Linh mục Gildo Dominici, có tên Việt là Đỗ Minh Trí, thuộc Dòng Tên, một ân nhân của người vượt biển tị nạn Việt Nam, vừa qua đời. Những ai từng sống qua các trại tị nạn vùng Đông Nam Á, nhất là trại Galang, In-đô-nê-sia đều biết đến cha.
Cuối thập niên 70, làn sóng người vượt biển gia tăng với hàng chục nghìn người bỏ nước ra đi mỗi tháng. Nhiều người không bao giờ đến đuợc bến bờ. Ai may mắn sống sót thì được đưa vào các trại tị nạn ở Thái Lan, Ma-lây-xia hay In-đô-nê-sia.
Galang là một hòn đảo nhỏ trong số 13 nghìn đảo của In-đô-nê-sia đã được dùng làm nơi tiếp nhận thuyền nhân. Lúc làn sóng vượt biển lên cao vào những năm 79-82, Galang đã có đến 15 nghìn người sống một lúc trong trại để chờ được đi định cư ở một nước thứ ba.
Cuối năm 1979 cha Dominici đến Galang để lo việc mục vụ cho những người công giáo trong trại. Nhưng trước những thiếu thốn, trước nỗi đau khổ của người vượt biển nói chung, ngài đã không chỉ giúp những người con Chúa, mà còn vận động, tranh đấu cho những nhu cầu về xã hội, văn hóa, giáo dục cho mọi người sống trong trại. Những trung tâm sinh hoạt trong trại dành cho trẻ em, thanh niên, phụ nữ được thành hình một phần là nhờ những vận động của cha với Cao Ủy Tị Nạn và chính quyền địa phương. Ngài sáng lập ra bán nguyệt san Tự Do, món ăn tinh thần cung cấp cho người tị nạn những hiểu biết hơn về sinh hoạt trại, về thế giới bên ngoài, đời sống tại những quốc gia mà họ sẽ đến định cư. Tháng 4 năm 1980 bán nguyệt san Tự Do ra số đầu tiên và liên tục trong sáu năm kế tiếp, Tự Do những năm đầu ra đều đặn mỗi hai tuần, sau thưa dần, mỗi số dày từ 50 đến 80 trang, mỗi lần quay rô-nê-ô 500 số. Tờ báo đã được sự đóng góp của nhiều người, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi từng dừng chân ở Galang như Hoàng Minh Thúy, Đỗ Thái Nhiên, họa sĩ Vị Ý, Phan Tấn Hải, Việt Tỉnh.
Cuối năm 1986, khi số người đến trại Galang giảm đi, cùng với việc chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt việc sử dụng Galang làm trung tâm dạy Anh ngữ và hướng dẫn về đời sống, văn hóa cho người tị nạn trước khi đi Mỹ định cư, bán nguyệt san Tự Do cũng đình bản, sau số 116.
Cha Dominici thường viết trong mỗi số báo, không chuyên về rao giảng Tin Mừng nhưng nói nhiều về văn hóa, lịch sử, truyền thống Việt Nam; nói về đạo lý Âu Mỹ, so sánh giữa những cái hay, cái dở của văn hóa Đông và Tây để người tị nạn chuẩn bị tinh thần và chấp nhận những lựa chọn. Những bài viết của cha sau đã được người tị nạn in thành sách "Việt Nam Quê Hương Tôi" xuất bản đầu tiên ở trại tị nạn vào năm 1984, tái bản năm 1987 ở trại Bataan, Phi-Luật-Tân và được nhà xuất bản Diễn Đàn Chúa Nhật tái bản ở Hoa Kỳ năm 1990. Trong lời giới thiệu của ông Trần Đại Độ, một thuyền nhân ở Galang, sau khi nhìn nhận người Việt đã sống qua 40 năm chiến tranh, tiếp theo là một chế độ phi nhân, với nhiều hận thù, bạo lực và nghèo đói, ông Độ viết: "Linh mục Dominici nhận thấy một việc làm khẩn cấp là phải xây dựng lại tâm hồn người tị nạn sau những đổ vỡ, mất mát đó, dựa trên những tư tưởng cao đẹp và vĩnh cửu của nhân loại: Tình Yêu Thương, Tình Nhân Loại, Tự Do, Công Bình, Dân Chủ ... và những giá trị đích thực của văn hóa, đạo lý và truyền thống Việt Nam."