ĐƯỜNG XA, CÁI BÁNH ĐA CŨNG THÀNH NẶNG!
Thật là thấm thía lời dậy của cụ Hương Giáo. Chả là tuần rồi, đọc báo Sàigòn Times thấy có bài viết “Đi đường xa, cái bánh đa cũng thành nặng”, tôi thấy lời cụ dậy rất chí lí. Tôi không biết năm nay cụ Hương Giáo bao nhiêu tuổi, nhưng đọc bài, tôi nghĩ năm nay cụ cũng phải ngoài 70 tuổi là ít. Mà dù cụ có ít hơn số tuổi đó, thì với những lời dậy dỗ chí tình chí nghĩa của cụ, tôi thấy cụ vẫn xứng đáng được tôi gọi là cụ. Tôi năm nay tuổi đã lớn, nhưng cũng muốn trở thành thằng học trò Lê Văn Cui để được nghe lời cụ dậy.
Thưa cụ Hương Giáo, thưa quý vị độc giả xa gần, thưa quý báo. Nhìn vào cộng đồng người Việt mình ở hải ngoại, tôi thấy quả đúng là “nhiều người đã bỏ cuộc nửa đường, nhiều đứa cẩu trệ đã quay lưng với đồng đội, đem thân đầu giặc”. Cụ Hương Giáo viết, trong 10 năm kháng chiến chống quân Minh, trong lực lượng nghĩa quân Lam Sơn không có một thủ lãnh nào bỏ cuộc giữa đường. Đó là điểm son. Vậy thì tại sao bây giờ trong cộng đồng người Việt lại có nhiều người bỏ cuộc nửa đường" Tại quân Minh ngày xưa tàn ác hơn cộng sản ngày nay chăng" Tại người Việt mình ngày xưa ăn học giỏi giang hơn, có nhiều bằng cử nhân, tiến sĩ hơn người Việt mình bây giờ nên hiểu biết phải trái thấu đáo hơn chăng" Hay người Việt ngày đó yêu nước hơn người Việt mình hiện tại à" Nếu vậy, hóa ra người Việt mình càng ngày càng thụt lùi ư, thưa chư vị anh hùng trong bốn bể"
(Một Học Trò Cụ Hương Giáo)
LỄ RA MẮT BAN CHẤP HÀNH CỘNG ĐỒNG!
Thưa ông Luật sư Nguyễn Văn Thân. Đọc lời đính chính có tựa đề “Không hề có chuyện BCHCĐ tổ chức dạ vũ” trong mục Diễn Đàn Độc Giả của báo Sàigòn Times tôi có một vài suy tư xin mạn phép thưa với ông như thế này.
Suy tư thứ nhất là nếu quả thực BCHCĐ không hề có ý tổ chức dạ vũ thì việc ông độc giả Trần Quốc Hưng cho biết quý vị “sẽ tổ chức dạ vũ” là điều không đúng sự thực. Có thể ông Hưng là người “nghe hơi nồi chõ” rồi loan tin thất thiệt. Nhưng độc nỗi, ông Hưng loan tin này đúng vào lúc thảm cảnh lũ lụt đang tàn phá quê hương mình, giết hại bà con mình hằng hà sa số ở Miền Trung. Trong bối cảnh tang thương đó, đáng lẽ ông Hưng phải tìm hiểu kỹ càng trước khi loan tin đó mới phải. Ông Hưng dư biết, khi loan tin đó, BCHCĐ sẽ bị mất uy tín lắm. Bà con mình đang bị thiên tai hầm bà làng, bên này mình không cứu giúp thì chớ lại còn tổ chức dạ vũ, thiệt coi không thuận mắt, nghe không thuận nhĩ chút nào.
Suy tư thứ hai là tôi xin thưa với ông tân chủ tịch thế này. Ông viết: “Mục đích chính của buổi lễ ra mắt là để tạo cơ hội cho BCH mới có dịp gặp gỡ với các giới chức chính quyền, các bộ sở, công ty và giới thương gia để vận động họ yểm trợ, tài trợ và bảo trợ cho CĐ”. Thưa ông tân chủ tịch, theo tôi nghĩ thì mục đích ông vừa nêu chỉ là đối ngoại, chỉ là kinh tài. Mục đích đó dù có quan trọng thế nào thì cũng không bằng mục đích đối nội, nghĩa là làm lễ ra mắt để cho bà con trong cộng đồng có dịp gặp gỡ quý vị trong ban tân chấp hành.
ĐI TÌM MỘT THÁI ĐỘ ĐÚNG ĐẮN ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ ÚC!
Sau khi đọc bài góp ý của ông Vũ Đức Thông (Cam chua tại đất nhiều hơn tại giống - Diễn Đàn Độc Giả, Sàigòn Times 26-11-99) tôi thấy chúng ta cần có một thái độ đúng đắn hơn đối với chính phủ Úc. Như quý vị đã biết, trong thời gian 25 năm qua, Úc đã nhận khoảng hơn 200 ngàn người tỵ nạn Đông Dương. Nhiều người trong chúng ta coi đó là một cái ơn to lớn, mỗi người tỵ nạn phải ghi nhớ. Tôi đồng ý. Nhưng đó là trên phương diện tình cảm, truyền thống đạo đức của người Đông phương. Trên thực tế, ta phải hiểu Úc nhận người tỵ nạn xuất phát từ nhu cầu kinh tế quốc gia, từ áp lực xã hội và áp lực quốc tế hơn là trên căn bản nhân đạo.
