NTH: Kính thưa Cha, trước hết, xin Cha cho biết tóm tắt tiểu sử cuộc đời của Cha"
Lm NHL: Tôi sinh ngày 9 tháng 11 năm 1943 trong một gia đình nông dân tại một vùng quê trong tỉnh Vĩnh Long, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi học xong ban Tú tài vào năm 20 tuổi, tôi chọn con đường làm Linh mục và đã theo học 7 năm trong Đại Chủng Viện Thánh Giuse tại Sàigòn. Tôi thụ phong Linh mục năm 27 tuổi và phục vụ tại 3 giáo xứ trong giáo phận Vĩnh Long được 5 năm thì miền Nam vào tay cộng sản. Đầu năm 1976 tôi bị cộng sản bắt và đi tù cho tới cuối năm 1988 được thả ra. Ba tháng sau khi ra tù, tôi vượt biên qua Thái lan. Năm 1990, tôi được Giám mục Denis Browne của Giáo Phận Auckland, New Zealand mời qua phục vụ trong Giáo phận Auckland. Vào tháng 2 năm 2004 này, tôi được bổ nhiệm làm cha xứ một giáo xứ người Tân Tây Lan, đồng thời phụ trách Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại New Zealand.
NTH: Kính thưa Cha, điều gì đã thôi thúc khiến Cha bỏ ra 10 năm trời để viết tác phẩm Tôi Phải Sống"
Lm NHL: Trước tiên tôi phải nói ngay, vì yêu thương và gắn bó với Dân Tộc Việt Nam của chúng ta mà tôi viết tác phẩm này. Đó là nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn mà độc giả có thể nhận thấy bàng bạc nhiều nơi trong tập Bút Ký Tôi Phải Sống (TPS). Nhưng cụ thể hơn, tôi có thể nói tới 3 nguyên nhân gần đã thúc đẩy tôi viết tập bút ký dày gần 700 trang mà tôi đã dành ra đúng 10 năm, viết đi viết lại nhiều lần, và vừa hoàn thành trong mùa hè năm 2003.
Nguyên nhân 1: Tôi muốn ghi lại cái nhìn của tôi về tình cảnh quê hương và Dân Tộc Việt Nam từ ngày tôi có trí khôn cho tới lúc này, cùng với tâm tình và suy tư của tôi qua các giai đoạn của lịch sử Dân Tộc. Tôi đã ý thức rất sớm rằng Dân Tộc Việt Nam của chúng ta là một dân tộc bất hạnh về nhiều phương diện. Độc giả có thể cảm thông được với tôi trong chương đầu của cuốn sách có tất cả 11 chương này.
Nguyên nhân thứ 2: Trong những năm tù tội kéo dài, có lúc tôi bị cùm chân 3 năm trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm tại miền Bắc. Trong hoàn cảnh đó tôi đã thực sự chia sẻ đến tột cùng nỗi khổ đau của Dân Tộc Việt Nam dưới chế độ lao tù dã man của cộng sản. Tôi đã trải qua cảnh đói khát, trần truồng, chết ngạt vì buồng giam không có cửa sổ và lại bị cùm chân suốt 3 năm trời. Một ngày kia tôi lớn tiếng kêu xin cán bộ cho áo quần mặc vì “Tôi là con người chứ không phải là con thú mà sống trần truồng. Nếu tôi chết trong nhà tù này thì thôi, còn nếu sống sót tôi phải tìm cách nói cho thế giới biết sự đối xử dã man của chế độc CSVN đối với tù chính trị”.
Nguyên nhân thứ 3: Và đây là nguyên nhân mãnh liệt nhất thúc đẩy tôi phải viết bút ký TPS để muốn nói với tất cả đồng bào Việt Nam, nhất là với thế hệ trẻ rằng: “Đừng ngồi đó để ngâm nga lịch sử nhưng hãy dùng lịch sử như ngọn đèn soi sáng cho con đường Dân Tộc ta phải đi.”, và “Hãy để cho bóng tối đi qua và cùng nhau hướng về nguồn ánh sáng của Bình Minh Dân tộc.” Những tư tưởng này được thể hiện rõ nét trong hình bìa tập Bút Ký TPS.
NTH: Xin Cha có thể tóm tắt một cách ngắn gọn nội dung tác phẩm Tôi Phải Sống"
Lm NHL: Tôi có thể so sánh Bút ký TPS như một chiếc xe chở du khách đi thăm một nhà máy, một cơ xưởng kỹ nghệ hoặc một khu giải trí như Disneyland chẳng hạn. Chiếc xe TPS này đang chở tôi và một số đông người đang chạy thật chậm qua suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam trong vòng nửa thế kỷ qua. Mời bạn đọc lên xe cùng với tôi để có thể thấy được những gì mà đôi lúc chúng ta không tin được vào đôi mắt của mình. Tôi không thể diễn tả bằng một vài câu nói ngắn gọn, nhưng muốn dành cho độc giả sự cảm nhận tột cùng khi cầm cuốn Bút ký TPS trên tay.
Nhưng có cái khác nhau thật quyết liệt là những chiếc xe chở du khách sau khi đi một vòng sẽ quay về địa điểm xuất phát, riêng “chiếc xe TPS” sẽ không quay trở lại điểm khởi hành mà sẽ tiến thẳng mãi tương lai, hướng về nguồn ánh sáng của Bình minh Dân tộc. Và đây mới là điều đáng nói.
NTH: Trong bài viết, “Đọc Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ”, tác giả Trần Bình Nam (Hoa Kỳ) đã nhận xét, “Ở hải ngoại không thiếu hồi ký về tù đày. Nhưng thiếu một cuốn hồi ký mà ngoài đói khát và khổ nhục trong nhà tù người ta tìm thấy những suy tư nặng trĩu về đất nước và dân tộc. Cuốn Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là cuốn sách đó.” Thưa Cha, như vậy qua cuốn Tôi Phải Sống, Cha muốn gửi gắm tới độc giả những suy tư gì về đất nước và dân tộc"
Lm NHL: Ông Trần Bình Nam là nhà bình luận mà tôi hằng kính trọng, ông đã chia sẻ với tôi những gì tôi muốn nhắn gửi vào những trang giấy của TPS. Thật vậy, nếu độc giả nào chỉ muốn đọc thoáng qua cho biết câu chuyện, hoặc chỉ đọc “những đoạn gay cấn, hồi hộp” thì tôi thành thật khuyên không nên đọc bút ký TPS sẽ phí thì giờ (và dĩ nhiên là phí tiền!). Điều chắc chắn là tôi không để tâm trí, thì giờ và công sức trong 10 năm trời để viết các chuyện như vậy. TPS không phải là một “Hồi Ký” để ghi nhớ lại các sự kiện, nhưng TPS là một “Bút Ký” đã biến các sự kiện như là cái cớ cho những suy tư đàng sau các sự kiện đó.
