Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn:"Nhìn chung việc học hành vẫn còn chìm đắm trong luyện thi, nhồi nhét kiến thức."
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng:"Tôi nghĩ rằng, nếu biết lắng nghe ý kiến của nhân dân thì sự nghiệp giáo dục sẽ được xã hội hóa."
Hoa Thịnh Đốn.- Trong hai bài trước tôi đã viết về những phong trào thi đua thành tích giáo dục của những người cầm quyền từ bậc Tiểu học lên đến Trung học và những tệ nạn mua bán bài thi, bằng cấp và gian lận trong thi cử ở Việt Nam. Bài viết này đi sâu vào lề lối và khả năng giáo dục đào tạo các chuyên viên của ngành Đại học và Cao đẳng để xem Nhà nước Cộng sản Việt Nam có thật tâm muốn xây dựng đất nước hay không.
ĐI NGƯỢC - TRÈO CAO
Từ vài chục năm qua, những người được giao trách nhiệm trong ngành giáo dục ở Việt Nam đã tập trung những cải cách hay thường được gọi là "đổi mới" ở hai bậc Tiểu và Trung học nhưng lại bỏ quên cấp Đại học và Cao đẳng, coi như ho đã thỏa mãn với những gì đã có từ xưa để lại, dù không còn hợp thời nữa !
Nhưng những "cái mới" của việc đào tạo học sinh từ Tiểu học lên Trung học qua việc có quá nhiều sách Giáo khoa và thay đổi cách viết chữ Việt đã biến những cái mới thành món hàng không thực dụng nên càng thay đổi, càng lạc hậu.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu ra trường hợp có tới 4 bộ sách Giáo khoa dành cho Phổ thông Trung học. Mỗi bộ do hai nhóm tác giả khác nhau nhưng lại được in đồng thời. Ông nói với VietnamNet (5-9-2003): "Đây là vấn đề lớn và đang bức xúc. Tôi coi đây là việc rất lớn và Bộ GD (Giáo dục) đã làm và là cố gắng rất lớn của các nhà KH (Khoa học) nhưng khi thẩm định lại chúng tôi thấy rất rõ một điều phi lý: mỗi bộ đều có một phần hay hơn hẳn. Vậy tại sao không có một hội đồng để kết hợp những cái hay hơn thành một bộ sách...".
Hỏi:"Ông nghĩ như thế nào khi có nhiều người cho rằng, giáo dục Việt Nam là một ngành có nhiều bất cập và hay thay đổi "".
Đáp:"Tôi là người trong ngành nên cũng khó nói về chuyện của ngành mình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, những nước khác người ta làm được thì mình cũng làm được....Hiện nay chúng ta có những kiểu học bổ túc văn hóa từ dưới lên trên, cho nên có những người vào được ĐH KHXH&NV (Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn) rồi mà lại nói với tôi là "thực tình mình đã học phân số bao giờ đâu." Thậm chí có những nhà khoa học không viết nổi luận án của mình, câu cú không đúng ngữ pháp không đúng chính tả, tức là trình độ tối thiểu ở bậc phổ thông không có..."
Sau khi nêu lên những rắc rối, bất hợp thời hợp lý của ngành giáo dục mà dường như những người có trách nhiệm không để ý đến hay cố ý lờ đi, Giáo sư Dũng than:"Tôi không dám nói mạnh vì tôi chỉ hỏi qua bạn bè, chứ tôi không có quyền hỏi những người làm giáo dục (!)
Tại sao một nhà giáo từng tham gia vào việc soạn sách giáo khoa cho ngành giáo dục lại "không có quyền hỏi những người làm gíao dục" " Có phải vì người có trách nhiệm muốn bảo vệ ý mình, luôn luôn coi thường ý kiến của người khác hoặc không là người cùng nhóm, cùng phe thì không bao giờ được chấp nhận "
Chẳng vậy mà sách tham khảo cứ được in ra tùm lum, cuốn sau đá giò lái cuốn trước làm hoang mang, tốn phí cho học sinh, sinh viên. Giáo sư Dũng đưa ra bằng chứng của Trung Hoa để phát biểu :"Tôi đã nói với đ/c (đồng chí) chủ nhiệm, UBGD (Ủy ban Giáo dục) văn hóa thanh thiếu niên và nhi đồng nên có ý kiến với Bộ GD cho sang xem xét cách thức làm của Trung Quốc. Họ không có sách tham khảo loạn lên như mình hiện nay đâu, cho nên học sinh cũng không cần phải học thêm."
