* Đại đội trưởng Tạo “đen” và trận đánh trên đường Quang Trung:
Từ Hải Lăng, trung tá Nguyễn Văn Đỉnh-tiểu đoàn trưởng, đã chỉ định đại đội 61 đi đầu mở đường tiến dọc theo Quốc lộ 1. Đến gần thị xã, đại đội 61 men theo tuyến đóng quân của đại đội 114 tiểu đoàn 11 để đến ngã tư Quang Trung-Duy Tân bắt tay với đại đội Trinh sát 2 của Út Bạch Lan để nhận bàn giao khu vực trách nhiệm. Mục tiêu trọng điểm là các cụm chốt của CQ ở đường Quang Trung. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Đỉnh đã họp các đại đội trưởng để chọn đại đội tình nguyện đi “dọn sạch” con đường này. Trung úy Tạo, đại đội trưởng đại đội 61 nói:
- Tôi tình nguyện, trung tá cho tôi đi, khỏi bắt thăm.
Biết rõ khả năng và tính tình của đại đội trưởng Tạo, tiểu đoàn trưởng đồng ý. Xuất thân khóa 9 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, anh Tạo về binh chủng Nhảy Dù từ đầu năm 1961. Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù là đơn vị đầu tiên của anh. Theo nhà văn Phan Nhật Nam, cựu đại úy Nhảy Dù, năm 1964 đại đội trưởng Tạo (còn gọi là Tạo đen) đã mang cấp trung úy, anh đã từng là vô địch quyền anh hạng lông trong những năm 1957, 1958. Sau đó, anh Tạo đã ra bị ra khỏi binh chủng vì cái máu Nhảy Dù của những năm đầu thập niên 60 là “kỷ luật thép”. Ra khỏi binh chủng, Tạo đen tuyệt tích giang hồ. Năm 1972, anh trở lại binh chủng với cấp bậc của 8 năm về trước.
Truy úy Tạo về với tiểu đoàn 6 Nhảy Dù như trở lại mái nhà xưa. Tại An Lộc, anh đã “rửa mặt” một lần khi xung phong bằng lựu đạn. Và tại Quảng Trị, anh là đại đội trưởng đại đội 61. Anh muốn “rửa sạch những ngày tháng quân lao, phục hồi lại Tạo đen của mười 10 năm trước, nhưng đã anh không kịp thực hiện sự mong ước trong tầm tay của anh: Dẫn đại đội 61 tràn lên, tiến chiếm từng mét đường, và ở cuối góc đường Phan Đình Phùng, đại đội trưởng Tạo cùng hai trung đội trưởng là Mạnh và Trị xung kích tử trận ngay ở tuyến đầu, các anh chết cùng với những khinh binh trong đợt xung phong quyết tử. Đại đội trưởng Tạo và đồng đội ngã xuống trên đường Quang Trung ngổn ngang gạch ngói, giữa thành phố ngập chìm trong mưa đạn.
* Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù và trận tấn công vào Cổ Thành:
Tại mặt trận Quảng Trị, ngày 8 tháng 7/1972, ngay khi vừa đến La Vang Thượng, tiểu đoàn 5 Dù đã bị Cộng quân pháo kích, hơn 10 chiến binh bị thương. Tiến quân vào khu vực trung tâm thị xã, tiểu đoàn 5 Nhảy Dù được giao nhiệm vụ phải “dọn sạch” Cổ Thành. Đây là mục tiêu chính của cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị.
Như đã trình bày, Cổ Thành Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long, ban đầu thành xây bằng đất, đến năm 1838, dưới triều vua Minh Mạng, thành được phá đi và xây lại rất kiên cố theo hình vuông, mỗi bề dài 500 mét, hai lớp gạch nung ép một khối đất cao 5 mét, dày 5 mét, chung quanh lại có hào sao rộng 10 mét. Trước tháng 5/1972, Cổ Thành là doanh trại của bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Trị (mang tên là trại Đinh Công Tráng), từ tháng 4/1972, khi cuộc chiến Mùa Hè bùng nổ, bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh đã từ căn cứ Ái Tử (cách Quảng Trị khoảng 5 km về hướng Tây Bắc) dời về đặt bản doanh chung với tiểu khu. Trong thời gian hoạt động tại đây, bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 BB đã cho tu sửa và xây dựng thêm nhiều công sự phòng thủ kiên cố. Đầu tháng 5/1972, sau khi Quảng Trị thất thủ, Cộng quân đã điều động trung đoàn Triệu Hải tiến chiếm Cổ Thành và tổ chức các cụm điểm kháng cự quanh bờ thành của doanh trại này.
