Như VB đã loan trong tin ngắn, vào trung tuần tháng 5/2001 vừa qua, bộ Thương mại CSVN đã thu hồi con dấu của tạp chí đối ngoại của bộ này là Vietnam Economic News do Chu Viết Luân làm tổng biên tập. Lý do là tạp chí này vẫn tiếp tục phát hành chui sau khi đã có quyết định phải sát nhập với hai báo khác cũng thuộc quyền quản lý của bộ này. Mời bạn nghe chi tiết về chuyện này dựa theo báo SGGP và báo Công An CSVN Sài Gòn.
Cách đây hơn 3 tháng, ngày 16-2-2001, bộ Thương mại CSVN quyết định sát nhập 3 tờ báo trực thuộc bộ gồm tạp chí Vietnam Economic News (viết tắt là VEN cũ), Vietnam Business và Việt Nam Đổi Mới, thành Tạp chí duy nhất lấy tên là Vietnam Economic News (VEN mới) do Trần Vệ làm tổng biên tập. Có lẽ, bộ Thương mại CSVN không lường hết mọi phức tạp nảy sinh nên sau khi có quyết định pháp lý trên, giữa Trần Vệ và Chu Viết Luân có quá nhiều mâu thuẫn không được giải quyết, vì vậy mạnh ai nấy làm, đường ai nấy đi. Tạp chí VEN cũ và chi nhánh tại Sài Gòn tiếp tục sử dụng con dấu cũ, tiếp tục cử các phóng viên liên hệ với các đơn vị kinh tế và địa phương để thu thập tài liệu và vẫn vô tư ký hợp đồng quảng cáo, 17 số của tạp chí VEN cũ vẫn tiếp tục ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra và tổng biên tập vẫn là Chu Viết Luân. Vì vậy chuyện thật tưởng như đùa có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong làng báo VN là khi tờ VEN (mới) đầu tiên trình làng ngày 1 tháng 3/2001 thì tờ VEN (cũ) vẫn tiếp tục phát hành khiến độc giả ngơ ngác hỏi nhau không biết đâu là tờ thật, đâu là tờ giả.
Một tuần sau, ngày 8/3/2001, Trần Vệ và Chu Viết Luân mới ngồi lại thỏa thuận một số vấn đề với sự tham dự của chánh văn phòng bộ Thương mại trong đó có việc đề nghị bộ Thương mại ký quyết định đề bạt Chu Viết Luân làm phó tổng biên tập tạp chí VEN cũ. Ngày 9 tháng 3/2001, bộ Văn hóa-Thông tin CSVN cũng có công văn gửi bộ Thương mại CSVN đề nghị sớm giải quyết những vấn đề nảy sinh. Có lẽ chờ lâu không thấy bộ Thương mại ra quyết định bổ nhiệm các chức danh cho tờ báo, nên ngày 22 tháng 3/2001, Tổng biên tập Trần Vệ đành ký thông báo tạm thời phân công Chu Viết Luân giữ chức vụ Trợ lý tổng biên tập phụ trách phần kinh tế, dịch vụ và thay mặt tổng biên tập điều hành tòa soạn khi tổng biên tập đi vắng, còn tổng đại diện phía Nam của VEN cũ tên là Vĩnh Anh thì được giao phụ trách chi nhánh phía Nam.
Bạn,
Tưởng thế là vui cả làng rồi, nhưng vì cho rằng thỏa thuận ngày 8-3-2001 đã bị Trần Vệ vi phạm nên Chu Viết Luân vẫn tiếp tục xuất hiện trên các tờ tạp chí VEN cũ với chức danh là Tổng biên tập với trụ sở cũ số 2 Đại Cồ Việt chứ chẳng dính dáng gì đến tòa soạn VEN mới ở số 24 Thợ Nhuộm-Hà Nội, vẫn được in ngay ở Hà Nội chứ chẳng phải in lén lút gì. Ở phía Nam, các phóng viên của VEN cũ được cấp công văn có con dấu do “Tổng đại diện phía Nam” Vĩnh Anh ký tiếp tục lên đường tới các địa phương công tác. Ngày 20-4, tại văn phòng chi nhánh VEN cũ ở Sài Gòn, đoàn kiểm tra liên ngành CSVN đã yêu cầu bà Trần Kim Vân, phó tổng đại diện VEN cũ, đình chỉ hoạt động vì phạm luật báo chí, nữ viên chức này rằng Văn phòng phía Nam không nhận văn bản của Hà Nội yêu cầu đình chỉ. Đến ngày 8/5, cũng tại văn phòng này, đoàn kiểm tra lại đến và và yêu cầu tổng đại diện tạp chí VEN cũ là Vĩnh Anh tự niêm phong con dấu của tạp chí vì hết hiệu lực để nộp cho sở Văn hóa-Thông tin CSVN Sài Gòn ngày 9/5 nhưng Vĩnh Anh nại ra nhiều lý do để trì hoãn. Cuối cùng, ngày 11/5, bộ trưởng Thương mại CSVN phải ký quyết định thu hồi con dấu của VEN cũ, khi mà VEN cũ đã thu tiền nhiều địa phương để thực hiện các chuyên đề.