San Jose (Bài và ảnh Hạnh Dương) -- Từ lúc 2 giờ đến 5 giờ chiều Chủ Nhật 23-2-2003 vừa qua, lối trên 300 khách mời hầu hết là cựu quân nhân VNCH, Cảnh Sát Quốc Gia, giới chính trị chống Cộng, đại diện một số Tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, và một số Linh Mục, giáo dân Công Giáo đã ngồi kín hội trường của giáo xứ Saint Patric tại số 389 E. Santa Clara St., San Jose, CA 95121 để dự buổi ra mắt cuốn hồi ký "Một Linh Mục Trong Tù Cộng Sản" của Linh Mục Đinh Ngọc Quế thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.
Ban Tổ chức gồm cựu Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm, cựu Thiếu Tướng Cảnh Sát Nguyễn Khắc Bình và các ông Đặng Văn Luận, Trần Hiếu, Phạm Trung Điểm, Hoàng Kế Thế. Ở hàng ghế danh dự phía trước thấy có nguyên Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn; cựu Đề Đốc Hải Quân Trần Văn Chơn, Gs Nguyễn Văn Canh, hiền tài Liêm Nguyễn thuộc Cao Đài, một số Linh Mục, đại diện các Cộng Đồng và Đoàn Thể trong vùng San Jose và bắc Cali. Buổi ra mắt sách nầy do Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Bắc Cali và Liên Hội Cảnh Sát Quốc Gia Bắc Cali đồng bảo trợ tổ chức.
Lm Đinh Ngọc Quế nguyên là Tuyên uý Công giáo tại Tiểu khu Phước Tuy, sau chuyển về làm Tuyên uý tại Biệt Khu Thủ Đô ở Sài-gòn, Tuyên úy ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, Lm Đinh Ngọc Quế bị bắt đi tù cải tạo và bị lưu đày suốt 13 năm, bị chuyển qua 9 trại tập trung khác nhau từ Nam chí Bắc. Cuốn hồi ký "Một Linh Mục Trong Tù Cộng Sản" được Lm Đinh Ngọc Quế viết dưới một văn phong giản dị, xúc động ghi lại những mẫu chuyện nhỏ xảy ra từng ngày, từng lúc đối với bản thân của Linh Mục và các bạn tù trong suốt những tháng ngày bất hạnh. Toàn bộ tập hồi ký dày 424 trang, chia ra phần đầu là những trang hồi ký với 311 trang; và phần còn lại là 113 trang bao gồm các Phụ Bản, các ý kiến của đọc giả hay thân hữu, văn hữu nói về cuốn hồi ký nầy.
Giáo sư triết Ngô Đức Diễm, Giám Đốc Trung Tâm văn hóa và sinh hoạt cộng đồng VIVO ở San Jose, là diễn giả chính giới thiệu về tác phẩm. Ông nói: "Cho đến nay đã có nhiều tác phẩm viết về tù Cộng Sản. Lê Tấn Trạng "Nhân loại đã thấy gì tại hỏa ngục Việt Nam"; Phạm Quốc Bảo "Cùm Đỏ"; Tạ Tỵ "Chín từng địa ngục"; Hà Thúc Sinh "Đại học máu"; Võ Đại Tôn "Tắm máu đen"; Hồ Phú Bông "Những chuyện không thể quên"; Nguyễn Chí Thiện "Hoa Địa Ngục"; Cơ sở Thi văn Cội Nguồn "Sự Im Lặng của Ngày Hôm Qua"… Thế thì hôm nay thêm một tác phẩm viết về tù cộng sản của Lm Đinh Ngọc Quế có phải là thừa không" Thưa không… vì viết về tù cộng sản thì không bút mực nào cho đủ. Không những trại giam là nhà tù, là địa ngục, mà theo Bùi Ngọc Tấn trong "Chuyện Kể Năm 2000", toàn cõi Việt Nam là một nhà tù, là địa ngục :"Địa ngục khổng lồ không chỉ ở trong nhà tù. Địa ngục ở mọi nơi, trong cơ quan làm việc, trong công xưởng, nơi hàng mậu dịch, trường học, trong tâm tư của người chưa bị tù đày hay ở tù ra, nơi chỗ kín đáo vợ chồng chăn gối với nhau…" Gs Ngô Đức Diễm nhận xét rằng "Lm Đinh Ngọc Quế viết về tù cộng sản với ngòi bút của một linh mục, với cái nhìn bao dung, với con tim yêu thương và bàn tay rộng mở… Đó chính là nét độc đáo xác định chỗ đứng của tác phẩm." Về nội dung tác phẩm, Gs Ngô Đức Diễm nói "… qua những mẫu chuyện nho nhỏ, tác giả đã vẽ ra một bức tranh đậm nét về thân phận tù đày và trên bức tranh làm nền đó, là hình ảnh của một linh mục đã sống đúng thiên chức linh mục giữa cảnh đời bất trắc, dù không được may mắn khoác chiếc áo dòng, dù phải mặc chiếc quần đùi nhàu nát để dâng thánh lễ chui…" Nói về thân phận tù đày, Lm Quế đã viết tại trang 114 rằng "Họ dùng toa súc vật để chở anh em chúng tôi, nhét vào toa, cũng như chở loài dã thú, thật hết chỗ nói. Tôi nghĩ con vật đối xử sao cũng là con vật, còn con người đối xử như con vật thì chỉ có cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa mới đủ văn minh văn hóa loài khỉ đối xử như thế." Tả về sự bạo lực tàn ác của Cộng Sản, Lm Quế viết tại trang 220 rằng "Cha Nguyễn Hữu Lễ đã có lần trốn trại với Đại tá Trịnh Tiến và Thiếu tá Dân Biểu Tiếp. Cả ba trốn chưa được lâu thì bị bắt lại. Đại tá bị bắt lại trước, bị đánh hội đồng nên chết ngắc. Họ kéo xác về ném vào một phòng trên kỷ luật. Cha Nguyễn Hữu Lễ bị bắt lại cũng bị đánh nhừ tử tưởng chết. Họ kéo xác ngài về ném trên xác đã chết của Đại tá Tiến. Thiếu tá Tiếp bị bắt sau cùng, bị đánh hội đồng cho đến chết rồi kéo về ném trên hai xác đã có sẵn trong phòng kỷ luật."