Nhận trách nhiệm tái chiếm Cổ Thành, tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã tung nhiều đợt tấn công nhưng đã gặp sự chống trả quyết liệt của Cộng quân. Trong hơn một tuần lễ, mặc dù được sự yểm trợ về phi pháo của Không quân, nhưng cứ mỗi đợt tấn công vào là bị dội ra, tiểu đoàn bị cắt làm ba, các đại đội phải chiến đấu độc lập. Binh sĩ tiểu đoàn vừa đánh vừa lo đào hầm chống pháo kích.
Sau nhiều ngày quần thảo vẫn chưa dứt điểm, tiểu đoàn 5 Nhảy Dù được lệnh phải “dọn sạch” trước ngày 26/7/1972. Sáng ngày 24/7/1972, trung tá Nguyễn Chí Hiếu họp với ban chỉ huy tiểu đoàn để bàn thảo kế hoạch tấn công. Sau khi nghe ý kiến một số sĩ quan, tiểu đoàn trưởng Hiếu đã quyết định thực hiện kế hoạch tái chiếm Cổ Thành theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 là tung một toán thám sát xâm nhập vào bờ thành, toán này sẽ cắm lá cờ và nằm lại ở đó với nhiệm vụ là toán đầu cầu cho cả tiểu đoàn tấn công. Giai đoạn này bắt đầu vào tối ngày 24 tháng 7/1972 và hoàn tất trước bình minh của ngày 25 tháng 7/1972. Giai đoạn 2 bắt đầu vào rạng sáng ngày 25 tháng 7/1972, tiểu đoàn sẽ đồng loạt tấn công và trong vòng 2 ngày, phải đánh chiếm lại ít nhất là 1/2 chu vi bờ thành.
Để thực hiện kế hoạch này, trung tá Hiếu đã quyết định thành lập một toán thám sát cảm tử bằng hình thức tuyển chọn các quân nhân tình nguyện. Có rất nhiều người xung phong xin nhập vào toán quân này nhưng chỉ có 8 người được chọn. Trưởng toán là binh 1 Trần Tâm, còn chiến binh được giao trách nhiệm cắm cờ là binh 1 Hồ Khang.
Sa bàn để thâm nhập vào Cổ Thành được thực hiện dựa trên bản đồ do một sĩ quan tiền sát viên của tiểu đoàn 5 Nhảy Dù vẽ. Viên sĩ quan này đã nói với trung tá Hiếu:
- Tôi sinh trưởng và lớn lên ở Cổ Thành. Tôi biết rõ từng ngõ ngách bên trong Cổ Thành. Tôi đề nghị trung tá lập một sa bàn của ngôi thành, sa bàn làm bằng đất, và tôi sẽ vẽ đầy đủ chi tiết.
Chiều 24/7/1972, trung tá Nguyễn Chí Hiếu họp toán cảm tử, dù biết rằng quyền hạn của một tiểu đoàn trưởng ông chỉ có quyền đề nghị thăng cấp mà thôi, nhưng trước chuyến đi rất ít hy vọng trở về của 8 cảm tử quân, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã quyết định thăng cấp trước cho 8 quân nhân mỗi người lên hai cấp. Các binh nhất được thăng lên hạ sĩ nhất. Các binh nhì được thăng hạ sĩ. Tối ngày 24 tháng 7/1972, toán cảm tử quân lên đường để đột kích vào Cổ Thành. Trận đánh quyết định chờ đợi những người lính Nhảy Dù anh hùng này.
Kỳ sau: Đại đội 51/Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù và 8 Kinh Kha của cuộc chiến Mùa Hè 1972.