Biểu đồ hình chữ J.
Dùng đường cong hình chữ J (viết hoa) để hình dung sự tiến triển của một quốc gia từ một chế độ khép kín sang một chế độ cởi mở dân chủ là ý kiến mới của giáo sư Ian Bremmer trong một cuốn sách nhan đề “The J Curve: A New Way to Understand Why Nations Rise And Fall” vừa mới phát hành (nhà xuất bản Simon & Schuster – 2006). Ông là giáo sự đại học Columbia University và là chủ tịch của nhóm Eurasia Group, một nhóm chuyên nghiên cứu về sự an toàn của một quốc gia trong một hoàn cảnh đặc biệt (thí dụ trước một thiên tai, một cuộc khủng bố, một cuộc đảo chánh v.v…). Ông từng viết cho các tờ Financial Times, Harvard Business Review, The Wall Street Journal, Los Angeles Times, The New York Times và đã xuất bản ít nhất năm cuốn sách viết chung với nhiều tác giả khác, đặc biệt nghiên cứu sự chuyển biến chính trị của Liên bang Xô viết. Sáng kiến của ông dùng đường cong chữ J (gọi là The J Curve) trên một giản đồ đơn giản trục hoành biểu thị mức độ cởi mở dân chủ của một quốc gia (openness) và trục tung biểu thị sự ổn định (stability) làm cho sự giải thích một hiện tượng phức tạp trừu tượng là sự quan hệ giữa cởi mở dân chủ và ổn định trở nên giản dị và dễ hiểu.
Chữ J viết hoa đặt nghiên trên đồ thị cởi mở dân chủ - ổn định gồm 3 phần: phần bên trái biểu thị tình trạng của những quốc gia khép kín, ổn định cao, nhưng thiếu cởi mở dân chủ. Càng xuống dần trên đường J, cởi mở dân chủ tăng dần thì càng ít ổn định. Phần bên phải đường J đi lên biểu thị tình trạng của những quốc gia cởi mở dân chủ, càng cởi mở xã hội càng ổn định. Ở giữa hai phần là phần cong dưới đáy nối hai nhánh đường J, biểu thị tình trạng một quốc gia khép kín kinh qua giai đoạn khủng hoảng trước khi có thể trở thành một quốc gia cởi mở dân chủ và ổn định. Kinh qua giai đoạn này một quốc gia có thể tan vỡ (như trường hợp Nam Tư), hay trưởng thành để trở thành một nước dân chủ (như Nam Phi).
Giáo sư Ian Bremmer dùng lý thuyết đường cong chữ J để phân tích sự biến chuyển của các quốc gia mà sự lên xuống, dân chủ hay độc tài, thành công hay thất bại có quan hệ với an ninh của Hoa Kỳ, để giúp các chính trị gia Hoa Kỳ thiết lập chính sách đáp ứng cần thiết.
Để rút gọn danh từ ông chia các quốc gia nghiên cứu thành 3 nhóm, ông gọi (1) là nhóm bên trái của đường cong J (là quốc gia ổn định nhưng thiếu cởi mở dân chủ), và trên đường bên trái này khi đi xuống có nghĩa là tăng cởi mở và mất dần ổn định (và ngược lại), (2) là nhóm bên phải của đường cong J (là quốc gia cởi mở dân chủ và ổn định), và trên đường bên phải này khi đi lên có nghĩa càng cởi mở dân chủ càng có thêm ổn định (và ngược lại), (3) nhóm nằm dưới đáy của đường cong J là nhóm kinh qua tình trạng chuyển tiếp.
Giáo sư Ian Bremmer xếp Bắc Hàn, Cuba và Iraq (dưới thời Saddam Hussein) vào nhóm tận cùng bên trái của đường cong J. Iran, Saudi Arabia và Liên bang Nga là nhóm đang đi xuống dần trên nhánh trái. Nam Phi và Nam Tư từng kinh qua điểm thấp nhất. Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái và Ấn Độ nằm trên nhánh phải. Và sau cùng Trung quốc, quốc gia quan trọng nhất đối với nền ngoại giao của Hoa Kỳ thì ông Ian Bremmer đặt một dấu hỏi lớn không biết nên đặt Trung quốc vào nhóm bên phải hay bên trái và nó đang đi lên hay đi xuống. Ông Bremmer nói Trung quốc là một câu hỏi nhức đầu của Hoa Kỳ và ông để dành một vị trí quan trọng cho Trung quốc trong cuốn sách của ông. Giáo sư Ian Bremmer không đề cập đến Việt Nam vì theo tầm nhìn của Hoa Kỳ Việt Nam hiện nay không phải là một nước quan trọng.
