Trước đây, chúng tôi đã nghe tiếng ông Bùi Dương Thanh, nhưng thực tình chúng tôi không nghĩ Bùi Dương Thanh tác giả lá thư và ông Bùi Dương Thanh mà chúng tôi biết là một. Phần nữa vì thư của ông Thanh được gửi chung với những lá thư nặc danh; và phần thấy trong thư ông Thanh không ghi số điện thoại và địa chỉ nên sau khi nhận thư, chúng tôi đinh ninh thư của ông cũng là một lá thư nặc danh, và như vậy việc lên tiếng với thư nặc danh là điều không cần thiết.
Tuy nhiên, sau khi trao đổi với một số bằng hữu và phối kiểm tin tức với một số vị có uy tín trong cộng đồng, chúng tôi biết được ba điểm quan trọng. Thứ nhất, quả thực tác giả lá thư và ông Bùi Dương Thanh mà chúng tôi biết là một. Thứ hai, ông Bùi Dương Thanh đúng là "Chủ Tịch Liên Hội CSVSQ Trường Võ Bị QGVN Úc Châu". Và thứ ba, ông Bùi Dương Thanh đã gửi lá thư đó tới ba vị như ông đã nêu trong thư.
Phần tôn trọng Liên Hội CSVSQ Trường Võ Bị QGVN Úc Châu, phần nhận thấy trong thư của ông Thanh có nhiều đòi hỏi chính đáng đối với Sàigòn Times, phần ngạc nhiên và lo ngại khi thấy thư của ông Thanh đề gửi cho ba người, nhưng thực tế thư đã lọt vào tay một số kẻ bất chính khiến chúng sử dụng bức thư gây hoang mang trong cộng đồng, và đặc biệt, tin vào tấm lòng chân thành và lập trường chống cộng trước sau như một của ông Thanh, nên chúng tôi thấy có bổn phận lên tiếng trên báo để mọi chuyện minh bạch, ngỏ hầu duy trì được niềm tin và sự đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời cũng để qúy vị tìm hiểu xem, tại sao lá thư của ông Thanh gửi cho ba vị có uy tín trong cộng đồng, lại bị lọt ra ngoài, được phổ biến bừa bãi trên Internet và được phân phát cẩu thả tại tiệm ăn.
Đọc lá thư của ông Thanh, chúng tôi thấy ông đã nêu một số thắc mắc hợp lý. Bên cạnh đó, ông cũng đã đưa ra một số điểm hoàn toàn sai sự thật. Tuy nhiên, vì những điểm sai sự thật đó quá hiển nhiên, và chúng chỉ liên quan đến cá nhân chúng tôi, nên chúng tôi thấy không cần phải thanh minh, thanh nga, mất thì giờ của qúy độc giả. Thay vì vậy, chúng tôi xin phép đi thẳng vào những thắc mắc hợp lý của ông Thanh, và sau đó xin được có vài ý kiến đóng góp cùng ông.
Như qúy vị đã biết, cách đây hơn một tháng, trong số báo đề ngày 28 tháng 9, khi đăng thu ông P.V.T., tôi đã trình bầy tóm tắt những sự kiện quanh việc tôi ngồi ăn với ông X. Nay để trả lời những thắc mắc hợp lý của ông Thanh về chuyện đó, tôi xin được nêu rõ hơn qua ba phần chính. Một, tại sao tôi lại ngồi ăn với ông X" Hai, tại sao tôi lại chấp nhận cho ông X ghé vô nhà tôi" Ba, tôi đã có thái độ và hành động gì sau khi gặp ông X"
TẠI SAO TÔI LẠI NGỒI ĂN VỚI ÔNG X"
Cách đây khoảng một năm, sau khi in báo xong, tôi có ghé ăn tối tại một nhà hàng ở vùng Marrickville, và tình cờ gặp gỡ, trò chuyện với một người Việt tỵ nạn tạm gọi là ông X. Sau đó, ông X có ngỏ ý muốn ghé qua nhà tôi chơi vì theo lời ông, ông cũng ở vùng Bankstown. Tôi nhận lời. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông X, và từ đó đến nay, tôi chưa hề gặp lại ông X lần nào.
