HANOI - Luật gia Đặng Hữu Thu, tức Ngô Thông, người nhận nhiệm vụ “bào chữa nhân dân” cho anh Lê Chí Quang, đã hai lần gửi đơn khẩn cấp lên tòa Hà Nội để xin hoãn xử vì chính ông, trong tư cách người bào chữa, vẫn không được tòa cho đọc hồ sơ vụ án một ngày trước khi xử. Và tòa vẫn không hề trả lời vị luật gia “bào chữa viên nhân dân” này về đơn khẩn cấp trên. Trên thế giới chưa từng có vụ án nào thô bạo tới mức khôi hài như vậy. Dưới đây là 2 lá đơn.
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----***----
Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 2002
Kính gửi : Ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Đồng kính gửi : Ông Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội
Đơn khiếu nại khẩn cấp
Về việc người bào chữa trong vụ án hình sự
Tôi tên là Đặng Hữu Thu (tức Ngô Thông) là bào chữa viên nhân dân trong vụ án hình sự xét xử bị cáo Lê Chí Quang được báo là sẽ xử ngày 08 - 11 - 2002 (Kèm theo đây là "Bản hợp đồng thỏa thuận bào chữa cho bị can bị cáo" đã được ký giữa tôi và người đại diện hợp pháp của bị cáo đang bị tạm giam).
Làm đơn này kính xin ông giải quyết cho việc tôi đến đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong vụ án thì trong hai ngày liền vẫn bị Tòa án khất lần trì hoãn không cấp với lý do còn phải nghiên cứu xem xét.
Chỉ còn có một ngày nữa là đến ngày xử án, tôi rất lo nếu nhận được giấy chứng nhận quá muộn sẽ không đủ thời gian đi gặp bị cáo và đọc hồ sơ vụ án. Đề nghị ông Chánh án Tòa an nhân dân tối cao lệnh cho cấp dưới giải quyết ngay cho tôi việc này như đã được quy định trong các Điều 12, 35, 36, 37 và 11 trong Bộ luật Tố Tụng hình sự.
Người làm đơn
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----***----
Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 2002
Kính gửi : Ông Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội
đơn yêu cầu khẩn cấp
hoãn phiên tòa hình sự xử Lê Chí Quang
Tôi tên là Đặng Hữu Thu (tức Ngô Thông) là bào chữa viên nhân dân trong vụ án hình sự xét xử bị cáo Lê Chí Quang được báo là sẽ xử ngày 08 - 11 - 2002
Làm đơn khẩn cấp này kính xin Ông Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội cho lệnh tạm hoãn ngay phiên tòa này vì lý do sau đây:
Qua cáo trạng số 11/KSĐT - AN ngày 29 - 09 - 2002 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án này thì thấy còn thiếu quá nhiều tư liệu để Tòa án có thể tiến hành xét xử được. Cụ thể là:
1. Thiếu các tư liệu về chứng cứ cấu thành tội phạm (Theo các điều 47,48,52,56 - Điều 39,40 của Bộ luật tố tụng hình sự), như:
- Tư liệu nói về ông Nguyễn Gia Kiểng mà cáo trạng nêu là "đối tượng phản động lưu vong tại Pháp" và "Các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài", đặc biệt là các tư liệu nói về mối quan hệ của bị cáo Lê Chí Quang với các tổ chức này.
- Lời khai của người bị hại do hành vi phạm tội của ông Lê Chí Quang gây ra. Cụ thể là lời khai của "Một số cán bộ cao cấp của Đảng đã bị ông Lê Chí Quang vu khống, bôi xấu".
- Đơn của nguyên đơn dân sự cụ thể là của đại diện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bị thiệt hại về vật chất và tinh thần, uy tín do nội dung xấu của các bài viết của ông Lê Chí Quang gây ra, và đơn có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Khối lượng và số lượng các tài liệu có nội dung xấu mà "ông Lê Chí Quang đã thu thập, biên soạn, phát tán, tàng trữ" nhằm đạt các mục đích xấu xa, phản động như Cáo trạng đã nêu.
- Vật chứng : Cụ thể là các công cụ phương tiện đã được ông Lê Chí Quang dùng để phạm tội và các vật mang dấu vết tội phạm này của ông Quang.
