-Không, tôi là một tên tiểu thuyết gia.
-Ông là một người ly khai"
-Không, tôi là tiểu thuyết gia.
-Ông tả hay là hữu"
-Không cả hai, tôi là tiểu thuyết gia.
(Milan Kundera, “Những di chúc bị phản bội”)
Trong gần 70 năm, Âu châu sống dưới chế độ-vụ án. (Milan Kundera, sách đã dẫn). Khởi đầu thập niên 20, là những nghệ sĩ bị “cách mạng” kết tội: Bunin, Andreyev, Meyerhold, Pilnyak, Veprik (một nhạc sĩ Nga gốc Do thái, kẻ tuẫn nạn của nghệ thuật hiện đại, người đã dám chống lại Stalin, khi bênh vực những dòng nhạc opera của Shostakovich,; họ tống ông vô trại cải tạo); tôi (Kundera) vẫn còn nhớ những hợp tấu đàn piano của ông, cha tôi thường chơi chúng). Mandelstam, Halas (thi sĩ được Ludwik ái mộ, trong “Chuyện Diễu”; sau khi chết vẫn còn bị truy nã, do làm thơ xám xịt, và như vậy là phản cách mạng). Rồi tới những nghệ sĩ bị Nazi săn đuổi: Broch (ông đang ngó tôi, miệng ngậm ống vố, trên bàn viết), Schoenberg, Werfel, Brecht, Thomas và Heinrich Mann, Musil, Vancura (nhà văn Tiệp mà tôi yêu quí nhất), Bruno Schulz. Những đế quốc toàn trị và những phiên tòa đẫm máu của chúng đã biến mất, nhưng cái “tinh thần tố khổ” của chúng thì vẫn còn hoài, như một di sản. Xin kể sơ sơ, những người bị tố cáo phò-Nazi: Hamsun, Heidegger (mọi tư tưởng ly khai của Tiệp, nhất là ở Patocka, đều mắc nợ Heidegger), Richard Strauss, Gottfried Benn, von Doderer, Drieu la Rochelle, Céline (vào năm 1992, nửa thế kỷ sau chiến tranh, viên chức nhà nước đã tỏ vẻ khinh miệt, không thèm xếp hạng căn nhà của ông, như là một di tích lịch sử); những người ủng hộ Mussolini: Malaparte, Marinetti, Ezra Pound (ông bị đám nhà binh Mỹ cầm giữ, như một con vật nhiều tháng trời, dưới ánh nắng gắt gao của mặt trời Ý); rồi tới những người Cộng Sản và cảm tình viên với Cộng Sản: Mayakovsky, Gorky, Shaw, Brecht (với ông, đây là lần ra tòa thứ nhì), Eùluard, Picasso, Léger, Aragon, Nezval, Satre. Có người bị án kép, trước phản bội cách mạng, sau,‘hành động có lợi” cho Cộng Sản, trước đó: Gide (ông này được coi là biều tượng của cái ác, trong những nước Cộng Sản lâu đời); Shostakovich (để cho thiên hạ vờ đi những dòng nhạc khó hiểu của mình, ông đã phải “sáng tạo” ra những “rác rưởi” phục vụ yêu cầu của quần chúng; ông tin rằng, với lịch sử nghệ thuật, mấy thứ dởm, vô giá trị cần phải vứt vô thùng rác, nhưng ông đâu biết rằng, với toà án, mấy đồ dởm kia mới đáng kể); Breton, Malraux (ngày hôm qua bị kết án phản bội những lý tưởng cách mạng, ngày mai có thể sẽ bị kết án, vì đã ôm ấp chúng). Bông hoa tuyệt vời nhất, của nghệ thuật hiện đại, của những thập niên hai mươi và ba mươi, đã bị kết án tới ba lần: Trước tiên, bởi Nazi, như là “nghệ thuật thoái hóa” (“Entartete Kunst”: art dégénéré); sau tới toà án Cộng sản, như là “chủ nghĩa hình thức chơi trội, xa lạ với đám đông”, và sau cùng, bởi toá án của chủ nghĩa tư bản thắng thế, như là nghệ thuật đắm đuối ở trong những ảo tưởng cách mạng.
Điều ngạc nhiên: làm thế nào, Mayakovsky - bất cứ một thứ gì mà ông vớ được, cũng có thể biến thành thơ, để tuyên truyền cho chế độ mới – người được Stalin gọi là “nhà thơ vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”, lại là một thi sĩ tuyệt vời, một trong những nhà thơ vĩ đại đại nhất của nhân loại"
Trên đây là câu hỏi đã “gây ấn tượng” nặng nề, ở Kundera. Trong cuốn “Đời ở đâu đó” của ông, có nhân vật Jaromil, một thi sĩ, chưa đầy hai mươi tuổi, đã trở thành một tay thổi kèn đồng tuyệt hảo cho chế độ Stalin. Nhà văn của chúng ta thật ngỡ ngàng, khi nhận được những lời khen ngợi cuốn sách, từ giới phê bình, thưởng ngoạn, và càng ngỡ ngàng hơn, khi “họ” coi nhân vật của ông là một nhà thơ dởm, tệ hơn nữa, một tên khốn nạn.
Bởi vì là một nhà thơ thứ thiệt, và cùng lúc, là một kẻ hỗ trợ (như Jaromil và Mayakovsky), cho một chế độ khủng bố, là một cái gì chướng tai gai mắt, không thể nào chịu nổi.
Jennifer Tran