Vào buổi tối hôm đó, khi tình cờ gặp ông X, tôi thấy ông đã ở tuổi ngoài 60, phải chống gậy. Chủ nhà hàng giới thiệu ông là một văn nghệ sĩ đồng thời là một nạn nhân thời Văn Nhân Giai Phẩm. Ông cũng tự giới thiệu ông quen biết với thi sĩ Quang Dũng. Ông cũng xác nhận với tôi, ông là một người tỵ nạn cộng sản, ở Úc mười mấy năm, từng quen biết, chơi bài giải trí với nhiều nhân vật có tên tuổi trong cộng đồng hầu như ai cũng biết.
Với một người như vậy, trong giờ phút đầu tiên, tôi rất qúy trọng. Sự thực, chỉ nguyên điểm ông là văn nghệ sĩ, nạn nhân của cộng sản thời Văn Nhân Giai Phẩm, cũng đủ để tôi sẵn sàng ngồi hầu chuyện ông với tất cả chân tình. Vả lại, dù có gặp một người tỵ nạn cộng sản mà mình nghi ngờ, tôi cũng chỉ để bụng, chứ làm sao có thể phủi tay tuyệt giao chỉ vì những nghi ngờ vu vơ, thiếu căn cứ của mình.
Nói tóm lại, tôi ngồi ăn với ông X là một sự tình cờ. Lúc đó, tuy cảnh giác, nhưng tôi tin ông vì mặc dù sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sống trong chế độ cộng sản suốt nhiều chục năm, nhưng ông cho biết ông là nạn nhân của cộng sản thời Văn Nhân Giai Phẩm, và hiện tại ông là người tỵ nạn cộng sản, đã đến Úc hơn chục năm.
TẠI SAO TÔI LẠI CHO ÔNG X VÔ NHÀ"
Sau khi rời nhà hàng, ông X ngỏ lời xin một tờ báo Sàigòn Times. Tôi lấy báo đưa cho ông và được ông ngỏ lời muốn về nhà tôi chơi cho biết vì ông cũng sống ở vùng Bankstown. Tôi nhận lời vì mấy lẽ.
Thứ nhất, cho đến lúc đó tôi chỉ có thể nghi ngờ ông, vì trong thời gian vỏn vẹn hơn một tiếng đồng hồ trò chuyện, làm sao tôi có thể dám quả quyết một người tỵ nạn cộng sản là cộng sản nằm vùng" Thứ hai, tôi nể ông X là người lớn tuổi, nhất là vì lúc đó ông lại chống gậy do cơ thể bị suy nhược sau lần đụng xe tưởng chết (theo lời ông). Thứ ba, ông nói ông có tấm hình chụp chung với nhà thơ Quang Dũng, một thi sĩ nổi tiếng từ thời tiền chiến, tuy sống trong chế độ cộng sản, nhưng có khí tiết cho đến lúc chết, nên tôi qúy ông X một cách chân tình. Thứ tư, tôi nhận thấy, nếu chỉ vì nghi ngờ mà từ chối không cho ông về thì nếu quả thực ông X là CS, ông sẽ cho rằng tôi sợ ông. Và một khi CS đã đinh ninh tôi sợ chúng, chắc chắn chúng sẽ tìm mọi cách làm cho tôi sống trong sợ hãi đến suốt đời.
