...gia nhập WTO, Việt Nam bắt đầu giong buồm đi ra biển lớn thì có thể vớt được cá lớn nhưng cũng có thể bị giông bão nặng nề hơn...
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính kỳ thứ 13 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương sẽ được triệu tập tuần này tại Hà Nội. Trong nghị trình thảo luận của Diễn đàn APEC có hồ sơ chấn chỉnh hệ thống tài chính công và cải cách hệ thống ngân hàng để huy động vốn cho công cuộc phát triển. Nhân dịp này và với viễn ảnh Việt Nam sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, mục Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về việc cải cách tài chính tại Việt Nam. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Thy Nga thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tuần này, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, sẽ có hàng loạt hội nghị tại Hà Nội để chuẩn bị cho Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới đây. Vì vậy, xin đề nghị là mục Diễn đàn Kinh tế của chúng ta sẽ đề cập tới một số hồ sơ được thảo luận trong loạt hội nghị này. Trước hết, xin ông cho biết sơ lược về các nghị trình làm việc của những hội nghị trên.
Để chuẩn bị cho Thượng đỉnh APEC, năm nay sẽ đến lượt Việt Nam tổ chức vào tháng 11 tới, Diễn đàn APEC gồm 21 quốc gia của khu vực Á châu Thái bình dương sẽ có hội nghị của các chuyên viên cao cấp về Tài chính và Ngân hàng Trung ương rồi hội nghị cấp Bộ trưởng Tài chính trong các ngày từ mùng năm đến mùng tám tháng này ở Hà Nội.
Nghị trình thảo luận được văn phòng APEC thông báo sẽ gồm có hai hồ sơ chính là bảo đảm sự ổn định kinh tế bằng cách chấn chỉnh hệ thống tài chính công, tức là các vấn đề ngân sách và thuế khóa, và hồ sơ thứ hai là cải cách hệ thống tài chính và ngân hàng để gia tăng nguồn tài trợ cho các nước đang phát triển. Ngoài ra, một vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh và thời sự chắc chắn cũng được đại diện các nước đưa ra thảo luận là củng cố hệ thống tài chính quốc tế để ngăn ngừa khủng bố, ma túy, rửa tiền và các hành vi bất chính liên quốc gia.
Hỏi: Riêng với Việt Nam và trong viễn ảnh sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, thì đâu là những vấn đề đáng chú ý nhất trong đợt hội nghị này"
Tôi thiển nghĩ là trong khuôn khổ của một chương trình, kỳ này ta nên thảo luận về việc cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam với một hiệu ứng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia là việc bù lỗ cho các ngân hàng bị mất nợ. Việc cải tổ phải được coi là cấp bách vì sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ trải qua nhiều đổi thay trong luồng giao dịch tài chính và ngân hàng.
Hỏi: Kỳ này, chúng ta sẽ trao đổi riêng về vấn đề trên, nên xin đề nghị ông trình bày sơ qua về bối cảnh của vấn đề, trước khi ta nói về kích thước và ảnh hưởng đối với sinh hoạt kinh tế.
Nghị trình của Diễn đàn APEC sẽ nói đến luồng giao dịch tài chính giữa các nước, chủ yếu là để huy động vốn tài trợ công cuộc phát triển của các nước nghèo. Ách tắc lớn nhất của các doanh nghiệp tại Việt Nam là thiếu nguồn tài trợ vốn hoạt động. Nguồn tài trợ ấy gồm có ba xuất xứ là các ngân hàng, là thị trường chứng khoán và là thị trường trái phiếu, mà cả ba hệ thống tài trợ ấy đều còn non yếu, trong khi Việt Nam lại sớm gặp sự cạnh tranh của quốc tế.
Hỏi: Và sự cạnh tranh ấy có thể gây ra nhiều rủi ro mới, có phải không"
Thưa vâng, nhìn về dài và nhìn rộng ra thị trường quốc tế, Việt Nam cũng chưa có tập quán, kiến thức và luật lệ thích hợp cho nhiều hình thái đầu tư tài chính tân kỳ đã được phát triển trong khu vực, như các quỹ đầu tư hỗ tương là mutual funds, quỹ đầu tư đối xung hay hedge funds hay quỹ hưu liễm gọi là pension funds. Các loại đầu tư này sẽ mở ra nhiều triển vọng về tài trợ nhưng cũng gây nhiều rủi ro bất ổn nếu mình không có một hệ thống thông tin và luật lệ minh bạch rõ ràng và một hệ thống tài chính lành mạnh.
