Bìa sách “Đường Tự Do, Saigon”: Tranh Nguyễn Trung
Lần đầu tiên, ‘Đường Tự Do, Saigon’ trường thiên tiểu thuyết của Nhã Ca được ấn hành thành sách. Sau hơn 40 tác phẩm đã xuất bản, đây là bộ sách “nặng ký” nhất của Nhã Ca: 4 cuốn, 2, 560 trang.
Tiểu thuyết ‘Đường Tự Do, Saigon’ đã đăng tải trên Việt Báo liên tục hơn 10 năm, từ 1993 tới 2003. Sau hai năm sửa chữa, thêm bớt, tác phẩm được sắp xếp thành bộ truyện gồm 4 cuốn. mỗi cuốn 640 trang, có cốt truyện riêng, nhân vật riêng, tình tiết riêng. Tất cả hợp lại thành một trường thiên tiểu thuyết viết về những nhân vật và khung cảnh khác thường của Saigon đổi đời sau 1975.
Sách ‘Đường Tự Do Saigon’ cuốn đầu tiên 640 trang, ấn phí 24 mỹ kim, hiện đã phát hành khắp nơi. Xin hỏi tại các hiệu sách địa phương. Bạn đọc ở xa có thể liên lac với Việt Báo đặt sách gửi tận nhà, trả bằng chi phiếu, lệnh phiếu hay thẻ tín dụng, 24 mỹ kim kể cả cước phí. Sau đây, Việt Báo trân trọng giới thiệu mỗi ngày một đọan tiêu biểu trích từ tác phẩm của Nhã Ca.
Đường Tự Do Saigon:
8. Bà Chủ Quán Bạch Ngọc
Tuần trước bà tướng vùng có cho mời con gái lên, chuyện lâu lắm. Bà Ngọc Hoa về, mặt mày buồn xo, kêu mệt, lên lầu nằm, giao quán cho một mình Bảnh. Lúc quét dọn, chị Mùi nói cay đắng:
“Chắc bị bà má chửi cho nên mới héo queo vậy"”
“Sao chị biết.”
“Biết chớ sao không biết. Mấy bữa trước con Ngọc Trinh kể bà ngoại nó có kêu nó hỏi chuyện, nó sợ má nó đánh không dám nói.”
Bảnh đánh lô tô trong bụng. Nhưng đêm mò vô, nựng nịu nâng niu bà chủ, không nghe nói gì. Bảnh dò đường:
“Sao bữa nay không vui" Có gì lo à"”
“Việc của tao, mày đừng hỏi.”
Lại vẫn mày tao, chưa đổi được cách xưng hô. Vậy mà lúc “tác chiến” thì như sắp chết đến nơi, kêu anh, kêu cưng náo loạn...
“Thấy mình không vui, làm sao tôi vui..."”
Một cái tát đánh bốp vào mặt Bảnh:
“Mày đừng quen miệng như vậy nghe chưa. Khổ quá...”
Bà Ngọc Hoa nằm quay lưng. Nó nâng niu hoài bà cũng như cục đá. Chuyện gì mà quan trọng tới cái thân thể đầy mỡ dễ rán của bà lại nguội ngắt" Thằng Bảnh này biết cách làm cho bà chủ quên buồn mà.
Đúng là có công mài sắt có ngày nên kim. Quá nửa đêm đâu lại vào đó như thường lệ. Bảnh vừa ôm ấp vừa hỏi:
“Có chuyện gì thì cũng cho tôi chia xẻ với, đi, nói đi...”
“Bảnh có hứa với tôi một chuyện không"”
“Chuyện gì tui cũng hứa...”
“Nếu ông chủ về thì mọi chuyện như cũ nhé. Bảnh biết mà, tính ông chủ nóng lắm.”
“Thì mày tao lại chớ gì...Mày... cho tao...”
“Ôi, quỷ, Bảnh, Bảnh...Bỏ ra...bỏ ra không"”
“Không bỏ...không...”
Miệng nói không nhưng tay Bảnh lại đẩy bà Ngọc Hoa dang ra. Hắn ngồi dậy thở dài:
“Được, tui nghe lời bà...từ nay...”
Hắn lắc đầu, làm bộ như đang tự chống chỏi dữ dội lắm. Từ từ đứng dậy, đi từng bước ra khỏi phòng bà chủ.
“Bảnh...Bảnh... Ê, mày không được đi.”
Nhưng Bảnh đã ra khỏi phòng. Hắn nằm trên chiếc ghế bố và thầm nghĩ phải cho con mụ này biết tay, nhử miếng mỡ trước miệng con mèo cho tới lúc con mèo nhỏ dãi, cũng chưa vội cho ăn. Hắn lấy gói thuốc lá ra, bắt đầu hút, và chờ.