Sự thực thì tại sao tôi phải sợ CS mới được" Đồng ý, ở Việt Nam tôi sợ chúng, tôi phải trốn chạy vì tôi biết, nếu tôi bị chúng bắt, tôi sẽ bị chúng giết một cách âm thầm, không ai biết. Còn tại Úc, một quốc gia có tự do, dân chủ, và tôi là chủ nhân ông của đất nước này, tại sao tôi phải sợ sự hăm dọa của CS" Nếu ở đất nước này mà tôi còn sợ hãi CS thì tôi chạy đi đâu nữa để tỵ nạn CS"
Tôi biết, trong cuộc đấu tranh chống cộng sản hiện nay, sức lực một mình tôi chả đi đến đâu và khi CS muốn giết một người như tôi thì chúng có cả ngàn cách khác nhau và chúng dám làm nếu chúng muốn. Nhưng giết tôi là chuyện dễ, còn bảo mang cái chết để làm tôi sợ hãi thì chắc chắn chúng không bao giờ thành công. Vả lại tôi tin, nếu CS giết tôi, cái chết của tôi sẽ hữu ích cho đại cuộc hơn tất cả những việc tôi làm khi còn sống. Vì vậy, tuy nghi ngờ ông X, nhưng tôi, một người làm báo chống cộng tại một quốc gia tự do dân chủ, tại sao phải sợ ông, không dám mời ông vô nhà khi ông ngỏ lời muốn vô"
Còn bảo để ông X vô nhà, ông sẽ dụ dỗ được tôi thì cũng là điều hoàn toàn không tưởng. Cả cuộc đời tôi từ khi biết nghĩ cho đến giờ, tôi đã chứng kiến, đã khóc, đã nghiến răng uất ức và căm hận CS trước bao nhiêu cảnh tang thương, bi phẫn do cộng sản gây nên cho chính bản thân tôi, cho người thân, cho bằng hữu, cho đồng bào, cho đất nước tôi... thì tại sao tôi có thể quên tất cả những bi thương đó để đánh đổi những thứ do CS bố thí" Cả cuộc đời tôi đã theo đuổi điều mình tin, và may mắn, điều mình tin đó là điều đúng, điều phải, thì tại sao gần cuối cuộc đời, tôi lại dại dột đi vô ngõ rẽ để rồi chết không nhắm được mắt" Như vậy, bảo sợ CS dụ dỗ nên đừng cho ông X vô nhà cũng là điều vô lý.
Còn bảo sợ cho CS vô nhà vì chúng tài ba, giỏi giang, có thể thuyết phục được mình đi theo chúng, thì lại càng vô lý. Người CS xưa nay đâu có tài ba giỏi giang gì ngoài cái ăn cướp, đập phá, cái lật lọng biển lận, cái ba hoa ngụy biện. Người Việt mình xưa nay vẫn thường nói, "khôn không qua lẽ, khỏe không qua lời". Ở VN, CS dùng luật rừng, tôi không nói làm gì. Còn ở đây có tự do, dân chủ, tại sao ta lại sợ đấu lý với CS trong khi lý luận của cộng sản chỉ là một mớ hổ lốn đã bị lịch sử đào thải" Bằng chứng sau 1975, người Miền Nam đã biết rõ, những người CS thường vỗ ngực tự xưng "đỉnh cao trí tuệ của nhân loại", thực sự trí tuệ của họ "cao" đến đâu. Cứ nhìn vào cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, nghèo khó, kiệt quệ, tham nhũng, hối lộ tràn lan, lũ lụt triền miên, mặc dù cộng sản đã chiếm được cả nước suốt 26 năm qua, ta đủ hiểu, chế độ CS không những ngu dốt trong điều hành kinh tế, mà còn ngu dốt, phá hoại sự quân bình của tự nhiên, và làm băng hoại cả thế hệ trẻ.
Bản thân tôi chẳng tài ba giỏi giang gì, nhưng tôi tin tôi có chính nghĩa trong việc theo đuổi mục tiêu chống cộng sản. Chính nghĩa đó là chính nghĩa chung của tất cả những người yêu tự do trên toàn thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam, có hàng triệu người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại. Nhờ hào quang chính nghĩa đó, tôi có niềm tin, tôi có sức mạnh và tôi có sự can đảm. CS chơi luật rừng, tôi không thèm chơi vì tôi văn minh hơn họ chứ không phải tôi sợ họ. Còn nếu CS muốn chơi trò đấu lý theo đúng luật chơi dân chủ, tôi sẵn sàng thù tiếp với họ tại bất cứ đâu có ánh sáng pháp lý, kể cả tại nhà của tôi.
Còn bảo sợ CS vô nhà trò chuyện rồi gài bẫy, chụp vào đầu tôi cái mũ một tên cộng sản nằm vùng, hoặc một tên thân cộng, để chính cộng đồng tỵ nạn cộng sản tại Úc nghi ngờ tôi, tảy chay tôi, thì lại càng vô lý.
Năm nay 50 tuổi, nhưng tôi đã có cả một thời gian ngót 30 năm trước sau như một theo đuổi mục tiêu chống cộng cùng với quân dân Miền Nam. Tại Úc, số người biết rõ về lập trường, chí hướng, nguyện vọng của tôi suốt 30 năm qua không phải là ít. Những người đó đều là những người đàng hoàng, có uy tín và có lập trường chống cộng trước sau như một, bất khả thách đố, suốt thời gian trên dưới nửa thế kỷ.
