Thư gửi một thi sĩ trẻ.
1. Kỷ niệm lần đầu gặp người đẹp (Mrs) Dalloway.
[Thư gửi một thi sĩ trẻ, đọc cái tít thật dễ dàng nghĩ ngay đến Rilke, và những bức thư nổi tiếng của ông (đã được Phạm Thị Hoài "chuyển về tiếng Việt). Ở đây, là thư của Virginia Woolf (1882-1941), nhà văn nữ người Anh, "chưởng môn" phái Bloomsbury Group, người "đã có một đóng góp uyên nguyên cho hình thức tiểu thuyết và là một trong những nhà phê bình nổi tiếng nhất của thời đại của bà", theo bách khoa từ điển Britannica.]
Trước khi đi vào "Thư gửi một thi sĩ trẻ" của Virginia Woolf, cho phép tôi "tản mạn" một chút, về một kỷ niệm liên quan đến nữ văn sĩ người Anh này. Nó liên quan tới... Sài Gòn, một nhà thơ-nhà văn đàn anh, và những lời khuyên của ông, khi tôi "tập tễnh" bầy đặt ba cái trò viết lách.
Tôi tình cờ khám phá ra Woolf, cùng với thành phố Sài Gòn, của cái thời vừa lớn, của một đám bạn bè lấp ló ở ngưỡng cửa đại học, nhìn sâu vào bên trong giảng đường chỉ thấy bóng ma cuộc chiến ám ảnh, và sớm muộn gì cũng phải ghé thăm Trung Tâm Ba tuyển mộ nhập ngũ Quang Trung. Cả một lũ đua nhau đọc, thèm viết, và "còn" đang mê mẩn với những tác giả hiện sinh như Sartre, Camus.
Trong bài viết "Một Người Anh", tôi đã nói về cuộc chạy đua giữa những trang sách và những ngày tháng trước cái ngày nhận được tờ giấy trình diện nhập ngũ. Câu nói nổi tiếng của Paul Nizan, tôi đọc qua Sartre, đã nói giùm tâm trạng đám tụi tôi những ngày tháng đó: "Tôi năm nay 20 tuổi và không cho phép bất cứ một ai nói, đó là tuổi đẹp nhất trong đời một người."
Sở dĩ phải dài dòng như thế, bạn đọc mới thông cảm, vóc dáng cao sang đài các của Woolf, và những trang viết nhẹ như tơ trời của bà thật chẳng giống gì với thứ văn chương hiện sinh, và luôn cả văn chương hiện thực xã hội sau này. (Nhà phê bình mác xít G. Lukacs chẳng đã từng "ghê tởm" thứ văn chương trưởng giả của trường phái Bloomsbury").
Trong bài phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, ông cũng nói tới kinh nghiệm khởi đầu của mình khi đụng với những tác phẩm trên, và cho biết thêm:
"Những thứ đó tôi đều nhặt ở chợ trời. Trước khi có trường đại học xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đã có trường đại học tư bản chủ nghĩa ở Sài Gòn. Trước 1975, Sài Gòn gần như có đủ các loại sách cho một người bắt đầu viết.... Sau 1975, những thứ đó bị tống ra đường và bị chụp cho cái mũ là đồi trụy... Faulkner, Beckett nằm tênh hênh trên vỉa hè....".
Thật sự cái đại học tư bản chủ nghĩa của Sài Gòn lúc đó, một phần lớn mang chất Âu Châu - những Faulkner, Beckett, Woolf... đều là ấn bản tiếng Pháp. Tiếng Anh, là những tác phẩm, thí dụ như của Ian Fleming, phần lớn là do lính Mẽo đọc xong rồi quăng đi, người Việt mình bèn nhặt lên đọc tiếp! Nên nhớ, lính Mẽo không hề đọc Faulkner, và cũng chẳng hề biết ông là ai. Cái đại học tư bản đó, công lao là do thực dân cũ Pháp, không phải thực dân mới Mẽo. Người Pháp ra đi, nước Pháp ở lại, (nói như Malraux), qua chương trình Thông Tin & Văn Hóa của họ, với chủ trương tài trợ cho sách Pháp, bán bằng giá gốc. Thí dụ một cuốn sách thuộc loại bỏ túi, nếu đề giá 10 frs thì sẽ bán với giá 10 đồng tiền VN thời kỳ đó.
Bản thân tôi, nếu không có chương trình Information & Culture thì cũng chẳng bao giờ biết đến những tác giả nước ngoài. Kinh nghiệm này tương tự với kinh nghiệm net bây giờ đối với trong nước. Bản thân tôi được biết đến, là nhờ net. Những người ở trong nước, hỏi thăm tôi, là về những tác giả đã có bài trên net.
Trong bài phỏng vấn Phạm Chi Lan trên đài RFI, người chủ biên tờ báo VHNT trên lưới cho rằng, những nhà văn hải ngoại, sau khi đăng bài trên báo giấy, mới gởi cho báo net. Điều này đúng, khi tờ VHNT mới xuất hiện vào năm 1995 ("), hiện nay không còn đúng nữa. Người viết hải ngoại đa số đã cho đăng bài viết của họ trên net (thí dụ như Phạm Hải Anh chẳng hạn: bài Lý Bạch cởi truồng, đã đăng trên VHNT trước, sau mới xuất hiện trên báo Văn Học, những bài Tin Văn trên xuất hiện trên VHNT trước, một hai tháng sau mới xuất hiện trên Văn...). Và nếu có cho đăng báo giấy là sau đó, khi buồn buồn, hoặc nể vì, hoặc được yêu cầu... Thực sự, họ vẫn thích nhìn thấy bài trên báo giấy, nhưng không coi là quan trọng như trước, và như để nhớ lại, mình đã viết nó trong trường hợp nào, hơn là muốn quảng bá nó, theo tôi.
(còn tiếp)
NQT (http://www.saomai.org/~tinvan/unicode/index.html )