Nhà văn Trần Trung Đạo, trong bài giới thiệu tác phẩm TPS dịp ra mắt sách tại Boston vào ngày 1 tháng 11 vừa qua, đã viết: “Cuộc đời trầm luân thống khổ của Linh mục Nguyễn hữu Lễ từ trước cổng trời cho đến tầng cuối của địa ngục nhân gian, nói cho cùng, không phải là lý do của tác phẩm nhưng nó chỉ là cái cớ cho cuộc hành trình chữ nghĩa của ông mà thôi. Ông đã dùng khổ đau của mình để gióng lên tiếng kêu trầm thống của dân tộc Việt Nam.” Lời nhận xét đó của nhà văn Phật tử Trần Trung Đạo đã một phần nào nói thay cho tôi về chủ ý khi viết bút ký TPS.
Để trả lời câu hỏi của anh, tôi xin mượn lời của Linh mục Trần Cao Tường tại New Orleans. Linh mục Trần Cao Tường được coi là nhà tư tưởng sâu sắc trong số các Linh mục Việt Nam hải ngoại đã có nhận xét về TPS trong bài viết “Thời điểm Linh mục Nguyễn Hữu Lễ: Tôi Phải Sống” như sau: “Từ lâu tôi vẫn nghĩ, thế nào rồi từ những đày đọa cùng tột, từ những xâu xé tương tàn phi lý ghi đậm một vết nhơ nhất của lịch sử dân tộc mình, cũng sẽ nẩy sinh ra những tác phẩm lớn, có sức bật sáng và đánh thức, mở cửa thay chuyển cả một hướng đi, và hồi sinh như bông hoa hướng dương mọc lên từ nấm mồ thối tha đen kịt.”
Chỗ khác Lm Trần Cao Tường viết: “Phải đọc tới cuối chuyện người ta mới thấy được khá rõ điều tác giả muốn nói trong suốt những bước ngoặt ngoèo tại sao “Tôi phải Sống”. Toàn tập Bút Ký rất có giá trị này không những chỉ nhằm nói lên cõi ác tối tăm đen thăm thẳm trong những năm tù đày của mình và của biết bao người như nhiều người đã nói, mặc dù rất khủng khiếp, nhưng chính là để cho thấy sự vượt thắng của cái Thiện, của Nhân Ái, của Thứ Tha, của Tình Thương của Đấng vẫn dẫn đầu hướng đi lịch sử của đời mình và của cả dân tộc. Chính chất Nhân Ái này mới có đủ nhựa sống làm hồi sinh những bông hoa hướng dương kia, mà mới là chất keo gắn liền tình dân tộc, mở ra viễn kiến chung cho dân tộc.”
Cha Tường kết luận: “Như thế, “Tôi Phải Sống” không phải là tập Bút Ký mang màu sắc chính trị nào cả, nhưng là một lời chứng hùng hồn về sức mạnh của Tình Thương thắng được bạo tàn, mở ra một viễn kiến về một bình minh dân tộc, vượt lên trên được mọi xung khắc để góp phần khai triển bộ Kinh Tin dân tộc. Và cũng chính vì thế mà nhiều người đang nhìn thấy “Tôi Phải Sống” quả là một thời điểm, một tác phẩm lớn, mang tính lương tri nhân bản lấy lại phẩm giá cho chủng loại người, và góp phần thổi sinh khí cho một Việt Nam phục sinh trong một viễn kiến chung. Với sức hút nổi bật như thế, chẳng lạ gì, “Tôi phải Sống” đã trở thành một hiện tượng lạ với số sách bán chạy nhất trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa tới nay trong nước cũng như ngoài nước. Vì “Tôi phải Sống” không phải chỉ được viết bằng óc, bằng tim, mà bằng máu, bằng chính mạng sống. Và nhất là bằng chính con đường tìm ra lẽ sống.”
NTH: Đọc cuốn hồi ký, thấy được cuộc đời chìm nổi của Cha, nhất là giai đoạn 13 năm Cha bị tù đầy trong chế độ CS, nhiều người phải thừa nhận, cuộc đời của Cha là một chuỗi liên tục những phép lạ. Phải chăng những phép lạ đó dễ đến với một người có Đức Tin hơn là với một người không có Đức Tin"
Lm NHL: Nhớ lại quãng đời lăn lộn chìm nổi trong ngục tù, ngoài tất cả những gì mà người đời thường nói là “số phận an bài”, tôi còn xác tín là có những “phép lạ” hiểu theo nghĩa nhẹ nhàng nhất. Dĩ nhiên vì là con người có niềm tin tôn giáo và tôi luôn sống bám vào niềm tin đó và tôi thực sự nhận biết rằng, chính nhờ niềm tin đó mà tôi còn tồn tại cho tới ngày hôm nay. Nhà sử học Nguyễn Đức Cung, là người bạn tù trong trại Nam Hà với tôi trước kia, khi nhận xét về Bút Ký TPS trong ngày ra mắt sách tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, có nhận xét như sau: “Trước hết, tôi cho rằng Bút ký Tôi Phải Sống được xây dựng trên một nền tảng vững chắc là đức tin Ki-tô Giáo mà tác giả ngay từ thời ấu thơ đã hấp thụ được từ một nền giáo dục gia đình Công Giáo. Tôi đã cẩn thận đọc và thấy trong suốt tập Bút ký Tôi Phải Sống đã có trên 30 chỗ nhắc đến việc cầu nguyện, từng trường hợp có một ý nghĩa khác nhau.”
Để kết luận, nhà sử học Nguyễn Đức Cung viết: “Tuy nhiên, Bút ký Tôi Phải Sống không kết thúc ở việc đòi hỏi công lý cho những người bị thua thiệt mà tầm vóc tác phẩm đã được vươn lên vị trí cao hơn khi tác giả kêu gọi sự tha thứ và tình thương nơi con người: ‘Không bao giờ oán trách con người, không bao giờ thù hận con người, không bao giờ tiêu diệt con người, nhưng bằng mọi giá phải loại bỏ bất cứ chế độ xấu xa nào đã khuyến khích và dung dưỡng sự hận thù giữa người với người, và thay vào đó một xã hội lành mạnh để con người được phát triển phần LƯƠNG THIỆN của mình.’”