Trong suốt thời gian hai chục năm sinh sống ở Úc, dù là khi đi làm hãng, khi viết báo, hay khi làm báo, lúc nào tôi cũng tâm tâm niệm niệm duy trì lập trường, chí hướng và nguyện vọng của mình. Dĩ nhiên, trong những lúc cộng đồng trải qua cơn sóng gió, thái độ mạnh dạn dấn thân, chấp nhận nói thẳng, nói hết của tôi, cộng với những sai lầm, những thiếu sót khó có thể tránh khỏi của tôi, ít nhiều đã tạo nên những ngộ nhận, những thù ghét ở một số người. Hơn nữa, kẻ thù cộng sản vẫn còn đó, ở Việt Nam, cũng như ở Úc, dưới nhiều hình dạng khác nhau, đánh phá cộng đồng dưới nhiều chiêu thức khác nhau. Vì vậy, bản thân tôi đã nhiều lần bị chụp mũ cộng sản, bị kết án "hồi chánh giả", bị chửi bới, lăng mạ trong các thư nặc danh, thư rơi, thư rớt...
Tuy nhiên, suốt thời gian ngót hai chục năm qua, hầu hết tất cả những người tôi quen biết, cùng đông đảo qúy độc giả, đều trước sau như một, đối xử với tôi bằng tấm lòng chân thành của những người Việt tỵ nạn cộng sản, cùng chung chí hướng, cùng chung hoài bão. Và như vậy, với niềm tin của đông đảo người Việt tỵ nạn cộng sản dành cho tôi, với tấm lòng chân thành của tôi, luôn luôn minh bạch đối với chính mình, tại sao tôi lại phải sợ CS vô nhà tôi làm ba cái trò gài bẫy rẻ tiền, gây phân hóa, chia rẽ, và nghi kỵ"
Chính vì những lý do trên nên khi ông X ngỏ lời muốn ghé thăm nhà tôi, mặc dù nghi ngờ ông là CS, tôi thản nhiên nhận lời với niềm tin, nếu quả thực ông X là cộng sản thì dù ông có ba đầu sáu tay, có mưu ma chước qủy, hay có trang bị súng ống đến tận răng, võ nghệ đầy mình... ông cũng sẽ thảm bại.
THÁI ĐỘ CỦA TÔI SAU KHI NÓI CHUYỆN VỚI ÔNG X
Trong thời gian khoảng nửa tiếng đồng hồ trò chuyện tại nhà tôi, ông X nói một số chuyện, trong đó có những chuyện tôi cho là có sự dụ dỗ hoặc hăm dọa. Dĩ nhiên, sự dụ dỗ và hăm dọa này đều được ông X thể hiện một cách khéo léo trong vòng pháp luật, khiến tôi chỉ có thể hiểu ngầm. Bằng không, tôi đã gọi điện thoại báo cho cảnh sát biết sự hăm dọa của ông.
Sau khi ông X ra về, vợ tôi và hai thằng con trai có hỏi tôi về ông. Qua những lời đối đáp giữa tôi và ông X, vợ tôi biết có nhiều điểm lạ lùng. Riêng hai thằng con trai tôi vì tiếng Việt không sõi nên không hiểu rõ. Nhưng qua thái độ trò chuyện của ông X, chúng cảm thấy không bình thường. Vì vậy, tôi cũng cho vợ tôi và hai đứa con tôi biết những suy nghĩ của tôi về ông X, và những nguy hiểm có thể xảy ra đối với bản thân tôi và gia đình.
Nghe tôi nói vậy, thằng nhỏ bảo tôi phải báo cảnh sát. Còn thằng lớn, mới 17 tuổi, nổi tiếng lì lợm, tuyên bố một câu xanh rờn: "Ba cứ làm điều ba tin là đúng. Đó là lẽ sống của ba mà. Nếu ba có đủ can đảm để làm, tại sao chúng con không"" (Do what you think is right, Dad! That's the meaning of life. You are couragous enough to fight, why won't we be").
