Hôm nay,  

Dự Thi Người Việt Trên Đất Úc: Cuộc _ời Vẫn Đẹp ...

08/03/200400:00:00(Xem: 5239)
LGT: Do những dị biệt về tâm sinh lý, cùng những hủ tục và thành kiến xã hội xuyên suốt bao thế kỷ, người phụ nữ VN thường phải chịu đựng nhiều thiệt thòi và đau khổ trên con đường tìm kiếm, vun bồi hạnh phúc. Thậm chí, ngay cả khi may mắn cưới được người con trai mình yêu tha thiết, cũng không chắc gì, hạnh phúc gia đình sẽ thường xuyên mỉm cười với người con gái sau ngày lên xe hoa. Và trên chặng đường tìm kiếm hạnh phúc suốt mấy chục năm trời ở trần gian, ngay cả những người con gái VN may mắn nhất, cũng nhiều khi phải âm thầm gạt lệ, khóc thương cho chồng, cho con, cho chính mình... Vì vậy, một thiếu phụ VN nào đã nói, người con gái khi bước qua cánh cửa của hôn nhân, là không phải thuyền về bến đậu, mà là con thuyền bắt đầu ra khơi... và không biết sóng gió nào, bất ngờ nào đang chờ đợi mình. Bài dự thi sau đây nhan đề, “Cuộc Đời Vẫn Đẹp” của Huỳnh Lệ Quyên, sẽ cho thấy cuộc đời của một thiếu nữ tên Thảo, sống bên người chồng hư hỏng chỉ vì ỷ lại số tiền do anh chị ở Úc gửi về, cuối cùng vì hạnh phúc của con, đã phải gạt lệ ly dị chồng, chấp nhận sống cảnh đơn chiếc nuôi 3 người con. Giữa lúc tưởng chừng hạnh phúc lứa đôi mãi mãi vĩnh biệt Thảo, bỗng nhiên, qua sự mai mối của người chị ở Úc, một người đàn ông Úc tên Tom, đã tìm đến với Thảo và bảo lãnh cho cả 4 mẹ con sang Úc... Sàigòn Times xin cảm ơn tác giả Huỳnh Lệ Quyên, và xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết “Cuộc Đời Vẫn Đẹp”. Hy vọng, sau khi đọc xong, chúng ta sẽ có dịp nhìn thấy một khía cạnh mới của cuộc sống “Người Việt trên đất Úc”, để rồi cùng nhau chúc phúc cho cô Thảo và gia đình.

* * *

Sanh trưởng tại Sóc Trăng, lớn lên trong cuộc sống êm đềm đầy ắp thương yêu của gia đình bên dòng Cửu Long mang nặng phù sa với những buổi chèo thuyền hái bông điên điển, những buổi trưa hè lội thi hào hứng, những phiên chợ quê vui như tết... thật nhiều kỷ niệm ấu thơ, Thảo thấy không còn mơ ước gì hơn nữa. Thảo còn nhớ ngày chị Hiền cùng anh Tấn sắp vượt biên, chị Hiền ôm Thảo khóc như mưa, năn nỉ Thảo hết lời đi cùng chị ấy, vì trong nhà Thảo là con út và được chị Hiền thương nhất, nhưng Thảo cương quyết từ chối vì trái tim đã lỡ trao cho Tài rồi.
Đám cưới Thảo và Tài được tổ chức sau ngày chị Hiền đến Úc được một năm, vì anh Tấn là lính Hải Quân nên khi đến đảo, anh được đi định cư ngay.
Theo thư chị Hiền gởi về cho biết, anh chị đi làm và các cháu đều đi học, cuộc sống thật dễ chịu. Chị Hiền cứ lo lắng cho các em ở nhà và hứa sẽ dành dụm gởi tiền về cho các em tìm cách vượt biên. Lần lượt các anh chị Thảo đều tìm cách ra đi và đều trót lọt, cuối cùng chỉ còn một mình Thảo ở lại Việt Nam.
Thật sự, cuộc sống của Thảo về vật chất không thiếu thốn gì, vì chị Hiền và các anh chị đều gởi tiền về để Thảo lo cho cha mẹ. Hai ông bà lớn tuổi rồi nên không thích rời xa quê hương mặc dầu các con bảo lãnh dễ dàng. Số tiền gởi về hàng tháng có thể nuôi sống luôn cả gia đình Thảo. Và cũng vì tiền bạc cứ rót đều đều nên dễ khiến con người sinh ra hư hỏng.
Tài suốt ngày ỷ vào số tiền anh chị vợ gởi về, không chịu làm việc gì cả. Anh chỉ tập họp bạn bè xem phim chưởng Hồng Kông, tán gẫu, đá gà, đánh bài, nhậu nhẹt say quắt cần câu, xong lăn dùng ra ngủ, để mặc Thảo lo lắng cho các con.
Thời gian thắm thoát thế mà đã hơn 15 năm trôi qua, cha mẹ Thảo lần lượt qua đời, sau hai đám tang với sự hiện diện của đầy đủ các anh chị Thảo từ các nơi trở về tham dự, mọi người đều không hài lòng về sự hư hỏng của Tài. Tiền bạc lúc trước gởi về là để chu cấp cho cha mẹ, giờ cha mẹ không còn, tiền bạc chỉ gởi cho Thảo cầm chừng mà thôi. Với số tiền ít lại, không đủ cung cấp thức ăn, nhậu nhẹt của Tài. Thật đúng với câu "tọa thực sơn băng" chẳng bao lâu cuộc sống hai vợ chồng càng ngày càng túng hụt.
Thằng Hải đã mười bốn tuổi, bé Hạnh mười hai và bé Hồng lên chín, nhìn ba đứa con ngày ngày phải đi bộ hàng cây số đến trường, nước da đen nhẻm, tóc tai cháy xém, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà Tài vẫn ung dung ngồi nhậu với bạn bè, không buồn đưa đón hay hỏi han về việc học hành của con một tiếng, Thảo thấy xót xa cả dạ. Khi mở lời trách móc thì Tài lớn tiếng chưởi mắng, nói bóng nói gió:
- Anh chị em mầy là Việt Kiều giàu có mà sao không xin tiền mua xe hơi đưa đón con đi học!
Mỗi lần Tài uống rượu với bạn bè mà nhà hết tiền Thảo phải đến lối xóm mượn hoặc mua chịu, nếu không thì sẽ bị đập phá đồ đạc hay đánh đập các con để làm nư, Thảo vì thương con phải chạy vạy cho ra tiền, để êm nhà êm cửa.
Cuộc sống càng ngày càng tồi tệ, Thảo khóc hết nước mắt, lúc đầu vì hổ thẹn và vì thương các con, Thảo luôn che chở cho Tài mỗi khi anh chị Thảo trách móc và mắng Thảo là quá ngu dại, luôn che đậy cho chồng, trong khi phải gánh chịu nỗi khổ một mình. Cuối cùng không chịu nổi nửa, Thảo phải viết thư thú nhận tất cả với chị Hiền và cầu cứu chị...
Tội nghiệp chị Hiền, khi nhận được thư Thảo, chị vội về ngay. Lần nầy thì sự thật phơi bày, nhìn cảnh nhà nghèo nàn, các cháu rách rưới, Tài thì say sưa be bét cả ngày, chị Hiền không sao dằn lòng được, chị ôm các cháu khóc như mưa.
Chị bàn với Thảo:
- Nếu em đồng ý chị sẽ nhờ luật sư đứng ra làm đơn xin ly dị Tài, chị sẽ chịu tất cả mọi chi phí, chị thấy Tài quá hư hỏng, suốt ngày chả chịu làm việc gì cả, em cần là cần người cha, người chồng tốt lo lắng cho mình và các con, chứ chồng mà hư hỏng như Tài thì càng sống càng khổ mà thôi. Khi ly dị Tài xong chị sẽ nói với các anh chị khác gíup đỡ tiền bạc để em cùng các con làm ăn sinh sống, chứ tình trạng nầy kéo dài chắc chắn không ai muốn giúp đỡ, vì cứ như tiền đổ vào chỗ trống!
Cuộc điều đình thật khó khăn, lúc đầu Tài không chịu vì Thảo là cái mỏ vàng, mặc dầu ít nhưng có còn hơn không. Sau cùng chị Hiền phải chịu bỏ ra một số tiền thật to cho Tài, Tài mới bằng lòng ký vào tờ đơn ly dị.
Sau khi chị Hiền về Úc, mấy mẹ con Thảo nhờ số tiền chị để lại làm vốn buôn bán qua ngày, Tài ôm tiền ra đi và nghe đâu xây tổ uyên ương với một cô chủ quán bia mà anh hay cùng bạn bè đến ăn nhậu.
Thấm thoát mà đã hơn một năm. Cách đây mươi hôm Thảo nhận được thư chị Hiền hẹn sẽ về Việt Nam ăn tết. Chị cho biết chuyến bay và dặn Thảo nhớ đi đón chị...

*

Tại phi trường Tân Sơn Nhất, bên cạnh hàng trăm thiếu nữ xinh như mộng, phấn son thơm lừng, áo quần đúng mốt, chờ đợi thân nhân hoặc người yêu trong các chuyến bay sắp đến, Thảo thấy mình thật quê mùa trong chiếc chemise xanh nhạt, chiếc quần đen mới may và đôi dép da lẹp xẹp. Cố nép thật sát vào hàng rào trước cổng chính, nhìn cây kim đồng hồ trên tường nhích từng chút một, Thảo hồi hộp chờ đợi...
....Ô kìa! Chị Hiền đã xuất hiện ở cửa ra với chiếc xe đẩy đầy ắp vali, túi xách. Nhưng không phải một mình mà bên cạnh chị còn có một người đàn ông to lớn mắt xanh, mũi cao...
Thảo vội vàng chạy đến, hai chị em ôm nhau mừng rỡ và cảm động. Chị Hiền quay qua người đàn ông nước ngoài nói một tràng tiếng Anh, giới thiệu tên hai người. Anh ta đưa tay bắt tay Thảo. Thảo luống cuống nhưng cuối cùng cũng xong thủ tục chào hỏi.
Thảo thẹn thùng khi nhìn lại bộ quần áo nhà quê của mình bên cạnh bộ đồ dắt tiền của chị Hiền. Nhưng tình thương của chị thật ấm áp làm cái mặc cảm trong Thảo vơi đi phần nào.
Trên xe về Sóc Trăng chị Hiền cho biết Tom lần đầu tiên đến Việt Nam. Trước đây khi đến chơi nhà chị Hiền, anh ta nhìn thấy hình Thảo cùng các con. Rồi nghe chị Hiền kể chuyện về Thảo, Tom có ý muốn gặp Thảo và nếu hợp anh ta sẽ cưới Thảo và đưa Thảo cùng các con sang Úc sinh sống.


Chị Hiền khuyên Thảo nên đồng ý, chị cho biết quen với Tom đã lâu, biết anh ta là người tốt, ly dị vợ hơn mười năm, con đã lớn nên không phải chu cấp tiền bạc. Có nhà cửa hẳn hoi, lấy anh ta Thảo sẽ không phải lo lắng gì cả.
Khi đến Sóc Trăng, Tom ngụ tại khách sạn, vì luật pháp Việt Nam không cho người nước ngoài ở nhà dân, để bảo đảm an toàn mà cũng là dịp khách sạn thu được tiền để đóng thuế cho nhà nước.
Qua cái nhìn đầu tiên, Thảo biết Tom rất có cảm tình với Thảo. Mỗi ngày Tom đến nhà Thảo chơi, đi thăm thú vài thắng cảnh, chụp rất nhiều hình ảnh lưu niệm, ăn cơm với gia đình. Tom cố gắng tập cầm đũa và ăn những món ăn Việt Nam không nặng mùi nước mắm lắm. Thảo cũng bập bẹ vài câu tiếng Anh khi học ở trường. Còn phần nhiều nhờ qua sự phiên dịch của chị Hiền.
Thật sự chưa bao giờ Thảo nghĩ đến cảnh mình kết hôn với người nước ngoài, nhưng qua thời gian tiếp xúc với Tom, Thảo thấy anh ta rất chân thật và cố gắng hết mình để hòa nhập vào đời sống Việt Nam, làm Thảo cũng xúc động.
Trước ngày cùng chị Hiền trở về Úc, Tom đã ngỏ lời cầu hôn Thảo. Sau khi được Thảo đồng ý, anh để lại một số tiền cho Thảo và các con học Anh văn.
Đúng như lời hứa, sau đó vài tháng, Tom thu xếp công việc và anh trở qua Việt Nam để tổ chức đám cưới. Xong đám cưới anh trở về Úc lo thủ tục bảo lãnh mẹ con Thảo.

*

Ngày Thảo và các con dặt chân đến Úc thật là một ngày vui mừng và chắc chắn không bao giờ phai mờ trong tâm trí Thảo.
Nước Úc qua những hình ảnh báo chí, những tờ lịch, những tấm carte đã thực sự hiện ra trước mắt bốn mẹ con, còn đẹp hơn cả sự tưởng tượng của Thảo.
Đến phi trường Sydney, Thảo được Tom đón và đưa về Melbourne bằng xe hơi, vợ chồng chị Hiền có mở một lò bánh mì tại Litle Sài Gòn, trung tâm buôn bán của người Việt tại Melbourne.
Hàng ngày Tom đi làm việc, trên đường đi, anh đưa Thảo đến phụ buôn bán và học nghề làm bánh mì với chị Hiền. Hải, Hồng và Hạnh học rất khá. Cả ba học cùng trường đi về bằng xe bus. Buổi tối cả nhà sum họp, Thảo nấu những món ăn Tây phương và thỉnh thoảng xen những món đặc biệt Việt Nam, Tom và các con ăn khen lấy khen để.
Tom dạy Hải, Hồng, Hạnh thêm tiếng Anh. Nhìn hình ảnh bốn người quấn quít bên nhau, Thảo thầm chấp tay cám ơn Trời Phật đã ban ơn cho gia đình nàng.
Trong thời gian làm việc cùng chị Hiền, Thảo học tất cả những cách thức trong nghề bánh mì, mọi chi phí chị Hiền đài thọ cả, Thảo không phải ăn tiêu gì, nên số tiền dành dụm cũng khá. Ba năm sau chị Hiền mở thêm một chi nhánh cho Thảo phụ trách và một thời gian chị sang lại cho Thảo làm chủ.
Nhờ sự dịu dàng và ăn nói mềm mỏng của Thảo mà cửa hàng càng ngày càng phát đạt. Chẳng những khách Việt mà cả những khách hàng da trắng khó tánh nhất cũng đến mua. Năm rồi Hải thi đậu vào đại học, chọn ngành Computer, ngoài ra Hải cũng thi lấy bằng lái xe, sau những giờ học, Hải phụ Thảo rất nhiều việc ở cửa hàng.
Cửa hàng càng ngày càng phát triển, khách hàng tới lui nườm nượp. Tom xin nghỉ việc để ở nhà phụ vợ buôn bán. Anh chịu khó lái xe giao hàng cho khách theo yêu cầu. Anh đứng quầy nhận tiền và đôi khi mang bánh phục vụ cho khách với nụ cười luôn nở trên môi.
Một cuộc sống êm đềm, một cuộc tình Âu Á tuy muộn màng, nhưng không kém phần hạnh phúc đã và đang ấp ủ gia đình Tom và Thảo...


Tâm sự một người dự thi: “Làm sao tuổi trẻ có thể kế nghiệp các chú các bác lớn tuổi để văn học Việt Nam ở hải ngoại được trường tồn"”

Đài Trang – Homebush West NSW

LTS: Tuần qua, sau khi đăng bài Dự Thi của cô Đài Trang, toà soạn hân hạnh nhận được một lá thư của cô, trong đó cô chia sẻ một cách chân thành những suy nghĩ, những kỷ niệm rất cảm động của cô, một người con gái Việt Nam sinh ra và lớn lên dưới chế độ cộng sản, theo chồng sang Úc mới được có 6 năm, đã phải cố gắng thật nhiều để có thể duy trì và phát triển vốn liếng ngôn ngữ tiếng Việt một cách trong sáng. Trong thư, cô Đài Trang cũng hé lộ, nỗi trăn trở “làm sao tuổi trẻ có thể kế nghiệp các chú các bác lớn tuổi để văn học Việt Nam ở hải ngoại được trường tồn”. Qua lá thư chân tình của cô, quý độc giả sẽ thấy được bên cạnh thiện chí và lòng quyết tâm của thế hệ trẻ như cô Đài Trang, sự trong sáng của tiếng Việt hải ngoại còn cần đến sự giúp đỡ chân tình của những bậc làm cha mẹ, và nhất là của các nhà văn, nhà thơ, cũng như các cơ quan truyền thông Việt ngữ. Sàigòn Times chân thành cảm ơn cô Đài Trang, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả lá thư của cô.

* * *

Trước hết Trang xin gởi lời cám ơn quý báo đã cho đăng bài viết của Trang. Thú thật khi mở tờ báo ra, nhìn thấy bài mình được chọn đăng với lời giới thiệu rất là trân trọng, thật không còn nỗi vui nào hơn. Vui nhưng kèm theo là một nỗi trăn trở mà Trang xin được tâm sự... Trước đây Trang cũng có viết một vài bài, được chọn đăng và nhận được nhuận bút đàng hoàng, ngoài ra Trang cũng có một hai lần gởi bài dự thi những cuộc thi viết về các đề tài mà người Việt chúng ta tại hải ngoại tổ chức và cũng có lần được giải. Khi đi lãnh giải có thể nói Trang là người nhỏ tuổi nhất, ngoài ra các giải khác toàn là các cô bác lớn tuổi nhận được.
Thật sự năm nay Trang đã gần ba mươi rồi, theo chồng sang đây gần sáu năm. Ở Việt Nam Trang đã học đại học, sang đây Trang đang theo đuổi môn kiến trúc tại đại học UTS, số vốn chữ Việt của Trang cũng khá nên Trang có thể viết bài tham gia các cuộc thi như Trang vừa nói. Nhưng thú thật, nếu không có mẹ Trang, chắc chắn Trang không bao giờ viết được như thế đâu. Vì không được may mắn như phần đông những người Việt đã tìm được tự do (nhiều lần Trang theo gia đình vượt biên nhưng không thành công), Trang sống và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đã bị cộng sản hóa. Đi học thì thầy cô dạy theo giáo trình, giáo án mới (sau 75), tiếp xúc với bạn bè và lối xóm cũng toàn là những người phải nói theo chế độ mới; báo chí, sách vở cũng toàn danh từ, động từ, tỉnh từ mới không hà. Trang còn nhớ lúc nhỏ khi về nhà học bài, mẹ Trang cứ thắc mắc luôn và mẹ cứ sửa lại mãi những khi Trang dùng mấy chữ hơi “nặng mùi” quá chẳng hạn như “đăng ký, nhất trí”. Cho đến bây giờ, mặc dầu đã sang đến đây, nhưng Trang cũng không được đọc nhiều sách văn học Việt Nam vì ở đây rất hiếm người sáng tác. Mượn thư viện thì cũng chỉ lèo tèo vài cuốn (phần lớn in ấn tại Việt Nam), muốn trao dồi ngôn ngữ thật khó quá. Trang có mấy nhỏ bạn nhỏ hơn hoặc bằng tuổi Trang mà sinh đẻ ở đây còn tệ hơn nhiều, nói một câu cũng không thông. Đọc báo thì thấy toàn những nhà văn nhà báo già hay lớn tuổi, toàn là trước 75, không thấy một ai còn trẻ mà xuất hiện trên báo cả.
Trang đem tâm sự nói với mẹ. Mẹ Trang khuyên viết văn để tiếng Việt càng ngày càng khá hơn. Lúc đầu Trang viết buồn cười lắm, toàn danh từ mà trong tờ báo Sài Gòn Times cách đây mấy số có một ông nào đó lên tiếng trách cô Ngọc Hân ở đài SBS, mẹ Trang phải sửa lại hầu hết. Thật sự Trang cũng không phân biệt được từ nào là của ta mà từ nào của cộng sản. Có lúc mẹ phải sửa nhiều quá, Trang định vất đi, vì chỉ sợ khi bài mình đưa ra người ta lại cho mình là tuyên truyền hay người của cộng sản. Bây giờ thì Trang đã khá hơn nhiều rồi.
Cái trăn trở của Trang là làm sao tuổi trẻ có thể kế nghiệp các chú các bác lớn tuổi để văn học Việt Nam ở hải ngoại được trường tồn vì như Trang đã nói, những bạn bè Trang mà muốn viết thư hay chuyện trò cũng chỉ rặt tiếng Anh không hà. Trang xúi nó viết tiếng Việt, tụi nó le lưỡi, lắc đầu bảo: “Tiếng Việt khó quá, đã vậy dùng lơ mơ bị mấy ông bà chửi cho thì mệt lắm.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.