Nhìn vô lịch sử di trú 200 năm của Úc, nhiều người phải thừa nhận, có nhiều lúc chính phủ Úc đã phải trả tiền cho quốc gia sở tại để dân của những quốc gia đó được phép di dân sang Úc làm ăn. Trước thế chiến hai, Úc lo ngại về hiểm họa da vàng qua chính sách đại đông á của Nhật, nên đã đồng ý trả cho mỗi người di dân Châu Âu cả ngàn đô la. Tiền lúc đó một ngàn đô lớn lắm, gấp cả chục lần bây giờ. Đến sau Thế chiến hai, số lượng người di dân càng ngày càng đông, trong khi hiểm họa da vàng đã bị xóa sổ, Úc mới chọn lựa di dân và thôi không trả tiền cho các quốc gia xuất cảng di dân.
Trở lại trường hợp cậu Hồng, tôi hoàn toàn tán đồng với ông Thông. Chính phủ Úc phải chịu trách nhiệm về tương lai của cậu Hồng. Con người ta đến Úc khi mới 12, 13 tuổi, tâm hồn còn như tờ giấy trắng. Cho con người ta sang, không chăm nom tử tế, để con người ta hư hỏng bây giờ đòi trục xuất là không thể được. Vả lại, tôi tin là chính phủ CSVN nó chẳng dại gì nhận ba của nợ đó, ngoại trừ Úc đồng ý trả cho chúng vài chục ngàn đô. Cái lối, tốt dùng, xấu đẩy đi chỗ khác vừa không hợp tình, hợp lý lại vi phạm luật nhân đạo. Trước đây, tôi đã lên tiếng về vấn đề “trục xuất tù VN” với một vị dân cử địa phương ở Lakemba. Nhưng ông ta bảo những gì thuộc di trú nên nói truyện với dân biểu liên bang.
(Hoàng V.V., Belmore NSW)
NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG TRONG THẦM LẶNG
Trước thảm kịch thiên tai tại Trung phần Việt Nam, tôi vô cùng cảm động chứng kiến những tấm lòng vàng trong cộng đồng Việt Nam chúng ta. Tôi biết, những người có tấm lòng vàng như vậy trong dịp này rất nhiều. Riêng tôi, tôi biết có một trường hợp rất cảm động, xin ghi ra đây để quý vị cùng chia xẻ những rung động chân thành của cá nhân tôi.
Chả là chiều Thứ Sáu, 12 tháng 11 vừa rồi (vì ngày đó là ngày sinh nhật đứa con gái út của tôi nên tôi nhớ rõ), tôi có đi ra Bankstown đặt bánh sinh nhật cho con gái. Nhân tiện, tôi ghé qua ngân hàng thì gặp chị Th. là người trước vẫn may hàng của tôi khi tôi còn hãng may ở Villawood. Hỏi chị, mới biết là chị đến gửi tiền giúp nạn nhân bão lụt ở miền Trung VN. Nghe vậy tôi rất ngạc nhiên vì xưa nay chị Th. là người rất chi ly tiền bạc. Tôi rất thông cảm với chị vì chị Th. là một góa phụ có 6 con. Con của chị đều còn nhỏ khi anh Th. bỏ chị đi theo một cô gái trẻ từ Việt Nam sang Úc du học. Ngoài sáu đứa con nhỏ phải nuôi nấng dậy dỗ, chị Th. còn có bố mẹ già và hai bà chị ruột ở Việt Nam. Hoàn cảnh chị như vậy đủ thấy chị vất vả đến độ nào. Vì thế, tôi không hề ngạc nhiên, khi thấy suốt thời gian ngót chục năm trời làm cho hãng may của tôi, chị chả bao giờ trưng diện, son phấn. Mùa đông cũng như mùa hè, ngày thường cũng như ngày lễ, thậm chí cả những lúc tết nhất, khi thiên hạ đua nhau trưng diện quần áo, chị cũng vẫn mặc có bộ đồ xanh đen, thêm chiếc áo khoác của hội Smith Family cho. Ngày nào lạnh lắm thì chị khoác thêm tấm vải len, nói là mền thì quá nhỏ, mà nói là khăn thì lại quá lớn. Chị ăn uống cũng rất tằn tiện. Trưa nào chị cũng mang theo một lon cơm, ít dưa muối và một hũ ớt.
Một người tằn tiện, đông con như chị Th. cũng chịu bỏ ra mấy trăm bạc để giúp người bão lụt, thì tôi tin, ai ai trong chúng ta cũng sẵn sàng làm việc nghĩa như chị.
(Huỳnh Trung Tín, Villawood NSW)
SÀIGÒN TIMES ÚC CHÂU
PO BOX 409, BANKSTOWN NSW 2200, AUSTRALIA - EMAIL: thailai@tig.com.au