Tuy nhiên trong 17 năm qua Việt Nam rập khuôn các chính sách của Trung Quốc cho nên chúng ta có thể tiên đoán những biến chuyển tại Trung quốc sẽ dội lại tại Việt Nam.
Vì vậy trong bài nghiên cứu này tôi sẽ phân tích tỉ mỉ cái nhìn của giáo sư Ian Bremmer về Trung quốc để chúng ta có dữ kiện suy đoán những gì có thể xẩy ra tại Việt Nam. Thí dụ như để hiểu chính sách cứng rắn của Việt Nam sau đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam và sự quan trọng của sự gia nhập vào WTO của Việt Nam trong thời gian tới.
Vậy kinh tế, ổn định và tình trạng cởi mở dân chủ của Trung quốc đang chuyển về hướng nào"
Trước hết là một khẳng định: Trung quốc đang ở bên nhánh trái của đường J, mặc dù Trung quốc đang trên đường cởi mở kinh tế và đã gia nhập WTO.
Vào cuối thập niên 1970 sau khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt, Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung quốc đã chỉ thị hủy bỏ chương trình hợp tác xã của Mao, cho nông dân thuê đất và có quyền tư hữu, cho nông dân quyết định trồng (hay không trồng) cái gì họ muốn và tự do đi lại kiếm công ăn việc làm đã giải phóng lực lượng lao động Trung quốc. Nhờ những thay đổi cởi mở này Trung quốc dần trở nên phồn thịnh và tạo được sự ổn định cho những nước chung quanh. Hiện nay Trung quốc có một GDP lớn hàng thứ ba trên thế giới và đang mang tiền đầu tư khắp thế giới nhiều hơn cả Iran, Saudi Arabia và Liên bang Nga. Trong 25 năm qua sự tăng trưởng kinh tế của Trung quốc là 9% và các dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng này sẽ không chậm lại trong thập niên tới. Nhưng muốn giữ mức độ tăng trưởng này Trung quốc cần đầu tư của nước ngoài và do đó phải giữ thái độ cởi mở chính trị cần thiết.
Ngoài ra dân chúng Trung quốc càng ngày càng có nhiều thông tin với nước ngoài cũng như trong nước với nhau qua điện thư, internet (mà họ không có khi bước vào thế kỷ 21). Theo tờ China Daily hiện Trung quốc có hơn 120 triệu người dùng internet và trong dịp Tết Ất Dậu 2005 người Trung quốc đã gởi qua lại cho nhau 11 tỉ lời chúc Tết qua điện thư trong vòng 24 giờ đồng, và hiện có 350 triệu người Trung quốc có điện thoại di động cầm tay. Câu hỏi chính là làm thế nào Trung quốc không nằm bên phải của đường cong J trước một tình trạng cởi mở như vậy"
Người ta còn nhớ câu nói bất hủ của Đặng Tiểu Bình đầu thập niên 1980 khi ông nói: “làm giàu là vĩ đại” và đã thành lập những vùng kinh tế tự trị (gọi là Special Economic Zone – SEZ) thí nghiệm tại Shenzhen, Zhuhai và Shantou tại tỉnh Quảng Đông, Xiamen tại tỉnh Phúc Kiến và đảo Hải Nam.