NTH: Thưa Cha, Cha là vị Linh mục nổi tiếng với câu nói: “Trước khi làm Linh Mục, tôi là một người Việt Nam”. Và kể từ khi được thụ phong Linh Mục vào ngày 29 tháng 4 năm 1970 cho đến nay, trải qua thời gian ngót 34 năm, ai cũng thấy, Cha càng sống đúng với thiên chức của một vị Linh Mục bao nhiêu, Cha càng xứng đáng là một người Việt Nam yêu nước cao qúy bấy nhiêu. Như vậy, thưa Cha, thiên chức của một linh mục và trách nhiệm cao qúy của một người VN yêu nước, đâu có gì mâu thuẫn"
Lm NHL: Tôi xin đặt ngược lại câu hỏi này của anh: “Tại sao khi làm linh mục, tôi không thể là một người Việt nam yêu nước"” Trong hơn 10 năm qua, tôi đã theo đuổi mục tiêu tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ cho dân tộc Việt nam và tôi đã gặp nhiều người cũng đặt câu hỏi này. Tôi đã trả lời một cách công khai và dứt khoát là tôi không thấy có gì gọi là “mâu thuẫn” trong việc một linh mục Việt Nam quan tâm và chia sẻ sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng đã là linh mục thì chỉ biết việc nhà thờ và bỏ mặc cho số phận dân tộc mình muốn ra sao thì ra! Tôi không nghĩ rằng một linh mục là phải sống bên lề cuộc tranh đấu chung của dân tộc trong việc đòi hỏi quyền làm con người của dân tộc mình đang bị những thế lực đen tối cướp đoạt. Dĩ nhiên có những phạm vi hoạt động không phù hợp với cương vị linh mục như hoạt động trong các đảng phái chính trị, nắm giữ các chức vụ dân cử hoặc các chức vụ trong chính quyền. Các vai trò đó không phù hợp với linh mục, nhưng việc nhận biết và lên tiếng tố cáo sự bất công xã hội và hỗ trợ cho những phong trào tranh đấu đòi hỏi công bằng xã hội là việc mà tôi nghĩ là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Và dĩ nhiên là việc làm của tôi.
Nếu hiểu việc tranh đấu cho công bằng xã hội vì hạnh phúc của dân tộc là một hành động chính trị thì tôi rất hãnh diện tự nhận mình là một linh mục làm chính trị trong phạm vi này. Tôi vẫn quan niệm rằng Thiên Chúa đã ban cho tôi chức vụ linh mục, hoàn cảnh đã cho tôi có dịp chia sẻ sự đau thương tột cùng của dân tộc và hiện nay tôi có điều kiện thuận tiện để bày tỏ cảm nghĩ và hành động của mình để đóng góp vào cuộc tranh đấu chung của dân tộc Việt Nam. Nếu tôi giữ thái độ im lặng và quay lưng lại số phận dân tộc, tôi sẽ là một người hèn nhát, kẻ đáng bị nguyền rủa và là kẻ có tội với Thiên Chúa và Dân Tộc của tôi.
NTH: Kính thưa Cha, đọc cuốn hồi ký của Cha, có thể nói, vượt lên trên những kinh hoàng về đói khát, tra tấn... mà người tù cải tạo phải chịu đựng qua sự hành hạ của người CS, người đọc còn thấy được sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam khi chính những người dân VN hiền lành, chất phác, thậm chí còn ngây thơ, cũng bị CSVN đầu độc tuyên truyền, trở thành công cụ của chế độ. Thí dụ như khi Cha mô tả đoàn xe chở tù cải tạo trong đó có Cha đi trên đường bị người dân miền Bắc ném đá và tiếng la hét của trẻ con: “ĐM chúng mày, lũ ngụy, lũ uống máu ăn gan người” (tr.262). Hay như khi Cha và một số tù cải tạo vượt ngục, trốn trong một bụi rậm bên dòng sông Mã bị một người đàn bà đánh cá trên sông chỉ điểm cho cán bộ võ trang CS bắt lại (tr.412)... Thưa Cha, trước những bi kịch đầy băng hoại và vô cùng nguy hiểm đó, đâu là lối thoát cho dân tộc VN"
Lm NHL: Trong tập Bút ký TPS, tôi không chủ ý kết án một cá nhân hoặc một chế độ nào. Tôi chỉ trình bày số phận đau thương của Dân Tộc Việt Nam trải qua nhiều chế độ và nhiều thế lực đen tối khác nhau. Dĩ nhiên tôi không phải là nhà phân tích chính trị, nên tôi không có thể so sánh chủ thuyết chính trị này với chủ thuyết khác, cái nào hay cái nào dở. Tôi chỉ lấy hậu quả các việc làm của một chế độ đối với dân tộc Việt Nam để nhận xét về chế độ đó. Tôi vẫn biết là không thể có chế độ nào được coi là hoàn hảo. Mỗi chế độ chính trị đều có cái bất toàn của nó. Nhưng loại chế độ tôi lên án nặng nề và coi đó là tội đồ của dân tộc là chế độc làm tan nát tình dân tộc khi khuyến khích sự chia rẽ và hận thù giữa người với người, đầu độc thế hệ trẻ trong sự hận thù như anh nhắc tới trong câu hỏi. Hơn nữa trong Bút ký TPS tôi có nói, suốt trong chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam cho tới nay tôi lên án nặng nề nhất chế độ đã biến ngày Tết là ngày Đại Phúc thiêng liêng của Dân Tộc thành ra ngày Đại Tang của Dân Tộc. Tội ác này đã xảy ra một lần vào Tết Mậu Thân 1968 trên quê hương chúng ta. Những kẻ chủ trương việc làm đó là kẻ tội đồ của Dân Tộc VN.
NTH: Kính thưa Cha, được biết trong thời gian 3 tháng qua, tác phẩm Tôi Phải Sống của Cha đã được qúy đồng hương tại Mỹ, Canada đón tiếp nồng nhiệt với trên 12 ngàn cuốn đến tay độc giả. Xin Cha cho biết, nguyên nhân nào khiến tác phẩm được đồng hương đón tiếp một cách đặc biệt như vậy"
Lm NHL: Lúc đầu tôi chỉ in 2 ngàn cuốn TPS, nhưng sau nửa tháng ra mắt sách tại California tôi phải in thêm và rồi phải in thêm tới con số 15 ngàn cuốn. Đã có 12 ngàn cuốn được trao tận tay đồng hương ở Mỹ và Canada trong vòng 3 tháng qua. Tôi hy vọng số còn lại sẽ đáp ứng được sự đón nhận của bà con tại Úc Châu và Âu Châu. Tôi có chương trình tới thăm quý đồng hương và giới thiệu Bút Ký Tôi Phải sống tại 4 thành phố Úc Châu: Sydney ngày 10 tháng Giêng, Melbourne ngày 11, Adelaide ngày 17 và Brisbane ngày 18. Riêng tại Âu Châu tôi sẽ ra mắt sách vào tháng 5-2004.
Theo tôi biết, có khá nhiều nguyên nhân khiến cho TPS được nồng nhiệt nhận. Có điều tôi không tiện nói, tôi nghĩ là dành cho các độc giả nói thay thì hay hơn. Dù sao tôi nghĩ rằng độc giả sẽ hiểu được sau khi đọc xong Bút ký TPS.
