Đức Giáo hoàng bị khoá vào ngoặc kép khi ngoặc kép trong lời trích dẫn của ngài bị xoá...
Người viết thường tránh đề cập tới đề tài tôn giáo vì với một số người, tôn giáo có những lý lẽ vượt ra ngoài lý trí. Người viết cũng không theo đạo Công giáo và nói chung vẫn cho rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng. Nhưng lần này thì xin bạo gan nói về biến cố đang gây sôi nổi - và đổ máu - vì một bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Benedicto XVI.
Ngày 12 tháng Chín vừa qua, khi theo dõi tin tức về lời phát biểu của Ngài tại Đức - "Đức Giáo hoàng lên án "Thánh chiến" (Hồi giáo)" - người viết bỗng ngậm ngùi thương tiếc Cố Giáo hoàng Giaon Phaolồ II: "Ngài khéo hơn nhiều, với cái tâm bao dung hơn nhiều". Rồi chờ đợi phản ứng của giới lãnh đạo của đạo Hồi và các quốc gia Hồi giáo. Phản ứng ấy đến khá trễ, mất hai ngày sau mới bùng nổ thành một trận bão thời sự khiến có người mất mạng.
Trong hai ngày ấy, người viết tìm vào bản văn của lời phát biểu của Đức Giáo hoàng Benedicto và có dịp đọc hai bản dịch từ Đức ngữ qua Anh ngữ và Pháp ngữ để xem Ngài nói những gì.
Và thấy rằng mình lầm.
Đức Giáo hoàng là người Đức, từng là Giáo sư tại Đại học Regensburg (Ratisbonne theo tiếng Pháp) và trong năm ngày thăm viếng cố hương hôm 12, ngài trở lại ngôi trường cũ. Tại đây, Ngài có đọc một bài diễn văn trước cử tọa là các giáo sư, học giả về đề tài "Đức tin, Lý trí và Đại học - Hồi tưởng và Suy niệm". Mục tiêu của bài diễn văn là kêu gọi sự đối thoại và tìm hiểu để phát huy đức tin trong thế giới mới sau khi suy nghiệm về sự tiến hoá tư tưởng từ thời Cổ Hy Lạp.
Từ người lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ, từng lời nói của Ngài tất nhiên phản ảnh quan điểm của Giáo hội Vatican, nhưng đây là một bài diễn văn Ngài đọc tại ngôi trường xưa nên chính bản thân Benedicto có thể là người soạn thảo ra bài diễn văn ấy, và có sự cân nhắc của một người hiểu biết và có trách nhiệm vượt ra khỏi phạm vi cá nhân.
Đề tài Benedicto XVI nói tới là khuynh hướng thời đại mới thường cố tách rời đức tin và lý trí, là gạt Thượng đế ra khỏi phạm vi của lý luận. Ngài đề cập tới chuyện này theo nhãn quan của học giả, với những suy luận và trích dẫn từ tư tưởng Do Thái và Hy Lạp thời cổ đến lý luận thần học của Thánh giáo (đạo Tin lành) hay chủ nghĩa vô thần hiện đại.
Trong bài diễn văn dài 3.878 chữ theo bản Anh ngữ (hoặc gần 4.000 chữ theo bản Pháp ngữ) Đức Giáo hoàng nhắc tới Hồi giáo trong một đoạn dài 590 chữ, và có một câu trích dẫn lời ghi (hay phát biểu) của một Hoàng đế xứ Bysance vào khoảng 1391. Ông Manuel II Paleologus này là một vị Hoàng đế uyên bác và có cuộc thảo luận với một nhà thông thái người Ba Tư (nay là Iran) về nhiều đề tài, trong đó có đức tin trong Kinh Thánh và Kinh Qur'an, và về hình ảnh của Thượng đế và con người trong ba tạng kinh (ba tạng Giáo luật hay "Quy luật của đời sống") là Cựu ước, Tân ước và Qur'an.
Trong cuộc "tranh luận thứ bảy", Hoàng đế Manuel đề cập tới chuyện "Thánh chiến" (bản Đức ngữ của Đức Giáo hoàng có dùng chữ 'Djihad', bản Anh ngữ thì không, bản Pháp ngữ do tờ Le Monde dịch từ Ý ngữ thì có). Và theo lời diễn giả Benedicto XVI:
"Hoàng đế hẳn biết rằng trong chương kinh surah 2, đoạn 256 (của Hồi giáo), có đọc thấy: 'không thể cưỡng bách trong đức tin'. Các chuyên gia thì cho rằng đây là đoạn kinh thời khởi thủy, khi Mohammed còn chưa có quyền và bị đe dọa. Ông cũng biết rằng về sau những chỉ dạy về Thánh chiến được khai triển và được ghi vào kinh Qur'an. Không đi vào chi tiết - thí dụ như cách phân biệt đối xử giữa những dân tộc tin vào Kinh (Do Thái hay Thiên chúa giáo) và người "ngoại đạo" ("infidels" hay "incroyants" tùy bản dịch) - vị Hoàng đế nói thẳng với người đối thoại, một cách phũ phàng bất ngờ: "Hãy chỉ cho ta những gì mới của Mohammed, lúc ấy, ngươi chỉ thấy sự độc ác và bất nhân, như lời dạy là vung gươm bảo vệ đức tin do ông ta truyền bá".
Sau đấy, Hoàng đế Manuel II giải thích tỉ mỉ rằng hoằng giáo bằng bạo động là điều phi lý. Muốn thuyết phục, người ta không cần sức mạnh hay võ khí hoặc sự hăm dọa chết chóc.
