Trước hết, dị ứng mũi nhẹ có thể chữa bằng cách rửa mũi:
Rửa lỗ mũi bằng nước muối sẽ giúp đảy chất nhờn từ mũi ra ngoài. Nếu chỉ bị dị ứng mũi nhẹ, có thể dùng nước muối mua tự do ngoài quầy tiệm thuốc tây để rửa mũi cho an toàn. Có nhiều cách, nhưng bác sĩ gia đình hay dược sĩ có thể chỉ dẫn rửa mũi để trị bệnh dị ứng. Nên rửa mũi bằng nước biển nhiều lần mỗi ngày.
Dùng thuốc điều trị dị ứng mũi: Ngoài cách rửa lỗ mũi, cũng có thể mua vài thứ thuốc chữa dị ứng mũi bày bán tự do trong tiệm thuốc tây. Thí dụ thuốc tản máu (decongestants) giúp đỡ nghẹt mũi và ngứa mắt. Thuốc chống histamines (antihistamines) giảm hắt xì và ngứa ngáy, phòng ngừa nghẹt mũi trước khi bị bệnh dị ứng tấn công. Đối với con nít, bác sĩ không dùng thuốc chữa dị ứng loại mạnh. Vả lại dị ứng thay đổi theo mùa, thường chỉ kéo dài vài tuần. Nếu trẻ bị dị ứng lại còn bị thêm bệnh suyễn thì phải điều trị giảm triệu chứng suyễn. Điều trị dị ứng đàng hoàng sẽ vừa chữa được dị ứng mũi, vừa giảm được triệu chứng suyễn. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải lưu ý nếu trẻ bị suyễn nặng hay nhẹ, căn cứ theo hơi thở khò khè, khịt mũi và ngáy. Cần gặp bác sĩ. Những thuốc chứa chất corticosteroid và cromolyn rất hiệu nghiệm giảm viêm và chữa dị ứng mũi.
Thuốc chống histamines (Antihistamines): Khi chất kháng nguyên dị ứng (thí dụ như bụi phấn hoa chẳng hạn) từ ngoài vào cơ thể sẽ sinh kháng thể và vì đó chất histamine sinh ra trong cơ thể gây bệnh dị ứng mũi. Uống thuốc chống histamine sẽ giảm bệnh hắt xì, ngứa mũi và chảy nước mũi. ĐÔi khi thuốc còn giúp chữa nổi mề đay, ngứa da. Nhưng nếu bị nhiễm trùng lỗ mũi hay nhiễm trùng viêm xoang mũi thì không dùng được thuốc antihistamines. Trái lại phải dùng trụ sinh.
Có rất nhiều thuốc chống histamines thuộc thế hệ thứ nhất bán ngoài quầy. Nhưng phần lớn thuốc làm bệnh nhân buồn ngủ, suy nghĩ không thông suốt. Vậy phải cẩn thận không uống thuốc khi lái xe hay làm việc trong những môi trường nhiều máy móc, vì dễ gây tai nạn. Bệnh nhân có thể uống thuốc trước khi đi ngủ. Bệnh nhân tránh uống thuốc chữa dị ứng chung với rượu hay những thuốc an thần, vì sẽ làm buồn ngủ thêm. Những công phạt khác của thuốc chống dị ứng như làm bệnh nhân khô miệng, chóng mặt. Đôi khi gây kích thích cơ thể, khó ngủ, làm áp xuất máu tăng cao, đêm ngủ mộng mị, cổ họng khô, tim đập rộn ràng, và lồng ngực cứng ngắc. Đàn ông bị bệnh tuyến nhiếp hộ tuyến sưng lớn sẽ khó tiểu tiện khi uống thuốc trị dị ứng mũi antihistamines.
Thuốc chống histamines thuộc thế hệ thứ hai như Allergra, Claritine, Zyrtec, và Astelin, nhưng cần toa bác sĩ. Đặc tính của những thuốc kể trên là ít làm buồn ngủ. Nhưng cũng có công phạt chưa được nghiên cứu đầy đủ như không rõ thuốc có ảnh hưởng tới bào thai hay không"
Tin mới nhất cho biết thuốc Claritine sắp được bán tự do ngoài quầy, như vậy chắc sẽ rẻ hơn.
Thuốc tản máu trong mũi: Thuốc giảm bớt nghẹt mũi, rất cần trong việc điều trị viêm xoang. Thuốc làm mach máu mũi thu nhỏ, đỡ nghẹt mũi, giảm nguy cơ viêm xoang do siêu vi trùng hay vi trùng gây ra. Có rất nhiều loại thuốc uống hay bơm thẳng vào mũi bầy bán ngoài quầy, nhưng nên hỏi ý kiến Dược sĩ trước khi dùng. Bởi vì có thứ thuốc ảnh hưởng làm cao áp xuất máu, hoặc giảm lượng máu trong màng nhày ngăn trở viêm xoang má lâu lành.
Thuốc tản máu (Decongestants) chứa chất pseudoephedrine hay phenylpropanolamine có thể làm tăng áp xuất máu. Không nên dùng thuốc decongestants lâu quá 2-3 ngày, vì thuốc có thể hết hiệu nghiệm. Nếu ngưng thuốc vài ngày, triệu chứng viêm xoang hay nghẹt mũi có thể phát hiện trở lại. Trường hợp này cần thay thế bằng thuốc loại steroid, vì sẽ hiệu nghiệm hơn.
Không nên dùng thuốc tản máu (decongestants) cho trẻ em vì có thể bị công phạt như ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, thay đổi áp xuất máu. Thuốc cũng làm trẻ lờ đờ, buồn ngủ. Đôi khi trong trường hợp hiếm thấy, gây bất tỉnh. Thuốc tản máu (decongestants) chứa pseudoephedrine có thể gây tai biến mach máu não, nhưng khá hiếm. Những người bị chứng bệnh nhức nửa đầu (migraine) cũng không nên dùng thuốc chứa chất pseudoephedrine.
Còn nhiều thuốc khác điều trị dị ứng mũi như thuốc bơm Steroids, Cromolyn, Leukotriene-Antagonists, rất công hiệu. Thuốc Cromolyn có thể dùng cho phụ nữ có bầu bị dị ứng mũi. Thuốc cũng có vài công phạt như nghẹt mũi, ho, hắt xì, thở khò khè, ói, chảy máu mũi và khô cổ. Thuốc Leukotrien vừa chữa bệnh dị ứng, vừa trị được suyễn.
Vài phương pháp khác điều trị dị ứng mũi phức tạp hơn như chích thuốc (Immunotherapy).
Còn giải phẫu mũi không phải là cách trực tiếp điều trị dị ứng mũi. Giải phẫu giúp tỉa nhỏ thịt dư trong mũi cho đỡ nghẹt mũi. Đôi khi sửa chữa ngăn mũi bị quẹo cho thông hơi thở.
(Bài này viết với mục đích nâng cao kiến thức, không dùng để tự trị liệu. Nếu bạn có thắc mắc về tình trạng sức khỏe hay thuốc men, xin hỏi bác sĩ gia đình)
Bác sĩ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.; E-mail: nmtran@hotmail.com; Điện thoại: (714) 547-3915.