HÀ NỘI- Nghề phóng viên báo chí tại quê nhà cực kỳ gian nan: bạn sẽ không có đủ lương để sống, nhưng khi bạn phải “xoay sở bồi dưỡng” thì có thể đã là phạm pháp, vi phạm đạo đức nhà báo. Ở một cực đoan khác, nếu bạn say mê với các cuộc điều tra vào các vùng cấm, thì công an sẽ “nắn gân” liền...
Nơi trường hợp thứ nhất, bản tin của báo Tuổi Trẻ hôm 19-9-2006 kể chuyện một nhà báo bị công an bắt khi đang “nhận tiền” từ một doanh nghiệp. Và trường hợp thứ nhì, báo Tiền Phong kể một nhà báo bị công an “triệu tập và thẩm vấn” vì điều tra quá sâu vụ tham nhũng PMU 18.
Theo báo Tuổi Trẻ, vào đêm 17/9, lực lượng của Cục Bảo vệ an ninh kinh tế (Bộ Công an CSVN) đã bắt quả tang 1 nhà báo tên là Nguyễn Hùng Sơn, phóng viên của báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp (cơ quan quản lý là Phòng Thương mại - công nghiệp VN), đang nhận tiền từ một doanh nghiệp.
Theo báo Tuổi Trẻ, thông tin ban đầu cho biết ông Nguyễn Hùng Sơn bị bắt quả tang khi đang nhận số tiền 10,000 Mỹ kim từ tổng giám đốc Công ty vận tải Hải Âu (tỉnh Hải Dương) tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy. Trước đó, xuất phát từ công việc được giao, phóng viên Sơn đã có thông tin về một số vấn đề trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Hải Âu và có hành vi vòi vĩnh đòi tiền. Sau đó, Công ty Hải Âu đã chấp thuận đưa tiền để dàn xếp, đồng thời trình báo cơ quan công an.
Báo TT cho biết thêm: Phóng viên Nguyễn Hùng Sơn sinh năm 1969, tốt nghiệp Phân viện Báo chí - tuyên truyền năm 1996, đã có khoảng 10 năm hoạt động trong nghề báo.
Trong khi đó, báo Tiền Phong viết, ngày 18/9/2006 vừa qua, Cục điều tra (C14) của Bộ Công an CSVN đã "triệu tập" phóng viên Phạm Quốc Hợp (báo Sài Gòn Giải Phóng) đến trụ sở Trực ban hình sự (14 phố Hồ Giám) của cơ quan này để thẩm vấn. Theo nội dung giấy triệu tập số 06, do Thiếu tướng công an cục trưởng C14 Phạm Xuân Quắc ký ngày 15/9/2006, thì phóng viên Quốc Hợp bị triệu tập "để hỏi việc thu thập tài liệu đăng trên báo liên quan đến vụ án PMU 18".
Bản tin báo Tiền Phong đặt câu hỏi rằng"Tài liệu đăng trên báo" mà C14 quan tâm là gì"" và nhắc lại trước đó, vào ngày 13/9/2006, đại tá công an CSVNTrần Trọng Lượng, phó cục trưởng C14, đã ký Công văn gửi Tổng biên tập báo SGGP, đề cập đến một bài báo đăng trên SGGP số ra ngày 11/9, về việc CQDDT ra lệnh bắt tạm giam cựu trung tá CA Nguyễn Đình Toản. Nội dung bài báo có đoạn như sau.
"Một nguồn tin cho biết, việc bắt bị can đang tại ngoại này nhằm phục vụ cho việc điều tra làm rõ vụ nhận tiền chạy án của một số đối tượng khác. Trong đó có việc làm rõ thông tin một cán bộ điều tra tên H. ở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) nhận 5.000 USD. C14 chính là đơn vị đã phát hiện, điều tra vụ tiêu cực ở PMU18 cũng như các vụ tiêu cực bóng đá. Từ báo cáo của cơ quan này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thiếu tướng Cao Ngọc Oánh đã bị đình chỉ chức vụ và không được phép chỉ đạo chuyên án tại PMU 18. Thế nhưng, nay lại có thông tin một cán bộ điều tra của C14 đã bị cáo giác nhận 5.000 USD trong vụ án đặc biệt phức tạp này".
Cũng theo báo Tiền Phong, công văn của C14 đề nghị Tổng Biên tập báo SGGP chỉ thị cung cấp cho cơ quan điều tra Bộ CA những nội dung sau (báo TP trích nguyên văn): "Tác giả bài viết trên là ai" Tên thật là gì" Chức vụ" Tác giả thu thập nguồn thông tin từ đâu" Ai cung cấp" Cung cấp ở đâu" Hình thức cung cấp thông tin" Cung cấp chi tiết và đầy đủ thông tin "...một cán bộ điều tra tên H. ở Cục CSDDT tội phạm về TTXH (C14) nhận 5.000 USD..." Tên đầy đủ cán bộ đó là ai" Nếu có thêm thông tin nào khác về người đưa, địa điểm đưa... đề nghị đồng chí trả lời bằng văn bản".
Báo Tiền Phong cho biết: ngày 15/9, Báo SGGP đã có công văn trả lời gửi C14 của Bộ CA, nêu rõ người viết bài trên là phóng viên (PV) Phạm Quốc Hợp, công tác tại Văn phòng Hà Nội của báo...
Người đời có nói “sinh nghề tử nghiệp,” nhưng có vẻ như nghề báo ở VN vẫn “lành ít dữ nhiều”... trừ phi phóng viên chịu làm “cháu ngoan Bác Hồ” cho tới mãn kiếp.