WASHINGTON (VB) - Đã có ít nhất 22 Linh Mục Việt Nam ký tên vào Bản Lên Tiếng Của Các Linh Mục VN Hải Ngoại, và con số này sẽ còn tăng nhiều hơn nữa cho tơ1ùi khi đúc kết chữ ký ngày 15-8-2001.
Nội dung bản văn đưa ra lập trường 3 điểm, “ủng hộ tinh thần dấn thân và những đòi hỏi tự do tôn giáo thực sự của linh mục Thaddeus Nguyễn Văn Lý. Đồng thời chúng tôi cũng ủng hộ những đòi hỏi chính đáng về tự do tôn giáo của các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác”; đòi CSVN ngưng đàn áp tôn giáo; và kêu gọi quốc tế bênh vực nhân quyền VN.
Toàn văn như sau.
BẢN LÊN TIẾNG CỦA CÁC LINH MỤC VIỆT NAM HẢI NGOẠI
Chúng tôi, các linh mục Việt Nam hải ngoại ký tên dưới đây, bày tỏ mối ưu tư quan trọng đối với hiện tình cấp bách của đời sống tôn giáo nói chung và đời sống của Giáo Hội Công Giáo nói riêng tại Việt Nam.
Là người Việt Nam đồng thời cũng là linh mục Việt Nam, dầu sống và làm việc xa quê hương, chúng tôi vẫn gắn bó với dân tộc và đất nước Việt Nam. Chúng tôi vẫn hằng cầu mong cho dân tộc được tự do thực sự và đất nước thịnh vượng, trong đó mọi người dân Việt Nam được yêu thương và tôn trọng đúng với phẩm giá làm người của mình.
Riêng về đời sống tôn giáo, chúng tôi xác tín rằng tự do tôn giáo thực sự là một nhu cầu căn bản và thiêng liêng của con người và xã hội. Đối với tương lai Việt Nam, tự do tôn giáo không những là một đòi hỏi chính đáng mà còn là một vấn đề nhân quyền cần được giải quyết cấp bách. Đất nước Việt Nam sẽ mất đi cơ hội tạo dựng một tương lai sáng lạn nếu người dân Việt Nam không có tự do tôn giáo thực sự. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng đời sống tôn giáo gắn liền với vận mạng dân tộc, tôn giáo được tự do thì xã hội mới an bình và lành mạnh cũng như bảo đảm cho sự phát triển nhân bản của đất nước.
Nhưng không may cho dân tộc Việt Nam, những gì đang xảy ra hiện nay trên đất nước càng ngày càng chứng tỏ tôn giáo có nguy cơ bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam công cụ hóa biến thành nô lệ để cuối cùng suy tàn kiệt quệ. Phục vụ cho sách lược này là những chính sách kìm kẹp của luật pháp, cơ chế "xin-cho", chính sách đặc quyền đặc lợi, guồng máy hành chánh phi lý, âm mưu "chia để trị", chia rẽ trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, vv… Tất cả đều nhằm mục đích làm cho niềm tin tôn giáo mất hết giá trị thiêng liêng, trở nên vô nghĩa, và sau cùng thành vô ích. Tự do tôn giáo tại Việt Nam đang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xuyên tạc và chà đạp một cách thô bạo và trắng trợn. Tình trạng xã hội hiện nay bất ổn và chỉ là đất tốt cho nạn tham nhũng và cửa quyền ở mọi cấp bậc. Trước những vấn nạn xã hội to lớn này, các tôn giáo ở Việt Nam không có quyền lên tiếng thực sự, nếu có được nói gì thì chỉ để phụ hoạ cho chính sách của nhà cầm quyền.
Đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, chúng tôi biểu đồng tình với đường hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Bức Thư Chung ngày 01/05/1980: "Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc". Cũng vì sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc mà chúng tôi không thể không chia sẻ mối ưu tư chung của dân tộc qua những nhận định được trình bày trên đây.
Trong tinh thần của những nhận định đó, đây là lập trường của chúng tôi, các linh mục Việt Nam hải ngoại ký tên dưới đây, đối với một số vấn đề cấp bách của hiện tình tôn giáo tại Việt Nam:
1. Chúng tôi nhiệt tâm ủng hộ tinh thần dấn thân và những đòi hỏi tự do tôn giáo thực sự của linh mục Thaddeus Nguyễn Văn Lý. Đồng thời chúng tôi cũng ủng hộ những đòi hỏi chính đáng về tự do tôn giáo của các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác. Chúng tôi đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải bảo đảm sự an toàn bản thân và quyền tự do thi hành chức năng của các nhà lãnh đạo tôn giáo.
2. Chúng tôi đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vì tương lai dân tộc và đất nước, chấm dứt việc đàn áp tôn giáo và chấm dứt sách lược thâm độc nhằm công cụ hóa và tiêu diệt các tôn giáo ở Việt Nam.