NTH: Thưa Cha, Cha có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ trong những dịp ra mắt sách tại Mỹ và Canada"
Lm NHL: Trong thời gian 2 tháng rưỡi (từ 14 September tới 7 December 2003) tôi đã bay qua 16 tiểu bang Hoa Kỳ và Canada để ra mắt sách tại 21 thành phố lớn có đông đồng bào Việt Nam. Điều tôi ghi nhận một cách vui mừng là tại 21 địa điểm đó, đồng hương đã tới tham dự đông nhất trong các dịp ra mắt sách tại địa phương từ trước tới nay, và hay hơn nữa là bà con ở nán lại tới giây phút cuối của chương trình. Dĩ nhiên là tôi có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những lần ra mắt sách đó. Tôi chỉ kể vài trường hợp điển hình. Trong lần ra mắt sách tại Nam California do Đài Phát Phát Thanh Little Saigon tổ chức, lần đó tôi đã ký 813 cuốn TPS và không còn một cuốn nào cho lần ra mắt sách tại San Jose tuần sau! Tôi vội vàng tìm, và may mắn là tìm được một nhà in chịu in cho vài ngàn cuốn sách trong vòng... 4 ngày, thay vì 1 tháng như thường lệ. Kỷ niệm vui đáng nhớ khác là tại New Orleans, bang Louisiana vào ngày 18 tháng 10, chính các linh mục trong vùng, đại diện bởi Linh mục Phạm Văn Tuệ, đứng ra tổ chức buổi ra mắt sách TPS trong các giáo xứ. Tại Orlando, Florida vào ngày 28 tháng 11, do Ông Phạm Ngọc Cửu là Hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất làm trưởng ban tổ chức. Tại Atlanta, bang Georgia vào ngày 30 tháng 11, do ông Nguyễn Tấn Đức, Hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo làm trưởng ban tổ chức.
Nói chuyện vui cũng phải nói chuyện buồn, tại Houston, bang Texas vào ngày 12 tháng 10, tôi đã nhờ người gửi tặng sách một linh mục dòng Đaminh, nghe nói còn khá trẻ, cai quản một cộng đồng Công Giáo Việt Nam lớn tại Houston. Sau đó tôi gọi điện thoại: “Thưa cha, con là cha Nguyễn Hữu Lễ, con sẽ tới Houston để ra mắt sách, xin cha giúp thông báo giùm với giáo dân.” Tôi nghe tiếng đáp: “Nhưng sách của cha là sách chính trị tôi không giúp được.” Tôi nói tiếp: “Thưa cha, nhưng cha đã đọc sách của con chưa"” Đầu dây bên kia có tiếng đáp: “Tôi chưa đọc!” Tôi hỏi: “Cha chưa đọc tại sao cha biết sách của con là sách chính trị.” Tôi không nghe tiếng trả lời nhưng nghe tiếng gác máy điện thoại khá mạnh! Tôi thở dài ngao ngán!
Kỷ niệm buồn vui lẫn lộn là trong lần ra mắt cuối cùng tại Oklahoma City do Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Oklahoma tổ chức vài ngày trước khi tôi trở về New Zealand. Sau khi tôi đã liên lạc xin phép cha xứ và mướn hội trường của giáo xứ, và 500 thư mời đã được gửi ra. Còn 6 ngày nữa ra mắt sách thì Hội Đồng Giáo Xứ nhập cuộc! Họ đặt vấn đề với Ban Tổ Chức (BTC), đây là việc chính trị và yêu cầu phải cho họ duyệt tất cả những bài phát biểu, cả những gì tôi sẽ nói. Nếu không họ sẽ đóng cửa hội trường mặc dù đã có sự đồng ý của cha xứ! Lúc đó BTC và tôi đau xót nghĩ thầm: “Mình đã trốn chạy một chế độ bất nhân, tước đoạt quyền tự do tư tưởng của con người để chạy qua đây, giờ lại gặp mấy ông Hội Đồng Giáo Xứ này thật là khổ thân. Biết chạy đâu bây giờ!"” Lúc BTC và tôi đang lâm vào thế bí như vậy thì may mắn có đôi vợ chồng trẻ người Phật Gíao, chủ nhà hàng Biên Hòa, sẵn sàng cho BTC sử dụng nhà hàng hàng một buổi tối với giá tượng trưng, nhờ đó chúng tôi không phải thất hứa với đồng bào tại Oklahoma City.
NTH: Phần cuối của tác phẩm Tôi Phải Sống, Cha có cho biết là tương lai, Cha sẽ xuất bản một cuốn sách kể về bước đường Cha đã trải qua trong cuộc đấu tranh giành tự do nhân quyền và tôn giáo cho VN. Xin Cha nói rõ hơn về ý định này"
Lm NHL : Trong 12 năm qua tôi đã đi lại rất nhiều lần và nhiều nơi trên thế giới để gặp gỡ đồng hương, làm việc với các tôn giáo bạn, vận động với các chính khách, các quốc hội và các cơ quan vận động cho Nhân Quyền trên thế giới. Tôi đã ghi lại những kinh nghiệm đó và những “buồn vui” tôi đã gặp, chẳng hạn như chuyện ra mắt sách các nơi tôi vừa nói bên trên. Tôi nghĩ rằng khi nào thuận tiện tôi sẽ cho in thành sách để giúp nhiều người hiểu và cảm thông được với tôi trong quãng thời gian đó. Dù vậy, sau khi Bút Ký Tôi Phải Sống ra đời và được nhiều người nhiệt tình đón nhận, tôi nghĩ là trong năm 2004 này tôi phải tập trung công sức lo hoàn thành ấn bản tiếng Anh của tập Bút ký Tôi Phải Sống mà chúng tôi còn đang làm việc dở dang.
NTH: Xin chân thành cảm ơn thì giờ quý báu của Cha, và xin kính chúc Cha tiếp tục thành công trong các buổi giới thiệu sách tại Úc Châu.
Tôi Phải Sống...
