Sáng ngày 8 tháng 1 năm 2003. Trong sân trường Tiểu học James Monroe đã diễn ra một hình ảnh làm ngạc nhiên nhiều người.
Tất cả thầy cô giáo và hàng mấy chục em học sinh đã đến trường trong trang phục áo dài, áo bà ba theo phong cách rất Việt Nam để tham dự một chương trình văn nghệ tất niên, mừng tết Nguyên Đán sắp tới.
Nhìn những cô giáo, thầy giáo súng sính trong bộ áo dài được may cắt rất khéo léo khiến chúng tôi cũng ngạc nhiên. Vì ngôi trường này có hơn 500 học sinh nhưng chỉ có một cô giáo duy nhất là người Việt Nam và khoảng 5 nhân viên gốc Việt.
Cô Nguyễn Hằng Nga giáo viên duy nhất gốc Việt đang dạy lớp ba cho biết:
“Chúng tôi rất muốn làm nhiều chương trình để phô diễn nét đẹp văn hóa Việt Nam. Nhưng phụ huynh Việt mình rất ít chịu tham gia, hỗ trợ. Trong khi cộâng đồng Mễ Tây Cơ và Đại Hàn thì họ lại rất sẵn sàng mỗi khi trường yêu cầu. Năm nay nhờ có em Nikky Vũ là sinh viên Fulton xuống giúp mới dám đứng ra cổ động các giáo viên tham dự như anh đã thấy.”
Bà Hiệu Trưởng Katie Barrett có dáng người ốm cao thật là thích hợp trong chiếc áo dài màu hồng sen có thêu hoa mai với thư pháp Việt Nam màu đen vàng cho biết:
“Chúng tôi biết và rất thích chiếc áo dài mà cô giáo Nga giới thiệu. Tôi muốn hàng năm đều có một ngày như thế này để các em nhất là học sinh gốc Việt biết về văn hóa gốc của mình. Tôi ước mong các phụ huynh có con em đang học tại trường James Monroe sẽ tích cực hơn vào năm tới. Các mạnh thường quân trong cộng đồng Việt Nam cũng sẽ tham dự với chúng tôi.”
Trong chương trình văn nghệ có múa lân, Trình diễn thời trang áo dài các vũ điệu mang tính dân tộc và xử dụng nhạc nền có lời Việt. Chương trình này phần lớn là do câu lạc bộ Việt Nam của trường Trung học Los Amigos phụ trách. Trường James Monroe chỉ có tíết mục trình diễn áo bà ba, múa nón do cô giáo Nguyễn Hằng Nga và cô sinh viên Katie Loan tập dượt. Tuy nhiên điểm quan trọng như đã nói trên tất cả thầy cô giáo của trường tiểu học này và mấy chục học sinh đều mặc áo dài rất sặc sỡ.
Cô giáo Nga nói: Nếu được sự giúp đỡ của phụ huynh chúng tôi sẽ tập nhiều tiết mục hơn. Cho các em mặc áo quần đẹp hơn nhất là áo dài.
Hiện nay chíếc áo dài Việt Nam được xử dụng nhiều trên các sân khấu ca nhạc, trình diễn thời trang. Nhưng chính những việc làm tuy nhỏ của cô giáo Nguyễn Hằng Nga mới là yếu tố quan trọng để duy trì nét đẹp Việt Nam. Các em gốc Việt ngay từ thời tiểu học đã được bồi dưỡng lòng yêu mến những nét chấm phá yêu kiều của dân tộc sẽ làm cho các em nhớ mãi. Thực phẩm, thời trang tuy không chiếm vị trí hàng đầu trong văn hóa một dân tộc nhưng nó lại có sức quyến rũ khiến chúng ta chú ý.
Hy vọng việc làm của cô giáo Nga sẽ được nhân rộng khắp nơi. Nhất là những trường trung tiểu học có con em gốc Việt và thầy cô gốc Việt.