Đi từ căn bản này, người ta đã tìm ra nhiều nghịch lý của ngành giáo dục của Việt Nam. Tác giả Nguyễn Thế Long đã nêu lên điểm trái khoáy ngược đầu này. Ông viết trên báo Nhân Dân ngày 7-6-2003:"Trong việc cải cách giáo dục, không nên cải cách tuần tự từ lớp 1 trở lên, mà cần ưu tiên tập trung cải cách giáo dục đại học trước hết, bởi bậc đại học ảnh hưởng lớn đến bậc phổ thông trung học cũng như tác động đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội."
" Cuộc cải cách giáodục lần thứ ba lớn nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam, được đề ra từ năm 1981, đến nay đã được trên hai mươi năm, qua bao lần "điều chỉnh, bổ sung", có khi lại trở lại cái ban đầu đã phủ định. Giáo dục phổ thông luôn bị đem ra làm thí điểm cho những quan điểm, chương trình, sách giáo khoa chưa được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng..."
"Có lẽ do quan niệm phải cải cách tuần tự từ lớp 1 trở đi đến lớp 12 nên trong những năm qua ta đã chú trọng quá nhiều đến bậc phổ thông, các lớp đầu cấp như lớp 1 và lớp 6, còn việc cải cách giáo dục đại học cho đến hiện nay vẫn chưa được chú trọng ngang bằng , chưa đáp ứng được sự phát triển của bậc Đại học và đòi hỏi của thực tế xã hội."
QUAN LIÊU - CỨ Ì RA ĐẤY
Sau khi nêu ra một vài thay đổi có tính tượng trưng về trường sở, tác giả Nguyễn Thế Long viết:" Về nội dung chương trình và phương pháp giảng dậy, học tập ở các trường Đại học thì gần như không có gì thay đổi. Các trường áp dụng giáo trình đại cương hai năm rồi sau đó lại bỏ trở lại như cũ. Nhìn sâu hơn một chút vào các trường đại học sư phạm, trong khi các trường phổ thông đang tiến hành cải cách giáo dục thì các trường này vẫn dạy theo những giáo trình đã có từ lâu...Về cán bộ giảng dậy thì tuy có thêm một số thạc sĩ hay tiến sĩ nhưng đã có bao nhiêu công trình phục vụ cho việc đào tạo sinh viên, dạy và học ở đại học và phổ thông, đã có thêm bao nhiêu giáo trình cập nhật hiện đại ngang với khu vực hay thế giới..."
Ông Long than: "Những "cỗ máy cái" của cả ngành giáo dục vẫn gần như không có gì thay đổi."
"Trong các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn thì nội dung chương trình, phương pháp giảng dậy cũng gần như cũ. Vẫn giáo trình từ mấy chục năm....Phương pháp học tập vẫn là thuyết trình nhồi nhét, thụ động, chưa tăng cường đối thoại, trao đổi, chưa dạy cho sinh viên cách tự học , tự tìm kiến thức..."
"Tại các trường đại học khoa học tự nhiên và kỹ thuật thì nội dung giáo trình sách giáo khoa, trang thiết bị, thí nghiệm, thực nghiệm so với đại học các nước trong khu vực đều lạc hậu. Hầu hết vẫn sử dụng giáo trình cũ cách đây vài chục năm, không được cập nhật kiến thức....Nhiều thiết bị phòng thí nghiệm vẫn đang ở tình trạng những năm 60....Một dụng cụ thí nghiệm rất phổ thông ở đại học các nước như kính hiển vi điện tử, không phải các trường đại học tự nhiên và kỹ thuật nào cũng có. Về tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đối với các trường đại học vẫn như là một thứ xa lạ. Đã có trường đại học nào 100% giảng viên và sinh viên biết sử dụng và có máy để truy cập internet bổ sung kiến thức và được miễn phí " Ở các trường đại học các tỉnh thì tình trạng thiếu thiết bị thí nghiệm còn thiếu thốn và lạc hậu thảm hại hơn nhiều lần, gần như học chay (!) ..."