(Cảm tác Bút Ký "Tôi Phải Sống" của Lm Nguyễn Hữu Lễ)
Tôi phải sống, dù đất bằng nổi sóng
Sống lang thang lầm lũi với gian truân
Nhìn Giang San nghiêng ngả bởi cuồng nhân
Tôi phải sống, đốt lửa thiêng tranh đấu
Tôi phải sống, triệt tiêu loài thảo khấu
Chốn trần ai nào có nghĩa lý gì
Mong tâm hồn thanh thản lúc ra đi
Trong ánh sáng Tự Do trên Tổ Quốc
Tôi phải sống, để vo tròn nguyện ước
Trút thù nhà, nợ nước nhẹ đôi vai
Cho dân tôi thôi khắc khổ miệt mài
Nồi cơm trắng không còn trong giấc mộng
Tôi phải sống, triệu linh hồn trông ngóng
Ánh hào quang sáng rọi khắp Quê Hương
Việt Nam tôi, một diễm phúc thiên đường
Không ác qủy, không lũ người Cộng Sản
Tôi chỉ muốn, dòng đời đừng ly tán
Chuyện đôi bờ, cảnh tay đứt lòng đau
Nhìn về nhau đôi mắt lệ giăng sầu
Trong tức tưởi, nát tan từng mảnh ruột
Tôi phải sống, dù cõi lòng tê buốt
Sống miệt mài chia xẻ nỗi hờn đau
Cùng anh em ngụp lặn những cơ cầu
Gom ánh lửa, xóa tan mầu đêm tối
Tôi phải sống, bởi tơ vương nguồn cội
Yêu Sơn Hà, yêu hết cả tha nhân
Đánh cho tan lũ đạo tặc vô thần
Để được khóc, mừng Quê hương tri ngộ
Tôi phải sống để làm tròn ý Chúa
Đem tình người trải rộng đến tha nhân
Mang tin yêu giải thoát bể trầm luân
Đem ánh sáng Tự Do nuôi Hạnh Phúc
Tôi phải sống bên dòng đời vẩn đục
Mong thắp lên ngọn nến của yêu thương
Nén cơn đau xoa dịu nỗi oán hờn
Tìm chân lý trong tình yêu dân tộc
Tôi phải sống trong đòn thù hiểm độc
Sáng soi đời ý nghĩa của nhân sinh
Gieo tin yêu đến kẻ bất tri tình
Mong cảm hóa loài sói lang hoang dữ
Tôi phải sống làm chứng nhân lịch sử
Cho ngày nay và lưu lại ngàn sau
Việt Nam tôi cơn sóng gió bể dâu
Là chất liệu đắp xây tình nhân loại
Tôi phải sống không như loài cỏ dại
Bên vệ đường cúi rạp với sậy, lau
Sống hiên ngang chiến thắng những cơ cầu
Làm sáng tổ giống dòng dân Lạc Việt
Phạm thanh Phương
Thế Giới Trước Ngưỡng Cửa Năm 2004
Phỏng Vấn Đặc Biệt BS Trần Xuân Ninh - Một người hoạt động cho Tự do Dân chủ tại VN quen thuộc với Cộng đồng Hải ngoại
Lời giới thiệu của VNN: Nhân loại vừa trải qua một năm 2003 nhiều biến động. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ lâu nhưng tại sao súng vẫn tiếp tục nổ, máu vẫn tiếp tục đổ... nhiều khu vực trên thế giới vẫn còn tranh chấp và hăm dọa lẫn nhau bằng những vũ khí hiện đại" SARS là một loại vũ khí sinh hóa" Mỹ sẽ giúp CSVN chống Trung Quốc bành trướng".v.v... Thực chất của những biến động nầy như thế nào" Nhân dịp đầu năm mới 2004, hãng thông tấn VNN đã hân hạnh được Bác sĩ Trần Xuân Ninh dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Xin kính mời Quý vị theo dõi.
VNN: Kính chào Bác sĩ, chúng tôi rất vui mừng tái ngộ Bác sĩ trên diễn đàn này trong niềm hân hoan đón mừng năm mới 2004. Kính thưa Bác sĩ, nhiều người nhận định rằng trong năm 2003 vừa qua, có hai biến cố lớn, đó là dịch bịnh SARS và cuộc chiến tại Iraq. Xin Bác sĩ cho biết, SARS đã ảnh hưởng như thế nào đối với sức khoẻ và nền kinh tế thế giới trong năm qua"
Bác sĩ Trần Xuân Ninh (BS TXN): Bệnh SARS làm thiệt mạng một số người vì bộ máy hô hấp bị hư hại. Có thể nói bản chất đây là một loại cúm. Điều khác biệt là bị bệnh này, những người khoẻ mạnh, trẻ tuổi cũng có thể bị chết trong khi bệnh cúm thông thường chỉ làm chết những người già hay những người mà hệ thống miễn nhiễm bị hư hại. Bệnh SARS đã tạo chú ý vì hai yếu tố: một là phát lộ ra ở Hồng Kông vốn là thuộc địa Anh mà hệ thống y khoa phát triển cao, hai là làm một số người ngoại quốc thiệt mạng. Những tin tức về cách truyền bệnh này đã làm cho kỹ nghệ du lịch sang các nước Á Châu có bệnh SARS giảm sút đáng kể, và cũng làm cho các hàng ăn Á Châu bị sút giảm một thời gian. Tính bằng con số thực thì hậu quả lên kinh tế thế giới nói chung không to lớn lắm, nhưng cũng là thêm một yếu tố làm nền kinh tế thế giới èo uột năm qua khó khăn hơn.
VNN: Nhà tranh đấu cho dân chủ Trung Quốc Nguỵ Kinh Sinh (hiện lưu vong tại Mỹ), đã viết trong mục Ý kiến bạn đọc của tờ The International Herald Tribune là SARS xuất phát từ các cơ sở thí nghiệm vũ khí sinh hóa của quân đội Trung Quốc, khiến cho Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phải đích thân đến thanh sát các cơ sở trên để tìm biện pháp đối phó. Ông Richard Fisher thuộc cơ quan Jamestown Foundation ở Washington DC cũng có quan điểm tương tự với Nguỵ Kinh Sinh. Giáo sư Nikolai Filatov, Giám đốc Sở Nghiên cứu Bịnh Truyền nhiễm ở Moscow cũng đưa ra giả thuyết SARS là một loại vũ khí sinh hóa mà virus của SARS đã “sổng chuồng” phóng ra bên ngoài... Bác sĩ nhận định như thế nào về vấn đề nầy"
BS TXN: Những điều ông vừa kể chỉ hoặc là những giả thiết hay những ý kiến không có kiểm chứng. Ngay cho dù là siêu vi trùng bệnh SARS có thực sự là từ trong phòng thí nghiệm sinh hoá của quân đội TQ "sổng chuồng" ra ngoài thì đó chỉ là một điều có thể xẩy ra trong thời đại nghiên cứu khoa học ngày nay thôi. Người ta thổi to lên vì muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện của việc nghiên cứu võ khí sinh hoá của TQ, và tính chất cẩu thả của việc này đến độ gây nguy hiểm công cộng. Vì thế tôi mới nói rằng nó mang tính chính trị nhiều. Bởi lẽ TQ không phải là nước độc nhất nghiên cứu võ khí sinh hoá và hạt nhân.
VNN: Cảm ơn Bác sĩ. Riêng tại Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện phó Viện Vacine và Các Chế phẩm Sinh học tại Nha Trang đã tuyên bố rằng Viện của Ông đã chế ra được một loại thuốc ngừa SARS, đó là dung dịch nhỏ mũi được đặt tên là Superferon. Điều thắc mắc là lúc ấy chưa ai tìm ra được nguồn gốc gây SARS mà bằng cách nào Viện lại chế ra được thuốc ngừa SARS. Bác sĩ nghĩ sao về vấn đề nầy"
BS TXN: Tôi nghĩ rằng mình không nên quan tâm đến những tuyên bố của những viên chức nhà nước CSVN về mọi vấn đề, từ chính trị đến khoa học kỹ thuật. Tại vì đảng CSVN có truyền thống nói dối, nói đại, nói khoác về mọi việc, bất chấp sự thực. Không những trong quá khứ, mà ngay cả bây giờ.
