Tiểu sử:Sinh tại VN1964, tị nạn tại Hoa Kỳ 1981. Tốt nghiệp Computer Science và Kiến Trúc Carnegie Mellon University, Pittsburgh, Pennsylvania, USA va Ecole Polytechnique Federal de Lausanne, Swizerland.
Triển Lãm Cá nhân:”Hanoi Panoramas”,Hà Nội, Việt Nam 2001.
Nhóm: “Urbanscapes” California. 2002. “Census 2000” California 2001. “VIVID: Photographs by Camerawork Members” California 2001. “Hanoi, Dans Le Cycle Des Metamorphoses” Paris, France 2001. “Touch” California 2000. “Reflection” California 1999.
Lần đầu đến coi triển lãm và tiếp xúc với Lê Thịnh tại Cypress College (Touch 2000) và lần thứ hai tại BC Space Gallery (Urbanscapes 2002), Weekend tự nhủ đây là một “hiện tượng”. “Hiện tượng”: nghe rất thời thượng và thiếu chính xác, nhưng diễn tả được phần nào cảm giác choáng váng của Weekend trước những tác phẩm phóng sự độc đáo của Lê Thịnh.
TOUCH trình bầy loạt ảnh trắng đen ghi lại những hình ảnh tại Châu Đốc gây được sự chú ý rất lớn. Urbanscapes giới thiệu bộ hình mầu anh thực hiện ở Tokyo, Bombay và Hà Nội và nằm trong một dự án lớn hơn có tên Cityscape nhằm chụp những đô thị lớn trên khắp thế giới. Tất cả được thực hiện trên khổ phim dài panorama 360 độ, rộng hơn góc nhìn của mắt người và làm người coi thấy được khung cảnh bao quát rộng lớn. Nhưng sức hấp dẫn của tác phẩm của anh lại không chỉ nằm ở khuôn khổ đặc biệt của nó mà còn do vô số những chi tiết lý thú mà người coi có thể “đọc” được trên từng phần của tác phẩm như đọc từng mẫu chuyện nhỏ. Và gộp tất cả những câu chuyện ấy ta lại thấy toàn cảnh của không gian nơi anh đã đến và chụp hình. Mỗi tấm hình, như một câu chuyện dài mô tả sắc sảo biết bao nhân vật, góc cạnh và âm sắc, tự kiến tạo thành một thế giới riêng của nó. Ông Jerry Burchfield, khoa trưởng phân khoa nhiếp ảnh tại Cypress College, đã nhận xét: “Người ta như “đọc” bằng hình ảnh và (nhờ vậy) cảm thấy rõ cái sức sống và cá tính đặc thù của nơi chốn đó”.
Trong lần triển lãm FOB sắp tới đây, Lê Thịnh sẽ đóng góp loạt ảnh mầu chụp thân phụ anh trong thời gian ông chờ đợi cái chết vì ung thư gan. Anh thực hiện bộ này, bằng máy digital và in trên giấy dó, để tưởng nhớ ông và để suy nghĩ về sự kiện anh tự mô tả “tôi nghĩ đến sự cô độc phải chết đi ở một nơi rất xa quê hương mình”.
Vài Nét Lịch sử và Kỹ Thuật: Những tấm hình khổ dài (panoramic) đầu tiên xuất hiện không bao lâu sau khi khám phá ra máy ảnh năm 1839, đó là một tấm hình có khổ 5.5x36 in. chụp cảnh San Francisco năm 1851; nó gồm 5 tấm hình sắp liền cạnh với nhau. Máy chụp hình khổ dài đầu tiên được sản xuất vào năm 1989 có tên Al-Vista. Năm 1904 Kodak đăng ký máy Cirkut; máy dùng phim khổ lớn cuộn trong ống, khi chụp máy quay trên một cái trục, trong khi đó cuộn phim quay theo chiều ngược lại.
Lê Thịnh sử dụng máy hiệu Seitz, sản xuất tại Thụy Sỹ, có cơ cấu hoạt động tương tự như trên (a rotational camera), quay trọn 360 độ, nhưng với loại phim thông thường 35mm - một cuộn phim cho được 4 tấm hình. Sau đó anh “scan” phim vào computer và in bằng Epson inkjet printer với loại mực dùng để lưu trữ hình được lâu (archival inks).