Một thí dụ của loại rủi ro ấy là cơn chấn động tài chính năm 1997 tại Thái Lan khiến các nhà đầu tư rút vốn tháo chạy làm khủng hoảng kinh tế bùng nổ tại Đông Á. Lần ấy, Việt Nam chưa hội nhập vào luồng trao đổi quốc tế nên chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Với việc gia nhập WTO, Việt Nam bắt đầu giong buồm đi ra biển lớn thì có thể vớt được cá lớn nhưng cũng có thể bị giông bão nặng nề hơn. Chính vì vậy mà việc cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng mới trở thành cấp bách.
Hỏi: Nói về hệ thống ngân hàng thì đâu là những vấn đề chính của Việt Nam"
Trước năm 1991, nghĩa là 15 năm trước, Việt Nam chỉ có hệ thống ngân hàng một tầng, hoàn toàn do ngân hàng nhà nước quản lý như một cơ chế ngân khố tập trung việc chi thu cho các doanh nghiệp cũng của nhà nước. Sau khi đổi mới, Việt Nam có hệ thống ngân hàng xin tạm gọi là hai tầng, một là của ngân hàng nhà nước lo việc điều tiết chính sách tiền tệ và tín dụng, hai là của các ngân hàng chủ yếu của nhà nước lo việc cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp.
Việc cải tổ ngân hàng ấy dù sao tiến hành quá chậm và hệ thống ngân hàng vẫn bị chi phối quá mạnh bởi bốn ngân hàng thương mại nhà nước để chủ yếu tài trợ cho doanh nghiệp nhà nước với những ý niệm thô thiển về tín dụng vì mọi rủi ro vẫn do nhà nước gánh chịu. Tư doanh có muốn vay tiền ngân hàng vẫn thấy khó và thường huy động vốn bằng cách vay mượn ở ngoài, bằng vàng hay Mỹ kim. Chức năng chính của ngân hàng là huy động vốn dư dôi qua thu hút ký thác để tài trợ yêu cầu kinh doanh của thị trường, chức năng ấy vẫn chưa được phát huy và đấy là một sự thiệt thòi cho kinh tế. Nếu so sánh thì khối tín dụng ngân hàng của Việt Nam, như một tỷ lệ của tổng sản lượng nội địa GDP, chỉ bằng phân nửa của Thái Lan, và bằng một phần ba của Mã Lai Á.
Hỏi: Khi các ngân hàng chủ yếu tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước thì chuyện gì xảy ra"
Khi ngân hàng của nhà nước chủ yếu tài trợ cho doanh nghiệp cũng của nhà nước thì sự cân nhắc rủi ro rất thấp của cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng khiến nhiều khoản tín dụng cấp phát quá dễ dãi vì thuộc diện chính sách có thể sẽ không đòi lại được, tức là mất luôn. Bây giờ, với viễn ảnh gia nhập WTO, các ngân hàng phải có sổ sách minh bạch lời lỗ rõ ràng nên các khoản nợ bị mất ấy sẽ phải được nhà nước bù đắp bằng ngân sách quốc gia.
Nếu ước tính lạc quan thì khoản hao hụt ấy cũng bằng 10% tổng sản lượng GDP, rẻ ra cũng là năm tỷ Mỹ kim, một con số rất lớn cho ngân sách quốc gia vốn đang bị bội chi nặng. Ngân sách mà bị bội chi thêm là nhà nước phải vay tiền, và khoản quốc trái ấy có thể ở mức trên 40% GDP, là hơn hai chục tỷ Mỹ kim, và có khi lên tới gần 50% GDP. Đấy là yếu tố bất ổn từ hệ thống ngân hàng dồn qua hệ thống tài chính với hậu quả đầy rủi ro cho cơ cấu kinh tế.
Hỏi: Nhưng cơ sự như thế nào mà tình hình có thể nguy ngập đến mức ấy"
Thực ra, nhiều quốc gia cũng gặp trường hợp này, nghiêm trọng nhất là Trung Quốc. Lý do chủ yếu vẫn thuộc về chính sách hay chiến lược kinh tế mà Việt Nam gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" theo đó nhà nước huy động vốn trong xã hội để tài trợ doanh nghiệp của nhà nước nhằm thực hiện những mục tiêu do nhà nước đề ra. Vì chiến lược ấy, rủi ro về kinh doanh của doanh nghiệp hay rủi ro về tín dụng của ngân hàng không là một ưu tiên cao và ngân hàng không cần nâng cao trình độ nghiệp vụ để thẩm định rủi ro khi cấp phát tín dụng.
