HÀ NỘI (Reuters) - Một phong trào quy mô chống tham nhũng ở Việt Nam đã đi được nửa đường, nhưng cho đến nay đem lại rất ít kết quả, và cũng khó lòng tạo ảnh hưởng trong một nước mà đảng Cộng sản nắm quyền cai trị độc đoán lại đóng vai quan tòa tự xử lấy mình.
Các nhà quan sát nói phong trào dự liệu kéo dài 2 năm, nay đã được 1 năm, nhưng nạn tham quan ô lại vẫn là một vết nhọ đen trong viễn ảnh kinh tế CSVN và có khả năng châm ngòi cho bạo loạn xã hội.
Các nhà ngoại giao nói mặc dù Việt Nam bị đeo bảng là một trong những nước tham nhũng nhất Á châu, cho đến nay vẫn không có một quan chức chính quyền hay cán bộ cao cấp nào của đảng bị kết tội hay lột chức trong phong trào đó.
Nhiều quan chức cao cấp đã bị cách chức vì “quản lý yếu kém”, mặc dù ngay sau đó một vị đã mhẩy trở lại chính quyền như Ngô Xuân Lộc. Ông này bị cách chức Phó Thủ tướng hồi cuối năm ngoái, nay đã trở thành trợ lý cố vấn cho Thủ tướng về những dự án quan trọng của đất nước.
Một nhà phân tích chính trị nói trở ngại lớn nhất cho việc bài trừ tham nhũng là đảng vẫn nắm quyền kiểm soát báo chí và tư pháp, đồng thời mối quan hệ cá nhân với cá nhân lại có một tầm quan trọng đặc biệt giữa những nhân vật chóp bu, luôn luôn gây trở ngại cho những ai muốn mạnh tay trừ khử tham nhũng.
Nhà phân tích này ở ngay Hà Nội nói: “Tôi không muốn bỏ qua phong trào này không cần xét đến, vì ít ra nó cũng cho thấy nhiều tay lãnh đạo cũng phải quan tâm về vấn đề tham nhũng và họ cũng hiểu nó làm hại chính quyền.
“Đồng thời phương pháp hô hào bớt tham nhũng và khiển trách nhẹ kẻ phạm tội đã nêu ra câu hỏi là thực sự nó có hiệu quả hay không khi chỉ có một luật là luật của đảng”.
Trả lời câu hỏi của Reuters sau một năm bài trừ tham nhũng, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Phan Thúy Thanh nói:
“Trong năm qua, phong trào xây dựng và cải tiến đảng đã được tiến hành nghiêm chỉnh và sâu sắc trong tinh thần dân chủ và trong suốt từ trung ương đến cấp địa phương”.
Nhưng các nhà ngoại giao nói sự thật trong suốt và rõ ràng vẫn không hề có ở nhiều mặt trận chống tham nhũng.
Hai nguồn tin chính quyền nói đảng đang xét đến các chương mục ngân hàng của một số nhân vật cao cấp để ở ngoại quốc.
Vẫn theo các nguồn tin này, một vài nhân vật cao cấp đã rút con cháu ra khỏi các trường học ở ngoại quốc vì sợ bị xét đến vấn đề làm sao có tiền cho con đi du học nước ngoài.
Nhưng các vụ đó không hề được đưa ra công khai và báo chí trong nước cũng làm lơ luôn về những tin đồn tham nhũng trên tầng lớp cao cấp.
Cho đến nay Hà Nội vẫn không thấy nói gì đến kết quả của đạo luật ban hành năm 1998 bắt buộc các quan chức chính quyền phải kê khai tài sản.
Nhà phân tích chính trị tại Hà Nội nói: “Tham nhũng và kinh tế xuống dốc có thể là một chất trộn nhiên liệu ở Việt Nam”.