Mấy ngày sau, cân nhắc tất cả các sự kiện, tôi lập tức báo cho một số bằng hữu cùng chí hướng và một số vị lãnh đạo có uy tín trong cộng đồng biết rõ đầu đuôi câu chuyện. Như vậy là cách đây khoảng một năm, trong cộng đồng, trên dưới mười vị đã được tôi báo cáo tỉ mỉ câu chuyện về ông X.
Đặc biệt, trong buổi họp bàn cách đối phó với văn công cộng sản sau khi cộng đồng chiến thắng trong việc chống lại đoàn văn công Duyên Dáng Việt Nam của CS, có đại diện truyền thông và BCHCĐ, trong đó có luật sư Thân, ông Thạch, ông Vĩnh... và ông Phan Đông Bích, tôi cũng đã đưa câu chuyện của tôi ra mổ xẻ để mọi người hiểu rõ hơn mức độ đánh phá của cộng sản.
Cho đến nay, qua thăm dò một số người, tôi tin rằng, trong quá khứ, ông X có thể là một cán bộ tình báo CS, nhưng hiện tại, với tuổi tác ngoài 60 của ông, với thời gian đi theo cộng sản dài dằng dặc bốn, năm chục năm, cộng với khả năng tiếng Tàu và thời gian ông hoạt động tại trại tỵ nạn Hồng Kông, tôi đoán, có thể ông X có là một cán bộ tình báo của CS, nhưng không phải loại cán bộ tình báo ghê gớm như ông đã úp mở tô vẽ.
Sự thực, qua tiếp xúc, tôi thấy ông X là người quá ba hoa, nhất là việc ông khoe xe của ông mang bảng số ngoại giao, khoe ông được ngồi nói chuyện với Võ Văn Kiệt khi Kiệt thăm Úc, khoe ông trò chuyện với đại sứ cộng sản, hoặc việc ông đòi ghé thăm nhà tôi rồi hứa làm chuyện này, chuyện kia, hoặc ngấm ngầm đưa ra những lời hăm dọa rẻ tiền đối với tôi... đã chứng tỏ, ông X hành động một cách tự phát, thích đơn phương lập công, hơn là hành động của một nhân viên tình báo hữu hạng và nham hiểm. Việc ông X đưa ra những lời đe dọa hoặc dụ dỗ rẻ tiền đối với tôi, chứng tỏ ông đã không hiểu rõ đối tượng ông cần tiếp xúc và thuyết phục. Sai lầm này có thể thuần túy bắt nguồn từ sự hạn chế về khả năng của ông X, hoặc cũng có thể bắt nguồn từ sự chủ quan, khinh địch của chính mạng lưới cộng sản nằm vùng tại Úc.
Dĩ nhiên, trên phương diện nào đó, có thể cộng sản chỉ muốn ông X đóng vai trò một trái baloon thăm dò và dọa dẫm Sàigòn Times. Tuy nhiên, ông X đã không đóng trọn vai trò của mình nên vô hình chung, ông đã để lộ những dụng ý của cộng sản. Kết quả, như qúy độc giả đã thấy, cách đây hơn một năm, tức là trước khi gặp ông X, báo Sàigòn Times tuy vẫn theo đuổi lập trường chống cộng, nhưng không nghĩ việc chống cộng của mình có hiệu quả trực tiếp đối với cộng sản, khiến cộng sản phải lồng lộn, căm tức. Sau khi gặp ông X, nhờ biết được hiệu quả chống cộng của Sàigòn Times, chúng tôi đã bàn bạc chuyện đó với một số vị lãnh đạo trong cộng đồng cũng như các tổ chức đấu tranh chính trị, nên trong thời gian một năm trở lại đây, báo Sàigòn Times đã có thái độ chủ động dấn thân bảo vệ lập trường tỵ nạn và quyền lợi của cộng đồng một cách tích cực hơn và tờ báo cũng chuyên chở một nội dung đấu tranh chống cộng có phương pháp hơn, hiệu quả hơn.
MỘT VÀI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỚI ÔNG BÙI DƯƠNG THANH
Ông Bùi Dương Thanh là một người Việt tỵ nạn cộng sản. Hơn thế nữa, ông còn là một sĩ quan của QLVNCH, được đào tạo từ một trường võ bị danh tiếng. Vì vậy, việc ông cảnh giác, nghi ngờ lập trường chính trị của Sàigòn Times và bản thân tôi là điều hợp lý. Tôi hoàn toàn tôn trọng tinh thần cảnh giác của ông. Tuy nhiên, một khi ông nghi ngờ thì ông phải tìm hiểu, phải theo dõi, phải bàn bạc, phải hỏi người này, người nọ, hoặc trực tiếp gặp gỡ người mình nghi ngờ để điều tra, thăm dò, chứ không thể nào chỉ ngồi đó ôm mối nghi ngờ suông. Nhất là khi ông, một sĩ quan quân lực VNCH, nghi ngờ một cơ quan ngôn luận của người Việt tỵ nạn cộng sản là thân cộng sản, một người cầm viết chống cộng sản là cộng sản nằm vùng, thì ông lại càng phải tích cực tìm hiểu và phải tìm hiểu càng sớm càng tốt để mọi chuyện rõ ràng, trắng đen minh bạch.
Nhưng đọc thư của ông, tôi rất ngạc nhiên để có thể đi đến kết luận, ông Thanh chả hề tìm hiểu gì người mà ông nghi ngờ là cộng sản. Bằng chứng, ngay cả chuyện cỏn con, tôi và báo Đại Việt mâu thuẫn như nước với lửa, hầu như ai đã quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng cũng đều biết, nhưng ông Thanh thì không hề biết nên ông mới hạ bút viết một cách vô tội vạ: "Hữu Nguyên viết cho báo Đại Việt khi báo này đánh phá cộng đồng".
Trong thư, ông Thanh thắc mắc, "quá trình của Hữu Nguyên từ ngày đó [30/4/75"] đến bây giờ tôi chưa được nghe ai kể". Lời thắc mắc đó chứng tỏ ông Thanh là một người rất rất thụ động; hoặc ông đã đánh mất tất cả những kiến thức tinh hoa mà trường Võ Bị đã dậy ông; hoặc ông đã không nhận thức được trách nhiệm chống cộng của một người quân nhân QLVNCH trong bối cảnh mới, hoàn cảnh mới tại Úc.
Nếu một người quân nhân QLVNCH, hoặc ngay cả một người Việt tỵ nạn cộng sản bình thường, có tinh thần trách nhiệm, khi nghi ngờ một người là cộng sản nằm vùng, mà không biết rõ "quá trình hoạt động của người đó", thì thái độ tốt nhất là phải tìm hiểu, chứ đâu có thể ngồi đó "chờ người tới kể" như ông Thanh đã viết trong thư.
Tôi sống ở Úc đến nay đã hơn 20 năm. Quá trình sinh hoạt của tôi từ 30/4/75 cho đến nay có nhiều người Việt tại Úc biết rất rõ. Chính bản thân tôi cũng đã nhiều lần kể lại cho bằng hữu biết. Ông Thanh cũng có mặt tại Úc một thời gian đủ dài để ông tìm hiểu về tôi nếu ông muốn. Hơn nữa, tôi đã gặp ông Bùi Dương Thanh nhiều lần, thậm chí có lần ngồi cạnh ông tại nhà ông Lê Minh Phó, cách đây ngót hai năm. Vậy mà trong các lần gặp gỡ, ông không hề hỏi tôi một câu về quá khứ của tôi. Vậy mà trong thư ông còn viết, "lần đầu tiên tôi nhận diện Hữu Nguyên" là ngày đại hội 9/9/2001, tức là cách đây mới có hai tháng!
Điểm thứ hai, ông Thanh phải đồng ý, danh chính ngôn thuận, Sàigòn Times là tờ báo có lập trường chống cộng. Lập trường này đã được minh bạch ngay từ số ra mắt của Sàigòn Times vào ngày 20/1/93. Chuyện nghi ngờ lập trường chống cộng của Sàigòn Times là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, bất cứ ai, hễ bô bô tuyên bố nghi ngờ lập trường chống cộng của Sàigòn Times là người đó tự động có được hào quang của một người chống cộng thông thái. Độc giả và đông đảo bà con trong cộng đồng có dư hiểu biết và kinh nghiệm để phân biệt, sự nghi ngờ nào thực sự xuất phát từ tinh thần cảnh giác chống cộng; sự nghi ngờ nào do xúi giục, tư thù; sự nghi ngờ nào do cộng sản giật dây...
