1-VIỆT TÂM, Chủ Nhiệm Tạp chí Non Sông 1995, Đồng Trưởng Ban Trại Hè “Về với Non sông”, nguyên Trưởng Ban tổ chức giải Viết Văn Tạp Chí Non Sông, nguyên Trưởng ban Tổ chức Hội Tết Sinh Viên 2000, Đồng Chủ Tịch Tổng Hội SVVN Nam Cali:
“Việc xây dựng Tượng đài thật đúng lúc và cần thiết. Đây là một cơ hội rất tốt để người dân Việt Nam có dịp tưởng nhớ và cảm ơn công lao của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã hy sinh để gìn giữ Tự Do cho người Việt Quốc Gia. Là một người dân Việt Nam, trước một công việc đầy ý nghĩa này, đối với Tâm, việc tham gia là một điều chắc chắn, không cần phải do ai thúc giục. Hơn nữa, với cương vị Đồng Chủ Tịch THSV, Tâm cố gắng trong khuôn khổ trách nhiệm của mình làm những điều gì nhiều hơn khi đóng góp với tư cách một cá nhân, để góp tay trong công cuộc này. Ngoài ra, về phần ý kiến xây dựng thêm, em thiết nghĩ là sau khi chúng ta đã xây được Tượng đài, nên thành lập một Hội có mục đích chính là duy trì và bảo tồn tượng đài cùng cảnh trí chung quanh. Đây là thành quả khó nhọc, với sự đóng góp công sức và tiền bạc của đồng hương, cho nên cần bảo quản kỹ lưỡng. Hơn nữa, tượng đài sẽ là một biểu tượng lịch sử trong nhiều trăm năm sau.”
2-LÂM HOÀNG HUY VŨ, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Hội SVVN Nam Cali, Trưởng ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội:
“Đây là một biểu tượng của người lính VNCH hợp cùng Đồng Minh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Với Vũ, đây là một việc phải làm và cần sự hợp sức từ mọi thành phần trong cộng đồng. Hơn thế nữa, là một thế hệ thứ hai và là con cháu của các bậc cha, chú đã hy sinh trong cưộc chiến, em nghĩ mình cần phải góp công sức và thời gian cho việc xây dựng tượng đài. Ngoài ra, là một người trẻ lớn lên tại Hoa Kỳ, Vũ xin kêu gọi tất cả các thành phần sinh viên trong các trường Đại Học hãy cùng các chiến sĩ Quân Lực VNCH tham gia một cách tích cực vào công cuộc gây quỹ để chứng tỏ cho người bản xứ thấy sức mạnh của cộng đồng Việt Nam. Xin hãy góp mặt thật đông đảo trong ngày 21 tháng 5 tới đây.”
3-NGUYỄN THẾ THỦY, Cựu Chủ Tịch Tổng Hội SVVN Nam Cali 2 nhiệm kỳ, Cựu Trưởng Nữ Hướng Đạo VN, Đại diện Tổng Hội tham dự Hội thảo của UƯy Ban Quốc Tế Trần văn Bá (1987), hiện là Chủ Tịch Hội đồng Quản Trị THSVVN Nam Cali:
“Theo Thủy, việc xây dựng Tượng Đài để tưởng nhớ đến những người lính VNCH và lính Mỹ đã hy sinh cho Tự Do là một việc làm cần thiết. Những người trẻ không những phải có bổn phận ghi ơn họ mà còn phải thuật lại cho con cháu sau này những công ơn đó nữa. Tuy chúng em luôn có nhiều việc phải làm như tổ chức Hội Xuân, Trại Hè Về Với Non Sông, Hội Thảo, tổ chức giải Khuyến Học, Giỗ Tổ, nhưng với không khí hăng say của cộng đồng hiện tại, chúng em thấy cần phải đóng góp bằng mọi hình thức.”
4-NINH CÁT LOAN CHÂU, Ca sĩ (Trung Tâm Thúy Nga), Cựu Sinh Viên Đại Học Long Beach:
“Với Loan Châu, việc xây Tượng Đài là rất cần thiết, không phải chỉ vì cả gia đình bên nội của Loan Châu là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có ông chú của Loan Châu đã bị bắn chết khi vuợt trại tù Cộng Sản, mà vì sự hy sinh cao cả của toàn thể các chiến sĩ chiến đấu cho Tự Do. Ba của cháu cũng là một quân nhân. Ông đã vuợt ngục và may mắn thoát được gông cùm Cộng Sản. Cháu mới được ông bảo lãnh qua đây năm 1991. Chúng cháu rất mừng thấy công cuộc xây dựng Tượng đài này đã chứng tỏ cho người Mỹ thấy cộng đồng mình có tinh thần đoàn kết rất cao, đồng thời cũng là cơ hội để trả lại vị trí cao quý cho những quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến vừa qua, bây giờ và mãi mãi.”
5-TRÚC HỒ, Nhạc sĩ (Trung Tâm ASIA):
“Em nghĩ rằng việc xây dựng Tượng Đài là chuyện cần làm. Hy vọng từ Tượng Đài, những sự thật về sự hy sinh của những người lính Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ được đưa ra công chúng và được mọi người ghi nhớ xứng đáng với những gì họ đã hy sinh. Hơn nữa, Tượng Đài còn là một biểu tượng của những người yêu chuộng Tự Do.”
