đời, sẽ càng thêm phô sắc và đem lại cho bạn đọc nhiều khoái cảm, cũng nhiều giờ phút trầm tư về hiện thực nước nhà và trách nhiệm mỗi người đối với sự nghiệp cứu nước, cứu dân./.
Hè Moskva 10.07.03
1. Bài này đã in trên các tạp chí Thế Giới Ngày Nay ở Hoa Kỳ, Thiện Chí ở Đức hồi 1994, được dịch ra tiếng Đức đăng trên tờ Viet Nam-Forum, về sau đã in lại trong tập sách "Công Lý Đòi Hỏi", NXB Văn Nghệ, 1997.
2. "Lệnh" - tiếng lóng nhà tù, là một lần bắt đi "tập trung cải tạo"ø ba năm.
3. Theo tôi, chữ làng Sen viết hoa, đó là tên tục của làng Kim Liên, nơi chôn nhau cắt rốn của ông Nguyễn Sinh Cung/Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh. Chữ đó đi với chữ "trọ trẹ", ý nói giọng xứ Nghệ.
4. Công an nằm trong khối nội chính, do một uỷ viên Bộ chính trị phụ trách.
5. Ý nói rập theo khuôn mẫu trại tập trung ở Siberia (Liên Xô).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.