Đội Tuần Dương Phi (Philipine Coast Guard: PCG) đổ lỗi cho sự thiếu hợp tác và liên hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kỹ nghệ sản xuất gạo.
Luis Tuazon, Chỉ huy trưởng của PCG, hôm thứ Bảy đã tuyên bố là mặc dầu PCG đã cố gắng hết sức nhưng chính Cơ quan Điều hành Thực Phẩm Quốc gia (National Food Authority : NFA) đã cản trở và gây khó khăn cho họ trong việc thi hành nhiệm vụ.
Tuazon cho biết chỉ có một cách giúp PCG kiểm soát được số lượng gạo mà NFA đã cho phép nhập cảng là PCG phải được cung cấp bản sắc lệnh chấp thuận được ký bởi Tổng thống Phi hằng năm.
"Năm ngoái, chúng tôi chỉ nhận được bản sắc lệnh chấp thuận cho đệ tứ tam cá nguyệt, trong khi tất cả gạo nhập cảng đã cập bến rồi", Tuazon nói thế.
Năm nay, ông cho biết là PCG chưa nhận được một sắc lệnh nào ký bởi Tổng thống Arroyo.
"Sự thiếu hợp tác và liên hệ giữa PCG, NFA và Hải quan Phi đã làm cho bọn buôn lậu gạo có thể dễ dàng hoạt động," Tuazon đã nói vậy.
Quốc hội Phi đã kêu gọi các viên chức có thẩm quyền trong kỹ nghệ gạo và các viên chức khác có liên hệ đến những luật lệ trong lãnh vực nhập cảng gạo mở cuộc điều tra về nạn buôn lậu gạo mà phần đông là do người Trung Hoa hoặc người Phi gốc Trung Hoa tổ chức.
"Mặc dù với sự yêu cầu của Quốc hội, chẳng có một hành động nào đáng kể của các cơ quan hữu trách để ngăn chận việc buôn lậu gạo và cơ quan NFA vẫn duy trì lối làm việc nửa vời của họ trong việc nhập cảng gạo", Tuazon nói.
Điều tốt nhất họ có thể làm là doạ sẽ thuyên chuyển tất cả các viên chức trong NFA để tránh tình trạng "bồ bịch" với giới nhập cảng gạo, nhiều người trong giới này cũng có dính líu đến việc buôn lậu.
Nhưng chưa có gì xảy ra cả với lời đe doạ trên.
Phần lớn gạo được buôn lậu từ Thái Lan và Việt Nam, hai quốc gia trong thập niên 70 được coi như theo sau Phi trong lãnh vực sản xuất gạo.
Tuazon nói rằng trừ khi NFA thay đổi đường lối làm việc của họ, "nạn buôn lậu gạo sẽ còn tiếp diễn". Ông cũng nói thêm rằng chính các viên chức có thẩm quyền của NFA đã vi phạm luật lệ của họ, cho phép những người Trung Hoa nhập cảng lậu gạo từ Việt Nam hoặc Thái Lan.
Chẳng hạn như NFA cho phép các thương thuyền chỉ cần mang theo bản sao của giấy phép nhập cảng thay vì bản chính. "Điều này khiến nhân viên quan thuế không thể nào đánh dấu là giấy phép đã được xử dụng rồi. ", ông nói "vì thế, họ có thể dùng giấy phép nhiều lần mà chúng tôi không thể nào biết được cái nào là hợp lệ, cái nào bất hợp lệ".
NFA còn cho phép các thương thuyền xử dụng giấy phép đã hết hạn mà không cấp giấy phép mới cho họ. "Điều này khiến chúng tôi không thể phân biệt được chuyến hàng nào hợp lệ, chuyến hàng nào bất hợp lệ", ông nói.
Thêm vào đó, Tuazon cho biết giấy phép cấp cho các nhà nhập cảng quá bao quát và không rõ ràng.
Ông kêu gọi các viên chức của NFA và những nhà làm luật phải sửa đổi, thắt chặt hệ thống nhập cảng gạo và triệt để thi hành những luật lệ đã sẵn có.
"Tôi chỉ mong họ giúp chúng tôi chống lại nạn buôn lậu gạo để giúp các nông gia của chúng tôi", ông nói. Antonio Abad, viên chức lãnh đạo của NFA, trong tuần trước đã phủ nhận những lời cáo buộc của Tuazon.