SAN JOSE (VB) -- Một cuốn phim Việt Nam thuộc loại “nói thật, nói thẳng” về các mặt trái xã hội đang dự các đại hội phim tại Hoa Kỳ, và sẽ chiếu tại một số rạp ở nơi đông người Việt.
Phim “Vua Bãi Rác” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn sẽ được chiếu tại San Jose dưới nhan đề “Foul King” và phụ đề tiếng Anh tại rạp Camera 3 ở downtown San Jose vào chủ nhật 23-2-2003.
Theo chương trình, phim này cũng sẽ chiếu trong đaị hội điện ảnh Newport Beach, Quận Cam, trong năm nay, cũng như sẽ chiếu ở Toronto (Canada).
Nhật báo Los Angeles Times trong số báo chủ nhật 2-2-2003 khi viết về Đại Hội Điện Ảnh Palm Springs (ngày 18-1-2003) ở Nam California có đoạn nhận xét, “Nhiều người nói rằng mối giao tình nồng nhiệt nhất của đại hội phim [Palm Springs] không phải giành cho phim Hollywood, mà giành cho phim của Hà Nội, Haifa, Bombay.”
Vì sao giới phê bình gia lại chú ý về một phim Việt Nam, về chuyện của một bãi rác, về một vua làng anh chị và những người nghèo tới cùng cực ở một nước VN định hướng XHCN, về các cô gaí yếu đuối và các trẻ em đói khổ" Xã hội nào đã đưa đẩy ra cảnh này" Và Vua Bãi Rác có ý ám chỉ tới lãnh tụ nào của Hà Nội" Không có câu trả lời nào được đưa ra, vì tất cả chỉ toàn là câu hỏi.
Dưới đây là bài Việt dịch của nhà phê bình điện ảnh Hoàng Ân, dịch từ bài viết của Robert Koehler trên báo VARIETY.COM.
VUA BÃI RÁC
Robert Koehler
Bộ phim hấp dẫn “Vua Bãi Rác” (Foul King) đánh dấu một bước tiến lớn của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người đã thể hiện một cách có nghề nghiệp và có hiểu biết sâu sắc những nhân vật khốn cùng từng là tiêu biểu trong phim của Kenji Mizoguchi . Mặc dù vậy, tại Liên hoan phim Palm Springs , nơi các phim nước ngoài có cơ hội lớn tham dự vào giải Oscar, “Vua Bãi Rác“ chỉ được chiếu giới thiệu một cách chớp nhoáng mà không tham dự vào giải này chỉ vì một lý do thật đáng buồn là nước chủ nhà của phim đã không làm thủ tục cho bộ phim này tham gia cuộc đua tài năm nay. Hành trình tìm lại nhân tính của một đại ca bãi rác trong phim đủ để xây dựng một cuốn tiểu thuyết hay hoặc một bộ phim kinh điển kiểu Nhật Bản thời hậu chiến. Liên hoan phim đã biểu lộ thái độ khá rầm rĩ với tấn bi kịch của bộ phim , nhưng vì thiếu những yếu tố thương mại và áp đặt nên trong tương lai những bước chân cổ điển của “Vua Bãi Rác” sẽ phải đi qua những con đường nhỏ hẹp để đến với những khán giả quan tâm tới điện ảnh Á Đông và đặc biệt là các khán giả trong cộng đồng người Việt Nam .
Tên phim khi được dịch sang tiếng Anh là “Foul King” đã trở nên dễ hiểu hơn, hay hơn vì làm bật những yếu tố độc đáo của bộ phim so với các khuynh hướng tời thượng của điện ảnh Á Đông bên cạnh các phim siêu thời trang (Vương Gia Vệ), hành động võ thuật (Jonny Tố), siêu thẩm mỹ (Thái Minh Lượng) và các thể loại phim đặc thể cực đoan của Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nhà quan sát điện ảnh Á châu cần quan tâm đặc biệt tới đạo diễn họ Đỗ, một nhà thơ và nghệ sĩ đa tài đã giành được sự chú ý lớn của xã hội, để thấy ông đã tạo lập con đường riêng của mình qua cách lập tứ để kể một câu chuyện phim hấp dẫn, tài hoa, trình bày sự phát triển của các cá tính và các quan hệ trong những chi tiết đẹp.