Xưa nay và ở bất cứ đâu trên thế giới, chữ Tín đều được xem là một đức tính quan trọng, cần có, đặc biệt là đối với thương gia, doanh nhân và chính trị gia. Sự bội tín (breach of trust) là một điều khó thể chấp nhận được. Lường gạt, dối trá lại càng bị lên án nhiều hơn nữa. Ấy vậy mà cử tri Úc dường như xem việc bội tín và lọc lừa từ người lãnh đạo quốc gia như một việc bình thường, khả dĩ chấp nhận được, nếu không phải là một đức tính quan trọng, cần có của chính trị gia!
Kết quả hai cuộc thăm dò dân ý - của ACNielsen cho nhật báo The Age và Sydney Morning Herald và của Newspoll cho nhật báo The Australian - là bằng chứng hùng hồn cho chuyện này.
Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm Chủ Nhật 9/7/06 ký giả Glen Milne của tuần báo Sunday Telegraph tiết lộ rằng ông Ian McLachlan, nguyên bộ trưởng của chính phủ Howard, đã thừa nhận là vào năm 1994 ông là nhân chứng của cuộc thảo luận giữa hai ông Howard và Costello về chức lãnh tụ đối lập lúc bấy giờ. Ông McLachlan công nhận rằng ông có ghi chép lại lời hứa của ông Howard sẽ từ nhiệm sau hai nhiệm kỳ làm thủ tướng vì ông Howard muốn ông Costello không tranh chức lãnh tụ đối lập lúc bấy giờ.
Sự tiết lộ này dẫn đến một cuộc tranh cãi sôi nổi qua truyền thông giữa hai ông Howard và Costello đưa đến việc nhật báo Daily Telegraph cho chạy một bản tin với tựa đề đầy tính khiêu khích và miệt thị: “Trong Hai Người Này Có Một Kẻ Dối Trá!”
Tiếp theo đó, hai ký giả Shaun Carney và Michael Gordon của nhật báo “The Age” cho biết ông McLachlan đã tiết lộ cho các bạn đồng liêu cũ của ông cách đây hai năm, sau khi John Howard vẫn tiếp tục ngồi ì trên ghế thủ tướng sau sinh nhật 64 tuổi của ông mặc dầu đã thường xuyên ỡm ờ rằng sẽ từ nhiệm vào tuổi 64. Và ông McLachlan, vốn là người kiên trì ủng hộ John Howard từ dạo ấy, cảm thấy ông cần phải nói lên sự thật vì nghĩ rằng trong nhiều năm qua ông Costello bị chỉ trích một cách không công bằng như một kẻ quá nhiều tham vọng, nóng nảy thiếu kiên nhẫn, trong khi John Howard mới là kẻ đáng bị chỉ trích, đáng bị lên án vì đã bội ước rồi còn chối bay chối biến chuyện bội ước của mình.
Oái oăm thay, cử tri Úc lại không có cùng một suy nghĩ như ông McLachlan. Theo kết quả của ACNielsen - được công bố vào thứ Hai 17/07/06 - thì trong số 1416 người trên toàn quốc được hỏi ý kiến về sự khả tín giữa hai ông Peter Costello và John Howard về vấn đề có sự thỏa thuận nhường chức lãnh tụ hay không trong cuộc thảo luận năm 1994 thì 46% tin lời ông Costello rằng ông Howard quả thật có hứa hẹn sẽ nhường chức thủ tướng sau hai nhiệm kỳ. Chỉ có 35% tin lời ông Howard rằng ông không hề có hứa hẹn như thế. Tuy vậy, 63% vẫn muốn ông Howard làm thủ tướng so với 25% muốn ông Costello vào chức vụ này.
Kết quả của Newspoll - công bố hôm thứ Ba 18/07/06 - lại càng bất lợi cho ông Costello và kỳ vọng làm thủ tướng của ông trong tương lai gần: 54% người được phỏng vấn nghĩ rằng ông Howard nên tiếp tục lãnh đạo đảng Tự Do trong kỳ tổng tuyển cử tới đây trong khi chỉ có 35% nghĩ rằng ông nên từ nhiệm. Hơn thế nữa, số cử tri cho rằng ông Howard là người họ muốn làm thủ tướng (preferred Prime Minister) nếu phải lựa chọn giữa ông và ông Costello tăng từ 64% vào tháng 4/06 lên 66% vào cuối tuần qua trong khi số người chọn ông Costello giảm sụt từ 24% xuống 20%.
Cay đắng hơn thế nữa, khi phải chọn giữa ông Costello và lãnh tụ đối lập Kim Beazley thì 44% chọn ông Beazley trong khi chỉ có 33% chọn ông Costello. Đây là một sự thay đổi hoàn toàn so với kết quả của cuộc thăm dò tháng 4/06 khi ông đè bẹp ông Beazley với 44% chọn ông và 37% chọn ông Beazley.
Chính vì thế mà Tony Abbott đã tuyên bố: “Thật tình mà nói thì tôi nghĩ rằng đến cuối tuần qua sự việc đã quá rõ ràng là mọi chuyện vẫn bình thường (back to business as usual). Tôi tin rằng khi người ta chúi đầu vào công việc thì mọi chuyện sẽ được quên ngay thôi”.