Năm 1984 đảng Cộng sản Trung quốc mở cửa 14 thành phố nằm gần bờ biển và năm 1992 mở cửa thêm các thành phố nằm trong nội địa và đặc biệt cho phép chủ nhiệm các công ti quốc doanh được tự do định lương bổng (cho người làm việc giỏi) và quyền hành rộng rãi trong việc thải hồi hay thuê nhân công. Tháng 12 năm 2001 Trung quốc gia nhập WTO buộc Trung quốc phải giảm thuế nhập nội của nhiều mặt hàng (trước kia được bảo vệ). WTO buộc Trung quốc áp dụng luật lệ đầu tư quốc tế và bảo vệ quyền lợi của doanh nhân nước ngoài. Trung quốc đã áp dụng nghiêm chỉnh các luật lệ của WTO làm cho các nhà đầu tư quốc tế vững lòng đầu tư và đặt mua thêm nhiều hàng hóa của Trung quốc.
Sau đây là vài con số sau khi Trung quốc gia nhập WTO. Năm 2002 Trung quốc là nước đứng hàng đầu nhận đầu tư của nước ngoài. Năm 2003 tổng số đầu tư là 53.5 tỉ mỹ kim, năm 2005 lên 58 tỉ. Trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 2004 Trung quốc nhận 563.8 tỉ mỹ kim tiền đầu tư tức hơn 10 lần tiền đầu tư vào Nhật Bản trong thời gian từ 1945 đến năm 2000. Trung quốc còn thiết lập khu mậu dịch tự do với khối Asean và ký Hiệp ước Thương mãi Song phương với Úc châu. Để thực hiện những việc này người cầm quyền của Trung quốc cần ý kiến của các doanh nhân và do đó người dân Trung quốc dần dần có quyền tham gia ý kiến vào các vấn đề chính trị và xã hội liên quan đến lĩnh vực tài chánh và thương mãi.
Một lĩnh vực khác là lĩnh vực chuyển nhượng kỹ thuật của nước ngoài mà Trung quốc rất cần để hữu hiệu hóa sản xuất và nâng cao khả năng quốc phòng. Và đây là một vấn đề nhức đầu của đảng Cộng sản Trung quốc. Để có thêm đầu tư, trong thập niên 1990 Trung quốc phải cho phép mở những công ti 100% vốn nước ngoài (chiếm đến 2/3 tổng số đầu tư) và các công ti này không có bổn phận chuyển nhượng kỹ thuật theo một mức độ quy định như các công ti có vốn song phương. Sức sản xuất của Trung quốc do đó lệ thuộc khá nhiều vào dụng cụ, máy móc, bộ phận rời và sáng kiến mô hình (design) của nước ngoài. Sự kiện này giúp kinh tế phát triển mang lại sự tin cậy của nhân dân đối với đảng Cộng sản, nhưng đồng thời làm cho sự kiểm soát của đảng Cộng sản Trung quốc đối với xã hội càng lơi và đưa Trung quốc tiến vào nhánh phải của đường cong J.
Đó là sức ép mà đảng Cộng sản Trung quốc (cũng như đảng Cộng sản Việt Nam) phải co kéo lại. Tại sao nói “đảng” mà không nói tới ông Tổng bí thư đảng Hồ Cẩm Đào (hay tại Việt Nam nói tới Nông Đức Mạnh) như trước đây nói đến Trung quốc người ta nói đến Mao hay Đặng (và Việt Nam thì nói tới Hồ chí Minh sau đó là Lê Duẫn, sau lưng là Lê Đức Thọ)" Vì ảnh hưởng của cởi mở kinh tế Trung quốc không cho phép tập trung quyền hành vào trong tay một người. Nhưng không ở trong tay một người thì quyền hành tập trung trong tay một đảng. Ổn định tại Trung quốc (cũng như tại Việt Nam) không dựa vào cơ chế chính trị mà dựa vào một đảng duy nhất.
Đảng Cộng sản Trung quốc co kéo ổn định trước sức ép của cởi mở kinh tế và ảnh hưởng của nước ngoài (mà họ gọi là diễn biến hòa bình) bằng cách cấm đoán mọi hoạt động chính trị đối lập với đảng và chống lại mọi đề nghị cải tổ chính trị ngay cả từ bên trong đảng. Đảng lấy mọi quyết định một cách bí mật, và thay vì xem các thành phần thiểu số dân tộc và tôn giáo là những yếu tố tích cực đóng góp cho sự phồn thịnh quốc gia (như trong các nước nằm bên phải của đường cong J) đảng Cộng sản Trung quốc xem đó là những nguồn bất ổn. Điều này giải thích thái độ của đảng Cộng sản Trung quốc đối với giáo phái Falun và của đảng Cộng sản Việt Nam đối với Giáo Hội Phất giáo Việt Nam Thống Nhất và thành phần thiểu số người Thượng theo đạo Tin lành.
