Tuy trong tập tài liệu không thấy đề ngày tháng, nhưng căn cứ vào nội dung cùng bối cảnh lịch sử, các sử gia thừa nhận, Kissinger đã viết văn kiện này không lâu sau khi tổng thống Ford thay thế tổng thống Nixon vào tháng 8 năm 1974. Nội dung chính yếu của tập tài liệu là Kissinger, trong vai trò ngoại trưởng, đã thông báo với tổng thống Ford ý định cho tháo gỡ toàn bộ vũ khí nguyên tử khỏi lãnh thổ Đài Loan để Mỹ có thể thắt chặt bang giao với Trung Cộng.
Trước đó, nhờ vai trò lèo lái đầy thủ đoạn của Kissinger, vào tháng 2 năm 1972, tổng thống Nixon đã thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử Trung Hoa. Lúc đó Kissinger nôn nóng muốn trở thành một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong lịch sử bang giao quốc tế, nên bằng mọi cách, ông muốn hai quốc gia Hoa Mỹ chính thức bang giao ở cấp bậc đại sứ trong thời gian càng sớm càng tốt. Thực tế, như mọi người đã thấy, Kissinger đã không hoàn thành được tham vọng của ông, vì mãi đến năm 1979, dưới triều tổng thống Carter, hai quốc gia Hoa Mỹ mới thực sự có quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.
Chính vì theo đuổi mục tiêu quan trọng này nên Kissinger đã sẵn sàng chấp nhận bán rẻ tất cả đồng minh, kể cả Đài Loan lẫn Việt Nam Cộng Hòa. Trong tập tài liệu, có một đoạn Kissinger ghi rõ: "Trong năm nay, chúng ta [Hoa Kỳ] sẽ rút bỏ toàn bộ các phi cơ [thám thính] U-2, đồng thời tháo gỡ tất cả các loại vũ khí nguyên tử khỏi Đài Loan". Cũng trong tập tài liệu, Kissinger cho biết, ông đã thông báo cho giới chức cao cấp của Trung Cộng biết, Hoa Kỳ đã có ý định triệt thoái toàn bộ quân đội khỏi Đài Loan và ngưng viện trợ cho Đài Loan kể từ đầu năm 1997.
Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, cơ quan truyền thông đầu tiên trên thế giới cho loan báo tập tài liệu mật, đã cho hay, trước đây Nhật Bản cũng đã biết Hoa Kỳ cho lắp một số hỏa tiễn nguyên tử trên lãnh thổ Đài Loan vào năm 1957. Tuy nhiên, điều mà Nhật Bản biết chỉ là căn cứ vào tin tức tình báo. Bây giờ, với tập tài liệu mật của Kissinger rõ ràng là bằng cớ đầu tiên chứng minh điều mọi người nghi ngờ từ lâu: Trên lãnh thổ Đài Loan, Mỹ đã lắp hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử.
Cũng trong tập tài liệu mật, Kissinger cho tổng thống Ford biết, Trung Cộng đã không đồng ý cho Hoa Kỳ bang giao với Đài Loan ở bất cứ hình thức nào, một khi Hoa Kỳ đã bang giao với Trung Hoa. Ngoài ra, Trung Cộng cũng không tán đồng quan điểm của Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ muốn Trung Cộng thống nhất Đài Loan qua giải pháp thương lượng và hòa bình.
Với Nga Xô, tập tài liệu mật cũng đã có những tiết lộ quan trọng. Cụ thể, Kissinger cho biết, Hoa Kỳ đã hứa sẽ có bổn phận thông báo cho Trung Cộng biết đầy đủ mọi chi tiết các diễn tiến trong bang giao Nga Mỹ. Hoa Kỳ cũng cam kết với Trung Cộng sẽ không ký kết bất cứ thỏa ước nào với Nga, một khi thỏa ước đó có thể gây phương hại cho Trung Cộng. Kissinger còn thông báo cho tân tổng thống Ford biết rõ những điều ông và tổng thống Nixon đã cam kết: "Chúng ta [Hoa Kỳ] sẽ không liên kết với Mạc Tư Khoa chống lại Bắc Kinh qua bất cứ hình thức nào."
Ở một đoạn khác trong tập tài liệu mật, Kissinger còn đi xa hơn khi ông khẳng định với tổng thống Ford: "Nếu Nga Xô tấn công Trung Hoa, Hoa Kỳ sẽ coi cuộc tấn công đó đe dọa đến hòa bình thế giới và an ninh Hoa Kỳ."
Trong nỗ lực mua chuộc Trung Hoa, Kissinger còn hứa, chính phủ Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm mọi biện pháp để có thể chấm dứt sự hiện diện của quân đội Liên Hiệp Quốc tại Nam Hàn, đồng thời cố gắng thiết lập bang giao với chính phủ Hà Nội trong thời gian thật ngắn.