VNN: Cho đến nay, chưa có thuốc chủng ngừa SARS, nhưng mùa đông năm đến, người ta lại đổ xô đi chủng ngừa bệnh cúm để phòng hờ SARS. Tin tức mới đây cho biết Bộ Y tế Nam Hàn và Nhật Bản đang lo ráo riết tìm mua cho đủ thuốc chủng ngừa bệnh cúm cho dân. Kính thưa Bác sĩ, Nam Hàn và Nhật Bản là hai nước tân tiến, tại sao lại gặp tình trạng thiếu hụt thuốc men như vậy"
BS TXN: Thông thường, việc chích ngừa cúm chỉ dành cho một số người: thứ nhất là những người già trên 65 tuổi là những người dễ chết vì biến chứng sưng phổi và suy hô hấp vì cúm; thứ hai là những người mà sức đề kháng miễn nhiễm bị yếu kém vì tật bệnh. Trong những năm mà có vẻ nhiều người bị cúm thì các hãng xưởng cũng có thể cho công nhân chích ngừa hay khuyến khích họ chích ngừa để tránh chuyện bị cúm nghỉ việc, trở ngại sản xuất. Năm nay, sau khi có bệnh SARS và có vẻ như bệnh cúm khởi đầu có nhiềungười bị mắc thì đã có quan tâm dặt vấn đề chích ngừa. Khi nhu cầu tăng lên thì thuốc thiếu là bình thường, vì thuốc chính ngừa không phải là thứ để lâu, năm này qua năm nọ, cho nên các hãng thuốc không sản xuất quá dư mà chỉ sản xuất một số lượng dự ước đủ dùng hàng năm.
VNN: Về cuộc chiến tại Iraq, người Mỹ đã chiến thắng hiển hách về mặt quân sự nhưng lại đang vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc quản trị và điều hành Iraq sau chiến tranh. Xin Bác sĩ cho biết tại sao lại xảy ra những sự kiện trái ngược như vậy"
BS TXN: Chiến thắng quân sự của Mỹ là điều tất nhiên, vì Mỹ là siêu cường số một, có võ khí tối tân nhất thế giới. Những khó khăn xẩy ra cho Mỹ khi chiếm đóng Iraq cũng là điều không lạ vì nhiều lý do. Thứ nhất là việc tấn công Iraq không được sự đồng ý của LHQ và đa số các nước trên thế giới. Quyết định đơn phương của Mỹ đánh một nước với lý do ngăn ngừa hiểm họa cho mình là một quyết định cậy mạnh, khó có thể chấp nhận, ngay cả đối với nhiều thành phần quần chúng Mỹ. Thứ hai, mối đe doạ của võ khí hạt nhân và sinh hoá có sức tàn phá tập thể của Iraq đã thực sự không tìm thấy. Thứ ba, cho tới nay, mối liên hệ giữa Iraq và tổ chức Al Qaeda mà Mỹ nêu ra cũng đã không thể có bằng cớ khẳng định. Thứ tư, lý do phụ thuộc mà nay trở thành lý do chính của việc Mỹ tấn công Iraq là để lật đổ chế độ độc tài bạo ngược Saddam Hussein có thể được nhiều người Iraq ủng hộ, nhưng những người chống Saddam không nhất thiết là những người chấp nhận Mỹ chiếm đóng Iraq. Thứ năm, quân Mỹ đã không thể bảo đảm cung cấp những tiện nghi tối thiểu như điện nước, nghĩa là đời sống khó khăn hơn trước, cho nên không thể tạo cảm tình nơi quần chúng nói chung, vì rõ ràng là đời sống tệ hơn. Thứ sáu, quân Mỹ có mặt tại Iraq không thể tránh khỏi những va chạm văn hóa, chưa kể là những hành động và phản ứng trong chiến tranh mà Mỹ, học của Do Thái đối phó với Palestine, có thể là những lý do làm gia tăng tâm lý chống Mỹ nơi quần chúng thầm lặng. Tóm lại, Mỹ đã không có yếu tố nhân tâm (heart and minds) trong cuộc chiến Iraq. Không có nhân tâm thì khó khăn ổn định là điều tất nhiên.
VNN: Mới đây, Washington đã phải cử cựu Ngoại Trưởng James A. Baker III sang Âu Châu để vận động một số cường quốc Âu Châu giảm nợ cho Iraq. Cho đến nay thì Pháp, Đức và Cộng Hòa Nga đã đồng ý giảm nợ cho Iraq để đổi lấy sự hợp tác đầu tư của họ trong việc tái thiết Iraq, điều mà trước đây Mỹ đã nhất quyết không cho. Có nhận định cho rằng điều nầy đã chứng tỏ Mỹ phải nhượng bộ quốc tế vì đang gặp khó khăn tại Iraq. Bác sĩ nhận định như thế nào về vấn đề nầy"
BS TXN: Trong chuyện này thì cả Mỹ lẫn Âu Châu đều phải có những nhượng bộ để một bên là Mỹ có được sự hợp tác cần thiết cho một hình ảnh thế giới chấp nhận thực tế Iraq, dù là rối ren ra sao. Bên kia là Âu Châu có được những điều kiện tối thiểu khai thác Iraq, bên cạnh Mỹ chiếm phần to hơn.
VNN: Ngay sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein và làm chủ Iraq, Mỹ đã thẳng tay “đuổi về vườn” tất cả đảng viên Đảng BAATH đang phục vụ trong mọi cơ quan, ngành, sở của Iraq trước đây. Hành động nầy của Mỹ đã đưa tới tình trạng thiếu người trầm trọng trong việc quản trị và điều hành đất nước Iraq thời hậu Saddam, trong đó, lãnh vực giáo dục bị khủng hoảng rất nặng. Nhân đây, xin Bác sĩ cho biết, qua bài học nầy của Iraq, chúng ta nghĩ sao về đất nước Việt Nam tương lai thời hậu Cộng sản" Chúng ta cần phải chuẩn bị những gì từ lúc nầy"
BS TXN: Tôi nghĩ rằng Mỹ ở thế không làm điều này không được. Nếu để những người này thì tức là hệ thống Saddam còn nguyên. Thứ nhất là những người Iraq lưu vong được Mỹ ủng hộ quá ít, quá yếu để thay thế, và họ đang làm việc trong "vòng rào xanh" được Mỹ bảo vệ. Thứ hai là Mỹ cũng không thể dùng ngay không chọn lựa những người Iraq theo Hồi giáo Shites và căm thù Saddam. Vì những người này tuy chống Saddam và chiếm đa số dân Iraq, nhưng họ cũng không ưa Mỹ, chưa kể là có thể nhiều người chống Mỹ. Bởi vì họ dư biết rằng họ đã bị Saddam trấn áp tàn khốc vì Saddam được Mỹ ủng hộ. Mỹ sẽ không can thiệp vào Việt Nam như can thiệp vào Iraq cho nên không thể so sánh hai hoàn cảnh được. Sự thay đổi chế độ tại Việt Nam nếu có sẽ chỉ là do người Việt Nam tiến hành. Vì thế, hoàn cảnh sẽ khác.
