Một thực tế rõ ràng là kinh tế VNCS đang đi xuống theo gia tốc phi mã. Giới đầu tư nước ngoài đang vĩnh biệt Việt Nam, chào thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa bằng chân. Đầu tư nước ngoài sút giảm đến mức nguy hiểm thúc đẩy Hànội sửa đổi Luật Đầu tư. Phe Đổi mới không vượt qua nổi sức ì của Phe giáo điều và một Quốc hội hữu danh vô thực. Cố gắng pháp chế không tạo được một hấp dẫn nào để chỉ tệ mạnh rỉ vào VNCS, trái lại, phô trương rõ nét định hướng xã hội chủ nghĩa trong chế độ kinh tế, làm sao các nhà đầu tư ngoại quốc từ chán, lo đến sợ, ra đi hay tìm nước khác. Cán cân mậu dịch và chi phó từ mất quân bình đến mang công mắc nợ, xóa nợ cho Quốc doanh tạo thêm gánh nặng cho ngân sách. Người nhân công và người dân trước gánh nặng thuế khóa như người ốm vác nặng, thuyền nhỏ chở đầy. Liệu cảnh chợ chiều kinh tế nầy còn được bao lâu"
Giờ thứ hai mươi lăm kim dài cũng đang nhích dần đến số 12. Ngày 30/4 thứ 25 của CSVN là một cảnh vỡ chợ ngoại giao, như ngọn đèn trước khi tắt phựt lên một cái. Chỉ trong vòng chưa được hai tháng, Bộ Trưởng Ngoại giao đi Indonesia, Thủ Tướng đi Thái Lan, và Tổng Bí Thư Đảng đi Pháp. Mục đích ai cũng biết là cứu nguy kinh tế. Kinh tế là lý do tồn tại, cái phao chính thống của việc cầm quyền của CSVN. Lý thuyết Cộng sản, tư tưởng Hồ Chí Minh, công giành độc lập của Đảng đã mất tính thuyết phục trong thời đại thông tin đại chúng, sau khi Liên sô sụp đổ, kho tài liệu Cộng sản khui ra mùi thúi hôi không chịu được. Cảnh vở chỡ ngoại giao của CSVN trong kỳ 30/4 thứ 25 thê thảm lắm. Ô. Nguyễn Dy Niên về tay không từ Asean. Ô. Phan Văn Khải bỏ phòng họp đi ra, tẩy chay vì chỉ quen ra lịnh mà không quen nghe phê bình, tác phong của Cộng sản Stalinist.
Tuy nhiên giờ thứ 25 thảm thiết nhứt là trên đường mòn Cộng sản mà Ô. Lê Khả Phiêu đang đi. Trước mắt Ông Phiêu đầy chông gai, sau lưng là bóng tối, lòng sao khỏi xốn xang, căng thẳng, dễ tạo ngất xỉu, loan tin nhất là đối với tuổi cao, sức yếu.
Con đường đi Paris xưa kia là một đường mòn Cộng sản. Ông Nguyễn Tất Thành đến được Moscow, gặp được Đệ tam Quốc tế Cộng sản cũng qua cảnh Paris. Quân đội và Đảng CS Hànội đi từ Hànội vào xâm chiếm Saigòn cũng quá cảnh Paris trong hiệp định Paris. Con đường đi Paris đã trở thành đường mòn để Cộng sản hóa cả nước Việt Nam như đường mòn Hồ Chí Minh giúp bộ đội, vũ khí, chủ nghĩa Cộng sản Mao và Staline vào phía nam của đất nước. Còn đường đi Paris, con đường mòn Cộng sản xưa, dù có quanh co, khúc khuỷu nhưng vẫn thông thương. Than ôi! sao buổi hoàng hôn của chế độ, nó trở nên chông gai, đoạn trường cho Ông Tổng Phiêu quá.