2. Thiếu tư liệu về những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này (Điều 42)
Vì thiếu quá nhiều tư liệu như vậy cho nên hồ sơ vụ án chưa thể được coi là đầy đủ; do đó, tôi yêu cầu ông Chánh án cho hoãn ngay phiên tòa này để chuẩn bị thêm cho đầy đủ.
Đồng thời, tôi có bốn yêu cầu sau đây về nội dug xét xử và thủ tục tiến hành tố tụng:
a. Cơ quan điều tra cho bổ sung thêm những chứng cứ còn thiếu như đã nêu trên.
b. Tòa án và Hội đồng xét xử cho triệu tập tham gia phiên tòa các ông bà có tên đã ghi trong cáo trạng vì có liên quan về quyền lợi à nghĩa vụ đến vụ án này. Cụ thể là:
- " Một số người có tư tưởng bất mãn, chống đối ở trong nước mà Quang đã tiếp xúc và được những người này cho xem các bài viết có nội dung chống đối Nhà nước, rồi kích động, lôi kéo động viên Quang viết bài" (theo các Bị lục điều tra số 48, 49, 52, 53, 54, 55, 76, 77... đã được dẫn ra trong cáo trạng).
- Ông Nguyễn Thanh Giang là người đã viết tài liệu "Nhân quyền và khát vọng ngàn đời đưa cho Lê Chí Quang xem và sau đó Lê Chí Quang đã viết bài "Nguyễn Thanh Giang - một chí sĩ yêu nước. Trong bài viết này Quang đã "xuyên tạc hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng và coi "Nguyễn Thanh Giang là người đấu tranh cho dân chủ", làm cho người đọc mất lòng tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam" (Theo các bị lục số 65,66,101 đến 104,...)
- " Ông Vũ Cao Quận có hành vi vi phạm pháp luật đã bị các cơ quan chức năng xử lý hành chính" mà sau đó "Lê Chí Quang đã không tìm hiểu rõ bản chất của sự việc đã viết bài "Thư gửi một chiến sĩ Cách mạng mà tôi chưa được gặp". Trong bài viết này Quang đã đả kích nói xấu chế độ, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền ..." (Theo các bị lục 67,68,121 đến 127).
- Ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Quế Dương ở Hà Nội, ba người này "đứng ra thành lập "Hội nhân dân chống tham nhũng "trái phép, đã bị các cơ quan chức năng đấu tranh". Cả ông "Nguyễn Vũ Bình ngày 8 - 9 - 2001 có đến vận động Quang tham gia vào "Hội chống tham nhũng" này và "Quang đã nhận lời tham gia hội" (Theo các bị lục 59,60,119,120,...).
- Các ông Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Phạm Hồng Sơn, Hoàng Tiến, đã được Lê Chí Quang "Sau khi viết xong từng bài trên" chuyển "để họ đọc và tán phát cho những người khác đọc khi họ muốn..." (Theo các bị lục số 41,51,53,55,58,60,61,63,66,92,93...)
- Các ông Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Trần Dũng Tiến, Hoàng Tiến,... là "một số đối tượng có liên quan" đã được "cơ quan an ninh cùng các cơ quan chức năng đang theo dõi điều tra xử lý sau..." (Theo đoạn cuối của phần kết luận trong bản cáo trạng).
3. Tòa án xử công khai vụ việc này vì không có liên quan đến bí mật quốc gia và đạo đức xã hội cần giữ gìn (Điều 19).
4. Tại phiên tòa khi xét xử, Hội đồng xét xử để cho bị cáo mặc thường phục và đối thoại với bị cáo với danh xưng là "ông" bình đẳng với mọi người tham gia phiên tòa, vì ông Lê Chí Quang cho tới khi ra tòa vẫn chưa phải là tội nhân đã bị kết án (Điều 10, Điều 20).
Trên đây là những yêu cầu của bào chữa viên nhân dân trong vụ án hình sự Lê Chí Quang. Kính mong ông Chánh án tiếp nhận và giải quyết ngày cho, theo các điều 46 và 99 trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Người làm đơn.