Trở về với các vùng trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải, chúng ta được nghe cách lý giải của dân chúng ở đây về thành ngữ "già kén kẹn hom" hết sức lý thú. Tuy vậy, ở ngay cả trong các làng nghề này thì cách lý giải của họ cũng không đồng nhất. Có ít nhất là hai cách hiểu sau đây:
1.Khi tằm chín nhả tơ làm thành kén, con tằm hóa thành nhộng nằm gọn trong kén tơ đó. Nếu để kén lâu ngày thì nhộng hóa thành con ngài (con bướm) cắn thủng kén bay ra, đẻ trứng. Loại kén "già" này khi kéo tơ thì tơ chẳng róc ra được (tơ bị kẹn). Già kén kẹn hom là như vậy. Song, ở cách hiểu này, người ta chẳng giải thích được từ hom là gì. Hom vẫn là một ẩn số.
2. Vẫn là người thợ thủ công nghề tơ tằm cho biết, trong nghề tằm tơ có một công đoạn là dùng né cho tằm làm kén. Người ta đan những thanh tre, nứa thành phên có chân đứng tựa như tấm liếp nhưng đan thưa tạo ra những ô trống hình vuông để cài rơm vào cho tằm làm kén. Đó là cái né. Làm nghề tằm tơ "sẵn nong sẵn né là thế"! còn những thanh tre, thanh nứa dùng để đan né được gọi là hom như nghĩa của hom trong hom gianh, hom sắn, hom dâu… Tằm chín được thả trên né để tùy ý chọn nơi nhả tơ kết kén. Nếu kén trên né mà to, mật độ lại dày (già kén) thì sẽ kẹt vào hom, khó gỡ (kẹn hom). Già kén kẹn hom vốn nghĩa là như vậy. Từ kẹn trong thành ngữ này có thể là dạng thức cổ của kẹt hay nghẹt chăng". Vì trong tiếng Việt thấy có sự tương ứng về âm (âm đầu k -ng và âm cuối t-n) và nghĩa giữa kẹn với nghẹt, kẹt với nghẹt, nghẹn…
Cách lý giải nguồn gốc và nghĩa của thành ngữ "già kén kẹn hom " như vậy là thỏa đáng, có sức thuyết phục hơn cả vì nó phù hợp với quy tắc tương hợp ngữ nghĩa và đối ứng trong cấu trúc của thành ngữ. Đó là sự tương hợp và đối ứng giữa già (tính từ) với kẹn ( tính từ), kén (danh từ) với hom (danh từ).
Như vậy từ câu chuyện con tằm kén tơ mà người VN đã liên hệ đến chuyện con người với con đường tình duyên của họ. Đối với nghề nuôi tằm để cho kén to bị kẹt chặt với hom thì làm sao tháo gỡ được" Cũng vậy, mọât ai đó cố tình kén chọn, kỹ tính quá để "quá lứa" lâm vào tình trạng kẹt giữa các thang giá trị kén lựa "cao chẳng đến, thấp chẳng tới" thì cũng khốn và không thể nào tháo gỡ ra khỏi cảnh lỡ làng, ế ẩm.
(theo trang web "Ca Dao")