Giải vô địch túc cầu các đội hạng 1 Việt Nam đã kết thúc tuần qua, theo nội quy giải, 3 đội xếp hạng thấp nhất trong 13 đội dự giải bị xuống hạng, các đội xếp từ thứ 10 trở lên được chuyển lên hạng các đội bán chuyên nghiệp. Theo ghi nhận của các báo Sài Gòn, kết quả chung cuộc đã không biểu thị đúng trình độ thi đấu của một số đội vì có nhiều trận đấu, một số đội thi đấu trên sân nhà đã được các trọng tài mà giới thể thao tôn vinh là “vua sân cỏ” tiếp trợ bằng nhiều cách.
Trình bày về sự thiên vị các vua sân cỏ, nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi lại như sau: Đều khắp 12 sân cỏ tổ chức giải bóng đá hạng nhất, không ít thì nhiều khán giả đã chứng kiến những tiếng còi khó hiểu của các trọng tài. Các nhà dìu dắt đội bóng đã thống kê: Kinh khủng nhất là hai sân Chùa Cuối ở Nam Định và sân Lạch Tray của Hải Phòng. Từ sự tố giác của nhà dìu dắt đội Công an Sài Gòn về những lời phát biểu của giám đốc sở Thể dục Thể thao Nam Định sau khi không được đồng ý chia điểm, theo đó ông giám đốc này nói: sẽ chơi cứng rắn, nếu cầu thủ nào của Nam Định thành thương binh thì sẵn sàng nuôi hết đời, mặc dù chưa được xác định nhưng rõ ràng có những bằng chứng đáng tin. Thông tín viên báo Tuổi Trẻ có mặt tại trận đấu đó đã cho biết các cầu thủ chủ nhà vào bóng rợn người khi cứ nhắm ngang ống quyển của đối phương. Nhưng các cú bóng phi thể thao đó đều được trọng tài làm ngơ. Kết quả, Công an thua 0-3.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, sau một trận thắng khác của Nam Định trước Cảng Sài Gòn trên sân Chùa Cuối với tỉ số 3-2, cũng có những dư luận ầm ĩ về trọng tài Vũ Trọng Chiến khi tưởng tượng ra một quả phạt 11 mét cho đội chủ nhà. Trưởng đoàn bóng đá Cảng Sài Gòn, bà Nguyễn Xuân Thái nói: Trước trận đấu, chúng tôi đã làm công tác tư tưởng cho cầu thủ chuẩn bị một trận đấu khó khăn từ trọng tài. Nhưng quả tình là không ngờ ông Chiến lại ép thô bạo đến mức như vậy. Ngoài đỉnh điểm là quả phạt đền giúp Nam Định thắng 3-2, còn hàng loạt các pha bóng phi thể thao của cầu thủ chủ nhà nhằm làm cầu thủ chúng tôi chùn chân đều được trọng tài dễ dãi bỏ qua. Theo tôi, trọng tài yếu về chuyên môn còn có thể thông cảm chứ thiếu lương tâm thì hết thuốc chữa trị.
Giám đốc sở Thể dục Thể thao Long An tâm sự với phóng viên: Chúng tôi chấp nhận xuống hạng, nhưng có một số việc phải nói thẳng đó là chuyện trọng tài. Như trong trận thua Nam Định trên sân Chùa Cối, cáng thương liên tục vào sân để cáng cầu thủ Long An. Thậm chí thô bạo đến độ cầu thủ Nam Định ném bóng vào thẳng mặt cầu thủ Long An ngay trước mặt trọng tài nhưng ông này vẫn nhắm mắt làm ngơ. Huấn luyện viên của đội vô địch Sông Lam Nghệ An cũng cho rằng đội này bị trọng tài ép ít nhất ba trận, trận hòa Công an Sài Gòn 1-1 trên sân Vinh mà sau đó trọng tài Tuấn Hùng bị kỷ luật, trận thua Công an Hải phòng 1-2 và sau đó trọng tài Trương Hòa cũng bị treo còi, và cuối cùng với trận Nam Định là trọng tài Dương Văn Hiền.
Bạn,
Đó là một số trong rất nhiều trận đấu đã kết thúc từ tai tiếng của trọng tài. Tuy nhiên phóng viên Tuổi Trẻ chỉ thống kê ngần ấy trên sân Chùa Cuối ở Nam Định. Thế nhưng, trong các biên bản báo cáo, các quan chức trong ban tổ chức được cử làm giám sát lại thường ghi là tổ trọng tài hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ có vài trường hợp bị khiếu nại gắt thì Liên đoàn mới ra quyết định treo còi vài trọng tài. Từ lâu, tệ nạn các giám sát viên trận đấu và trọng tài nhận tiền bồi dưỡng cao nên khó có những nhận xét nào khác ngoài những lời nhận xét chung chung vô thưởng vô phạt về trọng tài.