VNN: Cảm ơn Bác sĩ. Theo Bác sĩ nhận định, sau khi Mỹ bắt được Saddam Hussein, tình hình Iraq có thể khả quan hơn không" Tại sao"
BS TXN: Trước hết, việc bắt Saddam Hussein làm cho tình hình khá hơn nhiều hay ít là tuỳ theo vai trò mà Saddam đóng trong những hoat động chống Mỹ hiện đang diễn ra. Nếu Saddam nắm hết cả tiền bạc và thú nhận với Mỹ thì các hoạt động chống Mỹ của nhóm Saddam sẽ giảm nhiều, nếu không nói là chấm dứt. Nếu Saddam chỉ đóng vai trò tượng trưng cho chủ nghiã toàn Ả Rập chống Mỹ và Do Thái thì tình hình không cải thiện bao nhiêu, nhất là khi nguồn tiền tiếp vận không bị tắc (bởi vì tiền tiếp vận không hoàn toàn từ một nguồn là Saddam). Ngoài ra, những hoạt động chống Mỹ không chỉ do những tay chân của Saddam Hussein mà là do nhiều xu hướng khác nhau, cho nên tôi nghĩ rối ren Iraq còn kéo dài.
VNN: Bước sang bán đảo Triều Tiên, mới đây, trả lời phỏng vấn của Đông Á Nhật Báo tại Hán Thành, Ông Hoàng Trường Diệp, một nhân vật cao cấp của Đảng Lao Động Bắc Hàn, hiện đang tỵ nạn tại Nam Hàn, cho biết rằng việc các nước Mỹ, Nhật và Nam Hàn nhờ Trung Quốc làm trung gian trong việc giải quyết vấn đề chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là một điều sai lầm vì Trung Quốc luôn bênh vực Bắc Hàn. Bác sĩ nhận định như thế nào về vấn đề nầy"
BS TXN: TQ vốn ủng hộ Bắc Hàn trong quá khứ, đúng vậy. Nhưng tình hình ngày nay không phải là thời chiến tranh lạnh nữa. Khi TQ đã mở ra ngoài và buôn bán với Mỹ và các nước Tây phương một cách rất chặt chẽ và sự phồn thịnh của TQ tuỳ thuộc vào sự buôn bán này, thì không có lý do gì mà TQ bênh Bắc Hàn mạnh mẽ như trong quá khứ. Các nước Mỹ, Nhật và Nam Hàn nhờ TQ làm trung gian giải quyết vấn đề võ khí hạt nhân của Bắc Hàn là đúng. Bản chất của việc trung gian này là TQ sẽ làm áp lực lên Bắc Hàn và cho Bắc Hàn biết phải nhượng bộ đi. Những lời hung hăng của Kim Chính Nhật chỉ là nói ngoài miệng để giữ thể diện trước khi nhượng bộ thực sự.
VNN: Bắc Hàn liên tục gây khó khăn cho Hội Nghị 6 nước (Mỹ, Nga, Nam Hàn, Nhật, Trung Quốc và Bắc Hàn) nhằm chấm dứt chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn nhưng lại thường xuyên yêu cầu Mỹ ký với họ một Hiệp ước Bảo vệ An ninh cho Bắc Hàn. Theo Bác sĩ nhận định, Bình Nhưỡng có mục đích gì trong việc kêu gọi Mỹ ký với họ Hiệp ước nầy"
BS TXN: Cái tẩy duy nhất mà Bắc Hàn có là vài quả bom nguyên tử mà Bắc Hàn có thể làm liều phóng sang Nhật hay Đại Hàn. Tuy tầm vóc phá hoại của các bom này có thể rất nhỏ, nhưng sự tập trung cư dân và kỹ nghệ, thương mại vào những đô thị lớn ở những nước này sẽ tạo nên những thiệt hại to lớn. Sự dụt dè của các nước này chỉ là sự dụt dè trước một kẻ mà các cụ ta bảo là "sợ kẻ bần cùng khố dây". Nói khác đi thì sự đụng chạm là đụng chạm giữa chén sành và chén kiểu, cho nên các nước Nhật và Đại Hàn phải mềm mỏng. Những đòi hỏi cuả Bắc Hàn chỉ là dựa trên tình trạng như thế.
VNN: Cảm ơn Bác sĩ. Mới đây, Quốc Hội Đài Loan đã thông qua một đạo luật tán đồng một cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến Pháp của Đảo quốc nầy và Tổng Thống Đài Loan Trần Thuỷ Biển cũng đã mạnh mẽ hô hào cho sự sửa đổi đó. Bắc Kinh rất lo ngại Đài Loan đang có ý đồ đi tới độc lập. Bác sĩ nhận định như thế nào về sự kiện nầy"
BS TXN: Theo tôi, Đài Loan hiện có hai xu hướng: những nhà buôn đang có giao dịch buôn bán với TQ, và không coi chuyện sát nhập với TQ là nguy hiểm; và những nhà chính trị coi việc chấp nhận thực tế buôn bán nhưng lo ngại sự sát nhập sẽ làm Đài Loan trờ thành hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát chính trị của TQ. Trưng cầu dân ý là một cách để giữ cho Đài Loan ở nguyên trạng vì đa số dân Đài Loan có những khác biệt văn hoá và xã hội với TQ, nghiã là không muốn bị trở thành TQ.
VNN: Kính thưa Bác sĩ, hành động nầy của Đài Loan ảnh hưởng như thế nào đối với mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc"
BS TXN: Mỹ luôn luôn giữ một vị trí quân bình đứng giữa TQ và Đài Loan và cả hai đều là đối tác mậu dịch quan trọng của Mỹ. Nghĩa là giữ nguyên trạng và để cho sự việc diễn tiến từ từ. Nhưng nhìn cho kỹ thì TQ quan trọng hơn vì độ lớn và vì triển vọng gia tăng giao thương còn dài. Đài Loan mà có nói đến việc sửa đổi hiến pháp thì cũng chỉ là một biện pháp chính trị để ngăn ngừa xu hướng sát nhập vào TQ phát triển nhanh quá, do mối giao thương hiện nay khá tích cực giữa các thương nhân Đài Loan và TQ.
