THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 29.7.2002
Ủy ban Nhân quyền LHQ đưa ra 8 lời phê phán và 10 khuyến cáo đối với Việt Nam trong việc thực thi Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị - Diễn Đàn Dân chủ Châu Á viết thư cho Nhà cầm quyền Hà Nội phản đối việc Công an Trung quốc bắt 3 Nhà ly khai Trung quốc trên lãnh thổ Việt Nam
Khóa họp lần thứ 75 của Ủy ban Nhân quyền LHQ vừa kết thúc tại Genève. Sau khi nghe phúc trình và trả lời chất vấn của các quốc gia Việt Nam, Moldavia, New Zeland và Yemen từ ngày 8 đến 26.7.2002, Ủy ban đã công bố lời kết luận đối vời từng quốc gia một.
Lời kết luận đối với CHXHCNVN, Ủy ban Nhân quyền LHQ đưa ra 8 lời phê phán biểu tỏ mối quan tâm đặc biệt của Ủy ban và 10 khuyến cáo. Tám lời phê phán gồm có:
"Thứ nhất, là luật pháp Việt Nam không tuân thủ Công ước quốc tế vế Các quyền Dân sự và Chính trị, đặc biệt là một số điều trong Hiến pháp xung khắc với Công ước quốc tế, nhất là Hiến pháp Việt Nam không thể hiện tất cả các quyền ghi trong Công ước quốc tế ;
"Thứ hai, là số lượng án tử hình quá cao ;
"Thứ ba, là quản chế hành chính vẫn tiến hành áp dụng ;
"Thứ tư, là hệ thống tư pháp yếu kém do sự khan hiếm trong việc đào tạo các luật gia (bảo vệ các bị can), thiếu phương tiện hoạt động dành cho các vị thẩm phán, cũng như các áp lực chính trị nặng nề ;
"Thứ năm, là chưa có một cơ cấu đầy đủ quyền hành để trông nom và giám sát các khiếu kiện vi phạm nhân quyền ;
"Thứ sáu, là sự hạn chế tự do ngôn luận trong báo chí, đặc biệt là Luật Báo chí không cho phép nền báo chí tư nhân hiện hữu ;
"Thứ bảy, là thiếu thông tin chính xác về dân tộc ít người, đặc biệt là người Thượng Degar, cùng những biện pháp bảo đảm quyền văn hóa truyền thống của họ chiếu theo điều 27 của Công ước;
"Thứ tám, là sự giới hạn các quyền hội họp và quyền biểu tình".
Sau 8 mối quan tâm có tính phê phán ấy, Ủy ban Nhân quyền LHQ đưa ra 10 khuyến cáo đối với CHXHCNVN :
"Thứ nhất, là khuyến cáo Việt Nam nên nhanh chóng tham gia ký kết Nghị định thư liên hệ đến Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (Việt Nam tham gia Công ước quốc tế năm 1982, nhưng chưa ký kết Nghị định thư liên hệ Công ước. Nghị định thư công nhận bất cứ ai xem mình là nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, đều được quyền đệ đơn khiếu kiện lên Ủy ban Nhân quyền LHQ nhờ cứu xét và can thiệp ; quốc gia thành viên có trách vụ trả lời và giải quyết các vụ việc vi phạm, UBBVQLNVN ghi chú) ;
"Thứ hai, là khuyến cáo Việt Nam xem xét lại danh sách các tội phạm bị quy án tử hình để tìm cách giảm thiểu ;
"Thứ ba, là khuyến cáo Việt Nam hãy bảo đảm rằng không ai bị hạn chế tự do một cách tùy tiện, và rằng nếu có ai bị tước đoạt tự do thì kẻ ấy phải được tức khắc đưa ra tòa xét xử ;
"Thứ tư, là khuyến cáo Việt Nam phải dùng những biện pháp hiệu quả để tăng cường bộ máy tư pháp và bảo đảm tích cách độc lập của bộ máy này ;
"Thứ năm, là khuyến cáo Việt Nam thiết lập một cơ quan giám sát nhân quyền thường trực và độc lập ;
"Thứ sáu, là khuyến cáo Việt Nam cung cấp thông tin về các nhà tù, trại giam, các nơi đang giam giữ những cá nhân trái với ý muốn của họ;
"Thứ bảy, là khuyến cáo Việt Nam dùng các biện pháp để ngăn chận việc bạo động đối với giới phụ nữ;
"Thứ tám, là khuyến cáo Việt Nam cung cấp cho Ủy ban những thông tin về các cá nhân trực thuộc các cộng đồng tôn giáo (hiểu là các tôn giáo không được Đảng và Nhà nước công nhận, UBBVQLNVN chú) ;
"Thứ chín, là khuyến cáo Việt Nam dùng mọi biện pháp để chấm dứt trực tiếp hoặc gián tiếp mọi giới hạn tự do ngôn luận ;
"Thứ mười, là khuyến cáo Việt Nam tức khắc có biện pháp bảo đảm các quyền của các cộng đồng sắc tộc".
Nếu chỉ đọc bản kết luận trên đây theo ngôn ngữ ngoại giao của LHQ, thì chúng ta ít thấy gì trầm trọng. Nhưng khi đọc bản kết luận trong bối cảnh của 2 ngày làm việc giữa Ủy ban Nhân quyền LHQ và Phái đoàn Hà Nội hôm 11 và 12 tháng 7, thì mới thấy 8 phê phán và 10 khuyến cáo vừa dẫn vô cùng nghiêm trọng đối với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì nó vạch trần một chế độ phản nhân quyền và phi dân chủ đang đàn áp bất cứ ai không tuân thủ chủ nghĩa Mác Lê. Nhất là khi chế độ ấy không thực thi Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, dù đã ký kết tham gia từ năm 1982.
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam xin trích dẫn một vài chất vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ trong hai ngày làm việc 11 và 12.7.2002, để nêu bật sự nghiêm trọng ẩn chứa trong bản Kết luận trên đây :
Ông Nisuke Ando, chuyên gia nhân quyền LHQ, người Nhật, chỉ trích rằng : "Sự nghịch lý của quan điểm quyền con người ở trong Hiến pháp chỉ phục vụ cho "tập thể", trong khi ấy, Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị bảo vệ quyền con người cho mỗi cá nhân". Vì "Theo định nghĩa, thì các quyền phục vụ cá nhân chứ không phục vụ tập thể". Như thế thì : "Tính hợp pháp và tính chính đáng của Chủ nghĩa Xã hội không tương hợp với Các quyền Dân sự và Chính trị quy định trong Công ước quốc tế".
Chuyên gia nhân quyền LHQ người Phi châu (Benin), ông Glele Ahnanhaanzo, phê phán : "Phúc trình của Việt Nam mang nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong hệ thống pháp lý trên văn bản cũng như trong thực hành. Mục tiêu "bảo vệ pháp lý chủ nghĩa xã hội" hoàn toàn xung khắc với Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị".
Chuyên gia nhân quyền LHQ người Colombia, Nam Mỹ, ông Rafael Rivas Posada nhận xét sau khi nghe phái đoàn Hà Nội phúc trình : "Điều quan trọng đâu phải chỉ lo cải cách và cho thông qua các sắc luật nhằm bảo đảm sự thăng tiến các quyền con người, mà là thực thi các sắc luật này trong thực tiễn, nhằm bảo đảm tính hiệu quả của chúng cho mọi cá nhân được hưởng và được bảo vệ các quyền của họ. Những thông tin qua bản phúc trình của Việt Nam chỉ mới kết toán được các biện pháp pháp lý tại Việt Nam, song chúng tôi lấy làm tiếc rằng những thông tin về hiệu quả thi hành trong thực tế các cải cách pháp lý ấy còn quá ít".
Bà Christine Chanet, nữ chuyên gia nhân quyền LHQ, người Pháp, chất vấn thẳng vào điều 4 trên Hiến pháp : "Điều 25 trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị bảo đảm mọi công dân có quyền tự do bỏ phiếu cho các đại biểu do mình tự chọn lựa. Thế mà, những gì chúng tôi được giải thích, nhằm chứng minh cho Đảng duy nhất, là các lời lẽ nằm tại Điều 4, Điều 9 trong bản Hiến pháp, và Điều 5 trong Luật bầu cử. Những điều này đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng so với điều 25 trong Công ước quốc tế. Chế độ bầu cử tại Việt Nam loại trừ khả năng tự do chọn lựa của người công dân, vì phải tuân theo ý Đảng".