Góp thêm vào tính ù lì của bộ máy giáo dục là chủ trương kiểm soát cứng nhắc sinh viên ở bậc đại học của đảng và nhà nước. Ông Long viết :"Không một trường đại học nào trên thế giới có chế độ giáo viên chủ nhiệm lớp (giám thị) ở bậc đại học đối với sinh viên đã đến tuổi trưởng thành nhưng các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn áp dụng. Có môn học mà hầu hết các trường đại học trên thế giới đều không học, nhưng ở Việt Nam đã chiếm đến 11% số tiết giảng dạy, nhiều sinh viên phải học lại và thi lại, nhưng nội dung vẫn như hơn 20 năm trước, không hề có đổi mới. Giáo dục thể chất và quân sự ở Đại học vẫn theo khuôn cứng nhắc, hình thức như cũ, có sinh viên phải thi lại môn thể dục...."
Tác giả bài báo không viết ra môn học đã chiếm 11% số tiết giảng dậy, nhưng sinh viên Việt Nam đã từng than phiền họ rất chán, không muốn học môn bắt buộc về Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh viên cho biết họ đã chán đến tận cổ cách học nhồ sọ về chủ nghĩa Cộng sản, nhưng nếu không hội đủ điểm môn này họ sẽ không được tốt nghiệp nên buộc lòng mọi người phải cắn răng chịu dựng. Có nmhiều sinh viên phải ngồi lại lớp vì môn này.
Ngoài những bất cập ở trên, ngành đại học Việt Nam còn lâm vào tình trạng thiếu thầy. Ông Long viết:"Cái nguy cơ lớn nhất của tất cả các trường đại học hiện nay là thiếu thầy, có trường tỷ lệ thầy trên sinh viên là 1/100 (!), tỷ lệ nhóm trường kinh tế-luật là 1/71, trong nhóm trường xã hợi là 1/51. Tại nhiều trường đại học, giảng viên phải dạy đến 18 tiết/tuần, không khác gì ở phổ thông. Tại trường Đại học Vinh để dạy 2000 sinh viên về môn sinh vật, chỉ có 20 thầy,trường Đại học Đà Lạt hay Quảng Ngãi cũng vậy. Giảng viên dạy nhiều giờ, "chạy sô" dạy các trường khác hoặc làm cả những việc không liên quan đến chuyên môn để kiếm sống thì còn đâu thời giờ để nghiên cứu, nâng cao chất lượng."
Dù phải dạy nhiều giờ như thế, nhưng lương mỗi tháng của giáo sư cũng chỉ trên dưới 100 Mỹ kim. Theo ông Long thì số lương này "tính bình quân giá một ngày công khoảng 3 USD (US-dollars)"
Vì tình trạng lương ít nên nhiều sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp, đã không ở lại giảng dậy khiến việc nối nghiệp các giáo sư về hưu bị hụt hẫng. Ông Long viết:"Sau 40 năm phát triển, chất lượng đội ngũ giảng viên trở lại như tình trạng ban đầu vào những năm 60, là trình độ thầy chỉ nhỉnh hơn hơn trò một chút. Tuy mỗi năm có chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong nước và ngoài nước nhưng ít người muốn đi học vì nhiều lý do hoặc do ngoại ngữ quá kém không thi được. Còn tình trạng đào tạo thạc sĩ ở các trường thì cũng không khác gì như cử nhân, nhiều chuyên đề giáo trình không có, thầy giảng và đọc cho học sinh chép..."
Tác giả Long cũng nêu lên tình trạng bằng giả, bằng thật người giả tại một số trường Đại học được gọi là "dân lập" do việc tuyển sinh bừa bãi, bất chấp quy chế nên chất lượng của sinh viên ra trường rất kém. Có nhiều trường hợp "không tốt nghiệp phổ thông (cấp Trung học) cũng đỗ cử nhân."
Ông Long hỏi:"Hãy nhìn lại trong số 13.000 tiến sĩ, có bao nhiêu người đã có những công trình thúc đẩy phát triển sản xuất kinh tế, hay chỉ cốt để giữ các chức vụ trong bộ máy hành chính các cấp. Nạn mua bán luận văn, luận án, bằng giả tràn lan trong giáo dục đại học."
