Bạn,
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, luôn có loài hạc quý sếu đầu đỏ sinh sống. Hàng năm, khi mùa khô đến, Tràm Chim bận rộn phòng chống cháy rừng và chuẩn bị đón đàn sếu đi ăn xa trở về trú ngụ. Nhưng ba năm gần đây sếu về Tràm Chim cứ thưa dần như ghi nhận của báo SGGP như sau.
Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích 7 ngàn 588ha, được xem là nơi có hệ sinh thái Đồng Tháp Mười nguyên thủy độc đáo, với hơn 130 loài thực vật bản địa, trên 120 loài cá nước ngọt, gần 40 loài lưỡng cư, bò sát và hơn 200 loài chim, trong đó có 16 loài quý hiếm. Có thể nói, Vườn Tràm Chim chính là một mô hình thu nhỏ với đầy đủ các loài động vật và thực vật tiêu biểu ở vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Ban giám đốc Tràm Chim cho biết: Đây là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước rất quý giá ít nơi nào có được. Nó vừa phong phú về chủng loại, vừa giữ được sự nguyên sơ của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười. Mỗi năm hai mùa khô và mùa lũ, nhân viên lý túc trực xuyên suốt ngày đêm. Mùa lũ thì lo sợ dân nghèo vào vườn đốn tràm, bắt cá, còn mùa khô thì đề phòng dân vào vườn săn bắt chim, đốn củi và nhất là lo nạn cháy rừng. Mùa khô năm ngoái, cũng thời điểm này Tràm Chim xảy ra cháy rừng, tuy dập tắt kịp thời nhưng cũng làm thiệt hại khoảng 8ha rừng tràm.
Mặc dù Vườn quốc gia Tràm Chim phong phú về chủng loại động vật và thực vật, nhưng sếu đầu đỏ vẫn là tiêu điểm để nhiều người nói đến và nhớ tới Tràm Chim. Mỗi năm từ đầu tháng giêng sếu bay về Tràm Chim và sinh sống cho đến khi mùa lũ kéo về, sếu mới bay sang đất bạn Campuchia sinh sản. Từ những năm 1990 trở về trước xung quanh Tràm Chim có đến 20,000ha đất vùng đệm, đa số là những bãi cỏ năn kim xanh tốt (nguồn thức ăn chính của sếu). Thời điểm này mỗi năm có trên 1,000 con sếu về đây sinh sống. Dần dần sau này, số lượng người di cư theo diện kinh tế mới đến càng đông và họ khai thác toàn bộ diện tích đất vùng đệm đưa vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, sếu mất đi nguồn thức ăn cộng với môi trường sống bị tác động nên sếu đành rời bỏ Tràm Chim bay đi tìm nơi ở khác. Nếu như năm 1998 sếu về Tràm Chim hơn 380 con, thì sang năm 1999 sếu về chỉ còn 210 con. Và trong mùa khô năm 2003 này sếu về Tràm Chim tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 100 con. Trong vùng lõi của Tràm Chim trước đây có gần 1 ngàn ha/cỏ năn kim, nhưng qua những năm lũ lớn làm cho cỏ năn chết hàng loạt, đến nay còn lại không đầy 200ha năn kim, không đủ nguồn thức ăn cho 100 con sếu. Một chuyên viên than thở: Từ đầu mùa khô đến giờ chúng tôi phải chữa cháy bằng cách đổ hơn 10 giạ lúa phụ thêm thức ăn cho sếu. Nhưng thật ra, cây năn kim mới là thức ăn chính của sếu mà không gì thay thế được.
Bạn,
Cũng theo SGGP, thêm mbức bách là tình trạng cây mai dương đang xâm lấn dữ dội, sinh sôi nẩy nở khắp nơi trong Tràm Chim, tấn công vào các bãi năn kim và những loài thực vật khác. Theo ước tính thì đến nay, cây mai dương đã xâm lấn trên diện tích khoảng 1.500ha ở các gò cao nơi có bãi năn kim. Ngoài việc lấn át diện tích năn, cây mai dương còn làm cho sếu không thể hạ cánh kiếm ăn được do bị vướng gai nhọn. Theo các chuyên gia thì cây mai dương phát triển rất nhanh và nhiều khả năng sang năm 2004 mai dương sẽ xâm lấn vào Vườn Tràm Chim khoảng 3,000ha, tăng gấp đôi so với hiện nay. Đây thực sự là một hiểm họa khó lường.