Chưa đầy một phần tư thế kỷ vì khủng hoảng lãnh đạo chánh trị thượng tầng, Quân lực VNCH phải "tan hàng cố gắng". Thời gian đã vô tình vô cảm phủ bụi mờ lên nhiều kỷ niệm tưởng không thể nào quên được. Trí nhớ của hai thế hệ người Việt đã từng đem những ngày hoa mộng đời mình để vì dân mà chiến đấu vì nước mà hy sinh, cũng kém đi sau bao ngày lao tù CS và bao ngày làm lại cuộc đời trên đất mới cách quê nhà nửa vòng Trái Đất, và với bao tuổi đời chồng chất mấp mé tử sanh. Trí nhớ giảm đến đổi riêng người viết bài này không nhớ nổi Tượng mang tên "Thượng Tiếc" vẫn còn trước Nghĩa Trang Quân đội trên Xa lộ Biên hoà cho đến khi Bộ Đội CS Bắc Việt vào dùng xe tăng kéo đi. Xin cám ơn những người bạn quân nhân -- một sinh viên già ở Santa College, một ký giả ở Tạp Chí KBC, và rất nhiều người đã gọi điện thoại, gởi điện thư và đọc báo -- nhắc nhở cần hiệu chính chi tiết ấy. Nhưng chính nhờ khuyết điểm rất người - dễ quên, mau già, và có hạn đó -- đã làm nổi bật ý nghĩa của Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ do nhân dân, đa số là người Mỹ gốc Việt và chánh quyền Mỹ -- đã dựng lên và sắp khánh thành trong những ngày sắp tới. Thực vậy Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ là gạch nối của văn minh tinh thần và vật chất, là nhịp cầu của hai thế hệ trước sau của người Việt trên đất Mỹ, là một dấu ấn để lớp trẻ tìm hiểu và trả lơiø một cách vô tư, chánh trực câu hỏi: "Từ đâu" Vì sao tôi đến Mỹ để được cơ hội tiến thân ngàn lần hơn những bạn đồng trang lứa ở nước nhà dưới chế độ CS""
Thứ nhứt, Tượng Đài là gạch nối văn minh tinh thần và vật chất, rất cần thiết nếu cho nghĩa văn minh là lối sống, suy tư, cảm nghĩ, và hành động của một số lớn người tự nhận thuộc về nhau (sense of belonging) như một dân tộc, một sắc tộc. Bất cứ văn minh nào cũng có hai yếu tố: vật chất và tinh thần. Văn minh tinh thần VN xưa khó tìm hiểu vì ít để lại di chỉ. Đền đài, nhà cửa, dụng cụ cỗ đại VN thường làm bằng gổ, tre nên dễ mai một với thời gian và thời tiết. Văn minh Tây phương, Ai cập, Lưỡng Hà Châu, Da Đỏ để lại di chỉ nhiều nhờ xây dựng bằng đá hay gạch nung. Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ bằng đồng, tạïc lại quân phục, bộ đồ trận trong Chiến Tranh VN, sẽ giúp người khảo cổ biết quân nhân VNCH tạng người bao lớn, ăn mặc ra sao, xài súng gì. Bộ treillis của Mỹ bây giờ đã thay đổi nhiều so với thời Chiến tranh VN dù chỉ mới một phần tư thế kỷ trôi qua. Hai nguới chiến sĩ Mỹ Việt đứng chung nói lên hai nước Mỹ Việt từng là đồng minh, quân nhân Việt Mỹ từng chiến đấu tay trong tay với nhau. Tương tự, đồng tiền La mã tìm được ở Núi Ba Thê (An giang Châu đốc) thuộc văn minh Oc Eo, đã giúp cho người Việt đời sau biết rõ có giao thương giữa La mã với Oc Eo trên mảnh đất thân yêu của mình.
