Tiếp theo những bài trước so sánh về việc bảo lãnh giữa hai diện vợ chồng và vị hôn thê, và kỳ vừa rồi chúng tôi đã trình bày về những điểm thuận lợi và bất lợi riêng về diện vị hôn thê, hôm nay chúng tôi xin đề cập đến việc bảo lãnh theo diện vợ chồng.
NHỮNG ĐIỂM KHÔNG THUẬN LỢI TRONG DIỆN VỢ CHỒNG:
Văn kiện căn bản để bảo lãnh theo diện vợ chồng là giấy hôn thú. Để có cái giấy hôn thú, trước hết người đứng bảo lãnh phải xin giấy công hàm ngoại giao và chứng nhận độc thân, tiếp theo đó là về Việt Nam để tổ chức đám cưới và thiết lập giấy hôn thú. Các công việc này đòi hỏi đương sự phải tốn thì giờ và tiền bạc, do đó được xem như yếu tố không thuận lợi so với diện vị hôn thê. Sau đây là diễn tiến thủ tục lập hôn thú ở Việt Nam.
VỀ VIỆC XIN CÔNG HÀM NGOạI GIAO:
1-Việc xin công hàm ngoại giao phải mất thời gian từ 3 tuần đến 6 tuần lễ. Hiện nay thủ tục xin công hàm ngoại giao ngoài việc phải có giấy khai sanh, Tòa Đại Sứ Việt Nam còn đòi hỏi phải có con dấu công chứng riêng biệt trên giấy chứng nhận khám sức khỏe, và nếu trong trường hợp đã ly dị thì phải có bản sao án ly dị có thị thực theo thủ tục đặc biệt (authentication).
2-Nếu người đứng bảo lãnh không có giấy khai sanh, thì phải đóng thêm lệ phí đặc biệt cho tờ khai thế vì khai sanh. Nếu người đứng bảo lãnh sinh đẻ ở Hoa Kỳ thì phải đóng thêm lệ phí $70 cho Tòa Đại Sứ Việt Nam.
VẤN ĐỀ LẬP HÔN THÚ :
1-Sau khi có công hàm ngoại giao, người đứng bảo lãnh mang văn kiện này về Việt Nam để tổ chức đám cưới và thiết lập hôn thú. Công việc này đòi hỏi đương sự phải ở lại Việt Nam từ 45 đến 60 ngày mới nhận được giấy hôn thú.
2-Tuổi tối thiểu để lập hôn thú ở Việt Nam là 18 tuổi cho nữ giới và 20 tuổi cho nam giới.
3-Những đứa con của người vợ, nếu quá 18 tuổi lúc hôn thú được thiết lập thì không thể cùng đi chung với mẹ sang Hoa Kỳ. Người đứng bảo lãnh, tức cha kế (step-father), phải nộp đơn xin chiếu khán cho mỗi đứa con này để bảo lãnh chúng nó.
NHỮNG ĐIỂM THUẬN LỢI CỦA VIỆC BẢO LÃNH THEO DIỆN VỢ CHỒNG:
Tuy có vài bất lợi như đã nói trên, việc bảo lãnh theo diện vợ chồng cũng có nhiều điểm thuận lợi sau đây so với diện vị hôn thê:
1- Sau khi đến Hoa Kỳ, người vợ không phải đến Sở Di Trú để làm thủ tục xin thẻ xanh như người thuộc diện vị hôn thê.
2-Khi cần phải về Việt Nam hoặc ra nước ngoài để giải quyết công việc gì đó, người vợ không cần phải xin giấy phép đặc biệt tái nhập Hoa Kỳ (Advance Parole document). Hơn nữa, trong lúc đang ở nước ngoài mà gặp phải chuyện gì thì đương sự có thể được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ hoặc Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ giúp đỡ dễ dàng hơn.
3-Sau 3 năm thường trú ở Hoa Kỳ, người vợ của công dân Hoa Kỳ có thể nộp đơn xin nhập tịch.
4-Nếu sau khi đến Hoa Kỳ, người vợ được cấp thẻ xanh loại thường trú không điều kiện (unconditional green card), và trong trường hợp phải ly dị, thì đương sự có thể kết hôn với người khác mà không bắt buộc phải trở về Việt Nam như diện vị hôn thê.
5- Người được bảo lãnh theo diện vợ chồng, sau khi đến Hoa Kỳ, không bị lệ thuộc nhiều vào thiện ý và sự hợp tác tích cực của người chồng trong việc điều chỉnh quy chế di trú như trường hợp người đi theo diện vị hôn thê.
PHẦN GIẢI ĐÁP CÁC CÂU HỎI:
Câu hỏi 1: Tôi và người bạn của tôi đều được chồng bảo lãnh sang Hoa Kỳ năm 1999. Nhưng sau khi đến Hoa Kỳ thì bạn tôi được cấp thẻ xanh có giá trị trong 10 năm, còn tôi thì được cấp thẻ xanh chỉ có giá trị trong 2 năm mà thôi. Xin quý ông cho biết tại sao có sự khác biệt như vậy"
Đáp: Mặc dù cùng được bảo lãnh theo diện vợ chồng và cùng đến Hoa Kỳ trong năm 1999, nhưng thẻ xanh của hai người có thời hạn giá trị khác nhau, thẻ của người này có giá trị 10 năm còn thẻ kia 2 năm. Lý do có sự khác biệt này là vì ngày thiết lập hôn thú của hai người khác nhau. Nếu vào thời điểm phỏng vấn để cấp chiếu khán mà hôn thú đã thiết lập trên 2 năm thì được cấp thẻ xanh loại 10 năm, còn hôn thú thiết lập dưới 2 năm thì được cấp thẻ xanh có giá trị trong 2 năm.
Câu hỏi 2: Tôi được chồng bảo lãnh sang Hoa Kỳ năm 1997. Tôi đã nộp đơn xin đổi thẻ xanh có thời hạn 10 năm, nhưng chưa nhận được thẻ xanh mà chỉ được cấp một cái giấy biên nhận (receipt) có giá trị một năm. Vậy trong khi chờ đợi thẻ xanh về, tôi có thể nộp đơn xin vào quốc tịch được không"
Đáp: Xin đáp là không được. Bà cần chờ đến khi nhận được thẻ xanh rồi mới nộp đơn xin vào quốc tịch.
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM, thứ Sáu từ 5 giờ và mỗi trưa Chủ Nhật từ 11:30AM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 238-8830 , Sacramento (916) 257-6550 hay qua Email: info@rmiodp.com.
(Các bài di trú được lưu trữ vĩnh viễn trên Vietbao Online www.vietbao.com )