Hậu quả là ngân hàng bị mất vốn, dự án bị rút ruột, doanh nghiệp bị lỗ lã và nhất là tư doanh, tức là dân chúng, khó tìm ra vốn kinh doanh. Việt Nam có thấy ra vấn đề và cho phép lập ra các ngân hàng cổ phần, nhưng tới nay 36 ngân hàng loại này còn nhỏ yếu và chủ yếu tài trợ các tiểu doanh nghiệp. Với viễn ảnh gia nhập WTO, loại ngân hàng ấy sẽ hoặc sụp đổ hoặc được ngân hàng của nước ngoài châm vốn và nâng cấp về trình độ nghiệp vụ và các ngân hàng của nhà nước sẽ gặp thế lực cạnh tranh mới trong thời gian tới đây.
Hỏi: Chẳng lẽ hệ thống ngân hàng của Việt Nam lại yếu kém đến như vậy sao"
Nói chung, các ngân hàng và cả xã hội tại miền Nam đã có kinh nghiệm lâu đời về kinh tế thị trường và giao dịch quốc tế, trong khi hệ thống ngân hàng của Việt Nam, trước tiên là Ngân hàng Nhà nước, tức là ngân hàng trung ương của quốc gia, mới chỉ có kinh nghiệm ấy từ một chục năm trở lại thôi. Mà Ngân hàng Nhà nước lại có quá nhiều quyền hạn và các ngân hàng thương mại của nhà nước cũng có vị trí khống chế toàn bộ hệ thống ngân hàng nên thay đổi rất chậm vì được nhà nước bảo vệ. Các ngân hàng ấy làm chủ đến 70% tài sản của hệ thống ngân hàng và cấp phát đến 70% tổng số tín dụng trong nước.
Sau WTO, sự bảo vệ ấy sẽ phải chấm dứt hoặc giảm dần trong khi ngân hàng của tư nhân và nước ngoài sẽ có nhiều quyền hạn hơn. Biến cố ấy sẽ dẫn tới nhiều thay đổi trong tương lai. Tư doanh có nhiều cơ hội tìm ra nguồn tài trợ hơn xưa và các ngân hàng của nhà nước sẽ phải sớm được cải tiến chứ không thể nghĩ rằng mình quá lớn nên sẽ không thể sụp đổ được.
Hỏi: Câu hỏi cuối, theo ông nghĩ thì đâu là phương hướng cải tiến cho hệ thống ngân hàng này"
Ở cấp trung ương, Ngân hàng Nhà nước phải quan niệm lại vai trò của mình, đó là quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng đồng thời thanh tra hoạt động cho đúng với luật lệ chính sách chứ không phải là quản lý các ngân hàng, của nhà nước hay của tư nhân. Đây là một thay đổi về tư duy, cơ chế và luật lệ mà Việt Nam không thể trì hoãn được nữa.
Ở cấp dưới, các ngân hàng thương mại cũng phải quan niệm lại vai trò của mình là kiếm lời và tránh lỗ trong việc chuyển hoá tiền bạc từ dạng tiết kiệm sang đầu tư và tín dụng. Muốn như vậy, phải có khả năng thẩm định rủi ro kinh doanh của khách nợ và rủi ro tín dụng của việc cho vay. Các ngân hàng ấy phải được quyền độc lập về quản trị và quyết quyết định về việc cấp phát tín dụng, chứ không thể bị ngân hàng nhà nước và các cơ sở chính quyền ở từng địa phương chi phối, hoặc sử dụng như công cụ của mình.
Cách hay nhất để đạt những mục tiêu ấy là tái phối trí lại chủ quyền về tài sản và cơ chế điều hành để trở thành ngân hàng của tư nhân, có trách nhiệm kiếm lời cho chủ đầu tư không nhất thiết và hoàn toàn là nhà nước. Từ quan niệm ấy ta mới có thể tiến sang việc cải thiện trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ, là việc phải tất yếu tiến hành mà chúng ta sẽ còn có dịp đề cập tới.