Hồi còn nhỏ, học địa lý, tôi biết rằng từ SG về Rạch Giá phải đi qua bốn sông lớn: Sông Vàm Cỏ Đông với cầu Bến Lức; Vàm Cỏ Tây với cầu Long An; Tiền Giang với phà Mỹ Thuận; Hậu Giang
với phà Cần Thơ hoặc Vàm Cống.
Như vậy chỉ có sông chảy từ hướng Cam Bốt ra hướng Biển Đông mà thôi, không có con sông nào chảy dọc theo hướng Bắc Nam. Nhưng tại sao những đoàn xà lan vẫn có thể chở đá từ Hà
Tiên lên nhà máy xi măng ở gần Thủ Đức được, bằng ngả nào"
Lớn lên tôi mới có dịp nhìn từ trên cao xuống thấy kinh rạch lớn nhỏ chằng chịt, và sau này đã theo ghe chài đi từ cảng SG để chở vật liệu về Miền Tây.
Rời Sg lúc đêm tối nên tôi không nhận được phương hướng cùng cảnh vật, nhưng khi đến kinh Chợ Gạo gần Gò Công thì trời tảng sáng. Trên bến chợ đông vui, dưới sông thuyền tấp nập.
Những chiếc vỏ lãi gắn máy đuôi tôm, len lỏi cùng xuồng chèo gắp, chở đầy trái cây cùng nông sản như khoai, sắn, bí rợ, khóm ... muôn màu muôn vẻ.
Trên giòng nước quện phù sa, từng đám bèo xanh lá tròn, có bông tím trông rất đẹp, mà trôi nổi dập dềnh trên sóng nước không biết rồi sẽ về đâu.
Ghe Chài là những chiếc tàu lớn thường dùng chở lúa Miền Tây lên SG và chở hàng hoá, xi măng, sắt thép trở ngược lại. Tàu không có máy mà phải được kéo bằng Tàu Dòng máy rất mạnh.
Nó có thể kéo vài ba chiếc ghe chài một lần, mà đằng sau ghe chài, còn rất nhiều ghe xuồng bám theo giây để "Quá giang" nữa.
Tàu băng ngang Mỹ Tho, hai bên bờ sông rợp bóng dừa chen lẫn vườn mận sắc đỏ tươi.
Ðây cũng còn là quê hương của loài ốc gạo. Vỏ ốc gạo màu trắng,
ruột cũng trắng bóc. Ở quê tôi không có loài ốc gạo này, chỉ có ốc hột và ốc bươu mà thôi.
Trong các loài cua cá, tôi thích nhất con ốc gạo, luộc chấm nước mắm chua ngọt ăn no thì thôi chớ không chán. Luộc xong khêu ra xào với nước dừa, cuốn bánh tráng cũng hết xẩy.
Tiếc rằng sau này người ta dùng điện "xuyệt" cá cho nhảy lên mặt nước mà bắt, làm chết hết cá con, và ốc gạo cũng chết luôn, cào lên 10 con thì 9 con chỉ còn vỏ, một con sống mà thôi.
Thành phố Mỹ Tho nằm bên bờ phía bắc sông Tiền Giang, sát bờ sông có một công viên rất đẹp. Ở góc công viên có môt cây đa cổ thụ che tàng cho một khán đài kèo cột bằng sắt lợp tôn. Có
lần tôi về phép thăm anh chị tôi ở gần Sân Vận Động Mỹ Tho, mấy đứa cháu đòi tôi dẫn đi xem ban nhạc quân đội đang trình diễn cho công chúng xem. Chiều thứ bảy nên người đi coi đông
lắm.
Buổi văn nghệ chưa dứt thì sấm sét nổ ầm trời, mưa bắt đầu rơi nên nhiều người chạy vô núp nơi khán đài.
Bỗng một tiếng sét nổ xé không gian, ánh lửa nháng lên, mùi cháy khét lẹt, cây đa to lớn bị đánh trúng xé tét ra đổ ập xuống khán đài, đè lên biết bao người. Tiếng la khóc vang trời, nhất là
những người bị đè nửa trong mà đầu còn thò ra ngoài.
