Một phần tư thế kỷ sau, những suy nghĩ và phân tích của truyền thông Mỹ cũng có chiều nhân ái hơn, bớt hậm hực và thêm hòa hoãn. Nhiều bài tường trình và bình luận về Việt Nam mang nhiều khía cạnh nhân đạo. Đúc kết về chiến tranh được viết lại qua nhiều lăng kính mới mẽ hơn. Có nhiều bài viết về những gương chiến đấu quả cảm của những chiến sĩ quân lực miền Nam. Có những câu chuyện rất thực và đầy tình người, những mẩu chuyện liên hệ đến những chứng nhân bất đắc dĩ của lịch sử. Câu chuyện sau đây viết về một cô bé gái Việt Nam nạn nhân chiến tranh và tâm tình của ba thế hệ một gia đình Mỹ đã làm thảng thốt lương tri người đọc. Thêm một khía cạnh độc đáo trong hoài niệm về cuộc chiến. Câu chuyện nhắc nhở cho chúng ta rằng đây mới thực là những di sản bi thảm mà cũng thật là nhân ái của cuộc chiến hai mươi lăm năm trước. Đỗ Khanh.)
***
CLAUDIA DOWLING, ký giả báo TIME, viết bài tường thuật này đăng trên trang mạng của CNN AsiaNow, ngày 22 tháng 5, 2000. Câu chuyện của hai người Mỹ bỏ công đi tìm một người phụ nữ Việt Nam tên là Trọn ("), một cô gái đã từng là biểu tượng đau thương của chiến tranh khi cô bị mất đi một chân hậu quả của một cuộc tấn kích của Mỹ vào năm 1968.
Cô chỉ là đứa bé gái bình thường nhưng cô đã trở thành biểu tượng của một cuộc chiến què quặt. Ký giả Larry Burrows lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Trọn vào năm 1968 khi em chỉ là cô bé 12 tuổi, đang ngồi chơi đong đưa trên một ghế xích đu cùng với một em bé khác. Anh ký giả Burrows lấy làm lạ bởi vì hai em bé mà chỉ có một chân của Trọn chống xuống đất để đẩy đưa cái ghế. Có lẽ vì Burrows có đứa con gái trạc cùng tuổi với Trọn, nên anh đem lòng thương xót. Sau đó anh tìm hiểu và biết rằng một hôm Trọn đi vào rừng tìm rau và củi, trong vùng được coi là “oanh kích tự do”, nơi mà theo luật chiến tranh của quân lực Mỹ, bất cứ những ai di động trong vùng này đều bị tình nghi là Việt Cọng và đương nhiên bị bắn bỏ. Và trực thăng Mỹ đã bắn vào em Trọn. Khi trực thăng đáp xuống, lính Mỹ đã khám phá ra là họ đã bắn lầm và lập tức tải thương em đến bịnh viện cứu cấp. Khi tĩnh dậy và biết một phần chân mình đã bị cắt bỏ, điều lo âu đầu tiên của Trọn là làm sao em có thể đi bộ trở về làng cũ. Sau cùng, mẹ em cũng tìm được đến bịnh viện và bà đã dùng số tiền $35 Mỹ Kim của lính Mỹ cho để trả chi phí tiếp máu cho em Trọn.
Burrows đã theo dõi, chụp hình em bé được phát cái chân giả, tập đi xe đạp và trở về đi học trở lại. Anh đã trở thành người bạn gần gũi với cô bé đến khi anh hoàn thành xong câu chuyện để đăng báo. Khi bài báo của anh đăng lên tạp chí LIFE, độc giả cảm động và hưởng ứng bằng cách gửi nhiều quà tặng đồ chơi và búp bê, nhiều món đã được phân chia cho dân trong làng. Burrows đã mua tặng em một chiếc máy may, và giúp đỡ cho gia đình em nới rộng căn nhà nhỏ bé. Anh đã trở lại thăm viếng nhiều lần khi nào có giờ rỗi rảnh. Anh đã giúp Trọn thay cái chân giả lớn hơn, và mua giày tặng cho em.
Năm 1971, ký giả Larry Burrows tử thương khi trực thăng chở anh bị bắn rớt ở Hạ Lào.
Ba mươi năm sau, con trai anh là Russell được mời đến Hà Nội tham dự một cuộc triển lãm công trình nhiếp ảnh của những nhiếp ảnh gia đã tử thương trong thời chiến tranh. Cuộc triển lãm được đưa vào thành phố Saigon ngày 6 tháng 5. Russell hẹn gặp cùng cô con gái 16 tuổi của anh tên Sarah và họ cùng nhau đi tìm cho được em Trọn. Tin tức sau cùng cho biết Trọn hiện sinh sống bằng nghề may kiêm y tá tại một ngôi làng mang tên Phước Bình. Hai cha con chỉ biết rằng Phước Bình là một tên quen thuộc trong những địa danh Việt Nam, có ý nghĩa là Hòa Bình và Hạnh Phúc. Russell và Sarah đi len lỏi từ làng này đến ấp nọ, đi đến từng hàng may đưa hình của Trọn để mong có người nhận diện được.
Ngày cuối cùng trước khi lên đường hồi hương, hai người ghé lại một làng Phước Bình khác. Dân làng nhận ra hình của Trọn và đưa họ đến cuối làng. Trọn biết ngay lập tức những người Mỹ này là ai. Theo cô Sarah: “Cô cười rạng rỡ khi gặp mặt chúng tôi, vì cha tôi rất giống ông nội tôi.” Sau đó cả gia đình túa ra đi tìm thức ăn đãi khách, mang ra nào là đu đủ, dừa, rau trái. Trọn mang khoe những lá thư cũ của Larry và cả chiếc máy may ngày xưa. Cô Trọn ngày nay đã 44 tuổi, còn độc thân và sống với đứa cháu gái. Russell nói “Cô ta có một nụ cười thật tươi đẹp nhưng vẫn đượm một nỗi u buồn.”
Đêm đến, đã đến giờ họ phải chia tay, Sarah kể lại, họ cùng ngồi xuống một băng ghế, “Cả hai chúng tôi người thì không nói được tiếng Anh còn tôi thì không biết một chữ tiếng Việt nào ngoài cái tên Phước Bình. Cô Trọn nắm nhẹ tay tôi và một bàn tay cô khẽ vuốt nhẹ mái tóc tôi.” Những người bạn Mỹ không dám hứa sẽ trở lại, nhưng trong thâm tâm Sarah, cô đang tự hứa với lòng mình rằng “Tôi sẽ trở lại”.
(Đỗ Khanh lược thuật)