* Bùi Văn Phú
[Nếu Đi Hết Biển ... của Trần Văn Thuỷ. NXB Thời Văn. 2004. 193 trang]
Giới sinh hoạt và yêu văn học nghệ thuật Việt Nam biết đến Trần Văn Thuỷ là một nhà đạo diễn phim, loại phim tài liệu, hơn là một người viết. Từ trước đến nay đạo diễn họ Trần thường đặt câu hỏi cho đối tượng trả lời rồi ghi vào phim nhựa. Hoặc sau buổi chiếu phim, ông là người trả lời nhà báo, trả lời khán giả về những gì đã thực hiện để họ viết về Trần văn Thuỷ.
Từng làm phóng viên chiến trường theo chân bộ đội miền Bắc vào Nam trong thời chiến và những năm sau này đã thực hiện nhiều phim như Hà Nội Trong Mắt Ai, Chuyện Tử Tế, Tiếng Vĩ Cầm ở Mỹ Lai, Chuyện Góc Phố. Lần này, Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thuỷ không phải là một phim mà là một tài liệu viết cho William Joiner Center, Đại Học Massachusetts Boston, trong đó ông ghi lại ít nhiều về thời thơ ấu của mình, về một người bạn học cũ, về vài phim tài liệu ông đã thực hiện. Ông cũng ghi lại tâm tình, nhận xét về nhiều vấn đề qua cái nhìn của một số nhà văn Việt ở Mỹ: Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thị Hoàng Bắc; có người từng là lính Việt Nam Cộng Hoà như Cao Xuân Huy, Trương Vũ, Hoàng Khởi Phong. Nhiều đề tài được nhắc đến, từ nguyên do bỏ nước ra đi, đời sống nơi xứ người, đến sinh hoạt thương mại, văn học, chính trị trong cộng đồng người Việt; những hoài niệm và hy vọng về quê hương cũ và hai đề tài còn nhiều bức xúc: người Việt ở hải ngoại có được tự do sáng tác" và liệu văn chương có thể là cầu nối mang lại sự hòa hợp, hoà giải cho người Việt Nam ở hai bên bờ biển Thái Bình"
Nhưng tác giả đã rào rước, đón sau ngay trong bài 1 rằng: "Ở đây tôi chỉ ghi chép lại đôi điều tôi nghĩ, tôi thấy, tôi trải qua cùng việc trò chuyện với một số trí thức, nhà văn hải ngoại. Khi con người chỉ muốn trình bày cái sự nghĩ của mình mà phải rào đón là không có khả năng tranh cãi với ai, tự biết đã là hèn lắm rồi." Viết vậy, nhưng người đọc sẽ tìm thấy sự tử tế và lòng can đảm của Trần Văn Thuỷ trong Nếu Đi Hết Biển và tập sách hứa hẹn sẽ gây tranh luận.
Bài 2, cũng là tựa tập sách, là chuyện về một người thím, tuy không biết chữ nhưng qua những lời ru, chuyện kể đã là người thày đầu đời của tác giả. Từ ngôi làng An Phú, bà thím thuộc địa danh từ làng này qua làng kia, liền nhau ra tận tới biển. Nhưng khi đứa cháu hỏi: Nếu đi hết biển thì đến đâu" Bà thím không biết. Nay tác giả khôn lớn, được ra nước ngoài nhiều và nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục đi, sẽ qua biển, qua những châu lục và cuối cùng cũng trở về nơi khởi hành.
Nhưng không phải cứ đi rồi ai cũng sẽ về lại chốn cũ.
Có những người Việt ở Mỹ đã không về lại nơi mình sinh ra và còn ngăn cấm những ai muốn trở về hay làm gì tốt cho quê xưa. Nguyên do, theo Nguyễn Mộng Giác, một nhà văn hải ngoại có tác phẩm được in trong nước, thì người Việt ra đi vào nhiều thời điểm và mỗi người khi đi "mang theo một hình ảnh quê hương khác nhau, và khuynh hướng chung là cố giữ nguyên hình ảnh quê hương ấy như một thứ gia tài riêng, không muốn nó đổi thay."
Qua Nếu Đi Hết Biển sự tử tế trong "con người" của đạo diễn họ Trần mang tính "người" nhiều hơn. Trần Văn Thuỷ ghi lại chuyện bác Quý kể nỗi vui ở Ba Đình trong ngày 2 tháng 9, 1945 nhưng bây giờ đêm ngủ còn gặp ác mộng, tưởng như vẫn bị giam trong trại cải tạo, dù bác đang sống bên trời Âu; chuyện chị Thuý sống ở miền Bắc trong bao nhiêu năm không được phép nói thật; ghi lời nhà văn Nhật Tiến muốn có những hoà giải trong ngoài và chê khuynh hướng chống mọi thứ mang nhãn hiệu Việt Nam từ du lịch, mặt hàng, ca sĩ, đến những công tác từ thiện là"một thứ đường mòn vô dụng không đem lại một lợi ích nào cho dân tộc nếu không muốn nói là lại còn làm cản trở bước tiến của dân tộc."
