Thành phố Sài Gòn có trên 300,000 công nhân, trong đó nữ công nhân làm việc trong các ngành nghề dệt, may chiếm đa số, phần lớn lại độc thân, mặc dù đã trên 30. Báo Thanh Niên đưa ra trường hợp tại một công ty về ngành may có đến 2,500 công nhân, nữ chiếm đến 85%), và số công nhân chưa lập gia đình chiếm một tỉ lệ cao, mặc dù đã lớn tuổi. Các nữ công nhân này ít có cơ hội giao tiếp với bạn bè khác giới và tuổi trẻ của họ cứ thế lặng lẽ trôi qua ở nơi làm việc mà họ gọi là bến không chồng của người thợ. Sau đây là một số câu chuyện về chuyện chồng con của nữ công nhân theo ghi nhận của phóng viên báo Thanh Niên.
Đã 8 giờ tối, nữ công nhân tên Soàn và một người bạn gái ngụ chung phòng, cũng là nhân viên của công ty dệt may Legamex Sài Gòn, mới lúi húi mua vài thứ ra quả để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Phóng viên báo Thanh Niên làm quen và hỏi: Chuẩn bị cơm tối trễ quá vậy" Một cô trả lời: Tụi em vừa mới tan ca. Được biết, lúc này công ty có hàng nhiều nên sau khi tan ca chính, công nhân phải tăng ca đến 19 giờ 30. Nữ công Soàn kể: Buổi trưa tụi em ăn cơm bụi cho qua bữa để kịp làm ca chiều nên tối có trễ cũng phải cố gắng về nhà nấu cơm ăn cho bảo đảm sức khỏe.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, cơm nước xong, giặt giũ tắm rửa đã quá 22 giờ, thế là các cô lăn đùng ra ngủ để ngày mai còn đi làm. Công nhân trong các công ty xí nghiệp còn đỡ, còn các chị làm cho những cơ sở tư nhân bên ngoài thì bất kể thời gian. Phụng 30 tuổi quê từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn may cho một cơ sở tư nhân ở Gò Vấp cho biết: Em vô đây đã hơn một năm rồi nhưng chưa biết đến bến Nhà Rồng ở chỗ nào. Mỗi ngày làm việc từ 7 giờ đến 22 giờ đêm, ngày chủ nhật cũng làm luôn, ăn ngủ tại chỗ, chỉ có đau ốm mới được nghỉ. Cứ như thế quanh năm suốt tháng đến Tết về quê mấy hôm lại trở vô.
Làm việc như vậy, các cô không còn thời gian để vui chơi, giải trí, càng không có cơ hội gặp gỡ bạn khác giới. Cô Phụng cho biết thêm: Những ngày Tết ở quê, tụi em có cơ hội gặp gỡ bạn bè nhiều nhất, nhưng những ngày giáp Tết, hàng nhiều làm bất kể ngày đêm, đứa nào cũng gầy tóp đi nên... Cô hái bỏ lửng câu nói, mét mặt buồn tênh. Hầu hết công nhân những ngành nghề này là dân ở các tỉnh nên các cô cố gắng làm thật nhiều để kiếm chút đỉnh tiền gửi về quê. Thời gian trôi đi, đến khi ngoảnh lại thấy thời con gái mình đã qua mới giật mình.
Bạn,
Báo Thanh Niên ghi lại trường hợp tại công ty May Sài Gòn 3, ban đại diện công nhân ở đây đã đưa một giải pháp để giúp nữ công nhân có điều kiện tiếp xúc với nam giới: Trong công ty có 1,993 nữ thì có đến 1,406 chưa lập gia đình, mặc dù đa số đã cập kề tuổi 30. Công đoàn đã kết hợp với nhà Văn hóa Lao động tổ chức giao lưu với các công ty xí nghiệp có đông nam công nhân, hy vọng qua đó các nữ công nhân sẽ có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Ngoài ra khi có ai lập gia đình, công ty sẽ có sự hỗ trợ một phần vật chất. Mặc dù công ty trên đã tìm ra giải pháp như thế, nhưng số nữ công nhân tìm được cho mình một mái ấm gia đình cũng rất ít, và cứ thế, ngày tháng qua đi, họ vẫn cứ đợi chờ.
Cũng theo báo Thanh Niên, trong thực tế, lương của công nhân ngành dệt may khá thấp, bình quân 700 ngàn đồng mỗi tháng, muốn có thu nhập thêm để giúp gia đình, họ phải làm tăng ca, nên những công nhân này không còn thời gian “tìm bạn bốn phương.”