VNN: Có nhận định cho rằng Trung Quốc hiện đang trong tiến trình cố gắng hoàn tất sự bàn giao quyền lực từ thế hệ già Giang Trạch Dân sang thế hệ trẻ của những Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo nên họ cố tránh những biến động chính trị có nguy cơ phá hỏng tiến trình nầy. Do đó, Bắc Kinh đã phải nhượng bộ trước bước tiến của những phong trào Dân chủ tại Hồng Kông trong năm qua và nay tới phiên Đài Loan cũng lợi dụng thời cơ nầy tiến tới luôn. Bác sĩ nghĩ sao về nhận định nầy"
BS TXN: Những cách đối xử của Bắc Kinh với những phong trào Dân chủ Hồng Kông chỉ cho thấy rằng Bắc Kinh đã hiểu rõ trò chơi dân chủ trong một xã hội theo kinh tế tư bản là Hồng Kông. Bắc Kinh đã tương đối thành công trong chuyện biến thái từ cộng sản sang tư bản đỏ, có nghĩa là con cháu và tay chân những kẻ quyền thế đã trở thành tư bản hết rồi. Và sẽ chẳng có biến động gì trong hệ thống cai trị cộng sản đã biến thái này đâu. Nếu có thì chỉ là trong ước mộng của những người làm chính trị ngoài TQ mà thôi.
VNN: Tham vọng bành trướng của Trung Quốc là điều không còn gì phải nghi ngờ. Có nhận định cho rằng Việt Nam muốn thoát khỏi hiểm họa nầy của Trung Quốc thì nên liên kết đồng minh với Mỹ vì Mỹ cũng đang lo ngại tham vọng của Trung Quốc. Bác sĩ nghĩ sao về nhận định nầy"
BS TXN: Chuyện TQ bành trướng là một vấn đề lịch sử, nhưng tính khả thi và đe doạ của nó như thế nào thì thay đổi tùy hoàn cảnh. Cho tới thập niên 60, sự bành trướng TQ là một lo ngại ở Đông Nam Á, nhưng mà đó là trong khuôn khổ bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Khi TQ và Liên sô đối nghịch nhau thì sự bành trướng này là trong khuôn khổ cạnh tranh Liên sô - TQ. Cuộc chiến TQ - Việt Nam - Campuchia là một biểu hiện của tình hình này. CSVN theo Liên sô đánh Campuchia để tiêu diệt Khmer đỏ theo TQ, tức là CSVN thi hành nghĩa vụ quốc tế bành trướng đế quốc Liên sô. Thế giới Tây phương đã hợp tác với TQ chống sự bành trướng này và CSVN phải rút khỏi Campuchia. Campuchia ngày nay không còn trong vòng tay TQ, Liên sô hay Hà Nội mà là trong vòng tay các thế lực quốc tế đủ cỡ, đủ loại. Với sự sụp đổ của Liên sô, thế giới có một siêu cường là Mỹ với nhiều trung tâm quyền lực thấp hơn, mà qui luật cạnh tranh chủ yếu là kinh tế. Do đó, sự bành trướng nếu có của TQ sang Việt Nam là sự bành trướng và lũng đoạn kinh tế chứ không phải là vấn đề tiền đồn quân sự. Hiểu như thế, thì vấn đề không phải là liên kết với Mỹ hay Tây phương để làm tiền đồn chống TQ như thời chiến tranh lạnh.
VNN: Như vậy, Bác sĩ nhận định thế nào về chuyến đi Mỹ tháng 11 vừa qua của Bộ Trưởng Quốc phòng CSVN Tướng Phạm Văn Trà cùng với một số cởi mở về quân sự của Mỹ và CSVN"
BS TXN: Chuyến đi của PVT sang Mỹ và cách tiếp đón của Mỹ đối với PVT cũng như cách loan tin về chuyến đi này của Hà Nội, theo tôi, có một số ý nghĩa sau: 1. Mỹ tính gia tăng mậu dịch với Việt Nam trong lãnh vực quốc phòng, mà hiểu theo nghĩa là bán võ khí, chứ không phải là lập tiền đồn chốngTQ. 2. Mỹ không tôn trọng gì chính phủ CSVN, mà chỉ coi là một đối tác có thể "bẻ tay được", vì quả thật lãnh đạo CSVN hiện nay không có sức mạnh gì để nói chuyện với Mỹ (nghĩa là không có dân chúng hỗ trợ) ngoài việc đem tài nguyên và quyền lợi quốc gia ra trao đổi, vì đang nắm chính quyền. 3. Mối nguy TQ chỉ là một lý cớ chính trị ngoài mặt mà cả hai bên đều dùng. Hà Nội dùng để biện minh cho chuyện mua võ khí và quân dụng của Mỹ. Mỹ dùng để biện minh cho thái độ hợp tác với một chính quyền độc tài không được lòng dân chúng.
VNN: Nhìn về Trung Đông, theo Bác sĩ nhận định, điều cốt lõi nào đã khiến cho Do Thái và Palestine cho tới nay vẫn không thể chấm dứt được xung đột"
BS TXN: Có thể lấy mô tả của báo chí Âu Châu để nói về tình hình Palestine và Do Thái. Đó là thái độ của Do Thái đối xử với người Palestine như là một nước thực dân cai trị dân thuộc địa. Nói rõ hơn thì đó là chính sách nếu yên phận chấp nhận thì sẽ được cho sống, cho việc. Nếu chống đối thì sẽ tiêu diệt thẳng tay. Và Do Thái đã làm được chuyện nầy vì sự ủng hộ liên tục và gần như vô điều kiện của Mỹ. Cuộc đọ sức Do Thái - Palestine đã trở thành một cuộc đụng độ giữa chén kiểu Do Thái với đời sống cao, và chén sành Palestine không có gì nhiều để mất. Vì thế mới có những vụ tấn công cảm tử không thể chấm dứt. Vì làm sao có thể ngăn ngừa một người sẵn sàng chấp nhận cái chết"
VNN: Theo Bác sĩ nghĩ, giải pháp nào tốt nhất cho tình hình nầy"
BS TXN: Đơn giản theo tôi là chỉ cần hành xử theo nguyên tắc "Sống và để cho người khác sống, hay ít ra là cho người khác có hy vọng sống".
Võ Triều Sơn: Nguyên tắc sống nầy quả thật là: vì ước nguyện hòa bình, chiến tranh và khủng bố không thể có cơ hội bộc phát. Xin cảm ơn Bác sĩ đã có câu kết luận cho cuộc phỏng vấn nầy. Đại diện cho thông tấn VNN, chúng tôi xin chân thành cảm tạ Bác sĩ Trần Xuân Ninh đã có những tâm tình chia sẻ cùng độc giả VNN về tình hình tổng quát của thế giới trong năm qua. Nhân dịp đầu năm mới, xin kính chúc Bác sĩ cùng quý quyến luôn được dồi dào sức khoẻ và quý Tổ chức tiếp tục gặt hái nhiều thắng lợi.