Trong một lá thư trước, chúng tôi có kể cho bạn nghe câu chuyện về các trọng tài trong giải vô địch túc cầu Việt Nam, một số người đã nhận tiền bồi dưỡng khá hậu của đội thi đấu trên sân nhà để chèn ép đội đối thủ. Ngoài ra, có một thành phần khác tuy không quyết định số phận của đội bóng nhưng lại có quyền hạch sách ban tổ chức địa phương và phán quyết về kết quả của trận đấu, đó là các quan giám sát. Trong mỗi trận đấu, ngoài tổ trọng tài (trọng tài chính và 2 trọng tài giám biên), còn có một đến hai giám sát tổng quát trận đấu, và một giám sát trọng tài.
Theo báo Người Lao Động, trong giải vô địch túc cầu 1999-2000 vừa kết thúc, có 10 giám sát tổng quát trận đấu và 7 giám sát các trọng tài. 17 người này là cán bộ, chuyên gia của Liên đoàn bóng tròn VN. Trong số họ, có những người đã từng nắm giữ một đội bóng, từng biết rõ các ngóc ngách, kỹ xảo ở nhiều mùa giải trước. Vào thời còn cầm còi, có vài giám sát trọng tài từng mắc sai phạm, bị phạt kỷ luật. Những người khác, không nhiều thì ít, cũng vài lần vấp váp vì tiếng còi. Những chuyện bên lề về các giám sát này được báo trên ghi lại qua đoạn ghi chép dưới đây.
Từ nhiều mùa giải trước, dư luận sân cỏ xếp đội ngũ này vào hạng thân hào nhân sĩ sống lâu lên lão làng, được bố trí vào phần việc dễ gợi lên cảm giác ngồi mát ăn bát vàng, những người ngại bày tỏ chính kiến dù một phần chức trách của họ là phải có chính kiến rõ ràng về những gì xảy ra trong trận đấu. Thành kiến ấy xem ra chưa dễ phôi pha. Hãy xem các giám sát ghi gì trong hầu hết các biên bản: Trận đấu diễn ra bình thường, chất lượng chuyên môn chưa cao, tổ trọng tài hoàn thành nhiệm vụ.
Theo ghi nhận của giới thể thao thì các đội bóng rất ít khi tin tưởng, nể trọng các giám sát, dù quy định về công tác tổ chức ghi rõ: Giám sát trận đấu là người đại diện cho ban tổ chức trung ương của giải, giám sát việc thi hành luật và điều lệ giải của các thành viên. Lý do thật dễ tìm: Phần lớn giám sát hành xử một cách quan liêu, dè dặt, ngại đụng chạm, tránh làm phật lòng, sợ va vào chuyện rối rắm và thường kiêng dè ban tổ chức địa phương.
Điều đáng nói là những trận đấu có vấn đề, bị công chúng phản ứng, dư luận xã hội đòi hỏi làm rõ cũng lắm lúc được kết luận bằng những dòng chữ vô thưởng, vô phạt như trên. Trong trận Công an Thành phố Sài Gòn và Sông Lam Nghệ An với sai sót quá rõ của tổ trọng tài vẫn được được các giám sát đánh giá là không có gì sai phạm. Trước đó, một giám sát bị dư luận nghi ngờ không trung thực trong trận Long An-Nam Định vì đã lỡ nhận hai triệu đồng tiền bồi dưỡng của ban Tổ chức sân Nam Định. Với mức bồi dưỡng của ban Tổ chức dành cho mỗi giám sát 210 đồng/ngày, người ta tính ra rằng riêng ở mùa giải này, mỗi giám sát nhận được khoảng 20 triệu đồng, chỉ tiền ăn ở, chưa tính tiền tàu xe. Nhưng đó chỉ mới là phần cứng, phần mềm chưa ai tính được. Quy định của ban tổ chức giải nghiêm cấm việc giám sát tiếp nhận sự đón tiếp, ưu đãi của các địa phương, đơn vị, không được nhận quà cáp của bất cứ ai trong thời gian làm nhiệm vụ.
Bạn,
Cũng theo báo Người Lao Động, chuyện săn đón, đãi đằng các viên giám sát vẫn diễn ra vào mỗi mùa giải vô địch dưới nhiều hình thức tinh vi, kín đáo. Có những trường hợp, giám sát lại được trọng tài tặng “phong bì có giá trị cao”, đó là khoản tiền trích từ tiền của một đội bóng nào đó đã hối lộ cho người cầm còi. Thế là cuối trận đấu, sự thiên vị của trọng tài lại được viên giám sát ghi vào báo cáo là vô tư, và tổ trọng tài đã hoàn thành nhiệm vụ.