Như trên tôi đã thưa, việc ông Thanh nghi ngờ lập trường chống cộng của tôi và Sàigòn Times là điều hợp lý và dễ hiểu. Tôi tôn trọng sự nghi ngờ của ông. Tôi cũng tin, ông Thanh dư sức hiểu rằng, nghi ngờ một tờ báo chống cộng là thân cộng, hay nghi ngờ một người làm báo chống cộng là cộng sản nằm vùng, nếu không thận trọng, bí mật khi trình bầy sự nghi ngờ của mình, chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại, như tờ báo đó sẽ thay lông đổi lốt, hoặc người cầm viết nằm vùng đó sẽ cao chạy xa bay... Bên cạnh đó, ông Thanh cũng không thể không đồng ý, nếu ông nghi ngờ sai, và nghi ngờ đó bị tiết lộ ra ngoài, chắc chắn chúng sẽ tạo hoang mang trong cộng đồng, và rất có thể làm thui chột một cơ quan ngôn luận, làm nản lòng những người có tinh thần chống cộng.
Có lẽ vì hiểu rõ như vậy, nên ông Thanh đã viết một lá thư gửi riêng cho 3 vị có uy tín và có lập trường chống cộng minh bạch là Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, ông Nguyễn Văn Hậu, và ông Gia Du. Như vậy, trên phương diện bảo mật, lá thư của ông Thanh chỉ có 4 người biết. Và trên phương diện bảo mật, nếu bất cứ ai trong 4 vị đó có tiết lộ lá thư cho một người thứ hai, thứ ba biết, thì người đó cũng phải là người rất đáng tin cậy.
Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, lá thư của ông Bùi Dương Thanh đã lọt ra ngoài, được kẻ gian gửi lung tung nhiều nơi qua Internet, qua bưu điện, thậm chí còn có người mang thư của ông Thanh đi phân phát tại tiệm ăn...
Bằng chứng hiển nhiên là trong thời gian qua, nhiều vị trong cộng đồng đã nhiều lần nhận được thư của ông Bùi Dương Thanh kèm với những lá thư nặc danh khác. Riêng chúng tôi, cũng nhận được hơn chục lần lá thư của ông Thanh qua nhiều nguồn khác nhau. Điều lạ lùng hơn nữa là lá thư của ông Thanh đã được kẻ gian gửi lung tung trên Internet cách đây nhiều tuần lễ, và có thể nói gần như cùng lúc khi ông Thanh gửi thư cho Bác sĩ Tiến, ông Hậu và ông Gia Du. Đau lòng hơn, thư của ông Thanh lại được gửi chung với những lá thư nặc danh, đầy rẫy những lời chửi bới nặng nề, hạ cấp.
Khi trình bầy vấn đề này, chúng tôi tuyệt nhiên không hề có ý trách móc ông Thanh, mà chúng tôi chỉ mong muốn ông Thanh cùng qúy vị có trách nhiệm nên để tâm tìm hiểu, điều tra xem vì sao lá thư của ông Thanh đã lọt vào tay kẻ gian. Đây là điểm vô cùng quan trọng, vì nếu qúy vị không cảnh giác, tôi e rằng, bi kịch Mỵ Châu Trọng Thủy sẽ tái diễn ngay trên đất Úc, và càng ngày, bi kịch đó càng trở nên khốc liệt, trong khi kẻ hưởng lợi, không ai khác, chính là cộng sản.
Cuối cùng, chúng tôi cũng xin nhắc lại, một trong những nguyên nhân chính khiến chúng tôi viết bài này là do chúng tôi tin, ông Thanh đã viết lá thư với tấm lòng chân thành của một người có lập trường chống cộng trước sau như một. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thành thực thưa với ông Thanh, trong cuộc đấu tranh chống cộng sản, cũng như bất kỳ cuộc đấu tranh nào, chỉ có lòng chân thành và lập trường dứt khoát không, không đủ, mà còn đòi hỏi ở khả năng, sự sáng suốt, tinh thần làm việc quên mình, và phải biết đoàn kết, biết dựa vào sức mạnh và sự minh mẫn của tập thể.
Hữu Nguyên