Bạn,
Theo báo Giáo Dục-Thời Đại, hiện nay tại VN có những thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã bị khủng hoảng lối sống. Họ không có mục đích sống, không muốn học hay làm việc, chỉ muốn chơi... Báo này nói về hiện trạng đó tại Hà Nội qua đoạn ghi chép như sau.
Thấy con trai sáng sáng vẫn xách cặp đi học, bữa cơm tối nào cũng có mặt đầy đủ, bố mẹ H. rất yên tâm. Là viên chức nhà nước nhưng ngoài giờ, họ còn chạy "chân ngoài" nên không có nhiều thời gian để quan tâm đến việc học của con. Thế nhưng nếu họ biết được một ngày của cậu quí tử trôi qua như thế nào, chắc chắn họ sẽ "choáng". H. học lớp 12 trường T.N.T nhưng thay vì mải miết đến các lớp luyện thi như hầu hết các bạn đồng trang lứa thì H. lại "ngồi thiền" ở quán cà phê Đinh Tiên Hoàng. Hỏi sao ngày nào cũng lên không thấy chán, H. bảo lên nghe nhạc, giao lưu và nhìn dòng người tất tả ngược xuôi quanh hồ Gươm, H. thấy mọi người sao mà... khổ thế. H. còn cho biết thêm: Sức học của cậu chắc chắn không đỗ được ĐH, thế thì cố làm gì cho mệt. Thà lấy tiền đóng học đi thư giãn cho "bớt căng thẳng" còn hơn.
L. tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Khoahọc Xã hội- Nhân văn đã hơn 2 năm. Một thời gian, L. phục vụ ở quán trà Dilmah nhưng sau đó xin nghỉ với lý do "Chẳng lẽ một cử nhân mà lại phải làm công việc phục vụ". Từ đó, L. cứ lần lữa không chịu đi xin việc khác, trong khi bạn bè cùng khoá tất bật trên con đường mưu sinh.
Niều báo đã viết về vũ trường N.C, một vũ trường nổi tiếng nhưng cũng tai tiếng nhất HN. Nhưng phải tận mặt chứng kiến cuộc sống về đêm ở đây mới thấy được mức độ "khủng hoảng lối sống" của nhiều thanh thiếu niên hiện nay. Cảnh gương mặt non choẹt của các cô cậu học trò biến dạng trong khói thuốc, men rượu và cả dưới tác dụng của ma tuý, "thuốc lắc". Rồi những cô gái trẻ mà son phấn không che dấu được vẻ non dại cặp kè với những người đàn ông đứng tuổi. Khi nhạc nổi lên, tất cả quay cuồng như hoá dại, có cảm giác như họ đang đốt cháy chính bản thân mình. Đi trên đường phố, nhìn cảnh các cô cậu học trò đi học bằng những chiếc xe máy xịn mà giá của nó là cả một gia tài, nhiều người chép miệng: Sao bây giờ có nhiều nhà giàu thế! Nhưng biết đâu trong số những người "sành điệu" đó có không ít người thuộc típ sẵn sàng đánh đổi tất cả để "thà một phút...""
T.D làm ở một cơ quan y tế nhà nước, lương ba cọc ba đồng nhưng quần áo luôn mốt nhất, đi xe xịn, thay điện thoại như thay áo trong khi gia đình T.D cũng chỉ thuộc loại trung bình khá. Cho đến ngày T.D đưa "chồng chưa cưới" ra mắt bạn bè, một chàng Việt kiều đang làm giám đốc điều hành một công ty máy tính tại VN, mọi người mới vỡ lẽ. Nhưng T.D vẫn tỏ vẻ băn khoăn về sự lựa chọn của mình, chỉ vì cô... không yêu anh "chồng chưa cưới" đó.
Bạn,
Báo quốc nội viết tiếp: T.D và những người cùng mô-tip giờ có thể gặp ở bất cứ đâu. Họ chọn cách sống dựa dẫm vào người khác, coi việc lợi dụng tiền bạc, thế lực của người khác là cách tiến thân nhanh nhất, dễ dàng nhất. Một cô gái quê N.A đang làm việc trong một công ty tư nhân tại Hà Nội có người yêu là người Hà Nội nói thẳng: "Những anh chàng không giàu, không có hộ khẩu HN tôi loại ngay từ "vòng gửi xe"!"