Đức Giáo hoàng Benedicto trích dẫn cuộc tranh luận từ cuối thế kỷ 14 để nhấn mạnh là hành động ngược với lý trí thì cũng ngược với bản chất của Thượng đế. Sau đó, ngài trình bày rõ hơn về khái niệm lý trí ấy, qua câu trích dân "Mọi sự khởi đầu từ ngôi lời", từ "logos"…
Bài diễn văn cho các giáo sư học giả về một đề tài vừa triết học vừa thần học không là đoạn văn dễ hiểu và Đức Giáo hoàng Benedicto cũng không là người ứng khẩu nói theo cảm hứng cho quảng đại quần chúng. Nhưng, dư luận chỉ nghe thấy trích đoạn lời nói của Hoàng đế Manuel II Paleologus về Mohammed, được trình bày như chính lời phát biểu của Đức Giáo hoàng! Người ta đã quên ngoặc kép của lời trích dẫn và giới thiệu bài diễn văn như một lời tuyên chiến của Giáo hội Vatican với Đạo hồi!
Phản ứng chống đối dữ dội của quần chúng Hồi giáo khắp nơi là điều mọi người đều hiểu được và nó gây ra một vụ khủng hoảng cho Vatican và bản thân Đức Giáo hoàng. Một nữ tu người Ý đã bị giết chết tại Somalia có thể vì phản ứng đó và người ta còn chờ đợi một làn sóng bạo loạn bùng nổ vì gần đến dịp lễ Ramadan của Hồi giáo. Trong mấy ngày liên tiếp, Benedicto phải nói rõ là Ngài rất tiếc, rồi rất ân hận, và sau cùng phải xin lỗi vì nếu có gây ra hiểu lầm. Có nơi đã chấp nhận lời xin lỗi ấy (Turkey), có nơi thì chấp nhận sau lại phủ nhận (Egypt), xứ Maroc ôn hòa kia mà còn triệu hồi Đại sứ của mình tại Vatican!… Tình ra thì mấy chục vị lãnh đạo chính trị hay tôn giáo của đạo Hồi đã lên tiếng đả kích Benedicto XVI.
Riêng có hai phản ứng đáng cho chúng ta chú ý:
Sau hai tuần thăm viếng Hoa Kỳ trở về, nguyên Tổng thống Iran là Mohammad Khatami đã phát biểu rằng "người ta phải đọc hết bài diễn văn của Đức Giáo hoàng trước khi phê phán". Ông còn cho rằng Benedicto XVI là người thông thái và kiên nhẫn!
Từ Havana nơi ông đang dự Thượng đỉnh của các nước Phi liên kết, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của một quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới là Indonesia cũng kêu gọi dân Hồi giáo trong nước hãy sáng suốt, kiên nhẫn và tự chế trước vấn đề nhạy cảm này để khỏi phương hại đến tình hoà hiếu giữa các dân tộc.
Trước khi trở thành Giáo hoàng Benedicto XVI, Joseph Alois Ratzinger là một học giả và bài diễn văn đọc tại Đại học Regensburg phân tách triến trình chuyển hoá tư tưởng từ thời Cổ Hy Lạp đến thời hiện đại nhằm chứng minh rằng đức tin vào Thượng đế là một phần của lý trí con người và dùng lý trí do Thượng đế ban cho ta để tìm tới Thượng đế là việc nên làm vì sẽ dẫn ta tới gần Thượng đế hơn. Chuyện ấy là điều hay!
Nhưng, giả dụ như Ngài nói chúng ta nên đi tìm… Phật tánh ở trong tâm để sẽ trở thành Phật, hoặc nhắc tới bất cứ một triết gia tôn giáo nào khác của Tây phương thì mọi chuyện sẽ… đi vào lãng quên cho những người không theo dõi.
Điều đáng tiếc là Ngài muốn bắc một nhịp cầu với thế giới Hồi giáo và nhắc đến lời của một vị Hoàng đế Byzantin - lại nói với một triết gia Iran - đề tài trở thành nhạy cảm, dù rằng Đức Giáo hoàng có nói rõ là lời phát biểu ấy thực ra không đáng kể và cũng không phản ảnh quan điểm của Ngài. Và cả một bài diễn văn rất dài và súc tích của Ngài được cô đọng vào một câu "Hồi giáo độc ác và bất nhân". Được ai cô đọng" Với mục đích gì"
Trong lịch sử, Giáo hội Công giáo từng có những sai lầm từ thần học đến pháp chế mà sinh tiền Đức Giáo hoàng Gioan Phaolồ Đệ nhị đã nhắc tới và chính thức xin lỗi. Bây giờ, đến lượt Đức Giáo hoàng Benedicto XVI phải lên tiếng xin lỗi về một bài diễn văn trình bày trong mục tiêu tìm hiểu sự cảm thông và hòa giải!
Khi đọc lại nguyên văn bài phát biểu, chúng ta thấy nội dung không nặng nề như cách trình bày. Một là những người diễn giải không hiểu, hai là họ cố tình xuyên tạc để khích động dư luận cho mục tiêu "hoằng pháp" của họ. Những người chừng mực và hiểu biết trong thế giới Hồi giáo cần đặt vấn đề vào đúng bối cảnh hầu quần chúng của mình đừng có phản ứng nông nổi đáng tiếc.
Giá trị của tôn giáo tùy thuộc vào khả năng diễn giải và quảng bá những tư tưởng tốt đẹp cho con người. Nếu không, tôn giáo bị hạ thấp xuống tầm tay cầm súng và những tiếng nói cực đoan nhất mới là tiếng nói chính thức.
Thượng đế vốn không nói gì, nếu loài người lại không dám nói thì chỉ còn tiếng súng là chân lý.
Những ai muốn tìm đọc nguyên bản có thể tham khảo web-site của Vatican như sau: