HANOI/PARIS -- Nhà nước CSVN đang có dấu hiệu “hướng đến một xã hội có tính chất đa nguyên hơn ở Việt Nam,” theo nhận xét của nhà phân tích Carl Thayer.
Tin này của đài VOA, dựa theo tin hãng thông tấn Pháp đánh đi từ Hà Nội hôm thứ ba cho biết hai nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang bị giam lỏng, Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đã gặp mặt nhau lần đầu tiên kể từ nhiều năm qua.
Hãng AFP trích thuật một bản tin của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris nói rằng; Hòa Thượng Huyền Quang, 86 tuổi, bị giam lỏng ở tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1982, đã đến thành phố Sài Gòn hôm thứ 6 tuần trước. Và hôm thứ hai vừa qua, Hoà Thượng Huyền Quang đã được phép đến thăm Hòa Thượng Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện, là nơi Hòa Thượng Quảng Độ, 75 tuổi, bị quản thúc từ tháng 6 năm 2001. Đây là lần thứ ba trong vòng 21 năm mà hai nhà lãnh đạo cao cấp của giáo hội bị chính phủ Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật này gặp mặt nhau.
Theo nhận định của một chuyên gia về Việt Nam của Học viện Quốc phòng Australia, giáo sư Carl Thayer, thì cuộc gặp mặt vừa kể của hai nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có thể là một diễn tiến quan trọng hướng đến một xã hội có tính chất đa nguyên hơn ở Việt Nam. Một nhà ngoại giao ở Hà Nội cũng có nhận xét tương tự và nói rằng điều này cho thấy là chính quyền ở Hà Nội rốt cuộc đã nhận thức được rằng việc khống chế hoàn toàn các đoàn thể tôn giáo là không thích đáng.
Việc Hòa Thượng Huyền Quang được vào thành phố Sài Gòn và đến thăm Hòa Thượng Quảng Độ đã diễn ra sau một cuộc gặp mặt được nhiều người chú ý ở Hà Nội hôm 12 tháng Tư, khi thủ tướng Phan Văn Khải bất ngờ đến thăm Hòa Thượng Huyền Quang sau khi Hòa Thượng được giới hữu trách cho phép đi Hà Nội để giải phẩu một u bướu ở gần mắt.
Mặc dầu có những những diễn tiến tích cực như thế, nhưng theo tin của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Hòa Thượng Huyền Quang đã bị cấm không được ở lại với các tăng sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đã bị đưa thẳng về chùa Ấn Quang, là trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính phủ kiểm soát.
Tuy nhiên, sự lạc quan này cũng có điểm cần dè dặt, bởi vì sau chuyến đi Sài Gòn, Hòa Thượng Huyền Quang đã phải đi Bình Định, về nơi ‘chỉ định cư trú mới’ là Tu Viện Nguyên Thiều, chứ không phải là được tự do.