Đạo diễn họ Trần trân trọng điều đối tượng thể hiện nên có khi mặc kệ cho câu văn rời rạc, chữ nghĩa không chải chuốt, như lá thư của chị Trần Khánh Tuyết kể chuyện đời mình khi còn là sinh viên cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam xuống đường biểu tình phản chiến ở Mỹ thì bị dán nhãn "Việt Cộng," rồi chị lấy chồng Mỹ biết tiếng Việt thì bị nghi ngờ là "xịa" (CIA), còn một người quen của Trần Văn Thuỷ lại gọi chị là "lực lượng thứ ba".
Có nhà văn Việt ở hải ngoại lên tiếng chê trách một số người có hành động cản trở tự do sinh hoạt và sáng tác của người Việt ở nước ngoài thì chính tác giả cũng than phiền giới làm văn học trong nước cắt xén bài ông viết về học giả Hoàng Xuân Hãn ở những chỗ nhắc đến chính sách cải cách ruộng đất, dù đã được nhà văn Nguyễn Văn Hiền đảm bảo: "Bài của cậu sẽ đăng nguyên si. Yên chí!" Qua những trang sách, đạo diễn họ Trần không ngại ghi lại những đau khổ của con người, những cản trở do chính sách trong nước, những xách động trong sinh hoạt chính trị cộng đồng làm cho hoà giải trong và ngoài nước vẫn còn là một nhịp cầu dài.
Câu chuyện cảm động nhất là "Một Bức Thư" của Nguyễn Hữu Đính, người bạn cùng lớp Đệ Thất B3 trường Nguyễn Khuyến, Nam Định, mà hai người đã phải chia tay nhau năm 1954 để kẻ ở Bắc người vào Nam. Đính kể lại đời mình trong Nam từ ngày di cư. Biến cố 30-4 xảy đến, nhiều người lính Việt Nam Cộng Hoà tự vận, Đính cũng muốn tự tử theo. Khi đi học tập cải tạo ở Phú Quốc, quá tuyệt vọng Đính cũng toan tự tử. Bom đạn chiến tranh không giết chết Đính mà hai lần Đính suýt tự giết mình và mấy lần thoát chết vì vượt biển. Còn Trần Văn Thuỷ theo bộ đội vào Nam cứ áy náy lo sợ bị bạn mình bắn chết. Bốn mươi tám năm sau hai người gặp lại nhau trên đất Mỹ: "một thằng Việt Cộng, và một thằng Ngụy nằm chung một phòng, chuyện trò râm ran đến tận khuya."
Con người của Trần Văn Thuỷ, như hôm diễn thuyết ở Đại Học Berkeley vào tháng 1, 2003 có vẻ là một nghệ sĩ muốn yên thân. Ông đã từ chối yêu cầu được phỏng vấn sau buổi chiếu phim ở đó: "Tôi chỉ muốn được yên thân khi về nước." Nhưng sau ba mươi chuyến bay, đi ngang dọc nước Mỹ diễn thuyết, gặp gỡ, trao đổi với nhiều người thì đạo diễn họ Trần lại như không muốn được yên thân mà cho ra đời Nếu Đi Hết Biển. Có phải đó là lòng tử tế giữa con người với con người" hay ông không thể quên lời trăn trối của một đồng nghiệp là phải làm một cái gì đó bắt đầu bằng tình thương yêu hay nỗi đau của con người" Lời trăn trối đó đã là động lực thúc đẩy Trần Văn Thuỷ thực hiện phim Chuyện Tử Tế và là tác phẩm đã gắn liền với tên tuổi và định mệnh đời ông.
Khi thực hiện những phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế trong một xã hội còn khép kín, trói buộc, ông cảm thấy cô đơn và tự nhủ với bản thân: "Sao mày u mê đến thế nhỉ, thần kinh đến thế nhỉ" Đó là những chuyện trời ơi đất hỡi. Rỗi hơi! Mày hãy sống cho yên thân." Nhưng nhờ hai phim đó mà ông được đi nước ngoài dài dài, hết châu Âu, châu Úc rồi qua châu Mỹ.
Nếu Đi Hết Biển ra đời là kết quả sau nhiều chuyến đi trên đất Mỹ. Đọc nó độc giả sẽ thấy nỗi bức xúc về sự hoà giải giữa những người anh em đến nay vẫn chưa có, gần 30 năm sau khi hết bắn giết nhau. Có chăng những gặp gỡ, trao đổi mang tính hoà giải cục bộ mà vẫn phải nhờ sự sắp xếp của người ngoài, nhà văn Wayne Karlin là một thí dụ. Bao giờ có những buổi hội luận do những nhà làm văn học Việt, hoặc gốc Việt, thuộc nhiều khuynh hướng, thế hệ được tổ chức trong và ngoài nước"
Mười năm trước nhà viết sử Trần Quốc Vượng sau thời gian nghiên cứu ở Mỹ về và "Trong Cõi" ra đời làm ông phải vất vả đối phó. Nay có đạo diễn Trần Văn Thuỷ cũng đi Mỹ nghiên cứu rồi viết sách. Liệu ông có được yên thân khi trở về và người trong nước có được tự do tìm đọc Nếu Đi Hết Biển" Câu trả lời sẽ giúp cho việc xác định văn học có làm nhịp cầu hoà giải ngắn lại hay không.