6-NGUYỄN CAO KỲ DUYÊN, Luật sư, MC (Trung Tâm Thúy Nga):
“Kỳ Duyên lớn lên ở đây, thảm trạng Việt Nam, em không trải qua, nhưng không có nghĩa là không hiểu được lịch sử, không thể thông cảm được những nỗi đau của những người Việt Nam mất mát người thân. Duyên nghĩ có rất nhiều Anh Hùng Vô Danh cần được ghi ơn, vì khi ra trận, không phải chỉ Tướng Lãnh làm nên công trạng, nhưng phải do công lao của toàn quân nữa. Vì vậy, Tướng cũng như Quân, đều có vị trí quan trọng như nhau, đều phải được tưởng nhớ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần hiểu rằng, chính các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ cho chúng ta được an tâm mà làm việc, mà sinh sống. Do đó, xây dựng Tượng đài ghi ơn Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa là một công việc cần thiết. Riêng về buổi Đại Nhạc Hội này, theo Kỳ Duyên, một MC chuyên nghiệp, sự đóng góp tinh thần bằng cách tham dự đông đủ rất quan trọng. Sự hiện diện của khán giả quan trọng hơn nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu nhiều, họ cũng như những người hùng vô danh. Không có khán giả, không có văn nghệ. Về ý kiến xây dựng thêm, em thiết nghĩ, khi đã bắt tay thực hiện một công cuộc chung, không nên nghĩ về lợi ích riêng, không cần nói ai làm, miễn là mọi người đều đóng góp hết sức mình và miễn là công việc hoàn tất tốt đẹp. Vì thành công sẽ là thành công chung của cộng đồng, không phải dành cho một ai.
7-NAM LỘC, Nghệ sĩ, người hoạt động xã hội:
“Tượng đài Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh là những biểu tượng cho Tự Do, Dân Chủ. Những biểu tượng này đã bị xóa bỏ từ khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam. Hàng vạn ngôi mộ chiến sĩ Cộng Hòa đã bị san bằng. Hiện nay, không ai ngòai những người Việt Hải Ngoại có thể thực hiện được việc tôn vinh những Anh Hùng Vô Danh và dựng lại những hình ảnh để nhớ đến những người đã chết cho Tự Do được. Hai mươi lăm năm, thật ra đã quá trễ để làm công việc cần thiết này. Người Hoa Kỳ đã có Bức Tường Đá Đen để tưởng nhớ đến những quân nhân đã bỏ mình khi thi hành nghĩa vụ của họ đối với đất nước trong cuộc chiến Việt Nam. Người Việt chúng ta cũng phải có tượng đài ghi lại hình ảnh của những người đã hy sinh vì Tự Do Dân chủ và hy sinh cho chúng ta được bình an.”
Đó là những lý do rất đơn giản, đầy ý nghĩa đã làm cho những người trẻ trong Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam Cali và giới Văn Nghệ Sĩ đang tích cực tổ chức Đại Nhạc Hội “TẠ ƠN CHIẾN SĨ TỰ DO”. Tuy họ không thể kể hết những suy nghĩ của mình, vì khuôn khổ có hạn, nhưng cứ nhìn những nét mặt căng thẳng nhưng đầy phấn khích này, cứ theo dõi những dấu hiệu mệt mỏi không thể tránh được khi phải chạy hết tốc độ với những khoảng thời gian ít ỏi sau giờ làm việc ở Sở để hoàn thành cho được buổi Đại Nhạc Hội, mới hiểu rằng có rất nhiều suy tư làm họ tận dụng hết sức mình để chu toàn nhiệm vụ.
Thuộc vào thành phần trẻ, nhưng hầu như ai cũng có gia đình riêng phải lo toan, trách nhiệm kiếm sống phải đầy đủ, tuy vậy, họ vẫn hăng say, miệt mài họp bàn, thảo luận, soạn chương trình, in ấn, gửi thư, lên Đài phát thanh, liên lạc ca nhạc sĩ, xin phép thị xã, muợn an ninh, vẽ “poster”, tính toán phương tiện dựng sân khấu, lo chỗ ngồi, chỗ đậu xe cho vài ngàn người...trăm công ngàn việc. Tất cả các anh chị em trong Tổng Hội Sinh Viên cũng như Văn Nghệ Sĩ chỉ tha thiết mong được sự tham dự đông đảo của đồng hương vào ngày 21 tháng 5 này, từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối, gần khu Thị Chính Westminster, trên đường Monroe, gần Beach và Westminster Blvd. Nỗi tha thiết sau đó là giao lại số tiền quyên góp được cho những người trách nhiệm trong việc xây dựng Tượng Đài rồi tiếp tục trở lại với sinh hoạt bình thường của những người Việt-di-tản-thế-hệ-thứ-hai là tiếp tục đóng góp cho xã hội những gì mình có thể đóng góp được, hầu nâng cao danh dự người Việt trên xứ sở tạm dung này.
Chu Tất Tiến