ÚC ĐẠI LỢI: Một cuộc nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng các đồng bạc cắc và tiền giấy không quá dơ bẩn và dính đầy vi trùng như nhiều người nghĩ. Cuộc nghiên cứu này, được thực hiện trong suốt một năm, đã tìm thấy các loại vi trùng thường thấy, với mức độ rất thấp, trên các đơn vị tiền tệ được trao đổi tại các cửa tiệm bán thức ăn ở khắp nước Úc và Tân Tây Lan.
Tuy nhiên, số lượng vi trùng này không đủ để có thể gây ra chứng tiêu chẩy, ói mửa hoặc các triệu chứng đường ruột khác mà chúng thường bị nghĩ là thủ phạm. Bác sĩ Frank Vriesekoop, một chuyên gia vi trùng học tại trường Đại học Ballarat và là người chỉ huy nhóm nghiên cứu, nói rằng cuộc nghiên này đã chứng minh mối lo ngại về sự vệ sinh trên các đồng tiền lưu hành là điều không có lý do xác đáng.
Nhóm nghiên cứu của ông Vriesekoop đã thu thập hơn 800 đồng tiền cắc và tiền giấy từ các cửa tiệm mà người bán hàng trao thức ăn và nhận tiền mặt. Trên các đồng bạc cắc 20 cent và $1 và các tờ giấy bạc $5 và $10, họ tìm thấy bacillus, loại vi trùng gây ra chứng viêm dạ dầy và ruột, và loại staphyl ococcus thường được tìm thấy trên da. Vi trùng đường ruột E.coli, loại gây ra tiêu chảy, hiện diện trên một số tờ giấy bạc, và vi trùng Salmonella cũng thấy xuất hiện trên một số đồng bạc cắc. Các đồng bạc cắc thì ít bẩn hơn các tờ giấy bạc, có lẽ bởi vì một số vi sinh vật không thể sống trên mặt kim loại. Nhóm nghiên cứu này nói rằng các đơn vị tiền tệ Úc sạch sẽ hơn một chút so với của Tân Tây Lan. Cuộc nghiên cứu này cũng tìm thấy các tấm thẻ tín dụng có cùng mức độ vi trùng như trên các đơn vị tiền tệ. Cuộc nghiên cứu này là một phần của một cuộc nghiên cứu quốc tế được trông đợi chứng minh rằng các tờ bạc bằng loại giấy polymer, được sử dụng trong khu vực này của thế giới, thì ít dính vi trùng hơn rất nhiều các tờ bạc bằng giấy thông thường.