Có một thời điểm đảng Cộng sản Trung quốc tiến sát đến đáy của đường cong J là thời điểm của cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989. Thiên An Môn là kết quả của sự tiến dần xuống trên đường cong J từ phía trái kể từ năm 1982 khi Đặng Tiểu Bình khuyến khích dân chúng làm giàu bằng cách giải phóng lực lượng lao động và nới lỏng sự kiểm soát giới văn nghệ sĩ. Đến lúc đó (tháng 6/1989) lãnh đạo Trung quốc phải có một quyết định. Chấp nhận cởi mở và sự bất ổn định tạm thời để kinh qua điểm thấp nhất của đường cong J để tiến vào phía phải, đảng Cộng sản Trung quốc ra đi trao trả quyền điều hành đất nước lại cho nhân dân hay đi trở ngược lại đường cong J để duy trì ổn định và quyền hành của đảng" Đặng Tiểu Bình đã quyết định đi trở ngược lại vì lịch sử của Trung quốc dạy ông rằng Trung quốc không thể kinh qua điểm thấp nhất của đường cong J mà không tan vỡ. Sự tan vỡ của Nam Tư năm 1991 qua chính sách cởi mở của Tito đối với Liên bang Xô viết và quyền hành phân tán (sau khi Tito qua đời năm 1980) có thể là một điều làm cho Đặng thấy quyết định đàn áp là hữu lý (hữu lý trong cái nghĩa ít đem lại tổn thất cho quyền lợi của Trung quốc). Không ai có thể nói chắc nếu các sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn thành công thì Trung quốc sẽ yên lành tiến vào hàng các quốc gia dân chủ ổn định bên phải của đường cong J (như Nam Phi năm 1994) hay hỗn loạn rồi tan vỡ thành từng mảnh (như Nam Tư năm 1991). Lịch sử Trung quốc cho thấy cái triển vọng thứ hai lớn gấp bội triển vọng thứ nhất. Đó là lý do tại sao các nhà chính trị thường kết án vụ đàn áp Thiên An Môn, nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử (trong đó có giáo sư Ian Bremmer) ít khi lên án vụ này.
Hiện nay đảng Cộng sản Trung quốc (và đảng Cộng sản Việt Nam) sợ nhất là xa lộ thông tin internet vì “sự hiểu biết sẽ là mồ hủy diệt” (“Thế Lực Đỏ”, thơ Nguyễn Chí Thiện, 1973). Mọi liên lạc ra vào Trung quốc đều phải thông qua 5 ngỏ và Trung quốc xử dụng 50.000 nhân viên an ninh chỉ để theo dõi các trao đổi điện thư giữa người nước ngoài và giữa những người trong nước với nhau. Trung quốc chận các thông tin qua địa chỉ điện thư (Internet protocol address) hay qua các Web site (domain) đã vào sổ đen. Riêng các phương tiện tìm kiếm (search engine) như Google, Microsoft, Yahoo Trung quốc buộc cất bỏ các dữ kiện Trung quốc không muốn người trong nước đọc (như những gì liên hệ việc Đài Loan đòi độc lập). Rất tiếc các công ti này đã chìu ý của Trung quốc vì quyền lợi làm ăn. Theo tài liệu của giáo sư Ian Bremmer, từ tháng 5 năm 2004 đến nay Trung quốc bỏ tù 61 người dùng internet phạm luật và đóng cửa 12.575 quán internet trong 3 tháng cuối năm 2004. Theo bản tin AP ngày 10/9/06 đánh đi từ Thượng hải, Trung quốc vừa ban hành biện pháp mới kiểm soát các bản tin của các hãng thông tấn nước ngoài (như AP, Reuters, …). Các bản tin chỉ được chuyển đi thông qua hãng thông tấn Xinhua chính thức của chính phủ Trung quốc. Biện pháp này có dụng tâm kiểm soát tin tức trong thời gian thế vận hội 2008 lúc có hằng ngàn ký giả nước ngoài đến Trung quốc. Tại Việt Nam hiện nay chính phủ đại hạ giá điện thoại từ Việt Nam ra nước ngoài tại các quán internet với mục đính dân chúng bớt dùng điện thoại nhà để liên lạc với thân nhân. Dùng điện thoại nhà chính phủ sẽ tốn công kiểm soát nội dung trao đổi hơn qua các quán internet.