Đây là hậu quả của tình trạng được gọi là "sinh viên hệ tại chức" gồm những cán bộ, công chức đã mua được bằng giả, giấy giả để theo học lấy bằng cấp đại học hầu có đủ điều kiện lên chức, lên lương.
SÁNG TẠO CÁI GÌ "
Sự trì trệ của nền giáo dục Đại học phát sinh từ những cái đầu lạc hậu của giới có trách nhiệm đã biến trí thức Việt Nam thành những con người máy vô dụng. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn nói:"Giáo dục Việt Nam cần phải quan tâm nhiều đến khoa học tư duy sáng tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp giữa các trường đại học, phổ thông và cả tiểu học chính là cách thực hành tư duy sáng tạo." (báo Nhân Dân, 15-5-2003 đăng lại của báo Văn Nghệ).
Ông viết:"Kể từ Nghị quyết II của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (ra đời cách đây bẩy năm), Đảng ta, trong nhiều Nghị quyết về giáo dục, đều đề cao việc rèn luyện nếp tư duy sáng tạo cho người học. Nhưng, cho đến nay, nhìn chung, việc học hành vẫn còn chìm đắm trong việc luyện thi,nhồi nhét kiến thức."
Đây là một bằng chức khác của hàng chục bản Nghị quyết của đảng và nhà nước CSVN. Họ biểu quyết nhiều việc, phổ biến không biết bao nhiêu văn kiện nhưng chuyện đâu vẫn còn đó. Nhiều việc chẳng những không nhúc nhích mà còn tụt hậu hơn trước khi có Nghị quyết.
Trích một tài liệu của Ban Khoa giáo Trung ương Đảng, hai tác giả Mai Lan - Phương Thảo của báo Sài Gòn Giải Phóng đặt câu hỏi trong bài báo hôm 19-6-2003:"Vì sao các công trình nghiên cứu ở đại học còn qúa hành chánh""
Thứ nhất, do đội ngũ giảng viên kém và thiếu người. Bài báo viết:"Cả nước có 230 cơ sở đào tạo ĐH-CĐ (đại học - cao đẳng) với 35.938 giảng viên. Số cán bộ đầu đàn trong NCKH (nghiên cứu - khoa học) rất ít, tổng số cán bộ KH có học hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ chiếm 4,11% và lực lượng này đang ở độ tuổi trung bình trên 55! Số cán bộ có trình độ thạc sĩ là 9.543 người (6,5%). Đặc biệt tỷ lệ trung bình sinh viên trên giảng viên của ngành là 30 SV/GV, đó là tỷ lệ quá lớn (tỷ lệ của các nước chỉ từ 10% - 15% SV/GV). Do đó, ở các ĐH-CĐ hoạt động đào tạo trở lên quá tải, giảng viên chủ yếu chỉ lên lớp giảng dạy, không còn thời gian để tham gia hoạt động NCKH và các hoạt động bồi dưỡng khác."
Thứ nhì là chuyện Nhà nước không chịu bỏ tiền cho nghiên cứu. Tài liệu viết:"Kinh phí cho hoạt động NCKH ở các trường ĐH chỉ chiếm từ 2% - 4% kinh phí hoạt động của các trường. Kinh phí nhà nước cấp cho hoạt động KHCN (khoa học - chuyên ngành) của các trường ĐH chiếm khoảng 3% - 4% tổng số kinh phí KHCN của cả nước. Trong lúc đó số tiến sĩ, lực lượng chính trong NCKH ở các trường ĐH-CĐ chiếm hơn 30% số lượng tiến sĩ của cả nước..."
