Chuyện kể trong lá thư này xảy ra tại 1 xóm nghèo ven kênh Tàu Hủ thuộc quận 8 thành phố SG. Cư dân ở xóm này đang sống yên lành, thì bất ngờ nhận quyết định giải tỏa. Người lớn thấp thỏm chờ đợi cái ngày chính thức "cuốn gói ra đi" còn trẻ em nơm nớp lo sợ, một nỗi sợ cố hữu của người nghèo, nỗi lo thất học. Tại xóm này, có 1 lớp học "tình thương" do một số sinh viên tự nguyện tổ chức. Thế nhưng lớp học này đang bên bờ giải tỏa. Báo Thanh Niên ghi nhận tình cảnh của cư dân và trẻ em xóm nghèo này qua đoạn ký sự như sau.
Từ ngã ba cầu chữ Y, rẽ phải đến đoạn cuối đường Lê Quang Kim, Quận 8, TP.SG thấy chừng chục cái bè lụp xụp ven kênh Tàu Hủ đen ngòm. Đó là xóm Ba Ghe. Một cô tên Mai là người dân ở đây cho biết: "Mười mấy năm trước tụi tui sống ở dưới ghe không à. Nhưng ghe cứ chìm suốt. Tối đến, ngủ đâu có được yên. Cứ ghe chìm là phải thức dậy vơ lũ nhỏ bỏ lên bờ. Cực lắm!". Tính đến nay họ an cư trên cạn cũng được gần bốn năm. Người già, người lớn, trẻ em rồi cơ man nào là đồ đạc chen chúc nhau trong cái ổ chuột nhỏ xíu. Nhà cửa lỏng lẻo, gặp phải một cơn bão nhẹ thì thể nào cũng tốc mái, sập vách và chẳng mấy chốc đổ thành đống củi vụn như chơi. Chông chênh, liêu xiêu không kém ở trên ghe, vậy mà ròng rã mấy năm trời, nó đã che mưa, che nắng, che cả cuộc đời của người dân nghèo nơi đây.
Trẻ con xóm này đứa nào cũng vậy, học hành bữa đực bữa cái. Học "tài tử" như vậy thành ra lên 10 tuổi bé Văn mới học lớp hai, còn Đào (16 tuổi) mà cộng trừ nhân chia chưa rành, bảng chữ cái còn quên lên quên xuống. Chuyên gia... đi học trễ là nhóc Bình "đẹt", vì tới xẩm tối mới đi bán vé số về. Mười tuổi đầu mà ốm nhom ốm nhách như trẻ lên năm. Cái đầu nó cháy khét vì nắng và bụi đường. Lại gội đầu bằng nước rửa chén, xả nước kênh nên tóc nó khô rang, dựng đứng. Đứa nào cũng sở hữu một làn da bánh mật tựa màu nước dòng kênh sau nhà. Được cái đôi mắt bọn trẻ sáng, sáng lạ lùng. Lớp học chính là cái bè bập bênh, xiêu vẹo của nhà chị em bé Văn, bé Linh. Không phấn trắng bảng đen, chỉ có chiếc ghế nhựa thấp lè tè kê tạm thay bàn. Vậy mà lũ nhỏ học hành nghiêm túc, chăm chỉ như là một lớp học thực thụ trong trường. Đứng lớp là những tình nguyện viên hầu hết còn là sinh viên. Lớp học bắt đầu lúc 6 giờ 30 nhưng từ 5 giờ lũ trẻ con không đi bán vé số đã kéo chiếc chõng cũ kỹ ra ngồi ngóng thầy cô.
Bạn,
Cũng theo báo Thanh Niên, cứ tối đến khi lớp học lên đèn, người lớn lại tụ tập ra ngoài hiên nhìn vào với ánh mắt ngập ngời niềm hạnh phúc. Thế mà cái hy vọng mong manh có được con chữ của xóm ghe nghèo sắp sửa tan tành. Lớp học tình thương đứng trên bờ giải tỏa. Mấy bữa rày, ba mẹ lũ nhỏ lần mò vào các khu lao động nghèo, kiếm một khu trọ rẻ tiền để bà con láng giềng được ở gần nhau. Họ muốn con mình có cái chữ để đời chúng không phải cù bơ cù bất như cha mẹ chúng. Ước mong giản dị thế mà sao thật khó.