Nhìn vào nội dung tập tài liệu mật do chính Kissinger soạn thảo, nhiều người thừa nhận, trong thời gian cuối thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970, chính phủ Mỹ, dưới sự lèo lái của Nixon và tham vọng của Kissinger, đã cố gắng theo đuổi mục tiêu bang giao với Trung Cộng để có thể dùng Trung Cộng tạo áp lực với Nga song song với việc dùng Nga tạo áp lực với Trung Cộng. Bên cạnh tham vọng tạo một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bang giao quốc tế, tạo thế chân vạc cho chính trị toàn cầu, cả Kissinger lẫn Nixon đều thừa nhận, mạng lưới nhân công rẻ mạt và thị trường tiêu thụ gồm hơn một tỷ dân Trung Cộng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chính vì theo đuổi những tham vọng lớn lao đó, Kissinger và Nixon đã có những thỏa thuận trong việc thao túng chính giới và dư luận Mỹ. Hậu quả của những thỏa thuận này dẫn đến con đường tất yếu: Cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa khi cộng sản xâm lăng.
Tuy tập tài liệu mật được soạn thảo vào tháng 8 năm 1974, bối cảnh lịch sử và nội dung tập tài liệu cho thấy, Kissinger soạn thảo tập tài liệu là để thông báo cho tổng thống Ford biết những việc Kissinger và tổng thống Nixon đã làm, cũng như thái độ và quan điểm Hoa Kỳ cần phải tiếp tục duy trì đối với Trung Hoa. Nói cách khác, những năm trước 1974, Kissinger và Nixon đã thực hiện những điểm đã nêu trong tập tài liệu. Điều này đã giải thích lý do tại sao Mỹ bán đứng Việt Nam Cộng Hòa qua Hiệp Định Ba Lê 1972.
Cũng giống như vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ Đài Loan, vai trò của Kissinger trong việc thất thủ Miền Nam đã được nhiều người suy đoán và kết luận. Tuy nhiên, qua nội dung tập tài liệu mật cùng thủ bút của chính Kissinger, những suy đoán, kết luận trước đây đã được chứng minh với những bằng cớ hiển nhiên.
Lịch sử đã biết, để có thể thuyết phục tổng thống Thiệu chấp thuận ký kết Hiệp Định Ba Lê, tổng thống Nixon đã viết thư riêng cho tổng thống Thiệu, trong đó ông cam kết, Hoa Kỳ sẽ can thiệp tức khắc một khi cộng sản Hà Nội vi phạm Hiệp Định Ba Lê, xua quân tiến chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Tuy trên thực tế cam kết này không được tôn trọng, nhưng dư luận đã phần nào châm chước cho tổng thống Nixon vì những tai tiếng quanh vụ Watergate khiến ông phải từ chức trước khi Việt Nam Cộng Hòa bị thất thủ.
Tuy nhiên, với Kissinger, dư luận đã khắt khe hơn vì một số lý do. Thứ nhất, Kissinger chỉ lợi dụng danh nghĩa vì quyền lợi cho hai dân tộc để thực hiện tham vọng cá nhân, theo đuổi việc bang giao với Trung Cộng. Thứ hai, trên con đường thực hiện mục tiêu bang giao với Trung Cộng, Kissinger đã bất chấp thủ đoạn và cách thức hành xử, kể cả việc bán đứng các quốc gia đồng minh. Thứ ba, trong khi tổng thống Nixon phải từ chức vì tai tiếng vụ Watergate, Kissinger đã khôn ngoan dựa vào kinh nghiệm cá nhân trong mối bang giao Hoa Mỹ, để được tổng thống Ford trọng dụng cho tiếp tục làm chức ngoại trưởng Hoa Kỳ. Trong vai trò này, Kissinger không thể trút bỏ trách nhiệm của chính phủ tiền nhiệm, vì chính ông đã nắm giữ vai trò ngoại trưởng.
Cho đến hiện nay, lịch sử vẫn chưa có thể đánh giá đầy đủ trách nhiệm của Kissinger đối với việc thất thủ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng chỉ căn cứ trên những sự kiện đã xảy ra cùng những cuốn hồi ký của Kissinger và những tài liệu được bạch hóa, dư luận cũng phần nào hiểu được chân diện cùng những âm mưu đầy bá đạo của Kissinger. Là người đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng bang giao giữa hai quốc gia Hoa Mỹ, đáng lẽ Kissinger phải có chỗ đứng trân trọng trong lịch sử hai dân tộc cũng như thế giới. Nhưng cùng với thời gian, các bí mật của lịch sự được phơi bầy, các tài liệu mật được bạch hóa, tên tuổi và tầm quan trọng của Kissinger càng ngày càng lu mờ, khiến dư luận đã đến lúc phải thừa nhận: Kissingerkhông phải là một chính khách mà chỉ là một kẻ hoạt đầu chính trị gặp thời mà thôi.
Hữu Nguyên