Nhưng có nghiên cứu rồi thì những công trình này có được đem ra áp dụng không hay chỉ nghiên cứu để lấy tiến rồi bỏ xó " Trong mục "Nói hay đừng" của báo Lao Động ngày 14-6-2003, tác giả Hai Văn Sáu trả lời thắc mắc này trong bài "Noi gương các thầy" như sau:
"Lâu nay báo chí kêu như ve mùa hè (ngày xưa) các thầy lương thấp không đủ sống, chân trong chân ngoài, bê trễ giảng dạy...mãi vẫn thế, nên không kêu nữa. Nhưng các thầy không chỉ dạy, còn nghiên cứu khoa học. Nhiên cứu tốt chứ -chẳng phục vụ trò thì phục vụ cuộc sống. Thế là cơ man các viện nghiên cứu mọc lên trong các trường đại học, cơ man thầy lao vào nghiên cứu, cơ man hợp đồng, dự án khoa học được ký kết...Ấy vậy mà đùng một cái, tuần rồi có tin đến 70% công trình nghiên cứu khoa học của các trường đại học không ứng dụng được vào thực tiễn."
"Thực tiễn không dùng công trình tất nhiên công trình...xếp xó lâu ngày cho mối mọt xơi. Mối mọt nước mình được ăn hàng tỉ tiền công trình làm gì chẳng béo khỏe, sinh sôi nhiều " Nói các công trình ấy của các thầy chỉ chủ yếu nuôi mối mọt là khí quá lời với mối mọt. Bởi tuần rồi, Sáu tôi còn nghe lỏm thanh tra Bộ Giáo (Giáo dục - Đào tạo) tóm được chừng 200 vị phạm quy trong đợt thi cao học tại các trường đại học (lưu ý, khá nhiều thầy dự thi). Đặc biệt có trường nội bộ chẳng bắt được ai, trăm sự chỉ do thanh tra. Đương nhiên các thầy thi để lấy bằng cao học, để thuận tiện đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, để rồi làm ra 70% (là còn ít) công trình khoa học không dùng vào việc gì..."
Giáo sư nổi tiếng Hoàng Tụy nhận xét về các công trình nghiên cứu kiểu này như sau:
"Theo tôi biết, nhiều ĐH lớn ở các nước cũng chỉ đạt tỷ lệ khỏang 2/3 giảng viên có nghiên cứu khoa học. Đối với số đông các trường ĐH làng nhàng, của họ thì hàng năm có 50% giảng viên nghiên cứu khoa học đã là khả quan. Còn ta thì trong các báo cáo chính thức, tôi thấy có nhận định nghiên cứu khoa học ở các ĐH ta còn yếu kém vì...chỉ có 50% giảng viên nghiên cứu khoa học và chỉ có 30 - 40% công trình khoa học được áp dụng thực tế. Nghe thật sướng tai vì như vậy còn chê trách ĐH Việt Nam nỗi gì. Điều đó chứng tỏ có sự khác biệt rất lớn giữa ta và các nước trong quan niệm thế nào là công trình khoa học. Thậm chí, ở nước ta, muốn thi vào làm nghiên cứu sinh phải có hai công trình khoa học đăng ở các tạp chí quốc gia. Đương nhiên, cái gọi là công trình khoa học ở đây phải hiểu theo tiêu chuẩn ở nước ta, nghĩa là rất thấp, mà cũng đúng thôi vì các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ còn có thể mua sẵn hay chế biến xào xáo từ các "chợ luận văn" kia mà. Cho nên, thiếu tính chuẩn mực, không giữ đúng chuẩn mực, bất chấp chuẩn mực quốc tế là nguyên nhân tình trạng lộn xộn, thật giả lẫn lộn, đang tràn lan hiện nay..." (VietnamNet, 19-5-2003)
Ở một đoạn khác, Giáo sư Hoàng Tụy nói thẳng về tính hoang đường của nhiều bộ óc giáo dục trong nước: "Theo tôi,muốn hay không chúng ta cũng phải hội nhập quốc tế, cho nên phải xây dựng ĐH theo tiêu chuẩn như người ta. Chúng ta cứ tưởng mình giỏi hơn họ nên vội vàng "sáng tạo" nhiều quá, mà thật ra chẳng "sáng" gì, chỉ "tạo" ra đầy sự vô lý."
Tôi kết thúc bài báo ở lời khuyên của Giáo sư Hoàng Tụy và xin nhường lại lời bàn về hiện tình giáo dục và đào tạo con người Việt Nam cho những cái đầu vẫn còn mê man, mú mẫm với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội. -/-
Phạm Trần (6-03)