Thứ hai, Tượng Đài Chiến sĩ Việt My là nhịp cầu nối liền thế hệ thứ nhứt và thư hai của người Mỹ gốc Việt, tại cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhứt thế giới, là Little Saigon này. Thứ hệ thứ nhứt gồm hai lớp người sanh trong chiến tranh, trưởng thành trong khói lửa, đã dành những ngày son trẻ để chiến đấu cho chánh nghĩa dân chủ tự do trong Chiến tranh Lạnh. Có người đã hy sinh hay để một phân thân thể. Những người ấy lại bị đẩy vào cuộc sống mới hoàn toàn thiếu chuẩn bị để hoà nhập vào nền văn hoá mới, môi trường mới. Bây giờ tuổi chồng chất, đã về chiều. Trong khi đó thế hệ thứ hai, đến Mỹ lúc còn tuổi học trò hay sanh tại Mỹ không rành Chiến tranh VN như cha anh. Đến trường học Mỹ, lớp trẻ này bị nhồi nhét kiến thức giáo khoa lịch sử, chánh trị đa số được soạn trong thời Phản chiến, không có cái nhìn trung thực và vô tư về Chiến Tranh VN. Tượng Đài sẽ nhắc lại cho lớp người trẻ là phải có lý do chánh đáng và vững chắc nào đó thúc đẩy nên cả thế hệ cha anh của chúng tôi, Mỹ lẫn Việt, mới lao vào cuộc chiến và bây giờ đầu râu tóc bạc cũng tiếp đấu tranh, như người chiến sĩ VNCH tay vẫn cầm khẩu súng bên cạnh người đồng ngũ Mỹ khi xưa trên Tượng Đài. Trước Tượng Đài, qua bưu thiếp Tượng Đài hay tin về Tượng Đài, lớp trẻ nguời Mỹ gốc Việt chỉ cần có một phần mười thắc mắc đại loại như thế, là ý nghĩa của Tượng Đài đã đạt.
Thứ ba, Tượng Đài là câu giải đáp, answer key, cho bài toán lớn hơn liên quan đến chuyện nước việc dân, cuộc đấu tranh cho tương lai một nước VN tự do dân chủ và cho quyền sống của đồng bào trong nước. Bài toán ấy thế hệ thứ nhứt đã làm không ngừng nghỉ hơn một phần tư thế kỷ đã qua. Và lúc này hơn lúc nào hết cần có lớp trẻ kế thừa dĩ nghiệp cách mạng mà Tổ quốc đã giao phó. Tượng Đài là biểu tượng gợi ý, gợi cảm, gợi hình để lớp trẻ đặt câu hỏi. "Từ đâu" Vì sao tôi đến đây để được nhiều cơ hội tiến thân hơn bạn bè cùng trang lức trong nước.” Cứ 10 người Việt trẻ ở Mỹ là có 4 người xuất thân đại học 4 năm hay nhiều hơn. Cứ mỗi năm người Việt kiếm 15 tỷ và gởi về giúp bà con 3 tỷ. Chỉ mới 27 năm đã có không ít người làm Vẻ Vang Dân Việt. Vì gia đình tôi là gia đình quân dân cán chính dính líu với VNCH, là những người quả cảm dám dùng thuyềøn nan vượt đại dương tìm tư do, nên cá nhân tôi mới đến Mỹ được. Chớ bình thường dầu có bằng Bác sĩ, Kỹ sư cũng vô phương xin định cư được ở Mỹ. Chỉ cần lớp trẻ đứng trước Tượng Đài, tay cầm bưu thiếp Tượng Đài, mắt liếc tin Tượng Đài, và đặt một câu hỏi nhỏ đại loại từ đâu và vì sao tôi được đến Mỹ, là Tượng Đài đã đạt mục đích yêu cầu. Và cuộc đấu tranh cho Tư do Dân Chủ và Nhân Quyền sẽ thêm sức sống trẻ và có người kế nghiệp.
Ba khiá cạnh văn hoá, chánh trị, và xã hội của Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ, chứa và chở hàng ngàn cảm xúc hàng trăm suy tư về chuyện nước chuyện dân VN trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Chỉ cần một hoài cảm, gợi cảm, gợi ý, gợi hình nhỏ là tình yêu nước thương nòi, yêu gia đình và sắc tộc Việt nơi lớp trẻ Việt trên đất My bùng lên. Và từ đó sẽ tạo thành thành động lực và sức mạnh tổng hợp đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền VN ngay trên đất Mỹ giữa hai thế hệ trẻ già người Việt trên đất Mỹ.