Cựu Quân Nhân Biệt Động Quân, NGÔ MINH HỒNG
Với tất cả tấm lòng của một cựu quân nhân Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã đi xem vở kịch CỌP RẰN CHƯƠNG THIỆN vinh danh Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, trình diễn bởi đoàn kịch Trần Hùng chiều chủ nhật, 27 tháng 04, 2003 vừa qua tại rạp hát La Mirada.
Gần 1000 người đã hiện diện xem vở kịch CỌP RẰN CHƯƠNG THIỆN mặc dù đó là ngày đồng bào chúng ta tại Hải Ngoại làm lễ Khánh Thành Tượng Đài Việt Mỹ tại thành phố Westminster. Vở kịch vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, một anh hùng vị quốc vong thân nói riêng. Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân, trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang, nguyên Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân - Cọp Ba Đầu Rằn, nguyên Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Chương Thiện, vùng Bốn chiến thuật. Tên tuổi, chiến công, và đạo đức của một vị chỉ huy anh hùng là một trong những lý do khiến đông đảo khán giả hâm mộ đến xem vở kịch.
Việt Dzũng đã mở đầu chương trình, giới thiệu vở kịch CỌP RẰN CHƯƠNG THIỆN và đoàn kịch trẻ "Trần Hùng Entertainment," cũng như lý tưởng, hoài bão, và tất cả sự khó khăn mà Trần Hùng đã trải qua. Đây là tác phẩm thứ tư của đoàn kịch Trần Hùng, và cũng là vở kịch quân đội thứ ba của anh, sau tác phẩm LỜI NGUYỀN CỦA MẸ và QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG.
Phần mở màn của vở kịch đã chiếm trọn cảm tình của khán giả, nhất là đối với những người trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa như tôi. Khán giả đã được chiêm ngưỡng những hình ảnh sơ khai oai hùng của tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân - Cọp Ba Đầu Rằn, trong những năm mới thành lập, một tiểu đoàn đã nhiều phen làm kinh hoàng cộng quân. Tiếp theo, Trần Hùng trong vai Hồ Ngọc Cẩn và Đài Trang trong vai phu nhân đã lấy nước nước mắt của hầu hết khán giả trong cảnh vợ chồng cha con phải chia tay. Vở kịch được siết chặt ngay từ những giây phút đầu khi Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn được về phép, dự định đưa gia đình đi hưởng thụ những giây phút đoàn tụ. Lúc bấy giờ, cộng quân đang vây hãm chiến trường miền Đông tại Bình Long - An Lộc, lệnh điều quân khẩn cấp từ Bộ Tổng Tham Mưu, Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn phải từ giả vợ con, khẩn cấp tiến quân dọc theo quốc lộ 13 lên Tân Khai để giải vây cho An Lộc. Vợ xa chồng, cha xa con đã lâu, nay vừa gặp mặt chuẩn bị hưởng thụ giây phút đoàn tụ gia đình, vị Trung Đoàn Trưởng Trung đoàn 15 đã đặt Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm lên trên hết, gạt nước mắt từ giã vợ con để thi hành lệnh hành quân lập tức. Và.. mâu thuẩn gia đình đã bùng nổ. Đây cũng là bi kịch của rất nhiều gia đình sĩ quan cộng hòa khác trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.
Xuyên suốt vở kịch, khán giả luôn cảm nhận được chính nghĩa của Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam. Là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn luôn nhắc nhở binh línhï về quân phong quân kỹ và tôn chỉ của Việt Nam Cộng Hòa. Đối với Việt Cộng, Đại Tá Cẩn luôn cương quyết nhưng luôn nêu cao chính nghĩa bao dung và chiêu hồi. Chính nghĩa cộng hòa và sự oai nghi của Đại Tá Cẩn đã khuất phục những cán binh chính quy của Cộng sản. Mỹ Huyền thành công trong vai Tư Khiết, một cán bộ phó chủ tịch Tỉnh, một công cụ được việt cộng nhào nắn và lý tưởng hóa. Mỹ Huyền đã làm xúc động khán giả trong hình tượng khăn choàng cổ vàng ba sọc đỏ quấn ngang lồng ngực; trước khi chết tha thiết xin đồng bào tha lỗi vì đã chọn lầm lý tưởng Cộng sản. Tâm tư, lý tưởng, và sự biến chuyển tư duy của một con người, đã được tác giả hình dựng rất nhân bản. Kết thúc oai hùng của đại tá Cẩn ngoài pháp trường đối nghịch với sự tàn ác, gian manh của việt cộng đã làm cho tất cả khán giả nghẹn ngào, đau nhói. Bản thân tôi, một chiến sĩ Biệt Động Quân từng xông pha ngoài chiến trường, cũng không kềm được những dòng lệ uất ức. Tôi đau xót cho Tổ quốc Việt Nam, đau thương cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và đau lòng cho cả dân tộc.
Lê phú Nhuận
(832)788-1516