Ông Eckart Klein, chuyên gia nhân quyền LHQ, người Đức, phê bình gay gắt : "Trong Hiến pháp Việt Nam, các quyền căn bản chỉ được bảo đảm khi các quyền này "phù hợp với luật pháp". Đây là điều mâu thuẫn với Công ước quốc tế. Bởi vì các quyền căn bản trong Công ước quốc tế không được luật pháp quốc gia giới hạn, ngoại trừ các lý do hết sức nghiêm trọng". Rồi ông kết luận: "Tôi nghĩ rằng, luật pháp quốc gia tại Việt Nam là chướng ngại cho quyền con người, vì các luật pháp quốc gia này chẳng tuân theo luật pháp quốc tế". Ông Eckart Klein còn chất vấn rằng : "Vai trò lãnh đạo của Đảng là gì " Mọi sự hiện nay tại Việt Nam đều do Đảng kiểm soát. Tuy các ông giải thích rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải tôn trọng luật pháp. Nhưng trong thực tế, thì Đảng làm ra luật pháp chứ chẳng ai khác! Như vậy, thì tự do còn có nghĩa gì dưới những điều kiện như thế" Nhân dân có được tự do tách khỏi áp lực của Nhà nước chăng" Hay họ chỉ được quyền tự do tham gia theo hướng chỉ đạo của Đảng Cộng sản "
"Điều 51 của Hiến pháp nói rằng, quyền đi đôi với bổn phận. Điều này có nghĩa gì về sự hưởng thụ các quyền đề ra qua Công ước quốc tế " Các ông có quyền bỏ phiếu, hay bắt buộc phải bỏ phiếu. Các ông có quyền theo một tôn giáo, hay bắt buộc phải theo một tôn giáo. Tôi cho rằng việc đặt điều kiện quyền phải đi đôi với bổn phận là đã hạn chế các quyền rồi".
Trong lời kết luận của ông Bhagwati, người Ấn độ và là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ, sau 2 ngày ngồi nghe đoàn Việt Nam phúc trình và trả lời chất vấn, nêu lên nhiều điều quan yếu :
"Tôi muốn nêu ra một trong những mối quan tâm của Ủy ban đối với Nghị định 31/CP về quản chế hành chính. Nghị định này cho phép quản chế tại gia trong vòng 2 năm những ai bị nghi ngờ xâm phạm "an ninh quốc gia", mà không cần thông qua tòa án. Chẳng có một điều khoản nào trong Nghị định này cho phép bị can được khiếu nại với một nhân viên pháp lý, hay được một nhân viên pháp lý lấy quyết định giam giữ bị can ấy hay không. Rõ ràng là Nghị định 31/CP vi phạm Điều 9 của Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị.
(...) "Còn khái niệm về tội xâm phạm "an ninh quốc gia" thì quá mơ hồ. Phái đoàn Việt Nam chẳng hề định nghĩa cho chúng tôi hiểu khái niệm xâm phạm "an ninh quốc gia" là gì. "An ninh quốc gia" còn là một điều gì quá bao quát, và dễ bị lợi dụng để dập tắt các quyền con người.
"Đương nhiên bây giờ tôi phải nêu lên sự việc Đại sứ LHQ đặc nhiệm Bất bao dung tôn giáo trong thế giới, ông Abdelfattah Amor, đã không được phép gặp hàng Giáo phẩm Phật giáo (khi đến Việt Nam). Lời giải thích của Phái đoàn Việt Nam hoàn toàn không thể chấp nhận. Khi một vị Đại sứ Đặc nhiệm của LHQ đi thăm viếng, kể cả trường hợp được một chính phủ mời, vị ấy hoàn toàn tự do kiểm tra sự việc theo cách thức mà vị ấy quan niệm phải thực hiện".
Trong tài liệu dày 67 trang của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam điều trần trước Ủy ban Nhân quyền LHQ hôm 8.7.2002, ông Võ Văn Ái đã tố cáo rằng : "Bản Phúc trình của Việt Nam là tấm thảm đan dệt sự tự mãn và những khẳng định vô bằng, bình phương tới vô hạn những danh sách luật pháp, chế định, toàn là món trang sức hoa hòe nhưng chẳng hề đem ra thực thi hay áp dụng, nhất là đối với các quyền con người căn bản. Thực tế ngày nay, là 80 triệu dân Việt không được sống dưới một Nhà nước Pháp quyền (rule of law), vì họ đang bị chà đạp dưới một chế độ độc tài Pháp trị (rule by law)".