Từ năm 2000 đảng Cộng sản Trung quốc không cho phổ biến tin tức về các vụ dân chúng phản đối chính quyền địa phương, nhưng những bản tin đàn áp lẻ tẻ của công an ghi nhận cộng lại thì từ tháng 1/2000 cho đến tháng 9/2002 trên toàn quốc có 9.559 vụ, mỗi vụ có hơn 50 người dân tham dự phản đối chính quyền địa phương. Tháng 8/2005 một bản tin của Reuters nhắc lại lời của bộ trưởng công an Trung quốc Zhou Yongkang trong năm 2004 có 74.000 vụ dân bày tỏ bất mãn với chính quyền tổng cọng có 3.7 triệu người tham dự. Trong năm 2005 con số này lên đến 87.000 vụ. Nguyên nhân chính của các vụ phản đối là tình trạng y tế suy đồi và việc viên chức chính quyền lợi dụng việc trưng dụng đất đai của dân để phát triển kinh tế để chiếm đất của dân (như tình trạng đang xẩy ra tại Việt Nam). Đó là chưa nói đến tình trạng môi sinh suy đồi, không khí thành phố khó thở, một nửa số sông ngoài dơ bẩn gần như hết phương cứu chữa vì phát triển bừa bãi.
Rút kinh nghiệm vụ Thiên An Môn người dân hướng sự phản đối vào chính quyền địa phương và không thách thức sự lãnh đạo của đảng Cộng sản làm cho đảng khó huy động quân đội đàn áp.
Với các sự kiện trên, hiện nay hiển nhiên Trung quốc ở bên trái đường cong J và không ai phủ nhận rằng đảng Cộng sản Trung quốc đang duy trì được sự sự an ninh và ổn định trong nước. Nhưng người ta không thể tiên đoán sự cân bằng giữa quyền hành của đảng và những bất ổn do sự phát triển kinh tế và biến chuyển trong đời sống xã hội sẽ kéo Trung quốc đi về hướng nào trên đường cong J. Khi bị đe dọa đảng Cộng sản Trung quốc sẽ thi hành các biện pháp đi ngược lại trên đường J hay phát huy sự nhìn xa và thận trọng vượt qua phần thấp của đường cong J để vươn lên phía phải"
Dù cho Nam Phi đã kinh qua con đường đó và thành công (do sự khôn ngoan, biết nhìn xa và sự yêu thương con người sâu sắc của tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk và nhất là của nhà đối lập da đen Nelson Mandela), không ai lạc quan tin rằng đảng Cộng sản Trung quốc (cũng như đảng Cộng sản Việt Nam) sẽ chọn con đường đó. Bản chất của một chế độ mà đảng là định chế không cho họ có khả năng chọn con đường đó dù họ muốn, ngay cả với giới lãnh đạo trẻ và cởi mở hơn hiện nay.
Và đó có thể là mầm mống của sự bất ổn lớn của thế giới (còn hơn cuộc chiến chống khủng bố hiện nay) khi cuộc tranh quyền bá chủ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc đến giai đoạn quyết liệt.
Một khác biệt không thể không nói tới giữa Trung quốc và Việt Nam là những người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc có một mục tiêu là giành quyền bá chủ thế giới với sự đồng thuận của toàn dân Trung quốc trong cũng như ngoài nước, trong khi những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội chưa có một mục tiêu dài hạn tốt đẹp nào có thể thấy được.
Sept. 13, 2006