Công Binh mang xe cần cẩu tới mấy cái, vậy mà nhấc không lên nổi. Sau cùng người ta liên lạc xin một cần trục bay CH 54 từ hạm đội bay vào câu móc cả cây lẫn khán đài vất ra chỗ khác.
Chết mấy chục người coi ghê quá!!!
Đoàn ghe chạy cặp sát bờ sông phủ đầy dừa nước hoặc vườn cây trái, ngoài xa mênh mông sương khói. Không một cây cầu y như bài thơ Trường giang:
-Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Chúng tôi đi ngược giòng Tiền Giang đến Bắc Mỹ Thuận thì băng ngang sông để vô địa phận tỉnh Sa Đéc. Từ đây đi Vàm Cống cũng chạy trong kinh xáng, nhưng rộng rãi đến nỗi những đoàn
tàu đánh cá biển to lớn vẫn chạy hết tốc lực.
Những người câu tôm bằng mồi dừa khô, ngồi ở một đầu xuồng ba lá dập dềnh trên sóng. Họ câu ở đám chà, tay cầm cần câu, tay cầm vợt, khi kéo con tôm lên gần mặt nước là thọc vợt
xuống xúc liền. Họ thường đón những tàu xuôi ngược trên sông mà bán, vì dân thương hồ ít khi cò kè bớt một thêm hai.
Tôm càng xanh, nướng trên cà ràng ăn với rau sống và bún trên nóc ghe trong một đêm trăng thì thú vị vô cùng.
Buổi sáng chúng tôi lấy tam bản vô chợ ăn hủ tiếu, ăn cháo trắng hột vịt muối hay củ cải mặn, hoặc cá linh kho khô.
Chiều thứ bảy, ngôi giáo đường bên Bắc Vàm Cống đổ hồi chuông chiều, cây phong cầm dạo lên êm đềm bản Tantum Ego, nhắc tôi thuở còn là cậu giúp lễ trong nhà thờ.
Cuộc sống trên sông nước đầy kỳ thú. Nếu lấy được người mình yêu, suốt đời chu du trên các nẻo sông nước hiền hoà miền Nam, thì mấy ai không mơ ước, cần gì ra ngoài hoang đảo""
Chiều đó, một người bạn mới quen ở gần nhà thờ, bơi xuồng ra ghe chài kêu réo rủ tôi đi soi cá đêm.
Tưởng gì, chứ đi soi cá thì tôi là một tay cự phách.
Khi nước lũ bắt đầu tràn về, dâng lên ngập lé đé ruộng vườn hay đường quê, thì sau 10g đêm cá thường lên chỗ nước cạn mà nằm ngủ.
Nước lụt trong hơn nước phù sa thường ngày, nên chỗ nước cạn ta có thể nhìn thấy rõ con cá dưới ánh đèn khí đá hoặc đèn pin hay bình ắc qui.
Ngoại trừ cá sống tự do ngoài sông, còn thêm những loại cá nuôi, mà vì nước dâng mau quá, chủ nhân của đìa cá be bờ không kip, nên mấy chú cá tra, rô Phi, tai tượng, cá rói, mè vinh v v...
cũng xổ lồng nhởn nhơ tung tăng khắp chốn.
Người soi cá tay cằm nôm, rón rén đi nhè nhẹ, cho cá khỏi giựt mình và không làm đục nước. Khi thấy cá cũng đừng lụp chụp và cũng đừng tham mà ráng úp một lần mấy con một lúc, có khi
xẩy hết.
Khi bị chụp trúng rồi, con cá nhảy xùng xục trong nôm, cảm giác của người đi soi cá giống như người đi câu đang giựt con cá vậy. Khoái lắm.
Ngoài cá, ta còn bắt được lươn, ếch, cua, đôi khi bắt đươc cả rùa, ba ba càng đước nữa.