Chông gai thì nhiều. Đoạn trường cũng lắm. Là một vị chức quyền cao nhứt VNCS, Ô.Tổng Phiêu đến nước Pháp chỉ như một thượng khách chớ không phải quốc khách của Pháp. Lễ nghi đối với Pháp là quan trọng. Lễ tân (danh từ Cộng sản) đối với VNCS là tối quan trọng. Ông Hồ chú ý đến mức chụp hình cũng dàn cảnh làm sao đứng cao hơn đại diện Pháp ở Fontainbleau một bậc thang. Cả hai mặt, chuyến đi của Ông Tổng Phiêu sang Pháp kỳ nầy xuống cấp quá, từ góc nhìn Pháp lẫn VNCS.
Xuống cấp hơn trong thái độ lạnh lùng, thờ ơ của Thượng Viện và báo Cộng sản Humanité viết là Thượng viện từng cản Hành Pháp và không tiếp Ông Tổng Phiêu. Báo Humanité chỉ dành vài hàng trang trong về sự có mặt của nguời cao nhứt Đảng CSVN và cao nhứt chánh quyền VNCS trên thực tế.
Nhưng chông gai thê thảm nhứt mà Ông Tổng Phiêu gặp phải là sự chống đối của đồng bào Ông trên dất Pháp. So với sự hiểu biết và kinh nghiệm mắt thấy tai nghe của riêng tôi, trong năm 1969 và 1972, dư luận và thái độ của người Việt tại Pháp đối với Cộng sản đã quay 180 độ. Tôi có một kinh nghiệm buồn là một người bạn đã mài đũng quần ở Tiểu và Trung học, được học bổng đi Pháp học, ở lại dạy học ở Pháp. Anh ấy từ chối gặp một người bạn cũ chỉ vì tôi làm việc cho VNCH. Một chiếc xe taxi chở tôi suýt đổ ở Tòa Đại sứ Việt Cộng chỉ vì tôi nói “A l’Abassade du Việt Nam” (đến Tòa Đại Sứ VN). Tòa Đại sứ VNCH nghèo, ở đường nhỏ, ít người biết. Còn bây giờ, qua báo chí, sự đồng tâm nhất trí và hình thức phản đối của bà con người Việt từ Paris đến Poitiers v.v.. đối với Ông Tổng Phiêu vô cùng sáng tạo, quyết liệt và ý nghĩa.
Là một tướng lãnh quen ra lịnh hơn bị chống đối, là một người Cộng sản quen độc tài hơn dân chủ, trên nước Pháp quê hương của Cách mạng 1789 dân chủ, dân quyền, chắc chắn Ông Tổng Phiêu cảm thấy vô cùng lạc lỏng và phải suy nghĩ. Chính nỗi lo Ông Tổng bị “cải tạo” tư tưởng, mất quan điểm, lập trường chuyên chính vô sản đó đã làm cho Bộ Chính trị ngần ngại, rụt rè để Ông Tổng đi Pháp vì ngay đảng Cộng sản Pháp cũng đã từ bỏ tính Stalinist mà VNCS cố bám níu từ lâu.
Trong hoàng hôn u ám của ngày 30/4 thứ 25 trên đường mòn Cộng sản nay trở nên chông gai, bao nỗi đoạn trường, một vị tướng già đang lầm lũi trong cô đơn cùng tận của tâm hồn. Quanh mình Ông là tiếng la hét phản đối của đồng bào Ông. Trước mặt là vực thẳm của một chủ thuyết phi nhân lỗi thời đã chôn vùi Liên sô và Đông Âu, vọng vang oan hồn réo gọi VNCS mà Ông đang cầm quyền với đôi tay rung rung, mỏi mệt. Sau lưng Ông giặc đói, nghèo, dốt nát, tham nhũng như bóng tối đầy ma lực đẩy Ông xuống vực thẳm.
Liệu người tướng già cô đơn đủ sức chịu đựng giờ thứ 25 hay nếu đứng tim, thì cũng khuất dần trong bóng tối lịch sử hoặc trong cảnh mưa máu gió tanh của cuộc tranh chấp quyền hành ở trong nước: Nam-Bắc, Quân-Đảng, Trẻ-Già, Hồng-Chuyên"