Quả đúng như Bảnh tiên đoán, cánh cửa phòng vừa mới được đóng rầm, có tiếng chìa khóa kêu cái tách, bây giờ lại thêm một tiếng tách nữa. Bảnh vói tay tắt đèn. Gian phòng tối mò rồi ửng mờ soi nhạt một ánh sáng trăng. Bảnh vẫn yên lặng hút thuốc. Tiếng chân bà chủ Ngọc Hoa dường như ngập ngừng, mất hút một lúc, rồi lại mạnh dạn trở lại. Vẫn phong phanh trong chiếc áo ngủ hàng ngoại mỏng te, bà đi đến đứng bên Bảnh:
“Bảnh à...”
Cứ Bảnh à, Bảnh ơi cả chục tiếng mà không nghe tiếng trả lời, chỉ thấy điếu thuốc lập lòa ngắn dần đi. Ánh trăng dọi lên Bảnh một đường xéo giữa áo mai dô và quần xà lỏn. Bà ngồi xuống. Gớm chưa, thằng ông nội đâu có thèm nhích vô. Ké né một bên, bà Ngọc Hoa luồn tay vào bộ ngực rắn chắc của Bảnh.
“Sao tự nhiên giận mình, cưng...”
Bảnh thở dài, giọng chán nản:
“Tui thằng ở mà dám giận ai. Chỉ tự trách mình trèo cao. Trèo cao ngã đau mà.”
Rồi hắn đưa tay xô nhẹ bà chủ:
“Bà đừng thương hại tui nữa. Tui biết bà chỉ cần một chuyện... mai mốt ông chủ về thì tiếp tục chuyện đó... Thôi, từ nay ai trở lại ví trí người đó. Mời bà đi ngủ.”
“Bảnh bắt phải xin lỗi phải không" Ừ thì thôi, vô đây nói chuyện lại.”
“Không, bà đi ngủ đi. Tui cũng buồn ngủ lắm.”
“Tao không ngủ được. Tao biểu mày vô, mày có vô không"”
Thình lình bà Ngọc Hoa thay đổi cách xưng hô. Con mẹ tính đồng bóng này, làm quá chắc không được rồi. Bảnh biết, nhưng hắn sẽ tùy cơ ứng biến. Hắn giả vờ quạu:
“Không. Bà tha cho thằng ở đi mà”
“Tao biểu vô.”
“Không.”
“Mày ngon phải không" Tử tế không muốn. Tiên sư mày, không muốn mà thế à" Cái gì đây, tao bẻ gẫy chết con mẹ mày bây giờ...”
Chỉ cần găng thêm một tí. Bảnh biết lúc nào thì chín muồi. Hắn lăn vào trong:
“Xin bà để tôi yên, tôi không...”
“Không thì tao nằm đây...”
Bà Ngọc Hoa nằm chồm lên Bảnh. Bảnh quyết liệt đẩy ra. Miếng mồi đã nhử được con cọp nổi hung lên rồi. Càng xô đẩy bà Ngọc Hoa càng chồm tới. Chiếc áo mai dô của Bảnh bị bà chủ xé rách tanh banh, móng tay bà cào sước cổ sước ngực Bảnh. Bảnh đưa tay lên, ghì đầu bà ta xuống và tát bốp bốp mấy cái liên tiếp vào mặt bà chủ...
Bà Ngọc Hoa cắn vào vai Bảnh để nén tiếng gầm lên. Đánh ông thì ông đánh lại, cắn ông thì ông cắn lại. Thì ra con mụ này chỉ thích đau, thích dữ dằn. Thấy không, đã thở hồng hộc như heo cắt tiết. Bảnh ngồi đè lên người bà:
“Còn dữ nữa thôi, này dữ, này dữ...”
Lúc đó bà Ngọc Hoa mới thật sự chịu thua.
“Bảnh ơi...tao thích mày. Tao thích mày...
Ánh trăng xẻ một đường dài trên gối. Bà chủ và Bảnh đã lăn xuống sàn gạch bông.
“Hèn chi” Bảnh nhớ ra. Hồi còn ông chủ, đêm nào trên gác cũng có cãi vã, đánh nhau, rồi sau đó....
“Bà chủ...”
“Gì cưng...”
“Mai mốt ông chủ về, ông bắn tui chết là chắc...”
“Không đâu. Để rồi tính, cưng... Mình còn tiệm cà phê, mình không bỏ cưng đâu...”
“Thề đi.”
“Thề mà...ui cha, thề mà... có ông mặt trăng kia...ông trăng...làm chứng...ui cha...”
Vệt trăng rời mặt gối, chém một lằn trên mặt bà chủ.
. . .
Kỳ tới, trích đoạn 9: Ca nhạc, nhậu nhẹt
NHÃ CA
(Trích Đường Tự Do Saigon)
____________________
Đường Tự Do Saigon *
Tiểu thuyết Nhã Ca, 640 trang
Đặt sách gửi tận nhà, trả bằng lệnh phiếu hay thẻ tín dụng:
24 mỹ kim kể cả cước phí
Liên lạc phát hành: Việt Báo
14841 Moran St.
Westminster, CA 92683
(714) 894-2500